Thứ Ba, 8/10/2024
Tin hoạt động
Thứ Ba, 20/10/2009 21:9'(GMT+7)

Văn hóa, cầu nối tình hữu nghị Việt - Hàn

Hồ Gươm chiều thu

Hồ Gươm chiều thu

Hà Nội - thành phố của hồ nước và các con sông

Hà Nội, thành phố của hồ nước! Hồ đối với con người nơi đây vừa là nơi gắn liền với nguồn gốc lịch sử cuộc sống, vừa là điểm bắt đầu cũng như kết thúc của sinh hoạt hằng ngày. Ngoài ra, nó còn là quê hương - nơi chứa đựng đầy nỗi nhớ thương. Buổi tối, ven các bờ hồ được trải ra tuyệt đẹp như cảnh trong tác phẩm "Đêm đầy sao ở sông Rohne" (đoạn chảy qua thành phố Li-ông, Pháp) của danh họa Van Gốc. Xung quanh hồ là hình ảnh những đôi uyên ương ngồi bên nhau thì thầm chuyện trò cho đến tận đêm khuya. Tất cả thể hiện những hơi thở đa dạng của cuộc sống đang tụ họp về đây thấm đẫm trong từng ánh sao phản chiếu trên mặt hồ, bị cuốn trôi theo từng con sóng trên mặt nước. Những vì sao này tụ họp lại tỏa sáng lấp lánh một Hà Nội tuyệt đẹp.

Hà Nội - thành phố được bao quanh bởi các con sông. Nếu chỉ tính những hồ nước có diện tích tương đối nằm trong nội thành thì tổng cộng có khoảng 10 cái. Trước đây, khi cư dân chưa đông đúc, Hà Nội có lẽ đã được hình thành từ các cộng đồng dân cư ven các hồ. Dấu vết đó vẫn còn tồn tại và cho đến bây giờ khi Hà Nội đã là một thành phố lớn, tên các con đường huyết mạch và khu vực hành chính vẫn được đặt theo tên các hồ và phân chia luôn ranh giới. Khu vực hồ Hoàn Kiếm, một trong những đại diện tiêu biểu của Hà Nội, được gọi tên là quận Hoàn Kiếm, khu vực hồ Tây, hồ có diện tích lớn nhất Hà Nội thì được gọi là quận Tây Hồ.

Vào một buổi tối muộn, khi tôi đang trên đường ra sân bay, hàng hàng lớp lớp xe máy phủ kín đường nên ô tô không thể đi nhanh được. Tôi hỏi lái xe: "Sao lại có nhiều người như vậy? Họ đi đâu vào tối muộn như thế này ?"… Câu trả lời là: Họ đang hướng về phía hồ Tây. Đây là nơi những bạn trẻ yêu nhau thường tìm đến để hẹn hò, đặc biệt là tại "đường Hàn Quốc" và "đường Nhật Bản". Tôi ngạc nhiên hỏi tại sao lại có tên như vậy, câu trả lời rằng: Vì khi đến con đường này, người ta cảm nhận được bầu không khí lãng mạn như trong các bộ phim truyền hình Hàn Quốc và đầy màu sắc như lễ hội của Nhật Bản. Giữa một khung cảnh nên thơ với hàng cây hai bên hồ và buổi tối, mặt hồ càng đẹp hơn với ánh sao phản chiếu lấp lánh.

Làn sóng Hàn Quốc tại Việt Nam

Khi nói về tương lai của làn sóng Hàn Quốc (Hallyu) tại Việt Nam, một số người rất lạc quan nhưng cũng có những ý kiến bi quan. Dường như chúng ta đang đưa ra một kết luận vội vàng. Trên thực tế, tình hình sẽ thay đổi căn cứ trên cơ sở chúng ta tiếp cận nó ở mức độ nào. Nếu xét về phương diện con số, nhu cầu về Hallyu ở Việt Nam đang đạt đến sự ổn định ở một mức độ nào đó. Đặc biệt, hiện có khoảng 20 nghìn phụ nữ Việt Nam kết hôn với người Hàn Quốc. Đây không phải là con số nhỏ nhưng nếu tính đến gia đình và người thân của họ thì những người có "nhân duyên" với Hàn Quốc không ít. Khi Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc tổ chức sự kiện, đã có một đôi vợ chồng lớn tuổi đến tham dự. Họ ngồi giữa các bạn trẻ và xem buổi biểu diễn rất chăm chú và không bỏ qua bất kỳ tiết mục nào. Hỏi ra thì được biết, họ có cô con gái lấy chồng Hàn Quốc và đang sinh sống ở Hàn Quốc. Tấm lòng của các bậc sinh thành đều giống nhau vậy. Chỉ cần nghe thấy một từ Hàn Quốc là hai vợ chồng lớn tuổi nọ lại nhớ đến người con gái đi lấy chồng xa của mình. Việc gia tăng số người tiếp cận với Hàn Quốc như vậy cũng làm cho nhu cầu tìm hiểu về Hàn Quốc nhiều hơn.

Tuy nhiên, sẽ quá lạc quan nếu coi rằng, đây là nguyên nhân chủ yếu làm gia tăng thêm nhu cầu tìm hiểu về Hàn Quốc. Quan hệ giữa con người với con người với nhau được hình thành trên cơ sở dần dần biết nhau, quen nhau và quan tâm đến nhau. Nếu như người mình quan tâm không biết đến điều đó thì mình sẽ cảm thấy rất buồn. Quan hệ giữa các quốc gia, quan hệ văn hóa cũng như vậy. Nếu quốc gia đó, nền văn hóa đó chỉ tự hào và hãnh diện về những giá trị riêng của mình trong một, hai lần thì có thể chấp nhận được. Để làn sóng Hàn Quốc không phải là một sự thích thú đơn thuần với mọi người, mà trở thành cầu nối giao lưu văn hóa bền vững giữa hai quốc gia, một yêu cầu đặt ra với chính chúng ta là phải không ngừng nỗ lực để tìm hiểu về chính những người yêu thích Hallyu.

Văn hóa là cầu nối của tình hữu nghị

Quan hệ giao lưu văn hóa giữa Việt Nam và Hàn Quốc trong tương lai không chỉ dừng lại ở quan hệ một chiều, cần phát triển mối quan hệ này theo hướng "cho - nhận" giữa hai bên. Hai bên cần hợp sức để mối quan hệ này phát triển thành mối quan hệ hợp tác bình đẳng. Ví dụ như khi xây dựng một kịch bản nào đó, đạo diễn của Hàn Quốc, kịch bản của Việt Nam, diễn xuất sẽ là cả Hàn Quốc và Việt Nam... Chúng ta không nên chỉ nhìn thấy cái lợi ngay trước mắt giống như thấy một món ăn ngon thì ăn vội ăn vàng... Nếu chúng ta đi một mình, chúng ta có thể đi nhanh. Nhưng nếu cùng nhau đi thì chúng ta sẽ đi được xa. Làn sóng Hàn Quốc sẽ không nhanh chóng phát triển độc tôn ở Việt Nam. Tôi cho rằng, việc tìm ra con đường hợp tác lâu dài lẫn nhau là một việc rất quan trọng. Và chắc chắn rằng, văn hóa sẽ là cầu nối thúc đẩy giao lưu hợp tác và hiểu biết lẫn nhau giữa người dân hai nước.

Keum Gi Hyung-HNM0

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất