Thứ Bảy, 28/9/2024
Tin hoạt động
Thứ Sáu, 16/8/2013 14:10'(GMT+7)

“Văn hoá là nền tảng tinh thần của xã hội”

Toàn cảnh buổi giao lưu trực tuyến (Ảnh: Thu Hằng)

Toàn cảnh buổi giao lưu trực tuyến (Ảnh: Thu Hằng)

Sáng 16/8, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam phối hợp Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch tổ chức chương trình giao lưu trực tuyến với độc giả, chủ đề: Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 (Khóa VIII): Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội. Đồng chí Vương Duy Biên, Thứ trưởng Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch, cùng lãnh đạo các Cục, Vụ, Viện của Bộ đã tham dự và trực tiếp trả lời các câu hỏi của bạn đọc.
Sau Đề cương văn hóa Việt Nam năm 1943, Nghị quyết TW 5 ( Khóa VIII) Về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” vừa có tính chiến lược lâu dài, vừa có tính cương lĩnh hành động trong việc xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam thời kỳ đổi mới để thực sự bước vào thời kỳ CNH, HĐH và hội nhập quốc tế, tạo bước ngoặt về tư duy và nhận thức văn hóa.
Qua 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (Khoá VIII), có thể khẳng định, nhận thức về vai trò, vị trí văn hóa trong Đảng, trong xã hội được nâng lên rõ rệt. Chủ trương của Đảng về văn hóa được lan tỏa sâu rộng trong đời sống xã hội, góp phần quan trọng vào công cuộc phát triển của đất nước thời kỳ đầu đổi mới.

Cuộc giao lưu trực tuyến được tổ chức nhằm làm rõ hơn những thành tựu, hạn chế sau 15 năm thực hiện Nghị quyết; nhấn mạnh vai trò của văn hoá với sứ mệnh là nền tảng tinh thần của xã hội; đồng thời đánh giá việc triển khai Nghị quyết và hiệu quả, tác động của Nghị quyết đến cuộc sống; đề xuất phương hướng lãnh đạo, phát triển văn hoá trong thời gian tới phù hợp với bối cảnh quốc tế và thực tế đất nước; qua đó ngày càng khẳng định vững chắc rằng Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực và là hệ điều tiết sự phát triển kinh tế – xã hội

Tại buổi giao lưu trực tuyến, trả lời bạn đọc về những kết quả sau 15 năm triển khai, thực hiện NQTW 5 ( Khóa VIII)- cả những thành tựu và hạn chế, đồng chí Vương Duy Biên, Thứ trưởng Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch khẳng định, Nghị quyết Trung ương 5 (Khoá VIII) có tầm quan trọng đặc biệt, vừa giải quyết những vấn đề cấp bách trước mắt, vừa có tính định hướng chiến lược lâu dài về xây dựng và phát triển văn hoá của nước ta, đã mang lại xã hội nhiều nhận thức mới về văn hoá trong bối cảnh mới bước vào nền kinh tế thị trường, đem lại sinh khí cho đời sống văn hoá đất nước, sự nghiệp văn hoá thực sự có bước chuyển mình. Những tiến bộ trên nhiều lĩnh vực 15 năm qua đã có sự đóng góp của Ngành văn hoá trong quá trình thực hiện, triển khai Nghị quyết.

Nhìn chung, diện mạo của văn hoá Việt Nam có sự khởi sắc, từ tính đa dạng và nét đặc trưng trong văn hoá của các dân tộc và đại gia đình các dân tộc Việt Nam. Đời sống văn hoá cơ sở đã có bước phát triển với những phong trào thiết thực; nhận thức về giá trị di sản văn hoá ngày càng nâng cao; bảo tồn, phát huy văn hoá các dân tộc thiểu số được quan tâm, coi trọng; thể chế và thiết chế văn hoá được củng cố, hoàn thiện; xã hội hoá các hoạt động văn hoá gắn với cơ chế thị trường, huy động trí tuệ và nguồn vốn xã hội thúc đẩy văn hoá; giao lưu hội nhập văn hoá quốc tế từng bước mở rộng; Tuy nhiên, bên cạnh đó còn có những hạn chế đáng quan ngại: sự xuống cấp về đạo đức, lối sống của một bộ phận trong xã hội ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống tinh thần, môi trường văn hoá lành mạnh; hệ giá trị văn hoá truyền thống bị xáo trộn, trong khi những giá trị mới tốt đẹp chưa được khẳng định, mất cân bằng giữa đời sống vật chất và đời sống tinh thần; thành tựu sáng tạo văn học, nghệ thuật chưa nổi bật…

Trả lời tại cuộc giao lưu trực tuyến, PGS.TS Nguyễn Chí Bền, Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam khẳng định: Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch đã nỗ lực cùng các Bộ, ngành khác trong 15 năm qua xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện về mọi mặt đức - trí - thể - mỹ, trong đó biểu hiện rõ nhất là trên các lĩnh vực: Xây dựng tư tưởng đạo đức, phát triển các ngành nghệ thuật, xây dựng gia đình, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống, phát triển thể chất… thông qua các hoạt động văn hóa phong phú tại các thiết chế văn hóa đa dạng từ Trung ương đến địa phương.

Việc giáo dục đạo đức, xây dựng phẩm chất tốt đẹp cho con người Việt Nam diễn ra trong mọi mặt của đời sống xã hội thông qua phim ảnh, ca nhạc, sân khấu, mỹ thuật, văn nghệ dân gian, phong tục, tập quán, lễ hội… Các loại hình văn hóa nghệ thuật đã cung cấp những món ăn tinh thần quan trọng cho công chúng, một phần đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của xã hội, mặt khác góp phần vào quá trình hoàn thiện nhân cách con người. Tự do tín ngưỡng được tôn trọng. Những giá trị văn hóa đạo đức truyền thống được tôn vinh. Tính năng động, tích cực của người dân được phát huy, sở trường và năng lực cá nhân được khuyến khích. Nhiều nét mới trong giá trị văn hóa, chuẩn mực đạo đức đang dần được khẳng định. Xã hội Việt Nam hiện đang hình thành những giá trị đạo đức mới, tốt đẹp, thể hiện trong thái độ sống, lối sống, phong cách lao động và học tập, ở tinh thần tự hoàn thiện cá nhân.

Tuy nhiên, các vị khách mời cũng cho rằng hạn chế lớn nhất trong xây dựng con người những năm vừa qua là sự suy thoái về tư tưởng, xuống cấp về đạo đức, tha hóa về lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, gây bức xúc trong xã hội, ảnh hưởng đến niềm tin của người dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ. Cần phải xây dựng nghị quyết mới về văn hoá, trong đó trọng tâm là xây dựng con người Việt Nam văn hoá là vấn đề trọng tâm, phù hợp với thực tiễn phát triển hiện nay.

PV
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất