Trong cuốn sách Chiến tranh và chống chiến tranh: sự sống còn của loài người ở buổi bình minh của thế kỷ XXI, Alvin Toffler và Heidi Toffler viết: "Trong 2.340 tuần kể từ năm 1945 đến 1990, thế giới chỉ có ba tuần là thật sự không có chiến tranh". Ở đây, khi nhắc đến "chiến tranh", hai tác giả muốn nói đến và bao hàm cả các cuộc "xung đột" dưới những hình thức khác nhau, trong đó có xung đột văn hóa. Từ đó thiết nghĩ, nhận xét của hai ông vẫn có ý nghĩa đối với chúng ta.
Thông thường, xung đột xã hội xuất hiện chủ yếu khi có mâu thuẫn giữa các quyền lợi. Tuy nhiên, trong sự tồn tại của mỗi quốc gia, xung đột lại thường xảy ra giữa các tộc người, cụ thể là giữa các tộc người thiểu số với các tộc người đa số, giữa khu vực văn hóa ngoại vi với khu vực văn hóa trung tâm. Việt Nam là một quốc gia đa tộc người, có tính đa dạng văn hóa, cho nên xung đột xã hội và xung đột văn hóa đôi khi khó tránh khỏi. Ngoài ra, với tư cách là một nước đang chuyển sang cơ chế thị trường, vấn đề quyền lợi rất dễ làm nảy sinh mâu thuẫn giữa trung tâm và ngoại vi. Vì thế, vấn đề xung đột đòi hỏi chúng ta phải nhận thức rõ ràng để có giải pháp ngăn chặn.
Xét đến cùng, giải quyết vấn đề xung đột là giải quyết mâu thuẫn về quyền lợi, khắc phục tình trạng thiếu dân chủ. Và mặc dù xung đột văn hóa có thể được quy giản thành xung đột kinh tế, nhưng giải quyết xung đột kinh tế lại cần dựa vào giải pháp văn hóa và chính trị. Vì thế, những giải pháp quan trọng nhất cho vấn đề xung đột chính là các giải pháp văn hóa và chính trị.
Quyền tự do văn hóa là một trong những khía cạnh quan trọng của sự phát triển con người. Việc tôn trọng quyền con người được coi là điều kiện quan trọng nhất để bảo đảm cho một nền hòa bình bền vững. Và quyền văn hóa chốt lại có lẽ chỉ là quyền tự do văn hóa. Tự do văn hóa được thể hiện ở các quyền: không bị can thiệp trong việc hưởng thụ văn hóa, tự do sáng tạo và đóng góp cho văn hóa, tự do lựa chọn nền văn hóa nào và đời sống văn hóa nào để tham gia, tự do hợp tác quốc tế và tự do tham gia vào việc hoạch định, thực hiện các chính sách về văn hóa.
Rõ ràng, tự do văn hóa là một trong những giá trị tối cao của con người, trở thành một trong những phương diện nghĩa của khái niệm văn hóa. Theo quan điểm của Báo cáo phát triển con người 2004 của UNDP, tự do văn hóa có nghĩa là mọi người dân phải được quyền tự do trở thành chính mình, được lựa chọn bản sắc văn hóa cho mình, được người khác tôn trọng, được sống theo đúng chân giá trị của mình. Mọi người đều có quyền được thực hiện các lựa chọn văn hóa mà không bị trừng phạt, không bị loại trừ khỏi những sự lựa chọn khác, được quyền lựa chọn nhiều bản sắc chứ không phải chỉ một bản sắc (hdr.undp.org - 2004). Công nhận tự do văn hóa của người dân tức là phải mở rộng các khả năng lựa chọn của họ. Trong thời đại toàn cầu hóa hiện nay, người ta còn nói đến một tư cách "công dân thế giới". Tư cách là công dân của một quốc gia với tư cách là công dân của thế giới đang có sự xích lại gần nhau.
Hiện tại người ta đang chú ý đến đa dạng văn hóa với tư cách là kết quả của quyền được khác biệt của mọi người dân, của tự do văn hóa, song việc xích lại gần nhau của các "công dân thế giới" như vừa nói trên đây lại làm nảy sinh quan niệm về một cái quyền mới cũng không kém phần quan trọng so với quyền được khác biệt, thậm chí có khi còn quan trọng hơn: đó là quyền được giống nhau. Dù con người có nhiều sự lựa chọn hơn, nhưng họ lại có xu hướng lựa chọn những sự vật giống nhau. Ðây là xu hướng hướng tâm, tham gia vào trung tâm để phát triển, tiến tới thu hẹp sự khác biệt giữa trung tâm và ngoại vi để giảm thiểu nguy cơ xung đột.
Ðể tránh nguy cơ xung đột, ngoài việc xác định quan niệm đúng đắn về tự do văn hóa ở cấp quốc gia và quốc tế, các quốc gia cần đề ra và thực thi những chính sách văn hóa cụ thể. Giới khoa học trên thế giới nhận xét rằng, trước đây, các nhà hoạch định chính sách văn hóa thường khá quan tâm đến việc khuyến khích nghệ thuật, bảo vệ di sản văn hóa, hơn là đến việc khuyến khích tự do văn hóa. Ngay cả ngày nay, các cuộc tranh luận chủ chốt vẫn cơ bản tập trung vào việc bảo vệ di sản văn hóa. Người ta đã coi trọng vấn đề di sản mà gần như lãng quên vấn đề tự do văn hóa.
Ðể bảo đảm tự do văn hóa, các quốc gia cần ban hành chính sách đa văn hóa trong chiến lược phát triển con người, xã hội. Ðó cũng là chính sách quan tâm đến ngoại vi. Làm như thế, có thể sẽ tránh được nguy cơ xung đột trong nước và xung đột quốc tế. Với tinh thần này, hiện nay các nước trên thế giới đang phải đương đầu với một thách thức to lớn là họ phải soạn thảo các chính sách đặc thù của đất nước để cho phép mở rộng những sự lựa chọn chứ không phải là thu hẹp chúng, bằng cách bảo vệ và phát triển bản sắc dân tộc, trong khi vẫn mở rộng cửa biên giới. Các chính sách đa văn hóa có mục tiêu là bảo vệ các bản sắc của người dân và đa dạng văn hóa, khuyến khích tự do văn hóa và hội nhập quốc tế, nhằm mục đích cuối cùng là phát triển con người với đầy đủ phẩm chất của nó. Ngoài ra, chính sách đa văn hóa không thể có hiệu quả nếu không được kết hợp với các chính sách kinh tế và xã hội, nhằm bảo đảm cho mọi người dân, kể cả những người nhập cư, có được cơ hội tham gia vào các hoạt động kinh tế, chính trị và xã hội, có được quyền dân chủ, được đối xử công bằng và bình đẳng. Trong số những đề xuất của UNDP về các chính sách đa văn hóa, cần đặc biệt chú ý đến hai loại chính sách: - Chính sách về tôn giáo và về việc thực hành tôn giáo; - Chính sách về việc sử dụng nhiều ngôn ngữ (hay còn gọi là chính sách đa ngôn ngữ).
Hiện nay trên thế giới, nhiều cộng đồng thiểu số về tôn giáo đang phải chịu nhiều hình thức loại trừ khác nhau. Vì tôn giáo có tầm quan trọng sâu sắc đối với các bản sắc của người dân, cho nên không có gì ngạc nhiên là các cộng đồng thiểu số tôn giáo thường huy động lực lượng để chống lại những loại trừ đó. Nếu không được kiểm soát một cách đúng đắn, thì các chiến dịch huy động này có thể biến thành bạo lực. Cho nên, vấn đề sống còn đối với các quốc gia là cần học cách kiểm soát được các hoạt động tôn giáo. Ở Việt Nam, tuân thủ nguyên tắc tự do tôn giáo, Hiến pháp cho phép mọi người dân có cả quyền tự do tín ngưỡng lẫn quyền tự do không tín ngưỡng, các tôn giáo đều được phép tự do hoạt động trong khuôn khổ của pháp luật. Từ thực tế của vấn đề, có thể khẳng định ở Việt Nam chúng ta đã thật sự có tự do tôn giáo.
Ðối với các chính sách về việc sử dụng nhiều ngôn ngữ, cái mà các nước đa ngôn ngữ cần là công thức ba ngôn ngữ (như UNDP đề xuất), cho phép công khai công nhận việc sử dụng ba loại ngôn ngữ: 1. Một ngôn ngữ quốc tế: Trong kỷ nguyên toàn cầu hóa như hiện nay, tất cả các nước cần phải thành thạo một ngôn ngữ có vị trí quốc tế để tham gia vào nền kinh tế và các mạng toàn cầu; 2. Một ngôn ngữ chung cho một khu vực; 3. Tiếng mẹ đẻ (UNDP, đd). Ở nước ta, công thức này đang được cụ thể hóa thành ba loại ngôn ngữ như sau: 1. Tiếng Anh (hay Pháp, Nga, Trung Quốc); 2. Tiếng Việt - là tiếng phổ thông cho cả nước; 3. Tiếng mẹ đẻ của các dân tộc thiểu số. Rất nhiều dân tộc thiểu số từ chỗ chưa có chữ viết nay đã có chữ viết riêng. Ðài phát thanh và truyền hình ở nước ta cũng đã có các chương trình phát bằng một số tiếng dân tộc thiểu số chủ chốt phục vụ các dân tộc thiểu số. Có thể nói, chúng ta đang hành động đúng với phương hướng đa văn hóa của UNDP. Ðây là một phương hướng nhằm thiết lập mối quan hệ đúng đắn giữa trung tâm và ngoại vi nhằm tránh nguy cơ xung đột xã hội.
Tuy nhiên trong một số trường hợp, giải pháp văn hóa không có khả năng giải quyết vấn đề xung đột. Vì thế cần có những giải pháp quyết liệt và căn cơ hơn, nhất là giải pháp chính trị. Rất nhiều khi, xung đột xảy ra như là hậu quả của tham nhũng, lạm dụng quyền lực, trong các trường hợp nghiêm trọng nhất, tham nhũng và lạm dụng quyền lực thường xuất hiện trong lĩnh vực quy hoạch đất đai, quy hoạch đô thị. Trong quá trình phát triển, đất nước cần tái cơ cấu đô thị và nông thôn, và thế là trong quá trình quy hoạch đô thị và nông thôn, một số quan chức đã lạm dụng quyền lực để mưu cầu lợi ích cá nhân, dẫn đến xung đột xã hội, đôi khi dẫn đến bạo lực. Ðể tránh xung đột, bộ máy chính trị và pháp luật cần trong sạch, liêm chính. Luật pháp cần khoa học, hợp lý, dân chủ, cần được tôn trọng, áp dụng nghiêm. Người dân cần có quyền được phản biện và giám sát bộ máy hành pháp của Nhà nước. Ðây chính là mục tiêu chính của nền dân chủ mà Việt Nam cần theo đuổi. Nói tóm lại, pháp quyền là mục tiêu tối cao, là cơ sở chủ yếu của nền dân chủ của nước ta. Ðây chính là điểm mấu chốt của việc giải quyết vấn đề xung đột xã hội. Như vậy, nhận thức được bản chất của vấn đề xung đột là rất quan trọng, từ đó có thể rút ra các giải pháp thích hợp và hiệu quả, trong đó giải pháp văn hóa là một trong những giải pháp góp phần chủ yếu và có ý nghĩa lâu dài để ngăn ngừa xung đột./.
Theo Nhân Dân