Thứ Tư, 30/10/2024
Tuyên truyền
Thứ Sáu, 17/3/2017 15:55'(GMT+7)

“Văn hóa và con người Ninh Bình trong phát triển bền vững”

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh Ninh Bình, các nhà khoa học và các đại biểu dự Hội thảo.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh Ninh Bình, các nhà khoa học và các đại biểu dự Hội thảo.

Ngày 17/3, thực hiện Nghị quyết số 33 - NQ/TW, ngày 09/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Ninh Bình lần thứ XXI (nhiệm kỳ 2015 - 2020) và Quyết Định số 214 - QĐ/TU ngày 11/5/2016 Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Ninh Bình phối hợp với Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học “Văn hóa và con người Ninh Bình trong phát triển bền vững”. Đây cũng là một trong những hoạt động thiết thực, có ý nghĩa quan trọng hướng tới kỷ niệm lần thứ 25 ngày tỉnh Ninh Bình được tái lập (1992 - 2017); đồng thời, cũng là một trong những nhiệm vụ được ưu tiên triển khai trong Chương trình phối hợp công tác giữa Đại học quốc gia Hà Nội và tỉnh Ninh Bình.

Dự và chủ trì hội thảo có các đồng chí: Nguyễn Thị Thanh, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; PGS.TS Nguyễn Kim Sơn, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội; GS.TSKH Vũ Minh Giang, Phó Chủ tịch Hội đồng di sản Quốc gia, Chủ tịch Hội đồng khoa học đào tạo; Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Đinh Văn Điến, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh. Cùng dự có lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương, lãnh đạo Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; đại diện lãnh đạo các Cục, Vụ, Viện, các Ban các cơ quan Trung ương và Đại học Quốc gia Hà Nội; các nhà khoa học tham luận tại Hội thảo; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND, lãnh đạo UBND, lãnh đạo Đoàn đại biểu Quốc hộitỉnh; các sở, ban, ngành đoàn thể của tỉnh; lãnh đạo các huyện, thành phố. 

Hội thảo hướng đến 3 mục tiêu chính: 1) Nghiên cứu, thảo luận, đánh giá toàn diện và sâu sắc về nguồn lực văn hóa của Ninh Bình, trên cơ sở đó đề xuất các mô hình, giải pháp bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, nâng cao hiệu quả lãnh đạo, quản lý nhà nước về văn hóa ở địa phương, phát huy cao độ vai trò, hiệu quả của nguồn lực văn hóa trong quá trình phát triển nhanh và bền vững của tỉnh Ninh Bình. 2) Làm rõ những đặc trưng cơ bản của con người đất Cố đô Hoa Lư - Tràng An - Ninh Bình; làm rõ tình hình nguồn nhân lực hiện nay (đặc điểm, cấu trúc xã hội, trình độ, năng lực, ưu điểm, hạn chế, v.v..); dự báo yêu cầu nguồn nhân lực nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững. Trên cơ sở đó, Hội thảo có nhiệm vụ đề xuất các mô hình, giải pháp để phát triển nguồn nhân lực cả về phẩm chất, năng lực, số lượng với cấu trúc phù hợp để phục vụ yêu cầu phát triển bền vững của tỉnh. 3) Thông qua Hội thảo thúc đẩy gắn kết và hợp tác chặt chẽ, thiết thực và hiệu quả giữa tỉnh Ninh Bình với các Bộ, ngành, cơ quan khoa học và công nghệ ở Trung ương, nhất là Đại học Quốc gia Hà Nội. Trên cơ sở kết quả của Hội thảo, đề xuất đươc một số nhiệm vụ khoa học và công nghệ trọng điểm có ý nghĩa thiết thực đối với sự nghiệp phát triển bền vững của tỉnh để lãnh đạo tỉnh xem xét, phê duyệt và các ban, ngành và các cơ quan khoa học và công nghệ phối hợp tổ chức triển khai.

Ban Tổ chức đã nhận được 33 bản tham luận của các nhà khoa học ở Trung ương, Đại học Quốc gia Hà Nội và địa phương. Các bản tham luận tập trung nghiên cứu, trao đổi và làm rõ 4 nhóm nội dung chính: 

Một là, vị thế của Ninh Bình trong toàn bộ lịch sử quốc gia - dân tộc, thông qua đó, phân tích, chỉ ra vị trí địa - chính trị, địa - chiến lược của Ninh Bình đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; nhất là quá trình hình thành và bồi tụ, lan tỏa những giá trị truyền thống của quê hương Ninh Bình. Vùng đất Trường An - Hoa Lư xưa và Ninh Bình ngày nay rõ ràng có một vị thế đặc biệt trong phối cảnh địa - chiến lược quốc gia và khu vực, vì thế không phải ngẫu nhiên mà nơi đây đã được chọn làm chốn Đế đô của nước Đại Cồ Việt trong những năm đầu kỷ nguyên độc lập và thống nhất. 

Trong các thời kỳ lịch sử tiếp theo, Ninh Bình cũng luôn luôn là vùng trọng địa, có vị trí đặc biệt đối với sự tồn vong, hưng thịnh của quốc gia - dân tộc: đó là vùng đất bản bộ của nhiều cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, là điểm kết nối chiến lược giữa vùng trung châu Bắc Bộ với vùng Thanh - Nghệ - Tĩnh và xuôi vào phía Nam, là điểm kết nối giữa miền xuôi, vùng biển với vùng rừng núi. Vị thế đó, như tham luận của nhiều nhà khoa học đã chỉ ra và phân tích rất sâu sắc, đã tạo nên cái khí chất “địa linh” của đất Đế đô một thuở và ngày nay vẫn tiếp tục là một trong những nguồn lực có ý nghĩa chiến lược của Ninh Bình trên lộ trình phát triển nhanh và bền vững.
 
Hai là, đánh giá toàn diện, sâu sắc về nguồn lực văn hóa của Ninh Bình, trên cơ sở đó đề xuất các mô hình, giải pháp phát huy cao độ vai trò, hiệu quả của nguồn lực văn hóa trong quá trình phát triển nhanh và bền vững của Ninh Bình từ nay cho đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030. Là vùng đất có vị thế địa - chiến lược quan trọng, lại là nơi giao thoa, kết nối của nhiều tiểu vùng văn hóa nên vùng đất Ninh Bình sở hữu nguồn lực văn hóa vô cùng phong phú và đặc sắc. Giá trị của hệ thống di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của Ninh Bình, nhấn mạnh không chỉ tính phong phú về số lượng, đa dạng về loại hình mà nhất là những giá trị đặc hữu gắn với các di sản văn hóa.
 
Theo khảo sát, thống kê sơ bộ, hiện nay Ninh Bình đang sở hữu khoảng 1.500 di tích lịch sử - văn hóa, trong đó 315 di tích đã được xếp hạng, với 79 di tích cấp quốc gia, 235 di tích cấp tỉnh. Riêng di tích Cố đô Hoa Lư và quần thể danh thắng Tràng An là di tích quốc gia đặc biệt, được UNESCO vinh danh Di sản Văn hóa, thiên nhiên thế giới. Với những nguồn lực văn hóa to lớn và đặc sắc như vậy, từ hàng chục thế kỷ Ninh Bình đã trở thành không gian văn hóa có sức hấp dẫn cao. Nhân dân cả nước từ nhiều đời đã hướng về đất Hoa Lư - Tràng An như hướng về cội nguồn sức mạnh của dân tộc, nơi có những vị hoàng đế anh hùng, lừng lẫy võ công như Đinh Bộ Lĩnh và Lê Hoàn, nhưng cũng là nơi gắn với tên tuổi các bậc cao tăng như Pháp Thuận, Khuông Việt, Minh Không; và cũng là nơi lưu dấu tích hào hùng của dân tộc trong các cuộc kháng chiến chống giặc Mông - Nguyên, giặc Mãn Thanh và sau này là giặc Pháp, giặc Mỹ. Vùng đất này cũng rất nổi tiếng với các danh thắng thuộc hàng đệ nhất trời Nam, với ngôi nhà thờ đá Phát Diệm vô cùng độc đáo, với các khu bảo tồn sinh thái quốc gia như Cúc Phương, Vân Long... Ngày nay, Ninh Bình cũng đã trở thành một địa chỉ văn hóa có sức hấp dẫn cao, được ghi danh toàn cầu với khu di tích danh thắng Tràng An được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới vào năm 2014.

Ba là, đánh giá toàn diện và sâu sắc về nguồn lực con người ở Ninh Bình, làm rõ những đặc trưng, đặc điểm, tính cách của con người Ninh Bình. Trên cơ sở đó, đề xuất các mô hình, giải pháp để phát triển nguồn nhân lực cả về phẩm chất, năng lực, số lượng với cấu trúc phù hợp để phục vụ yêu cầu phát triển bền vững của tỉnh. Tiếp cận từ góc độ sử học và văn hóa chính trị, Ninh Bình từ thời tiền sử đến nay luôn thực sự xứng đáng là vùng đất “địa linh, nhân kiệt” bậc nhất của nước ta. Đây là quê hương của những nhân tài xuất chúng và cũng là nơi nhiều nhân tài xuất chúng tụ hội và phát huy cao độ được tài năng, đức độ của mình nhằm phụng sự quê hương, quốc gia và dân tộc. Đó chính là những vị hoàng đế anh hùng của nước Việt, như Đinh Bộ Lĩnh, Lê Hoàn, Lý Công Uẩn; là các danh nhân văn hóa - tôn giáo như Pháp Thuận, Khuông Việt, Nguyễn Minh Không; các bậc lương thần năng tướng, như Đinh Liễn, Đinh Điền, Nguyễn Bặc; các danh sĩ như Trương Hán Siêu, Ninh Tốn, Phạm Thận Duật … Ngày nay, quê hương Ninh Bình cũng tiếp tục sản sinh ra những con người xuất chúng hết lòng vì nước, vì dân, những nhà lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước, các trí thức lớn và nhiều doanh nhân thành đạt, các nghệ sỹ có tên tuổi …Tiếp cận từ góc độ xã hội học - dân cư và phát triển bền vững, một số tham luận của các nhà khoa học, Sở Lao động, thương binh và xã hội, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội LHPN tỉnh Ninh Bình… đã cố gắng làm rõ cấu trúc, đặc điểm và chất lượng của nguồn nhân lực hiện có của tỉnh. 

Trong các yếu tố con người Ninh Bình, đứng trước yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (4.0) và đòi hỏi của sự nghiệp phát triển bền vững quê hương, có lẽ ba nhóm nhân lực chất lượng cao sau đây là cần kíp nhất và có ý nghĩa quyết định nhất: Đó là nhóm nguồn nhân lực cán bộ lãnh đạo - quản lý; nguồn nhân lực kinh doanh - kinh tế, nhất là các chủ doanh nghiệp có năng lực khởi nghiệp cao; và nguồn nhân lực khoa học - công nghệ, nhất là những trí thức trẻ trong các lĩnh vực công nghệ và dịch vụ tiên phong, thân thiện với môi trường. Đây chính là những nhân cốt trong cấu trúc chủ thể phát triển bền vững của Tỉnh, cần được lãnh đạo Trung ương, Tỉnh, nhân dân và cộng đồng các doanh nghiệp, cơ sở đào tạo và nghiên cứu chung tay tập trung xây dựng, tạo ra bước chuyển biến tích cực, đột phá, có tác động lan tỏa trong toàn bộ lộ trình phát triển của Ninh Bình trong những thập niên tới.

Bốn là, làm rõ những tiềm năng, những nguồn lực và các yêu cầu của quá trình phát triển bền vững của Ninh Bình. Trên cơ sở đó đề xuất các giải pháp để phát huy cao độ các nguồn lực, nhất là nguồn lực vị thế, nguồn lực văn hóa và nguồn lực con người trong phát triển nhanh và bền vững của tỉnh. Phát triển nhanh và bền vững là mục tiêu bao trùm của công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam nói chung cũng như của quê hương Ninh Bình hiện nay. Vì vậy, quan điểm phát triển bền vững cũng là quan điểm và cách tiếp cận chung và nhất quán của hầu hết các bản tham luận tại Hội thảo này. Theo đó, từng nguồn lực và tiềm năng phát triển của Ninh Bình đã được xem xét, đánh giá một cách cụ thể theo hướng tiếp cận liên ngành. Đó là các nguồn lực vị thế, nguồn lực tự nhiên, nguồn lực xã hội, nguồn lực con người, nguồn lực văn hóa và nguồn lực tài chính và cơ sở vật chất - hạ tầng. Đối với nguồn lực tự nhiên, vấn đề quy hoạch phát triển bền vững để khai thác, sử dụng có hiệu quả và bền vững nguồn lực này cùng các nguồn lực quan trọng khác, như nguồn lực cơ sở vật chất - kỹ thuật - hạ tầng, nguồn lực tài chính và nguồn lực xã hội... cũng đều có những phân tích, đánh giá khá cụ thể.

Quê hương Ninh Bình là vùng trọng địa của cả nước, là chốn cố đô và là một trong số ít các địa phương sở hữu những nguồn lực văn hóa và nguồn lực nhân văn vô cùng phong phú và đặc sắc. Trong những năm gần đây, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ và chính quyền, nhân dân Ninh Bình đã đạt được nhiều thành tựu đáng tự hào trong sự nghiệp đổi mới toàn diện, xây dựng quê hương. Bước vào giai đoạn phát triển mới, lãnh đạo và nhân dân Ninh Bình đã nhận thức ngày càng đầy đủ và sâu sắc hơn về những nét đặc sắc nhất, cốt lõi nhất của con người và văn hóa Ninh Bình. Trên cơ sở đó, làm thế nào để vận dụng tốt nhất vào quá trình lãnh đạo, chỉ đạo các lĩnh vực công tác để phát huy tốt nhất, hiệu quả nhất giá trị của các nguồn lực, nhất là nguồn lực văn hóa và nguồn lực con người, để trong một tương lai không xa, Ninh Bình thực sự trở thành một điểm sáng trong phát triển nhanh và bền vững của cả nước và của khu vực Đông Nam Á.

Phát biểu kết luận Hội thảo, đồng chí Nguyễn Thị Thanh, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh nhấn mạnh: các tham luận và ý kiến phát biểu trực tiếp đầy tâm huyết tại Hội thảo đã bổ sung nhiều thông tin, tư liệu quý báu về yêu cầu, nhiệm vụ, vai trò và những đóng góp to lớn của văn hóa và con người Ninh Bình trong phát triển bền vững của tỉnh; đã đánh giá, phân tích khái quát những đặc trưng cơ bản về vai trò và những đóng góp to lớn của các giá trị văn hóa lịch sử, con người Ninh Bình ở mỗi vùng đất, địa phương trong tiến trình lịch sử quốc gia - dân tộc; đã đề cập và làm rõ tiềm năng, thế mạnh, cơ hội và thách thức trong xây dựng và phát triển văn hóa, con người từ góc độ bền vững hay chưa bền vững. Từ đó, đưa ra các yêu cầu phát triển bền vững của Ninh Bình trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, mở ra các hướng tiếp cận, nghiên cứu tiếp theo phù hợp với thực tiễn của tỉnh Ninh Bình để tiếp tục đổi mới tư duy, hành động thiết thực trong sự phát triển chung của đất nước.

Hội thảo là một trong những bước đi cơ bản đầu tiên kết nối các cơ quan khoa học ở Trung ương với Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, các sở, ban, ngành và doanh nghiệp ở Ninh Bình để cùng nhau nghiên cứu, suy ngẫm và trao đổi, làm sáng tỏ hơn những vấn đề đang được đặt ra trong thực tiễn phát triển của Ninh Bình. Kết quả của Hội thảo thực sự mang lại những đóng có ý nghĩa khoa học, ý nghĩa thực tiễn sâu sắc và thiết thực./.

Thanh Mai

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất