Để hòa hợp những sự khác biệt cần chân thành và tạo niềm tin
|
QĐND - Kết thúc một cuộc chiến tranh thường là có kẻ thắng, người thua. Nhưng riêng đối với Ngày 30-4-1975 - Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước thì như lời ông Trần Văn Trà (Thượng tướng Trần Văn Trà-PV) lúc đó là Chủ tịch Ủy ban Quân quản Sài Gòn-Gia Định nói với tướng Dương Văn Minh vào ngày 2-5-1975 tại dinh Độc Lập: “Đối với chúng ta, không có kẻ thua, người thắng mà chỉ có dân tộc Việt Nam chúng ta thắng Mỹ”. Ông Trần Văn Trà còn nói: “Mỗi người Việt Nam lúc này hãy thực hiện tốt chính sách hòa hợp dân tộc của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, đem hết sức lực và trí tuệ của mình để góp phần xây dựng đất nước sau 30 năm chiến tranh tàn phá...”. Đáp lại, tướng Dương Văn Minh nói: “... Tôi vô cùng cảm kích và thật sự hân hoan vì đến 60 tuổi tôi mới được trở thành công dân của nước độc lập, tự do... Xin hứa với ngài và cách mạng, là công dân của nước Việt Nam độc lập, tôi sẽ góp công sức của mình vào việc xây dựng đất nước...”.
Qua đó có thể thấy, đối với bất cứ một người Việt Nam nào thì những chữ “hòa bình, độc lập, thống nhất” là vô cùng thiêng liêng. Thực chất chiến thắng 30-4-1975 chỉ là một chiến thắng để bảo vệ thành quả của Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
Chính vì muốn được công nhận là một quốc gia và giữ vững sự thống nhất lãnh thổ mà tránh phải đổ máu nên chúng ta đã chấp nhận nhân nhượng tại Hiệp định sơ bộ 6-3-1946, đồng ý là một quốc gia tự do nằm trong Liên hiệp Pháp. Nhưng vì sau Chiến tranh thế giới thứ hai, tình hình rất phức tạp, các nước lớn, các nước đế quốc đều có những tính toán của mình, họ muốn xâm chiếm, chia cắt đất nước ta, vì thế, buộc lòng ta phải cầm súng chiến đấu trong suốt 30 năm.
Nếu ai đó nghĩ rằng chúng ta không cần kháng chiến, không cần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước thì đó là một suy nghĩ phi lịch sử và không tưởng. Chủ trương của Chính phủ ta sau Cách mạng Tháng Tám là muốn làm bạn với tất cả các nước, không muốn chiến tranh với ai. Chính Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho Tổng thống Mỹ để bày tỏ ý muốn làm bạn, muốn hợp tác toàn diện. Thế nhưng, rất tiếc là những thiện chí đó đã không được đáp lại.
Tôi cũng chắc chắn rằng, không có nguyên thủ quốc gia nào ra nước ngoài đến gần 5 tháng trời như chủ tịch Hồ Chí Minh hồi năm 1946 sang Pháp để tìm mọi cơ hội đối thoại hòa bình. Đầu năm 1993, khi sang thăm Việt Nam, đương kim Tổng thống Pháp lúc đó là ông Phrăng xoa-Mít- tơ-răng đã nói rằng rất tiếc vì năm 1946 đã không có ai thực sự đối thoại với Chủ tịch Hồ Chí Minh để tìm được giải pháp hòa bình cho hai dân tộc.
Điều khoản tiến hành hiệp thương, Tổng tuyển cử để thống nhất đất nước vào năm 1956 đã được ghi rất rõ trong Hiệp định Giơ-ne-vơ đã bị phía miền Nam cố tình lờ đi. Nhưng Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa ở miền Bắc vẫn rất hy vọng vào một cuộc hiệp thương để thống nhất đất nước trong hòa bình. Năm 1958, khi khánh thành Sân vận động Hàng Đẫy, cơ quan thể thao miền Bắc đã gửi thư cho chính quyền miền Nam đề nghị miền Nam cử một đội bóng đá ra thi đấu hữu nghị. Đồng thời, miền Bắc sẵn sàng cử một đội đua xe đạp vào tham gia cuộc thi được tổ chức ở miền Nam. Các động thái này thể hiện tinh thần của miền Bắc là muốn đối thoại để hiệp thương thống nhất đất nước, hòa hợp dân tộc. Nhưng đáp lại những thiện chí ấy thì chính quyền miền Nam vẫn đáp lại bằng thái độ rất thù địch. Vì họ biết nếu hiệp thương tổng tuyển cử thì chắc chắn chính quyền Việt Nam Dân chủ cộng hòa ở miền Bắc do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu sẽ thắng cử, vì lòng dân miền Nam lúc đó luôn hướng ra Bắc. Chính quyền Ngô Đình Diệm lúc đó còn tuyên bố sẽ "Bắc tiến" bằng sức mạnh quân sự.
Vì thế, có thể nói, phải tiến hành chiến tranh để thống nhất đất nước là điều không mong muốn nhưng chúng ta không còn cách nào khác. Trải qua 30 năm kháng chiến, điều quan trọng nhất là chúng ta đã hoàn thành được mơ ước là giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Điều mà có những dân tộc như Triều Tiên cho đến ngày nay vẫn chưa thực hiện được. Dân tộc ta cũng phải chịu nhiều mất mát trong chiến tranh. Nhưng lịch sử đã xảy ra rồi, không thể thay đổi được. Cái cần là xây dựng tương lai.
Chúng ta đã thống nhất đất nước được 40 năm. Điều quan trọng bây giờ là phải xóa bỏ được những khác biệt còn lại trong lòng những người mang dòng máu Việt Nam. Trong thời gian qua, nhìn chung người Việt Nam ở trong nước hay ngoài nước đã đoàn kết vì lợi ích của dân tộc, của đất nước, ví dụ như việc bảo vệ chủ quyền quốc gia trên Biển Đông.
Đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước luôn hướng đến hòa hợp dân tộc, nhưng khi thực thi thì lại cần những chính sách cụ thể hơn, ví dụ như việc để Việt kiều mua nhà hay việc trọng dụng nhân tài Việt kiều… Muốn hòa hợp lòng người thì cần phải thực sự chân thành, phải xây dựng được niềm tin từ cả hai phía. Nếu những người Việt Nam ở trong nước và ngoài nước đều đoàn kết vì mục tiêu chung thì chúng ta sẽ tạo thành sức mạnh quốc gia để đưa Việt Nam ta vươn lên mạnh mẽ hơn.
QUANG PHƯƠNG (ghi)
Đào Diệu Hoa, sinh viên năm thứ 4, Học viện Báo chí và Tuyên truyền:
“Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta…”
Từ sâu trong tiềm thức của mình, tôi luôn tự hào là công dân của một nước có hàng nghìn năm lịch sử với những trận thắng oai hùng chống giặc ngoại xâm. Vì thế, tôi rất tâm đắc với loạt bài “Chiến thắng 30-4-1975 - Giá trị lịch sử không thể xuyên tạc” đăng trên Báo Quân đội nhân dân.
Có thể nói, xuyên suốt dải đất hình chữ S thân yêu của chúng ta là máu xương, là da thịt của những người con đã anh dũng hy sinh cho độc lập tự do của Tổ quốc. Trong suốt 30 năm kháng chiến trường kỳ chống Mỹ, đất nước ta đã trải qua biết bao mất mát đau thương. Biết bao con người đã ngã xuống để dân tộc ta ngày hôm nay được hòa bình, hai miền Nam-Bắc được thống nhất. Vậy mà vẫn có người cho rằng “không cần thống nhất hai miền Nam-Bắc”, hoặc “có thể thống nhất bằng biện pháp hòa bình”. Đây là những luận điệu hết sức sai trái, vô căn cứ, phủ định hoàn toàn những hy sinh mất mát của bao thế hệ đi trước, là có tội với những người đã “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”.
Được ăn học, được giáo dục, được sống trong một đất nước hòa bình như ngày hôm nay đối với bản thân tôi là một điều vô cùng may mắn. Tôi đã và đang được sống dưới bầu trời xanh của hòa bình, độc lập ở một dân tộc tự do về tôn giáo, tín ngưỡng; một đất nước bình đẳng về quyền con người. Tôi tự hào về lịch sử vẻ vang, những trang sử hào hùng của dân tộc với Chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu, với Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
40 năm qua Bắc-Nam sum họp một nhà, cả dân tộc ta đã đoàn kết, cùng nhau xây dựng một nước Việt Nam phát triển, giàu mạnh và bảo vệ vững chắc non sông gấm vóc. Là thế hệ đi sau, bản thân tôi nhận thức rõ được trách nhiệm cũng như nghĩa vụ của mình đối với sự nghiệp bảo vệ dân tộc. Không chỉ riêng tôi mà tầng lớp thanh niên Việt Nam nguyện học tập, rèn đức luyện tài, để nối tiếp truyền thống hào hùng của cha anh đi trước đã hy sinh xương máu, tuổi thanh xuân, sẵn sàng dấn thân, chấp nhận gian khổ để thế hệ trẻ hôm nay được sống trong hòa bình, tự do, độc lập như lời một bài hát: “Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta, mà cần hỏi ta đã làm gì cho Tổ quốc hôm nay…”.
HẢI HÀ (ghi)
Đoàn viên Trần Thanh Ngọc, phường Hưng Lợi, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ:
Thêm trân trọng, tự hào về ngày 30-4 lịch sử
Hằng năm, cứ đến dịp kỷ niệm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4), tôi và bạn bè cùng trang lứa lại cùng nhau đi qua những con phố rợp bóng cờ hoa, nhìn ngắm mặt người vui tươi, qua đó, cảm nhận được sự chuyển mình, phát triển của quê hương, đất nước. Trong mỗi chúng tôi đều ngập tràn cảm xúc, thêm trân trọng, tự hào về ngày 30-4 lịch sử, mặc dù chúng tôi được sinh ra sau sự kiện trọng đại của dân tộc hơn 10 năm.
Được sống trong một đất nước hòa bình, ổn định, với thế hệ chúng tôi là niềm hạnh phúc lớn. Thế nhưng, để có ngày hôm nay là biết bao sự hy sinh to lớn của các thế hệ cha anh. Ngoài kiến thức lịch sử được học ở nhà trường, chúng tôi còn được tiếp cận lịch sử dân tộc từ nhiều nguồn khác như: phim ảnh, sách, báo… Không những thế, chúng tôi còn được nghe những "nhân chứng lịch sử" là các chú, các bác cựu chiến binh và ngay cả những người thân thiết của mình kể chuyện. Chúng tôi hiểu, để có được hòa bình, thống nhất, đất nước mình, dân tộc mình đã phải trả giá ra sao.
Trong "thế giới phẳng" hiện nay, cuộc sống của tôi và bạn bè (cùng rất nhiều bạn trẻ hơn) hàng ngày tràn ngập bởi vô số luồng thông tin, trong đó có không ít thông tin xuyên tạc, bịa đặt, chúng xuất hiện nhiều bất thường mỗi khi đất nước sắp diễn ra các sự kiện lớn như dịp kỷ niệm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Việc Báo Quân đội nhân dân đăng loạt bài “Chiến thắng 30-4-1975 - Giá trị lịch sử không thể xuyên tạc” là rất kịp thời, có ý nghĩa, góp phần giúp tuổi trẻ nhận chân được sự thật và tự hào về chiến thắng vĩ đại của dân tộc Việt Nam.
HỒNG HIẾU (ghi)
Dương Đức Hà, cán bộ Viện Khoa học Pháp lý-Bộ Tư pháp:
Biết ơn thế hệ đi trước nên đã sống có trách nhiệm
Là người thuộc thế hệ trẻ, được sinh ra trong hòa bình, chúng tôi được biết tới ngày 30-4-1975 qua những bài học lịch sử, qua lời kể của mọi người trong gia đình và các bộ phim tài liệu, phim truyện… Tôi thực sự xúc động mỗi lần được nghe về những tấm gương hy sinh, những câu chuyện cảm động của thế hệ cha ông trong suốt 30 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, chống đế quốc Mỹ, để có được Ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, để có hòa bình, hạnh phúc ngày hôm nay. Cũng vì thế, tôi thấy mình cần phải sống có trách nhiệm hơn, xứng đáng hơn với những hy sinh ấy.
Tôi sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống yêu nước. Ông nội tôi là Dương Đức Hiền, nguyên Bộ trưởng Bộ Thanh niên trong Chính phủ Cách mạng lâm thời (năm 1945). Ông nội tôi cũng là một trong những người sáng lập và là Tổng thư ký đầu tiên của Đảng Dân chủ Việt Nam. Tôi hiểu về những đóng góp của mọi tầng lớp nhân dân vào thành quả của cách mạng Việt Nam và tin tưởng vào sức mạnh đại đoàn kết dân tộc. Phần lớn người Việt Nam ở nước ngoài hiện nay đều có lòng yêu nước, đều hướng về Tổ quốc. Vì thế, những mưu toan kích động hận thù, chia rẽ mối đại đoàn kết dân tộc là có tội với tổ tiên và chắc chắn sẽ thất bại.
Đã đi đến nhiều vùng miền, một số hải đảo của Tổ quốc, ở đâu tôi cũng thấy lòng yêu nước dạt dào trong mỗi người con Việt Nam. Lòng yêu nước của nhân dân là một thế mạnh để đất nước ta, dân tộc ta vươn lên.
Là một đảng viên trẻ của Đảng Cộng sản Việt Nam, cán bộ trẻ của ngành tư pháp, tôi luôn tâm niệm khi làm việc phải luôn đặt lợi ích của nhân dân và Tổ quốc lên trên hết. Tôi thấy mình luôn cần phải rèn luyện, phấn đấu nhiều hơn nữa. Hàng nghìn, hàng vạn thanh niên trẻ chúng tôi vẫn đang âm thầm đóng góp cho đất nước với các hình thức khác nhau. Chỉ cần mỗi người Việt Nam luôn tự vấn mình rằng đã làm được những gì, đã đóng góp được gì để xây dựng đất nước, vì lợi ích của đất nước, của dân tộc thì nhất định Việt Nam ta sẽ trở nên hùng cường, giàu mạnh.
TÚ ANH (ghi)
Bài 1: Người Mỹ tự nhận sai lầm
Bài 2: Sự vô giá của hòa bình, thống nhất
Bài 3: Kiến tạo hạnh phúc và phát triển