Chủ Nhật, 22/9/2024
Tin hoạt động
Thứ Hai, 17/12/2012 10:49'(GMT+7)

"Vang mãi bản anh hùng ca" lần thứ tư": Lời tri ân từ thế hệ hôm nay

Nhân dịp kỷ niệm 68 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 -22/12/2012), tối 16/12, tại Nhà hát lớn Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương, Tạp chí Tuyên giáo, báo Nhà báo & Công luận, Đài Truyền hình Việt Nam, Công ty Truyền thông Thiên Sơn, Công ty Truyền thông Thủ Đô phối hợp tổ chức Chương trình Giao lưu – Nghệ thuật “Vang mãi bản hùng ca” lần thứ 4. Chương trình được truyền hình trực tiếp trên Kênh VTV2 Đài Truyền hình Việt Nam.

Đến dự chương trình có đồng chí Vũ Văn Ninh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, đồng chí Nguyễn Bắc Son, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, các Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Trương Minh Tuấn và Lâm Phương Thanh, cùng các nhân chứng lịch sử, đại diện các ban, bộ, ngành ở Trung ương và thành phố Hà Nội.

Các đại biểu tham dự chương trình


Phát biểu khai mạc chương trình, TS Trần Doãn Tiến, Tổng biên tập Tạp chí Tuyên giáo, Trưởng ban tổ chức sự kiện xúc động chia sẻ: Chiến tranh đã lùi xa gần bốn chục năm nhưng hậu quả của nó thì vẫn còn rất nặng nề. Trong gần 1,3 triệu liệt sỹ đã hy sinh, đến nay vẫn còn gần 30 vạn liệt sỹ vẫn chưa tìm được hài cốt, hơn ba mươi vạn liệt sỹ tuy đã được quy tập vào các nghĩa trang nhưng phải nằm trong những ngôi mộ “liệt sỹ chưa biết tên”. Và hơn thế nữa hơn 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm, hơn ba triệu người là nạn nhân của chất độc da cam/đi-ô-xin, trong đó có nhiều nạn nhân thuộc thế hệ con, cháu. Nhiều gia đình có đến bốn, năm nạn nhân, không lao động được để duy trì cuộc sống, lại bệnh tật triền miên, hoàn cảnh cực kỳ khó khăn v.v… Đó là sự mất mát và nỗi đau đang thức gọi lòng nhân ái của mỗi chúng ta.

Tổng biên tập Tạp chí Tuyên giáo, Trưởng ban Tổ chức Chương trình Trần Doãn Tiến,
phát biểu khai mạc


Trong một không gian giao lưu- nghệ thuật với 3 chủ đề Thành Cổ máu và hoa, Bản hùng ca “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” và Thay lời tri ân, thật khó có thể diễn tả được hết tầm quan trọng, ý nghĩa to lớn của những chiến công vĩ đại của quân đội ta. Song những người làm Chương trình “Vang mãi bản hùng ca” lần thứ 4 cũng chỉ có một ước mong nhỏ phác hoạ một phần bản hùng ca hùng tráng về những chiến công hiển hách của quân đội ta; đồng thời cũng là sự tri ân các thế hệ cha ông, các liệt sỹ, thương binh đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc thân yêu của chúng ta.

Phần 1 của chương trình Thành Cổ máu và hoa đã tái hiện lại những thời khắc lịch sử bi hùng của cuộc chiến đấu 81 ngày đêm (từ 28/6-16/9/1972) bảo vệ Thành cổ Quảng Trị đầy gian khổ hy sinh của quân và dân Quảng Trị, tạo sức ép chính trị có lợi cho ta trên bàn đàm phán buộc đế quốc Mỹ phải ký kết Hiệp định Pari lập lại hòa bình ở Việt Nam. Khán giả cả nước đã được theo dõi phóng sự nói về cuộc chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị 81 ngày đêm năm 1972 và giao lưu với 2 nhân chứng lịch sử. Đó là Thiếu tướng Cao Xuân Khuông, nguyên Phó Tư lệnh Quân khu 4, nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 8 bộ đội địa phương tỉnh Quảng Trị - một đơn vị được giao nhiệm vụ bảo vệ Thành cổ Quảng Trị trong suốt 81 ngày đêm và lập được nhiều chiến công xuất sắc. Sau khi kết thúc cuộc chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị, Thiếu tướng Cao Xuân Khuông là một trong ba người vinh dự được thay mặt quân và dân Quảng Trị ra Hà Nội báo cáo với Quân ủy Trung ương và Lãnh đạo Bộ Quốc phòng kinh nghiệm và bài học rút ra từ cuộc chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị 81 ngày đêm. Cùng giao lưu với Thiếu tướng Cao Xuân Khuông là Đại tá Nguyễn Hải Như, nguyên Tham mưu trưởng Ban chỉ huy Thành cổ Quảng Trị, nguyên Tham mưu trưởng Trung đoàn 48 (Đoàn Thạch Hãn), một đơn vị chủ lực của Sư đoàn 320B tham gia bảo vệ Thành cổ Quảng Trị và lập nên nhiều kỳ tích oai hùng.

Giao lưu với các nhân chứng lịch sử


Lịch sử cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta đã chứng minh rằng, bằng thắng lợi của cuộc chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị 81 ngày đêm của quân và dân Quảng Trị kéo dài gấp 8 lần so với dự kiến ban đầu của chính quyền Sài Gòn là một đòn cân não có tính quyết định buộc đế quốc Mỹ phải chấp nhận ký tắt Hiệp định Pari lẽ ra được thực hiện vào ngày 20/10/1972 tại Hà Nội. Nhưng với thái độ tráo trở và hiếu chiến, sau khi tái đắc cử Tống thống Mỹ nhiệm kỳ 2, Ních Xơn đã tuyên bố: “Đưa máy bay B52 ném bom Hà Nội, Hài Phòng và dùng sức mạnh hủy diệt của B52 làm áp lực buộc Hà Nội phải quỳ gối”. Chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” là bản anh hùng ca về chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam của quân và dân ta bắt nguồn từ nghệ thuật quân sự của thế trận chiến tranh nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong phần 2 của chương trình Bản hùng ca “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không”, khán giả cả nước đã được trò chuyện với Trung tướng Nguyễn Xuân Mậu, nguyên Phó Chính ủy Quân chủng Phòng không – Không quân, một người có mặt liên tục tại Sở chỉ huy Quân chủng trong suốt 12 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Hà Nội và Trung tướng Nguyễn Văn Phiệt, nguyên Tiểu đoàn Trưởng Tiểu đoàn 57, Trung đoàn 261, Sư đoàn 361 tên lửa Quân chủng Phòng không – Không quân, một đơn vị bắn rơi nhiều máy bay B52 nhất (4 chiếc B52), đồng thời là đơn vị có cách đánh “Tiết kiệm đạn” vẫn bắn rơi được B52 của Mỹ.

Lực lượng Không quân tiêm kích của quân đội tuy mới ra đời còn non trẻ, số lượng máy bay rất khiêm tốn so với không quân Mỹ, phi công chưa có nhiều giờ bay và chưa có nhiều kinh nghiệm chiến đấu, lại phải chiến đấu trong điều kiện đối phương sử dụng nhiễu điện tử cực mạnh và đa dạng. Nhưng bằng trí thông minh và dũng cảm, Trung tướng Phạm Tuân – Anh hùng LLVTND, Anh hùng lao động, Anh hùng Liên Xô, nguyên là Thượng úy, BTrưởng bay của Trung đoàn Không quân 921, đã dùng máy bay MIG21 bắn rơi 1 chiếc máy bay B52 đêm 27/12/1972. Cùng giao lưu trong phần 2, có Giáo sư Đỗ Doãn Đại, nguyên Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai – một bệnh viện ba lần bị máy bay Mỹ ném bom đánh phá và chịu thiệt hại rất nặng nề trong chiến dịch Linebacker II 12 ngày đêm đánh phá Hà Nội của Không quân Mỹ. Giáo sư Đỗ Doãn Đại đã kể lại những câu chuyện bi hùng về quá trình cứu sập và cứu chữa bệnh nhân của bệnh viện Bạch Mai trong 12 ngày đêm cuối tháng 12/1972.

Ca sĩ Thanh Bình trình bày bài hát Em còn tìm anh mãi, nhạc & lời: Vũ Việt Hùng

Xen lẫn giữa các phần giao lưu với nhân chứng lịch sử, khán giả còn được thưởng thức những tác phẩm nghệ thuật: Hợp xướng, múa bài hát Giai điệu Tổ quốc (Nhạc&lời: Trần Tiến), Dòng sông linh thiêng (Thơ: Nguyễn Khánh Toàn - Nhạc: Đức Tuyết), Hà Nội – Điên Biên Phủ (Nhạc & lời: Phạm Tuyên), Em còn tìm anh mãi (Nhạc & lời: Vũ Việt Hùng), Hợp xướng, múa và hát Tổ quốc gọi tên mình (Nhạc&lời: Đinh Trung Cẩn)… do NSND Quang Thọ, ca sỹ Trọng Tấn, dàn Hợp xướng Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, Vũ đoàn Thăng Long… biểu diễn.

Các cuộc kháng chiến chống kẻ thù xâm lược giành độc lập tự do, đã để lại cho đất nước ta những tổn thất vô cùng to lớn với gần 1,3 triệu liệt sỹ đã hy sinh. Đến nay vẫn còn gần 300.000 liệt sỹ vẫn chưa tìm được hài cốt, hơn 300.000 liệt sỹ tuy đã được quy tập vào các nghĩa trang nhưng phải nằm trong những ngôi mộ “liệt sỹ chưa biết tên”. Chỉ tính riêng Trung đoàn 27, Sư đoàn 390, Quân đoàn I trong 5 năm chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị từ năm 1968 – 1973 đã có gần 2500 liệt sỹ hy sinh, đến nay còn hàng trăm liệt sỹ vẫn chưa tìm thấy hài cốt. Phần 3 của chương trình Thay lời tri ân đã thể hiện mong muốn của những người tổ chức chương trình muốn có một nơi làm “Ngôi nhà chung” để thờ tự các Anh hùng liệt sỹ của cả nước nói chung, các Anh hùng liệt sỹ của Trung đoàn 27 nói riêng, đã hy sinh tại chiến trường Quảng Trị. Thông qua Chương trình “ Vang mãi bản hùng ca” lần thứ 4, Ban tổ chức sẽ xây dựng Khu tưởng niệm liệt sỹ của Trung đoàn 27 tại xã Triệu Long, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị, xây dựng 04 nhà tình nghĩa (mỗi nhà 50 triệu đồng), tặng 70 sổ tiết kiệm ( Mỗi sổ từ 5 – 10 triệu đồng), tặng 300 suất quà (mỗi suất 300 ngàn đồng) cho thân nhân liệt sỹ, Mẹ Việt Nam Anh hùng, nạn nhân chất độc da cam, thương binh nặng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn với tổng số tiền gần 3 tỷ đồng.

Trong chương trình giao lưu nghệ thuật Vang mãi bản hùng ca lần thứ 4, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son, Đại tá Nguyễn Việt Dĩnh, Phó Cục Trưởng Cục chính sách Tổng cục Chính trị, Bộ Quốc phòng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Trương Minh Tuấn đã trao tặng 15 sổ tiết kiệm trong số 100 sổ tiết kiệm của chương trình cho thân nhân liệt sỹ và nạn nhân chất độc da cam.

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh và Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Lâm Phương Thanh đã trao vòng Nguyệt quế và Bảng vàng lưu danh cho các nhà tài trợ và các nhà hảo tâm đã đồng hành cùng chương trình Vang mãi bản hùng ca.


Chương trình “ Vang mãi bản hùng ca” lần thứ 4 là sự tri ân các thế hệ cha anh, các liệt sỹ, thương binh đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc thân yêu và là hoạt động thiết thực chào mừng kỷ niệm 68 năm ngày Thành lập QĐND Việt Nam, kỷ niệm 40 năm Chiến thắng “Hà Nội- Điện Biên Phủ trên không”.

PV

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất