Ngày 31/1, Bộ trưởng Nội vụ, tư pháp và hòa bình Venezuela Nestor
Reverol thông báo lực lượng an ninh nước này đã bắt giữ một nhóm tội
phạm được phe đối lập thuê nhằm tiến hành các vụ sát hại "có chọn lọc"
như một phần trong cái gọi là "Chiến dịch Hiến pháp" hòng lật đổ chính
quyền hợp hiến của Tổng thống Nicolas Maduro.
Theo hãng thông tấn AVN của Venezuela, phát biểu tại cuộc họp báo, Bộ
trưởng Reverol cho biết nhóm đối tượng này đã nhập cảnh vào Venzuela từ
nước láng giềng Colombia và bị bắt giữ khi đi qua một trạm kiểm soát
đường cao tốc. Trong nhóm này có một số binh sỹ Venezuela đào tẩu, như
Miguel Ambrosio Palacio, từng thuộc Lực lượng Vũ trang quốc gia
Bolivariana (FANB), hay Alberto Jose Salazar, từng đứng trong hàng ngũ
quân đội Venezuela.
Đặc biệt tên Ambrosio Palacio có nhiệm vụ cung cấp hậu cần, tuyển mộ các
đối tượng để tiến hành các vụ sát hại nhằm vào các chính trị gia và
giới chức quân đội Venezuela.
Trong quá trình khám xét, lực lượng an ninh còn thu giữ 2 khẩu súng AK
103, 2 điện thoại vệ tinh và nhiều tài liệu liên quan đến "Chiến dịch
Hiến pháp".
Các chiến dịch truy quét trên diễn ra trong bối cảnh tình hình chính trị
tại Venezuela căng thẳng sau khi Chủ tịch của Quốc hội do phe đối lập
kiểm soát, đồng thời là thủ lĩnh phe đối lập Juan Guaido tự phong là
"tổng thống lâm thời" của quốc gia Nam Mỹ này cho tới khi lập ra một
chính phủ chuyển tiếp và tổ chức bầu cử.
Đã có nhiều nước ủng hộ vai trò mới của ông Guaido, trong đó có Mỹ,
Canada, Colombia, Paraguay, Brazil, Chile, Argentina, Ecuador, Guatemala
và Peru.
Mới đây nhất, ngày 31/1, Nghị viện châu Âu (EP) đã bỏ phiếu công nhận
vai trò lãnh đạo mới của chính khách phe đối lập tại Venezuela này và
kêu gọi các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) ủng hộ bước đi này.
Ngay sau đó, Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại
của EU, bà Federica Mogherini cho biết EU đã thành lập một nhóm tiếp xúc
quốc tế của châu Âu và các nước Mỹ Latinh để giúp giải quyết cuộc khủng
hoảng của Venezuela bằng con đường hòa bình.
Hiện đã có các nước Anh, Pháp, Đức, Italy, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Hà
Lan, Bolivia, Ecuador, Costa Rica và Uruguay tuyên bố sẽ tham gia nhóm
tiếp xúc; sẽ chấm dứt hoạt động sau 90 ngày nếu không đạt được tiến
triển nào, và sẵn sàng cân nhắc áp đặt thêm các lệnh trừng phạt kinh tế
đối với chính quyền của Tổng thống Nicolas Maduro.
Bà Mogherini nêu rõ EU chuẩn bị sẵn các biện pháp trừng phạt cụ thể và
các ngoại trưởng có thể cân nhắc các biện pháp trừng phạt bổ sung.
Cùng ngày, Tổng Tư lệnh Cảnh sát Quốc gia Bolivar của Venezuela (PNB)
Carlos Alfredo Perez đã bác bỏ thông tin về việc các đặc vụ của Lực
lượng Hành động đặc biệt (FAES) của cảnh sát nước này đã tới nhà riêng
của ông Guaido tại thủ đô Caracas.
Theo trang tin tức của kênh truyền hình Telesur, trước đó, phát biểu tại
sự kiện tại Đại học Central de Venezuela, ông Guaido cho hay FAES đã có
mặt tại nhà riêng của ông và yêu cầu gặp vợ ông.
Tổng Tư lệnh Cảnh sát Carlos Alfredo Perez khẳng định thông tin này là hoàn toàn giả mạo.
Trong khi đó, Mỹ tiếp tục gia tăng sức ép đối với những nước ủng hộ Tổng
thống Maduro. Cùng ngày, Mỹ thông báo đang giám sát các hoạt động
thương mại giữa Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại
Tây Dương (NATO), với Venezuela, đồng thời nhấn mạnh sẽ có biện pháp
nếu Ankara vi phạm các lệnh trừng phạt nhằm vào Caracas.
Dự kiến, Trợ lý Bộ trưởng Tài chính Mỹ phụ trách vấn đề tài trợ cho
khủng bố Marshall Billingslea sẽ có các cuộc tiếp xúc với giới chức Thổ
Nhĩ Kỳ tại Ankara.
Ông Billingslea đang có chuyến thăm Thổ Nhĩ Kỳ nhằm thảo luận về các
biện pháp trừng phạt Iran, nước xuất khẩu khí đốt sang quốc gia láng
giềng Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, vấn đề liên quan đến Venezuela dường như
cũng nằm trong nội dung thảo luận.
Thổ Nhĩ Kỳ là một trong nhiều nước lên tiếng ủng hộ chính quyền Tổng thống Maduro.
Hồi năm ngoái, Venezuela xuất khẩu 23,6 tấn vàng trị giá 900 triệu USD
sang Thổ Nhĩ Kỳ. Giữa tháng 1 năm nay, hai nước nhất trí tăng cường xuất
khẩu kim loại quý này./.
(TTXVN)