Thứ Ba, 15/10/2024

Về bài viết “Giương cao ngọn cờ đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy truyền thống yêu nước, vai trò nòng cốt chính trị của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, quyết tâm xây dựng đất nước ta ngày càng giàu mạnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với nhân dân tại Lễ hội Đền Hùng _Ảnh: Tư liệu

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với nhân dân tại Lễ hội Đền Hùng _Ảnh: Tư liệu

Bài viết: “Giương cao ngọn cờ đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy truyền thống yêu nước, vai trò nòng cốt chính trị của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, quyết tâm xây dựng đất nước ta ngày càng giàu mạnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc” là bài viết tổng quan đứng đầu cuốn sách Phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng giàu mạnh, văn minh, hạnh phúc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, ra mắt đúng dịp kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam - Ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (18-11-1930 - 18-11-2023).

Đây là cuốn sách quý, có giá trị đặc biệt, tổng kết thực tiễn, bổ sung, nâng tầm lý luận về sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc, được nghiên cứu, phân tích sâu sắc, tập hợp các bài viết, bài phát biểu, hình ảnh tiêu biểu của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, hội quần chúng và đông đảo tầng lớp nhân dân. Nội dung cuốn sách toát lên tư tưởng lớn lao, tầm nhìn sâu rộng về đại đoàn kết toàn dân tộc, theo chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, phù hợp với thực tiễn cách mạng Việt Nam; đồng thời, thể hiện tình cảm chân thành, nồng ấm, chan chứa tình yêu thương của người lãnh đạo cao nhất của Đảng ta với các tầng lớp nhân dân, để lại ấn tượng sâu sắc, có sức lan tỏa mạnh mẽ, làm lay động lòng người.

Nội dung cuốn sách gồm 3 phần: Phần thứ nhất: Đại đoàn kết toàn dân tộc - Sức mạnh nội sinh, nhân tố quyết định thắng lợi của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; phần thứ hai: Phát huy vai trò nòng cốt chính trị của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; phần thứ ba: Phát huy vai trò của các tầng lớp nhân dân, các địa phương, đóng góp nhiều hơn nữa cho công cuộc đổi mới đất nước.

Trong tổng thể cuốn sách, bài viết “Giương cao ngọn cờ đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy truyền thống yêu nước, vai trò nòng cốt chính trị của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, quyết tâm xây dựng đất nước ta ngày càng giàu mạnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc” chính là bài viết trung tâm, thể hiện tập trung nhất tư tưởng của Tổng Bí thư về đại đoàn kết toàn dân tộc. Ngoài dẫn luận, bài viết được kết cấu hết sức chặt chẽ, lô-gíc thành 5 phần nội dung:

Trong dẫn luận, bài viết khẳng định, đoàn kết là truyền thống cực kỳ quý báu của dân tộc ta, là cội nguồn sức mạnh để dân tộc ta mãi mãi trường tồn và phát triển, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt, là đường lối chiến lược, có ý nghĩa sống còn của cách mạng Việt Nam.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam luôn luôn là nòng cốt đoàn kết, là ngôi nhà chung của toàn dân tộc, là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và cá nhân tiêu biểu của các giai tầng xã hội, các dân tộc, các tôn giáo, người Việt Nam ở nước ngoài... Đó là sứ mệnh chính trị cao cả, nặng nề, khó khăn, nhưng rất vẻ vang của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Trong bối cảnh thế giới biến động phức tạp, khó lường, cơ hội và thách thức đan xen, đặt ra nhiều vấn đề mới cho sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc và công tác mặt trận. Tuy nhiên, lịch sử dân tộc ta đã chứng minh, trước những bước ngoặt lớn của lịch sử với mục tiêu lớn lao của đất nước, nếu biết khơi dậy tinh thần yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, phát huy sức mạnh vĩ đại của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, thì con thuyền cách mạng Việt Nam sẽ vượt qua mọi thác ghềnh, phong ba bão táp, để cập bến bờ vinh quang.

Nội dung thứ nhất: Đoàn kết là truyền thống cực kỳ quý báu của dân tộc Việt Nam, được hun đúc, bồi đắp qua hàng nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước.

Đồng chí Tổng Bí thư khẳng định, tinh thần đoàn kết, lòng yêu nước thương nòi luôn chảy trong huyết quản của mỗi người con đất Việt, đã trở thành giá trị văn hóa của dân tộc, thành di sản tinh thần được ông cha ta trao truyền lại cho muôn đời sau. Đại đoàn kết toàn dân tộc từ truyền thống trở thành triết lý chính trị thân dân của ông cha ta với quan điểm “Quốc dĩ dân vi bản”, tức là nước phải lấy dân làm gốc, là cội nguồn tạo thành sức mạnh giúp dân tộc ta vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, trường tồn trước những biến thiên của lịch sử, để “Sơn hà thiên cổ điện kim âu” (Non sông nghìn thuở vững âu vàng).

Thời đại Hồ Chí Minh là thời đại huy hoàng bậc nhất về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Trong hệ thống tư tưởng Hồ Chí Minh, đại đoàn kết toàn dân tộc là một nội dung cốt lõi, làm nên dấu ấn quan trọng của Người trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, được Đảng ta kế thừa, vận dụng thành công trong quá trình lãnh đạo nhân dân đấu tranh giải phóng dân tộc, tiến hành công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Nền tảng vững chắc của đại đoàn kết toàn dân tộc là liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức do Đảng lãnh đạo; là mối quan hệ “máu thịt” giữa Đảng và nhân dân, là niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ ta; là sự đoàn kết giữa các giai cấp, tầng lớp xã hội, giữa cộng đồng các dân tộc Việt Nam, giữa đồng bào theo tôn giáo và không theo tôn giáo, giữa những người theo các tôn giáo khác nhau; giữa người Việt Nam ở trong nước và ở nước ngoài; là đoàn kết giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân yêu chuộng hòa bình, tiến bộ trên thế giới...

Nội dung thứ hai: Bước phát triển tư duy lý luận và sự lãnh đạo của Đảng về đại đoàn kết và xây dựng, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Bài viết làm rõ sự phát triển tư duy lý luận của Đảng ta về đại đoàn kết toàn dân tộc trong suốt tiến trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, nhất là gần 50 năm trở lại đây, từ Đại hội IV (tháng 12-1976) đến nay. Kế thừa, phát huy bản sắc, cội nguồn văn hóa và truyền thống của dân tộc trên nền tảng của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta đã không ngừng đổi mới, phát triển tư duy về xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Đặc biệt, bước phát triển tư duy lý luận của Đảng ta về đại đoàn kết toàn dân tộc được đồng chí Tổng Bí thư phân tích rất sâu sắc qua việc chỉ ra, từ chỗ chỉ nói “đoàn kết”, rồi nói “đại đoàn kết toàn dân”, rồi phát triển lên thành “đại đoàn kết toàn dân tộc”, là những cột mốc đánh dấu sự đổi mới và phát triển quan trọng về tư duy nhận thức và lý luận đối với chiến lược đại đoàn kết toàn dân tộc của Đảng ta, theo chiều hướng ngày càng mở rộng về biên độ, từ thấp đến cao, từ hẹp đến rộng, từ “xơ cứng” đến ngày càng cởi mở hơn. Có những thời điểm, chúng ta giải quyết còn chưa thật thấu đáo một số vấn đề, làm ảnh hưởng đến việc xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Tuy nhiên, với tinh thần cầu thị, nghiêm túc nhìn thẳng vào hạn chế, đồng thời “thật thà” và “chân thành” như căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong xử lý các mối quan hệ của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, Đảng ta đã kịp thời sửa chữa những thiếu sót, nhận diện và giải quyết những vấn đề mới phát sinh, nhân lên những mô hình tốt, cách làm hay, nhờ đó, khối đại đoàn kết toàn dân tộc càng thêm mở rộng và đi vào chiều sâu.

Nội dung thứ ba: Những kết quả nổi bật trong việc xây dựng và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng trong thời gian qua.

Bài viết nêu bật những thành tựu trong xây dựng và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng trong gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới đất nước, nổi bật là sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng được củng cố, mở rộng và phát huy; đồng thuận xã hội được tăng cường, niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa ngày càng được củng cố và nhân lên; các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động được đẩy mạnh, qua đó động viên nhân dân phát huy tinh thần năng động, sáng tạo, huy động được những nguồn lực, tiềm năng to lớn trong nhân dân vào phục vụ nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trên nền tảng của liên minh công nhân - nông dân - trí thức, Đảng ta đã không ngừng mở rộng sự đoàn kết đối với mọi giai cấp, tầng lớp xã hội. Dân chủ xã hội ngày càng mở rộng, dân trí ngày càng cao. Đoàn kết, thống nhất trong Đảng được giữ vững, tăng cường, làm nòng cốt lãnh đạo và là hạt nhân, cơ sở vững chắc để xây dựng đoàn kết của hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết toàn dân tộc... Đặc biệt, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng tiếp tục phát huy vai trò là nòng cốt chính trị trong tổ chức vận động, tập hợp, quy tụ các tầng lớp nhân dân, tạo sự thống nhất và đồng thuận trong xã hội; có nhiều đổi mới về nội dung và phương thức hoạt động... Bên cạnh thành tựu đạt được, bài viết cũng thẳng thắn chỉ ra những mặt còn hạn chế, là cơ sở để có giải pháp khắc phục nhằm phát huy hơn nữa truyền thống yêu nước và sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Nội dung thứ tư: Bối cảnh mới và những vấn đề đặt ra đối với việc xây dựng, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Bài viết phân tích bối cảnh, tình hình thế giới và trong nước, chỉ ra thời cơ, thuận lợi đan xen với khó khăn, thách thức, những vấn đề mới, chưa có tiền lệ. Trong bối cảnh đó, việc huy động sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc hiện nay đặt ra yêu cầu đổi mới tư duy, phương thức vận động, quy tụ, tập hợp các lực lượng, cần thiết có những nhân tố, mục tiêu mới phù hợp với sự phát triển của đất nước, cũng như của thời đại nhằm đoàn kết bền chặt, vững chắc, thực chất và hiệu quả hơn.

Trong bối cảnh hiện nay, bài viết đúc kết sâu sắc một số cơ sở, mục tiêu là điểm tương đồng để quy tụ, khơi dậy và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Trong đó, mục tiêu xây dựng đất nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, ngày càng giàu mạnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc, phấn đấu đến năm 2045, nước ta trở thành nước phát triển, thu nhập cao làm điểm tương đồng, để động viên, cổ vũ mọi tầng lớp nhân dân, huy động mọi nguồn lực, tranh thủ mọi thời cơ, sự đóng góp của nhân dân để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đây là mục tiêu lớn nhất, nếu biết khơi dậy đúng cách sẽ có sức cuốn hút, lay động lòng người, là lời hiệu triệu toàn dân, nhân lên lòng tự hào, tự tôn, ý chí của cả dân tộc.

Ngoài ra, đó còn là việc kết hợp đại đoàn kết toàn dân tộc với phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa; là việc lấy con người làm trung tâm, là chủ thể, nguồn lực và mục tiêu của mọi chiến lược phát triển, dựa vào dân, bồi dưỡng sức dân, động viên toàn dân, phát huy sức sáng tạo của nhân dân luôn luôn là kế sâu, gốc bền của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; là giải quyết đúng đắn, hài hòa các mối quan hệ trong xã hội, nhất là quan hệ về lợi ích giữa các thành viên trong xã hội ngày càng đa dạng, phức tạp; xóa bỏ mặc cảm, gác lại quá khứ, hướng tới tương lai, chấp nhận và tôn trọng những điểm khác biệt không trái với lợi ích của quốc gia - dân tộc; là đoàn kết, thống nhất trong Đảng - cơ sở, hạt nhân của khối đại đoàn kết toàn dân tộc và đoàn kết quốc tế...

Nội dung thứ năm: Những nhiệm vụ, giải pháp nhằm phát huy truyền thống yêu nước và sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong thời gian tới.

Trong bối cảnh mới, để phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh cần tập trung thực hiện 6 giải pháp quan trọng: 1- Giữ vững vai trò tiên phong, hạt nhân lãnh đạo của Đảng, nâng cao nhận thức của các cấp ủy, tổ chức đảng, hệ thống chính trị trong xây dựng và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc thời kỳ mới; 2- Tiếp tục bổ sung, hoàn thiện chủ trương, chính sách, pháp luật nhằm huy động mọi nguồn lực, phát huy tinh thần yêu nước, niềm tự hào dân tộc, sức sáng tạo của các giai tầng xã hội, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; 3- Tiếp tục đổi mới tổ chức bộ máy, nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng thật sự đại diện và bảo vệ cho quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; 4- Phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, lấy con người làm trung tâm, chủ thể, nguồn lực, động lực chủ yếu, là mục tiêu của đại đoàn kết toàn dân tộc trong tổ chức và hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; 5- Phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội; 6- Xây dựng đội ngũ cán bộ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng có năng lực, uy tín, tâm huyết, trách nhiệm, hết lòng vì công việc chung.

Tựu trung lại, bài viết “Giương cao ngọn cờ đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy truyền thống yêu nước, vai trò nòng cốt chính trị của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, quyết tâm xây dựng đất nước ta ngày càng giàu mạnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc” là một công trình có tầm khái quát lý luận cao, tổng kết thực tiễn sâu sắc, kết tinh những tư tưởng lớn, sâu sắc, nhất quán, xuyên suốt của đồng chí Tổng Bí thư về đại đoàn kết toàn dân tộc. Bài viết là cẩm nang lý luận, thực tiễn quý giá định hướng phát huy sức mạnh vĩ đại của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong giai đoạn hiện nay, để xây dựng đất nước ta ngày càng giàu mạnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc./.

Nguồn: Tạp chí Cộng sản điện tử

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất