Chủ Nhật, 24/11/2024
Tin hoạt động
Thứ Sáu, 19/4/2013 10:32'(GMT+7)

Văn học Nghệ thuật Đồng Tháp - Nhận diện và Phát triển

Hội thảo diễn ra vào ngày 17/04, do Hội Văn học Nghệ thuật Đồng Tháp tổ chức. Đến tham dự hội thảo có PGS.TS Nguyễn Hồng Vinh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Phê bình Văn học Nghệ thuật Trung ương; GS.NS Ca Lê Thuần, Phó Chủ tịch UBTQLH các Hội VHNT Việt Nam; đồng chí Lê Vĩnh Tân, UVTW Đảng, Bí Thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, đồng chí Lê Minh Trung, UVTV, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cùng với các Hội chuyên ngành Trung ương, thành phố Hồ Chí Minh, các Hội VHNT khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và đông đảo văn nghệ sỹ Đồng Tháp.

Nhạc sỹ Phạm Khiêm, Chủ tịch Hội VHNT Đồng Tháp nhấn mạnh mục đích của hội thảo là để tổng kết tình hình VHNT Đồng Tháp từ trước đền nay, khẳng định vai trò, vị trí và những đóng góp của VHNT Đồng Tháp đối với sự phát triển của tỉnh nhà, khắc phục những hạn chế, thiếu sót, phát huy những ưu điểm, những cái hay, tìm ra những phương thức phát triển VHNT đúng đắn, phù hợp với thời kỳ mới đưa VHNT Đồng Tháp tiếp tục phát triển.  

Phát biểu tại hội thảo, Bí thư Tỉnh ủy Lê Vĩnh Tân cho rằng văn học, nghệ thuật Đồng Tháp dù đã đạt được những thành tựu rất đáng trân trọng nhưng còn đó không ít những trăn trở, thách thức như lĩnh vực sáng tác còn ít những tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật, còn thiếu các tác phẩm phê phán cái xấu, cái tiêu cực, việc giáo dục thị hiếu thẩm mỹ, nghệ thuật cho thế hệ trẻ chưa được coi trọng đúng mức… Cũng đến lúc cần nghiêm túc để nhìn nhận, đánh giá một cách khách quan, toàn diện về tiến trình vận động và phát triển trong ba mươi năm qua của hoạt động VHNT tỉnh nhà, làm tiền đề cho sự phát triển trong thời gian tới. Đồng chí khẳng định Tỉnh uỷ, UBND tỉnh luôn tôn trọng sự tự do sáng tạo của văn nghệ sĩ tỉnh nhà, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho hoạt động VHNT phát triển, đồng thời, đồng chí hy vọng rằng các văn nghệ sĩ, các nhà nghiên cứu và các đồng chí quản lý hoạt động văn học, nghệ thuật, sẽ đem đến một không khí thực sự sôi nổi cho hội thảo, để hội thảo thành công và có chất lượng.

Hội thảo đã nhận được 28 bài tham luận của các nhà thơ, nhà văn, nhà nghiên cứu, nghệ sỹ nhiếp ảnh, họa sỹ như nhà văn Lê Văn Thảo, nhà thơ Lê Tú Lệ, họa sỹ Trang Phượng, nhà biên kịch – đạo diễn Dương Cẩm Thúy, nghệ sỹ nhiếp ảnh Lê Xuân Thăng, nhạc sỹ Lư Nhất Vũ… Ban tổ chức chọn 11 tham luận đọc tạo hội thảo, nội dung các tham luận rải đều trên 8 lĩnh vực khác nhau của văn học - nghệ thuật tỉnh nhà, nhìn một cách tổng quát, Hội thảo đã tiếp cận, đề cập, đánh giá, đề xuất, gợi mở… hầu hết các vấn đề, các khía cạnh bằng những góc nhìn lịch đại và đương đại, khái quát và cụ thể, khách quan và khoa học, công bằng và nghĩa tình…, mang lại một không khí cởi mở và tin tưởng đáng mừng.

Trong bài tham luận chủ đề “Văn học Nghệ thuật Đồng Tháp – Bông sen đẹp”, GS.NS Ca Lê Thuần nhận định với sự nỗ lực hoạt động của toàn thể lực lượng hội viên, sự hỗ trợ giúp đỡ của các ngành, các cấp và nhân dân, Hội VHNT Đồng Tháp đã không ngừng phát triển, đạt được những thành tựu trên các lĩnh vực. Cần đẩy mạnh việc liên kết, phối hợp với các ngành của Trung ương, thành phố Hồ Chí Minh để thúc đẩy công tác quảng bá, phổ biến tác phẩm….

Đến từ thành phố Hồ Chí Minh, Nhạc sỹ Trần Long Ẩn nhấn mạnh: Sau 27 năm kể từ ngày Hội VHNT Đồng Tháp thành lập, nền ca khúc của Đồng Tháp đã đạt được những thành tựu to lớn và rất có ý nghĩa. Từ những thành tựu này, càng nhận thức rõ hơn về trách nhiệm của người nghệ sỹ, chiến sỹ trên quê hương Đồng Tháp, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay cần nâng cao hơn nữa tính chuyên nghiệp trong sáng tác các chủng loại ca khúc cũng như trong tất cả các thể loại âm nhạc nói chung, cương quyết chống lại mọi khuynh hướng đang nghiệp dư hóa nghệ thuật âm nhạc…

Nhà thơ, nhà phê bình văn học Lê Quang Trang đã nhận diện nét độc đáo của văn học Đồng Tháp qua không ít thành tựu và gương mặt, đồng thời tác giả cũng đề xuất 3 vấn đề vướng mắc cần tháo gỡ, giúp văn học Đồng Tháp phát triển nhanh, bền vững, đó là: thu hút nhân tài, xây dựng đội ngũ sáng tác chất lượng cao và quan tâm xây dựng, phát triển hoạt động lí luận - phê bình.

Tham luận của Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Lê Xuân Thăng có cách nhìn chiều sâu về nhiếp ảnh Đồng Tháp: trong cái chung, tác giả đã tìm ra những nét riêng, rất riêng của nơi này như: đội ngũ tác giả hùng hậu, có truyền thống từ kháng chiến; giải thưởng nhiều, cao và liên tục… Từ cách nhìn đó, tác giả đã đề xuất 6 vấn đề mang tính chuyên môn, qua đó giúp định hướng quá trình phát triển của nhiếp ảnh Đồng Tháp trong thời gian tới.

Tại hội thảo, PGS.TS Nguyễn Hồng Vinh đã rất vui mừng và đánh giá cao sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp đối với hoạt động VHNT nhất là việc triển khai thực hiện Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị. Đồng chí đề nghị thời gian tới Đồng Tháp cần quan tâm đến việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ văn nghệ sỹ, việc bố trí cán bộ quản lý về VHNT phải phải đảm bảo am tường lĩnh vực này, trẻ hóa đội ngũ nhất văn nghệ sỹ nữ đây là việc làm cực kỳ quan trọng và cấp bách. Nhận định VHNT Đồng Tháp có bước phát triển, tuy nhiên cần chú ý phát triển cả bề rộng lẫn chiều sâu, số lượng tác phẩm phải gắn liền với chất lượng, đặc biệt là phải có nhiều tác phẩm có giá trị tốt về nội dung, tư tưởng làm sao cho VHNT thấm sâu vào đời sống của người dân Đồng Tháp.

Theo đánh giá của đồng chí Lê Minh Trung, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, chủ tọa hội thảo kết luận thì thành công của hội thảo về phương diện nội dung là đã tập hợp, phản ánh, ghi nhận một cách khá đầy đủ thành tựu văn học - nghệ thuật Đồng Tháp trong chặng đường dài mấy chục năm qua trên nhiều bình diện và lĩnh vực khác nhau, tạo nên một bức chân dung tổng thể khá rõ ràng, sinh động, qua đó, có thể nhận diện một cách cụ thể, dễ dàng hơn sức sống, tiềm năng và hướng phát triển của văn học - nghệ thuật nơi này. 

Lan Quyên

 

                                                                

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất