Sống giữa những sắc dân nhập cư và trong lòng xã hội, người Việt luôn tìm cho mình một chỗ đứng văn hóa một cách vinh dự. Quả thật, đóng góp của thành phần người Việt tính ra rất to lớn. Những người có dòng máu Việt luôn có niềm tự hào rằng những đóng góp văn hóa cũng như các ngành khác thực sự đã đem lại lợi ích cho quốc gia họ đang sống...
Nghe tiếng Việt lao xao ngày nào ở cửa hàng thực phẩm ở Quartier Latin, Paris, vẫn còn văng vẳng bên tai, ấn tượng khó phai từ thuở ban đầu tôi đến Pháp. Rồi đến những quán ăn, nhà hàng, cửa hàng đủ loại phô trương trên những bảng hiệu tiếng Việt dọc dài phố Bolsa, Nam California, khiến du khách có cảm tưởng đây là một thành phố ở Việt Nam. Tiếng tụng kinh trầm ấm của đoàn Phật tử trên chánh điện của ngôi chùa ở Seattle, Washington, hay tiếng hát thánh ca trong một nhà thờ Công giáo ở Cleveland, Ohio, vang rền ngữ âm Việt trên vùng đất rất xa Việt Nam... Người có nguồn gốc Việt xem tiếng Việt và những biểu hiện văn hóa Việt là cội nguồn của nhiều thế hệ sống xa Tổ quốc Việt Nam; đi đâu cũng mang theo ngôn ngữ, tập tục, phong cách sống, tín ngưỡng, tôn giáo, và nhất là tính dân tộc và tình yêu Tổ quốc.
Để hình dung ra một bản đồ cư dân Việt trên thế giới, chúng ta phải kể đến cộng đồng người Việt đã đến Pháp từ hơn một trăm năm qua, đến Hoa Kỳ và Úc trong vài thập kỷ gần đây. Từ năm 1917, chùa Hồng Hiên được xây dựng tại Fréjus (tỉnh Provence-Alpes-Côte d’Azur ở Pháp) đánh dấu sự có mặt của người Việt lưu trú ở Pháp rất sớm.
Văn hóa Việt hiện nay có một sức sống tiềm tàng, mạnh mẽ trong các cộng đồng người Việt, nhất là khi họ đã ổn định cuộc sống sau một thời gian khá dài đặt chân nơi vùng đất mới. Đóng góp của người Việt trong cộng đồng của mình, cũng như đối với nước sở tại, quả thật không nhỏ khi mà lực lượng trí thức hòa nhập vào xã hội theo từng thế hệ mới và mới hơn, trưởng thành trong môi trường học vấn ngang bằng với người bản xứ. Song song với lĩnh vực khoa học, kinh tế, kỹ thuật, về phương diện văn hóa, nghệ thuật, và giáo dục còn là điều hết sức đáng chú ý.
Để thấy được giá trị của sự đóng góp văn hóa Việt tại các nước trên thế giới, chúng ta có thể quay lại yếu tố luân lý cơ bản của người Việt từ quê hương gốc là tính gia đình, sự tôn trọng gia tộc và tổ tiên. Chính nhờ sự gắn bó chặt chẽ ấy sẽ trả lời cho câu hỏi tại sao thế hệ con cháu của họ rất chăm học, dù họ thuộc thành phần thiểu số, chỉ vì họ có được sự khích lệ đáng quí từ thế hệ cha ông. “Vì con” là cách nói ngắn gọn, trở thành thành ngữ, một sự thật hiển nhiên trong mọi gia đình Việt ở khắp nơi. Những tấm gương hiếu học đưa đến những thành tựu và đóng góp không nhỏ cho đất nước sở tại, có khi đạt đỉnh quốc gia, làm ngạc nhiên biết bao người.
Văn hóa Việt được thể hiện qua nhiều khía cạnh rất đa dạng: ẩm thực, âm nhạc, điện ảnh, sách, báo chí, nhà xuất bản, nghiên cứu… bằng tiếng Việt lẫn tiếng bản ngữ, cụ thể nhất như tiếng Anh, Pháp và Đức.
Các nhà nghiên cứu văn hóa Việt (gồm cả người Việt và người nước ngoài dưới sự tham gia hoặc hướng dẫn của người Việt) đã tạo được một sức mạnh vững chắc nhất là các ngành lịch sử, văn hóa học, văn học, dân tộc học hay âm nhạc học. Đặc biệt ở Pháp, nhiều nhà nghiên cứu người Việt là thành viên của Trung tâm quốc gia nghiên cứu khoa học Pháp (CNRS) từng là những nhân vật điển hình có đóng góp trực tiếp vào nhiệm vụ nghiên cứu cho nước Pháp. Những đóng góp mang tính cách đa ngành được thấy không những ở Pháp mà còn ở các nước khác. Tại Hoa Kỳ, ngoài các sách báo bằng tiếng Việt, các tạp chí nghiên cứu và sách bằng tiếng Anh đã đi vào vùng “mainstream” (dòng nước chính) của xã hội Mỹ như The Tale of Kieu (Truyện Kiều), From Rice Paddies to Temple Yards: Traditional Music of Vietnam (Từ ruộng lúa đến sân đình: Âm nhạc truyền thống Việt Nam), và các tạp chí có ảnh hưởng lớn như Journal of Vietnamese Studies, Journal of Vietnamese Music,v.v... do chính người Việt chủ biên. Ngành Việt Nam học phát triển cùng lúc với sự hỗ trợ của các thư viện lớn ở các đại học như Cornell, University of California at Los Angeles, và rất nhiều các thư viện công cộng khác. Phong Nguyen Collection là một sưu tập lớn về văn hóa và âm nhạc Việt Nam hiện được lưu trữ tại Trung tâm giáo dục toàn cầu thuộc Đại học Hobart and William Smith (New York) và Thư viện Quốc hội Hoa Kỳ (Washington, D.C.).
Biểu diễn và giảng dạy âm nhạc gắn kết cộng đồng Việt ở khắp năm châu qua các tụ điểm biểu diễn, lễ hội, nhạc hội, đĩa nhạc... Lượng đĩa CD và DVD ca nhạc, thời trang của người Việt ở Mỹ được phát hành đứng ở mức cao của thế giới. Dân chúng địa phương ở Hoa Kỳ, Châu Úc, Châu Á, Châu Phi… nơi đâu cũng thấy sự có mặt của người Việt qua các hình thức biểu diễn ấy. Các nghệ sĩ từ Việt Nam cũng ra nước ngoài để hỗ trợ các sự kiện cộng đồng. Chương trình Soundful Vietnam đã mang đến các trường đại học và cộng đồng người Mỹ những giai điệu tinh tế của âm nhạc truyền thống Việt Nam (dân ca, chèo, tuồng…). Hội sinh viên gốc Việt ở các trường đại học đã hết lòng hoạt động vì mục đích phổ biến văn hóa dân tộc mình. Nghệ thuật trình diễn nhạc, múa, hội họa, nhiếp ảnh, điện ảnh, ẩm thực trong cộng đồng người Việt đã mang đến những sắc màu, tô điểm thêm vẻ đẹp cho nếp sống di dân. Đại hội điện ảnh Việt Nam như ở Đại học Irvine, California, những dạ hội được tổ chức hoành tráng, sang trọng, những lễ cổ truyền như Tết Nguyên đán, Phật Đản, giổ Quốc tổ Hùng Vương đầy màu sắc người Việt luôn được gìn giữ.
Sống giữa những sắc dân nhập cư và trong lòng xã hội, người Việt luôn tìm cho mình một chỗ đứng văn hóa một cách vinh dự. Quả thật, đóng góp của thành phần người Việt tính ra rất to lớn. Những người có dòng máu Việt luôn có niềm tự hào rằng những đóng góp văn hóa cũng như các ngành khác thực sự đã đem lại lợi ích cho quốc gia họ đang sống. Điều này là niềm tự hào, hãnh diện về nguồn gốc tổ tiên. Người Việt hiểu rất rõ rằng đánh mất nguồn gốc ấy là họ tự đánh mất vị trí của chính họ trên thế giới. Văn hóa là cái phao để chúng ta bám lấy khi phải trôi dạt đến bất cứ nơi nào trên thế giới.
Gs.Ts. Nguyễn Thuyết Phong
Danh nhân Di sản Quốc gia (Hoa Kỳ)
Nguồn : Tạp chí Quê Hương