Thứ Sáu, 22/11/2024
Văn hóa
Thứ Tư, 5/6/2019 16:25'(GMT+7)

Văn hóa phải làm tròn sứ mệnh “soi đường cho quốc dân đi”

Cảnh trong vở dân ca kịch “Chói rạng sơn hà” của Đoàn Ca kịch bài chòi Bình Định. (Ảnh: qdnd.vn)

Cảnh trong vở dân ca kịch “Chói rạng sơn hà” của Đoàn Ca kịch bài chòi Bình Định. (Ảnh: qdnd.vn)

- Nghị quyết số 33-NQ/TW có ý nghĩa như thế nào đối với sự nghiệp phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong giai đoạn cách mạng mới, thưa bà?

Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy: Sau 15 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 5, khóa VIII, văn hóa Việt Nam tuy có những thành tựu đáng ghi nhận, nhưng chất lượng phát triển văn hóa chưa tương xứng, đặc biệt việc xây dựng con người chưa thực sự thành công. Sự xuống cấp đạo đức của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên có chiều hướng gia tăng, làm xói mòn niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng.

Vì vậy, sự ra đời của Nghị quyết số 33-NQ/TW là bước phát triển quan trọng trong tư duy lý luận của Đảng về văn hóa, góp phần định hướng văn hóa nước ta trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Nghị quyết một lần nữa đề cao vai trò của văn hóa, coi văn hóa là trụ cột của phát triển đất nước bền vững, là nhân tố phát huy sức mạnh tổng hợp của quốc gia.

Sự ra đời của Nghị quyết khẳng định phát triển văn hóa, xây dựng con người có mối quan hệ biện chứng. Phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam hiện nay là nhiệm vụ trọng đại và cấp bách, đòi hỏi sự thống nhất cao độ giữa nhận thức và hành động, giữa mong muốn và việc thực hiện, là trách nhiệm và sự nghiệp chung của cả hệ thống chính trị, cần tới sự phối hợp đồng bộ của các cấp, các ngành, mỗi gia đình, cộng đồng và toàn xã hội.

TS. Trịnh Thị Thủy

- Thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) đã có những bước triển khai như thế nào để thể hiện rõ vai trò quản lý nhà nước về lĩnh vực này?

Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy: Sau 5 năm triển khai, nhìn tổng thể, lĩnh vực VH,TT&DL đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Tư tưởng, đạo đức và lối sống-lĩnh vực then chốt của văn hóa đã có những chuyển biến tích cực. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” là cuộc vận động quần chúng tham gia xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh được mở rộng và ngày càng đi vào chiều sâu. Phong trào xây dựng gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển, đề cao giá trị đạo đức, phát huy truyền thống tốt đẹp của gia đình, làng bản.

Những thành tích, kết quả đáng tự hào của thể thao Việt Nam tại các giải quốc tế là động lực, cổ vũ tinh thần cho nhân dân. Văn học, nghệ thuật đã nắm bắt được dòng mạch chính là chủ nghĩa yêu nước và nhân văn, gắn bó với dân tộc, lực lượng văn nghệ sĩ và văn nghệ các dân tộc thiểu số có bước phát triển.

Hoạt động bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa của dân tộc đã đạt được nhiều kết quả tích cực, nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể được nghiên cứu, nhận diện, bảo vệ và phát huy giá trị, đặc biệt là các di sản được UNESCO ghi danh. Hoạt động hợp tác quốc tế về VH,TT&DL được tổ chức sôi nổi, góp phần làm cho các hoạt động này trở thành một trong những kênh quan trọng trong công tác đối ngoại của Nhà nước…

Bên cạnh đó, hệ thống pháp luật tiếp tục được hoàn thiện, đồng thời cũng tạo điều kiện cho nhân dân-chủ thể của văn hóa tham gia tích cực vào hoạt động sáng tạo và hưởng thụ văn hóa, đóng vai trò là phương tiện để thực hiện chủ trương của Đảng về xã hội hóa hoạt động văn hóa, thu hút đầu tư cho văn hóa, từng bước triển khai chủ trương phát triển các ngành công nghiệp văn hóa.

- Trong cuộc làm việc mới đây với Bộ VH,TT&DL, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã nêu một số bất cập như: Một số phong trào văn hóa đã bắt đầu giảm “sức sống”; xã hội nảy sinh nhiều vấn đề về ứng xử văn hóa, đạo đức… gây bức xúc dư luận. Vậy đâu là nguyên nhân dẫn tới thực trạng trên, thưa bà?

Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy: Có nhiều nguyên nhân dẫn đến những hạn chế, bất cập trong thời gian qua. Cấp ủy, chính quyền nhiều địa phương chưa quan tâm đầy đủ, lãnh đạo, chỉ đạo chưa thật quyết liệt. Việc cụ thể hóa, thể chế hóa nghị quyết của Đảng còn chậm, thiếu đồng bộ và trong một số trường hợp thiếu khả thi. Công tác quản lý nhà nước về văn hóa chậm được đổi mới, có lúc, có nơi bị xem nhẹ, thậm chí buông lỏng; kỷ luật, kỷ cương không nghiêm. Đầu tư cho lĩnh vực văn hóa chưa tương xứng và còn dàn trải; chưa quan tâm đúng mức công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.

Vấn đề cần nêu nữa là nhận thức về vai trò của văn hóa đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước chưa đồng bộ ở các cấp, các ngành. Sự gắn kết giữa văn hóa với công tác xây dựng Đảng, chính quyền chưa tương xứng với nhiệm vụ đề ra; giáo dục tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống văn hóa còn bị coi nhẹ; chức năng kinh tế của văn hóa trong phát triển kinh tế-xã hội chưa được quan tâm đúng mức. Việc xây dựng văn bản pháp luật, chính sách về phát triển văn hóa, xây dựng con người chưa theo kịp tình hình thực tiễn, đặc biệt là các vấn đề, như: Thị trường văn hóa, công nghiệp văn hóa, quản lý các phương tiện truyền thông mới, văn hóa giới trẻ, văn hóa mạng, xã hội hóa văn hóa...

- Thời gian tới, ngành VH,TT&DL sẽ có những giải pháp nào để xây dựng hệ giá trị văn hóa mới, bảo đảm cho sự phát triển bền vững của đất nước?

Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy: Để khắc phục những hạn chế trên, ngành VH,TT&DL đã đề ra các giải pháp cũng như có những kiến nghị. Trước nhất, đề nghị Ban Bí thư có kết luận về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW. Việc tiếp tục thực hiện nghị quyết sẽ giúp giải quyết tốt hơn nữa những vấn đề đang đặt ra đối với sự phát triển văn hóa, con người hiện nay. Bộ VH,TT&DL cũng kiến nghị Ban Chấp hành Trung ương xem xét đưa phát triển văn hóa trở thành một trong những đột phá trong phát triển đất nước vào Văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Kiến nghị tới các cơ quan có thẩm quyền tăng mức đầu tư cho văn hóa đạt 2% tổng chi ngân sách Nhà nước. Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội; thực sự phải coi “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi” như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Trên thực tế, nhờ có việc ban hành nghị quyết, nhiều cơ quan, ban, ngành và địa phương đã nhìn nhận rõ hơn về vai trò và vị trí của văn hóa, từ đó hình thành những chương trình, dự án, đề án để đầu tư cho văn hóa. Dù vậy, so với kỳ vọng của ngành VH,TT&DL, chúng tôi vẫn mong muốn nhiều hơn sự quan tâm của các cấp, các ngành và các địa phương đối với lĩnh vực văn hóa, để văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần của xã hội, đứng ở vị trí trung tâm của phát triển, giữ vai trò điều tiết xã hội, định hướng sự phát triển của xã hội bằng mục đích nhân văn của mình./.

- Trân trọng cảm ơn bà!

Vương Hà/qdnd.vn (thực hiện)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất