Thứ Hai, 23/12/2024
Sinh hoạt tư tưởng
Thứ Bảy, 10/3/2012 21:41'(GMT+7)

Văn hoá tiêu dùng

Vào dịp Tết, gia đình nào cũng trù tính các khoản chi tiêu nhiều hơn những ngày thường. Nào là sắm sửa một số vật dụng mới trong nhà, may hoặc mua một số quần áo để trẻ nhỏ vui có manh áo mới, rồi thức ăn ngày Tết cũng phải tươm tất hơn và trong tình hình hiện nay, một số người còn phải lo quà biếu “sếp”... Bóp bụng quanh năm để tiêu pha ba ngày Tết là điều không hợp lý nhưng cũng cần thông cảm. Tuy nhiên mỗi nhà mỗi khác, mỗi năm mỗi khác, năm nay tình hình kinh tế có khó khăn, xem ra các cửa hàng may mặc, cửa hàng rượu ngoại không rộn rã như mọi năm. Dù tình hình nào thì mỗi nhà cũng phải chi tiêu theo khả năng của mình, có vay nóng để chi tiêu thì cũng tính đến khả năng ra giêng gò lưng trả nợ.

Nhớ lại thời kỳ chiến tranh, mọi người không có khả năng lựa chọn tiêu dùng vì mọi thứ đã ở trong khoản tem phiếu bao cấp, có lúc tuy có tiền cũng không có hàng để mua. Bây giờ đã khác, sau những năm đổi mới và hội nhập, mở cửa, đất nước phát triển, nhiều gia đình đã có đời sống khấm khá, xã hội hình thành tầng lớp trung lưu, có một số người giầu, thậm chí rất giầu, cho nên khả năng tiêu dùng của người dân tăng lên, hàng hóa sản xuất trong nước và nhập khẩu đều sẵn. Tuy nhiên cũng có lúc thấy giật mình khi đọc thông tin trên mạng, thấy cơ quan MC xếp hạng khả năng tiêu dùng của người dân nước ta cao hơn cả Hàn Quốc và Đài Loan, là nước và vùng lãnh thổ có nền kinh tế phát triển cao hơn nước ta nhiều lần. Cũng không biết họ điều tra kiểu gì để đưa ra nhận định đó, nhưng nhiều người cho rằng họ điều tra với mục đích thương mại, nhằm cung cấp cho các nhà phân phối thông tin để tham gia thị trường các mặt hàng tiêu dùng cao cấp cho nên thường chính xác.

Có một anh bạn nhà báo khi nhận thông tin có cửa hàng bán một bát phở bò Kobe giá 750.000đ vội đến tìm hiểu thì thấy toàn người Việt ta đến ăn, không có người ngoại quốc nào cho dù phở là món ăn họ ưa thích. Rồi xe sang và đắt tiền trên thế giới như Rolls Royce, Phantom, BMW... đã có mặt ở nước ta hàng chục chiếc, một số đám cưới của “thiếu gia” với hàng chục xe đắt tiền diễu phố khoe của, nhiều hãng thời trang nổi tiếng thế giới đều có đại lý bán hàng ở nước ta...!

Trong cuộc sống, tiêu dùng của mỗi người là trong khả năng của người đó theo cái lý lẽ “làm ra nhiều tiền thì phải tiêu nhiều”. Nhưng không hẳn đã như thế. Có người thử làm một cuộc điều tra nhỏ thì thấy có một số người chi tiêu không phải vì nhu cầu mà chọn mua mặt hàng đắt nhất chứ không nhất thiết tốt nhất, cốt tìm kiếm “giá trị ảo”, cho rằng đi xe sang hơn, mặc bộ quần áo, đeo chiếc túi đắt tiền của các hãng thời trang nổi tiếng trên thế giới thì “đẳng cấp” của họ cao hơn hẳn bạn bè, đồng nghiệp. Lại có người sẵn tiền (có khi đi vay) để thỏa mãn cái tính “chơi trội”, tìm cách mua hàng “độc”, cái xe mình đi, đồ đạc mình dùng phải vào hạng tốt nhất, đắt nhất, không bao giờ chịu thứ nhì...

Trong thời khó khăn, thì dân ta chú trọng “ăn chắc mặc bền”, nhưng đã đến thời nhiều gia đình có thể tính đến “ăn ngon, mặc đẹp”. Nhưng “ngon” đến đâu và “đẹp” đến đâu trong lúc đời sống của nhiều vùng và nhiều gia đình còn khó khăn, nhiều nhà còn phải lo ăn từng bữa? Với thái độ không kính trọng, thậm chí khinh bỉ, dân ta gọi những người tiêu xài lãng phí, khoe khoang là trọc phú với cái túi tiền to nhưng cái đầu thì bé.

Có học giả về tâm lý học đã nói: trong hoàn cảnh đất nước còn nghèo, sự phân biệt giầu nghèo đang doãng ra quá nhanh thì sự tiêu dùng hoang phí, xa xỉ của một số ít người sẽ làm cho người nghèo thêm tủi thân. Cho nên tiêu dùng là quyền của cá nhân, của từng gia đình, nhưng lại có văn hóa tiêu dùng, đạo đức tiêu dùng./.

Hữu Thọ

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất