-Thưa các vị đại biểu,
-Thưa các đồng chí và các bạn,
Cách đây gần 1 năm (8-2009), Hội đồng lý luận, phê bình Văn học, nghệ thuật Trung ương đã tổ chức Hội thảo khoa học “Tính dân tộc và tính hiện đại trong văn học, nghệ thuật Việt Nam hiện nay”. Tôi đã được tham dự Hội thảo đó và nhận thấy, Hội thảo đã thu được những kết quả quan trọng, cả về lý luận và thực tiễn. Do sức lan tỏa của Hội thảo, nhiều Hội văn học, nghệ thuật chuyên ngành đã tiếp tục tổ chức các Hội thảo trao đổi sâu về vấn đề trên trong từng lĩnh vực.
Hôm nay, tôi rất vui mừng lại được tham dự một Hội thảo rất quan trọng, có ý nghĩa lý luận và tính thời sự sâu sắc trong đời sống văn học, nghệ thuật của đất nước ta hiện nay và nhiều năm sắp tới, Hội thảo “Văn học, nghệ thuật phản ánh hiện thực đất nước hôm nay”. Được gặp mặt đông đảo các nhà lý luận, nghiên cứu, phê bình văn học, nghệ thuật, các văn nghệ sĩ cả nước, đã được nghe một số tham luận chân tình, thẳng thắn và sâu sắc của các đại biểu tại thành phố Đà Lạt thơ mộng, nhiều vẻ đẹp độc đáo và mến khách này đã đem đến cho tôi ấn tượng thân thiết, gần gũi, hấp dẫn và vinh hạnh. Cho phép tôi thay mặt Ban Bí thư Trung ương Đảng, Ban Tuyên giáo Trung ương gửi tới tất cả các vị đại biểu, các đồng chí và các bạn lời chào mừng nồng nhiệt, những tình cảm quý mến và trân trọng nhất. Chúc Hội thảo của chúng ta thành công tốt đẹp.
Thưa các đồng chí và các bạn,
Tôi hoàn toàn tán thành và đồng cảm với Hội đồng lý luận, phê bình Văn học, nghệ thuật Trung ương về việc lựa chọn chủ đề của Hội thảo này. Quan hệ giữa văn học, nghệ thuật và hiện thực đất nước hôm nay là một vấn đề rất cơ bản, có ý nghĩa lớn đối với sự phát triển đúng hướng của văn học, nghệ thuật nước nhà hiện nay và nhiều năm tới. Giải quyết tốt vấn đề cơ bản đó sẽ thể hiện rõ vai trò tích cực, to lớn của văn học, nghệ thuật đối với đời sống đất nước.
Như chúng ta đã biết, hiện thực cuộc sống và đời sống con người trong tất cả sự chuyển động, biến đổi, phát triển cực kỳ phong phú, đa dạng đến vô tận của nó luôn luôn là đối tượng của sự phản ánh, hiểu biết và phám phá của văn học, nghệ thuật. Nghệ sĩ có quyền lựa chọn bất kỳ lĩnh vực nào, thời kỳ lịch sử nào của đối tượng đó làm đề tài để sáng tạo tác phẩm của mình. Song, như một quy luật và như một nhu cầu nội tại, ra đời và phát triển trong thời kỳ nào, văn học, nghệ thuật của thời kỳ đó đều có một khát vọng trực tiếp nhận thức, khám phá, biểu hiện sáng tạo chính cái hiện thực đó. Cuộc sống và con người cùng thời đòi hỏi ở văn học, nghệ thuật điều đó và mặt khác, những người sáng tạo cũng luôn luôn muốn làm người đồng hành với cuộc sống mà mình đang sống. Từ sự nhận thức quy luật và nhu cầu đó, trong quá trình lãnh đạo, định hướng cho sự phát triển của văn học, nghệ thuật nước nhà, Đảng ta luôn luôn hướng văn học, nghệ thuật bám sát cuộc sống đương đại, kêu gọi, khuyến khích văn nghệ sĩ gắn bó sâu sắc, máu thịt với hiện thực đất nước và cuộc sống con người đang diễn ra cùng thời với văn học, nghệ thuật. Gần đây nhất, Nghị quyết 23 – NQ/TW ngày 16.6.2008 của Bộ Chính trị “Về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới” đã nhấn mạnh: “Để thực hiện mục tiêu đến năm 2020 đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta phải tiến hành một cuộc đấu tranh gian khổ và phức tạp giữa cái mới và cái cũ, cái tiến bộ và cái lạc hậu, giữa tốt và xấu, cao thượng và thấp hèn… Hiện thực đó là mảnh đất giàu tiềm năng cho những tìm tòi, sáng tạo của văn nghệ sĩ để tiếp tục xây đắp một nền văn học, nghệ thuật ngày càng lớn mạnh với những tác giả, tác phẩm có tầm vóc xứng đáng với dân tộc”. Tôi nghĩ rằng, đó là định hướng rất cơ bản, quan trọng, đồng thời là sự nhắn gửi rất chân tình của Đảng và nhân dân ta đối với văn học, nghệ thuật nước nhà và văn nghệ sĩ.
Định hướng đó xuất phát từ việc đánh giá cao vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của văn học, nghệ thuật đối với xã hội và con người, nói chung và đối với sự nghiệp đổi mới, CNH, HĐH đất nước ta hiện nay, nói riêng. Nghị quyết 23 – NQ/TW khẳng định: Văn học, nghệ thuật “là một trong những động lực to lớn trực tiếp góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội và sự phát triển toàn diện của con người Việt Nam”, vì lẽ đó, văn học, nghệ thuật phải thực sự am hiểu cuộc sống đang diễn ra và nỗ lực phản ánh, khám phá trung thực, sinh động, sâu sắc cuộc sống đó.
Từ suy nghĩ trên, tôi tán thành ba mục tiêu của Hội thảo: Một là, phân tích mối quan hệ giữa văn học, nghệ thuật và hiện thực; lý giải đặc điểm, sự vận động và biến đổi của hiện thực đất nước hôm nay với tư cách là đối tượng của văn học, nghệ thuật đương đại. Hai là, đánh giá thành tựu, các khuynh hướng, những hạn chế, thiếu sót trong việc nhận thức, phản ánh, khám phá hiện thực đất nước hôm nay của văn học, nghệ thuật. Và Ba là, đề xuất phương hướng, nhiệm vụ và các giải pháp nâng cao vai trò của văn học, nghệ thuât; trách nhiệm của văn nghệ sĩ trong thời kỳ mới. Ba mục tiêu đó đều rất quan trọng và không tách rời nhau. Trao đổi, tranh luận dân chủ, thẳng thắn, cởi mở trên tinh thần khách quan, khoa học và sự trân trọng nhau của những người đồng nghiệp, chúng ta tin chắc rằng, Hội thảo sẽ đi tới được những nhận thức chung thực sự có ích và cần thiết cho sự phát triển văn học, nghệ thuật, cho sự tham gia tích cực, chủ động của văn học, nghệ thuật và của văn nghệ sĩ vào thắng lợi của công cuộc đổi mới, sự nghiệp CNH, HĐH và cho sự phát triển của con người Việt Nam thời kỳ mới.
Để làm được những điều trên, có rất nhiều việc phải làm, cả văn nghệ sĩ, các Hội văn học, nghệ thuật từ Trung ương đến địa phương và cả các cơ quan lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý văn học, nghệ thuật của Đảng và Nhà nước. Đối với những người sáng tạo và hoạt động văn học, nghệ thuật, bản lĩnh, vốn sống, sự trải nghiệm và tài năng là những nhân tố không tách rời nhau. Đảng ta luôn luôn khẳng định: “Tài năng văn học, nghệ thuật là vốn quý của dân tộc. Chăm lo, phát hiện, bồi dưỡng, quý trọng và phát huy các tài năng văn học, nghệ thuật là trách nhiệm của toàn xã hội, trước hết là của Đảng, Nhà nước và của các tổ chức trong hệ thống chính trị các cấp”. Mặt khác, để có được những tác phẩm phản ánh, khám phá thật sự sâu sắc cuộc sống và con người ngày hôm nay, cùng với tài năng, bao giờ cũng là sự am hiểu tường tận, sống hết mình với cuộc sống đó và sự trải nghiệm sâu sắc đời sống của những con người cùng thời đang nỗ lực lao động, đấu tranh và vươn lên vì những khát vọng cao qúy “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. Chính vì lẽ đó mà Đảng và nhân dân yêu cầu: “Trên nền tảng mỹ học mác – xít, tư tưởng Hồ Chí Minh, khuyến khích văn nghệ sĩ bám sát thực tiễn đất nước, gắn bó với cuộc sống của nhân dân, bảo vệ và phát huy những truyền thống tốt đẹp của dân tộc và tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại” để “sáng tạo nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao, có tác dụng to lớn xây dựng con người”, đồng thời “lên án, phê phán không khoan nhượng những tiêu cực, xấu xa đang cản trở sự phát triển của đất nước và con người Việt Nam” (Nghị quyết 23 – NQ/TW của Bộ Chính trị). Ở đây đòi hỏi một thái độ khách quan và tư duy biện chứng của người sáng tạo trong việc xử lý đúng mối quan hệ giữa phát hiện, khẳng định, bảo vệ cái mới, cái tích cực, cái đẹp với việc phê phán, lên án “không khoan nhượng” cái xấu, cái tiêu cực, cái ác… Chúng ta không phủ nhận, lúc này, trong cuộc sống, cái tiêu cực, cái xấu đang có những biểu hiện phức tạp, chưa ngăn chặn và khắc phục được. Song, gần 25 năm qua, sở dĩ sự nghiệp đổi mới đạt được những thành tựu to lớn, mang ý nghĩa lịch sử vì nó có nguồn gốc sâu sa từ sức mạnh vĩ đại của cái tích cực, cái đẹp, cái mới đang chiếm vị trí chủ đạo trong đời sống của cả dân tộc, của từng tập thể, cộng đồng và từng con người. Với chức năng cao quý sáng tạo theo quy luật của cái đẹp, khát vọng vươn lên chân, thiện, mỹ và chủ nghĩa nhân văn sâu sắc, trong điều kiện, đặc điểm đó của cuộc sống, văn học, nghệ thuật của chúng ta phải ra sức tham gia vào cuộc đấu tranh “lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực, lấy cái đẹp dẹp cái xấu”. Tất nhiên, hiệu quả của sự tham gia đó phải bắt nguồn từ đặc trưng và sức mạnh của văn học, nghệ thuật và từ tài năng, tấm lòng của văn nghệ sĩ. Đó vừa là sự kỳ vọng, chờ đợi của nhân dân, vừa là trách nhiệm và lương tâm của người nghệ sĩ.
Để góp sức cùng với văn nghệ sĩ nỗ lực vươn lên hoàn thành khát vọng cao quý của mình, làm người bạn đồng hành tin cậy của cuộc sống rộng lớn và của dân tộc đang đấu tranh vì cuộc đời ngày càng tốt đẹp hơn, Đảng và Nhà nước đảm bảo với các đồng chí sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất để văn nghệ sĩ gắn bó hơn nữa với đời sống, phát huy mạnh mẽ tiềm năng, năng lực và tài năng của mình, dồn tâm sức cho những tác phẩm có giá trị, phản ánh trung thực, sâu sắc cuộc sống và con người hôm nay của đất nước ta.
Với suy nghĩ đó, tôi mong và chúc Hội thảo của chúng ta thu được những kết quả quan trọng, góp phần hướng tới những tìm tòi, sáng tạo mới của văn học, nghệ thuật nước nhà trong việc nhận thức, khám phá hiện thực đất nước và con người Việt Nam hôm nay.
Một lần nữa, xin chúc Hội thảo thành công tốt đẹp, chúc sức khỏe tất cả các vị đại biểu, các đồng chí và các bạn.
Xin trân trọng cảm ơn./.