VI CHẤT DINH DƯỠNG VÀ THỰC TRẠNG Ở NƯỚC TA
Hiện nay, nước ta có hàng triệu trẻ em bị chậm lớn, chậm phát triển trí não, có hệ miễn dịch bị suy yếu và mắc các căn bệnh do thiếu hụt VCDD. Đối với phụ nữ mang thai, việc thiếu hụt các vitamin và khoáng chất cần thiết có ảnh hưởng vô cùng nghiêm trọng như làm tăng nguy cơ sinh thiếu cân, khuyết tật khi sinh, thai lưu và thậm chí là tử vong. Thiếu VCDD rất khó phát hiện và được coi là “nạn đói tiềm ẩn” ảnh hưởng đến mọi lứa tuổi; trong đó, trẻ em, phụ nữ mang thai, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ là những đối tượng có nguy cơ cao.
Trên thực tế, tỷ lệ thiếu VCDD có sự khác biệt lớn giữa các vùng, miền trong nước. Do đó, Bộ Y tế đã tư vấn Chính phủ ban hành Nghị định 09/2016/ND-CP về bắt buộc tăng cường vi chất vào thực phẩm nhằm giải quyết tình trạng thiếu các vi chất phổ biến nhất ở người Việt Nam, bao gồm: Tăng cường I ốt vào muối ăn và muối dùng trong chế biến thực phẩm; tăng cường sắt, kẽm vào bột mì dùng trong chế biến thực phẩm và tăng cường vitamin A vào dầu ăn. Phòng chống thiếu VCDD là 1 trong 6 mục tiêu quan trọng của Chiến lược Quốc gia dinh dưỡng 2011-2020, trong đó bổ sung VCDD cho các đối tượng có nguy cơ cao là giải pháp tức thời và cần thiết để khắc phục nhanh chóng, kịp thời tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng. Bên cạnh đó, tăng cường VCDD vào thực phẩm là giải pháp trung hạn; còn đa dạng hóa bữa ăn là biện pháp cải thiện tình trạng thiếu VCDD lâu dài và bền vững.
Mặc dù đã đạt được những thành tựu đáng kể về cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho người dân như tỷ lệ SDD trẻ em đã giảm nhanh và bền vững (suy dinh dưỡng (SDD) thể nhẹ cân giảm từ 30,1% năm 2000 xuống còn 14,1% năm 2015 và năm 2016 tỷ lệ SDD nhẹ cân ở trẻ dưới 5 tuổi là 13,8%); chúng ta đã thanh toán được tình trạng mù lòa do thiếu vitamin A; tình trạng thiếu vitamin A huyết thanh, thiếu máu do thiếu sắt và thiếu các VCDD khác ngày càng được cải thiện; kiến thức, thực hành dinh dưỡng đúng của người dân ngày càng được nâng cao,…. nhưng chúng ta vẫn đang phải đối mặt với những thách thức như: Tỷ lệ SDD thấp còi (chiều cao theo tuổi) ở trẻ em dưới 5 tuổi vẫn còn ở mức cao (24,3% năm 2016) và có sự chênh lệch giữa các vùng nhất là vùng núi, vùng khó khăn và nông thôn với thành phố, đồng bằng. Tỷ lệ này ở miền núi phía Bắc là 30,3% và Tây nguyên là 34,2%. SDD thấp còi và thiếu VCDD là những nguyên nhân chính dẫn tới chiều cao thấp ở thanh niên Việt Nam. Trong khi đó, việc thực hiện chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, chế độ dinh dưỡng học đường, dinh dưỡng cho người lao động mới chỉ đạt kết quả bước đầu. Do vậy, cần nâng cao nhận thức về vai trò dinh dưỡng, dinh dưỡng hợp lý của các cấp ủy đảng, chính quyền và người dân, các bộ ngành, địa phương cần quan tâm đầu tư hơn nữa cho công tác dinh dưỡng.
Việt Nam cũng như các nước đang phát triển, khẩu phần ăn của người dân chủ yếu dựa vào các thực phẩm có nguồn gốc từ ngũ cốc, trong đó gạo cung cấp trên 70% năng lượng khẩu phần. Những khẩu phần này thường bị thiếu hụt các axit amin và VCDD như Leucine Isoleucine, lyzin, kẽm, selenium, đây là những axit amin và chất khoáng cần thiết mà cơ thể không thể tự tổng hợp được và trong 1 số thức ăn thông thường không có. Khi thiếu axit amin và những chất khoáng này làm cho quá trình tổng hợp protein kém hiệu quả, giảm sức đề kháng bảo vệ cơ thể, giảm giá trị dinh dưỡng của bữa ăn. Tại các vùng nông thôn Việt Nam, gạo vẫn là thực phẩm cơ bản cho chế biến các bữa ăn bổ sung của trẻ nhỏ, cộng với nước mắm, mỡ, mì chính, hoặc đường kính.
Với chế độ ăn nghèo dinh dưỡng như vậy, bữa ăn của trẻ thường thiếu năng lượng, các axít amin cần thiết, đặc biệt là thiếu các vitamin và khoáng chất cho tăng trưởng và phát triển của trẻ em. Vòng xoắn bệnh lý giữa thiếu ăn, bệnh tật và SDD ngày càng nặng thêm: Thiếu lyzin, thiếu vitamin và chất khoáng... làm trẻ lười ăn, chậm lớn, giảm chức năng miễn dịch, dễ mắc bệnh nhiễm khuẩn... dẫn đến SDD. Cắt đứt vòng xoắn này bằng bổ sung vitamin và VCDD giúp trẻ ăn ngon miệng hơn, tăng tốc độ phát triển thể lực, tăng khả năng miễn dịch là rất cần thiết cho phòng chống SDD ở trẻ nhỏ, đặc biệt giai đoạn ăn bổ sung 6-24 tháng tuổi.
Ngay từ đầu thập kỷ 80, các nghiên cứu lâm sàng về thực phẩm bổ sung dinh dưỡng cho trẻ nhỏ như thức ăn bổ sung có đậm độ năng lượng cao, các thức ăn có tăng cường vi chất vào thực phẩm đã được triển khai mạnh mẽ và đem 3 lại hiệu quả khả quan như bột dinh dưỡng với sự có mặt của bột ngũ cốc nảy mầm đã làm cho bột nấu chín hóa lỏng tăng cao hơn đậm độ năng lượng (Energy density) khi được nấu với cùng lượng bột khô như bình thường giúp phòng chống và phục hồi suy dinh dưỡng, bổ sung thêm 1 số VCDD vào các loại thực phẩm (Food fortification) như bánh quy, nước mắm có bổ sung sắt, kẽm, canxi, đường và mì chính/bột ngọt có bổ sung vitamin A, bột dinh dưỡng bổ sung đa vi chất.
Đó là những sản phẩm có giá trị trong cải thiện tình trạng SDD và giảm thiểu bệnh tật do thiếu VCDD trẻ em. Tuy nhiên, giá cả của các sản phẩm còn cao so với kinh tế của các vùng nghèo, do vậy rất cần có sự chung tay vào cuộc của các doanh nghiệp... Tuy nhiên, với đặc điểm thực phẩm các ở vùng núi phía Bắc, Tây nguyên và vùng nông thôn nghèo thiếu I ốt, đạm động vật (Protein) và thiếu VCDD trong chế độ ăn, hoàn cảnh kinh tế của gia đình khó khăn, bố mẹ không có nhiều thời gian chăm sóc trẻ, phụ nữ mang thai không có chế độ ăn uống và nghỉ ngơi hợp lý thì việc đảm bảo chế độ dinh dưỡng có đủ đạm, I ốt và các vitamin cần thiết là rất khó khăn, thì đây lại là một giải pháp khả thi và bền vững để phòng và chống thiếu VCDD cho trẻ em và phụ nữ có thai nói chung, đặc biệt ở Vùng núi, vùng Tây nguyên, vùng nông thôn nghèo là hết sức cần thiết. Đặc điểm của sản phẩm bổ sung này là dựa trên các thức ăn truyền thống của địa phương, giúp cải thiện tổng hợp protein và thiếu VCDD trong chế độ ăn, có giá cả hợp lý và tiện lợi khi sử dụng.
Hiện nay, các biện pháp phòng chống SDD tập trung vào 3 nhóm giải pháp chính: Tăng lượng dinh dưỡng ăn vào, bổ sung vi chất và giảm gánh nặng bệnh tật: Nhóm giải pháp thứ nhất: Tăng lượng dinh dưỡng ăn vào (cả chất lượng và số lượng), bao gồm các can thiệp: bổ sung năng lượng và protein cho phụ nữ mang thai, khuyến khích nuôi con bằng sữa mẹ, cải thiện chất lượng bữa ăn bổ sung cho trẻ. Nhóm giải pháp thứ hai: Bổ sung vi chất chất dinh dưỡng (vitamin, khoáng chất, axit amin…), bao gồm các can thiệp: bổ sung sắt, acid folic, 20 vitamin A, canci cho phụ nữ mang thai, bổ sung muối iốt, vitamin A và kẽm cho trẻ. Nhóm giải pháp thứ 3: Lồng ghép can thiệp dinh dưỡng với các chương trình chăm sóc sức khỏe tại cộng đồng. Cải thiện khẩu phần ăn cả về chất lượng và số lượng Với trẻ em, các can thiệp nhằm khuyến khích nuôi con bằng sữa mẹ hợp lý làm giảm tỷ lệ tử vong trẻ. Các can thiệp tăng cường khẩu phần năng lượng của thức ăn bổ sung cũng có hiệu quả trong cải thiện cân nặng, chiều cao của trẻ em.
Chương trình thức ăn bổ sung thường cung cấp hay hỗ trợ bữa ăn hoặc thực phẩm với giá thấp hay miễn phí cho các nhóm đối tượng có nguy cơ cao với các mục tiêu sau: Để cải thiện tốc độ phát triển, tình trạng dinh dưỡng và sức khoẻ nói chung để tăng sức đề kháng cho nhóm có nguy cơ cao. Đặc biệt là ở các hộ gia đình có thu nhập thấp. Bổ sung vi chất trước tình hình thiếu VCDD đã trở thành một vấn đề sức khoẻ có ý nghĩa cộng đồng, việc phải tìm ra những giải pháp chiến lược để phòng, chống là một việc làm vô cùng cần thiết.
Các em học sinh tham gia Chương trình uống vitamin A mở rộng. Ảnh Minh họa
|
Bổ sung vi chất bằng đường uống (supplementation) các chất dinh dưỡng được sản xuất dưới dạng thuốc, sử dụng trong các chương trình ngắn hạn, nhằm bổ sung cho những đối tượng có nguy cơ bị thiếu hụt cao và thường ở những nơi mà tình trạng thiếu VCDD ở tỷ lệ cao, có ý nghĩa sức khoẻ cộng đồng. Biện pháp này nhằm cải thiện nhanh tình trạng thiếu VCDD ở cộng đồng đối với những nhóm đối tượng có nguy cơ được xác định rõ. Những chương trình bổ sung các chất dinh dưỡng đã được thực hiện là bổ sung viên nang vitamin A, viên nang iod, viên sắt, vitamin K... Ở nước ta, chương trình bổ sung viên nang vitamin A liều cao cho trẻ nhỏ, phụ nữ ngay sau sinh, bổ sung viên sắt cho phụ nữ có thai đã thu được những thành công khả quan. Bổ sung các VCDD bằng đường uống là giải pháp ngắn hạn được lựa chọn đầu tiên và phổ biến nhất. Hơn thế nữa, tại những nước có tỷ lệ thiếu các VCDD cao và ở mức độ nặng thì giải pháp này là giải pháp duy nhất để có thể làm giảm thiểu nhanh cả về tỷ lệ lẫn mức độ nặng của nó.
Việc bổ sung các đơn vi chất và đa vi chất đã và đang mang lại các kết quả tốt. Bổ sung vi chất vào thực phẩm (food fortification) đóng một vai trò quan trọng trong việc đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng, đặc biệt là những vi chất cần trong giai đoạn phát triển và được coi là chiến lược trung và dài hạn trong phòng chống thiếu VCDD ở cộng đồng. Đây là một biện pháp phù hợp với con đường tự nhiên bằng cách đưa vi chất qua đường thức ăn hàng ngày, mang lại hiệu quả cao, chi phí thấp hơn. Tại Việt Nam, một số vi chất đưa vào thực phẩm đã được triển khai trên cộng đồng như đưa iốt vào muối từ những năm 70 của thế kỷ 20, khoảng 20 năm gần đây một loạt các thực phẩm đã được nghiên cứu để tăng cường vi chất như nước mắm sắt, bột dinh dưỡng trẻ em với đa vi chất, bánh qui sắt, kẽm, canxi; vitamin A vào đường, đa vi chất vào bột mỳ, sắt vào mỳ ăn liền… Cùng với bổ sung các vitamin, khoáng chất, bổ sung các axit amin vào thực phẩm cũng đã được triển khai nhiều trên thế giới.
Giải pháp tăng cường VCDD vào thực phẩm đã được áp dụng ở nhiều nước từ đầu thế kỷ 20; đã được Trung tâm Copenhagen Consensus 2012 xếp loại là một trong những can thiệp có hiệu quả nhất trong phát triển toàn cầu và là giải pháp đã được các tổ chức như WHO, WFP, UNICEF, FAO và WB khuyến nghị để thanh toán thiếu vi chất dinh dưỡng. Đồng thời, tại Việt Nam, tăng cường VCDD vào thực phẩm được xác định là biện pháp hiệu quả nhất. Kết quả của các nghiên cứu trên thế giới đã khẳng định rằng ở những nơi mà thức ăn chính là ngũ cốc như: gạo, ngô, bột mỳ được một số A xit amin, Vitamin và các VCDD khác có tác dụng rõ rệt cho sự tăng trưởng và phòng chống bệnh tật ở các đối tượng có nguy cơ cao như phụ nữ mang thai và trẻ em dưới 5 tuổi. Việc đa dạng hóa bữa ăn và bổ sung Vitamin và VCDD vào thực phẩm ở những Quốc gia ăn chủ yếu là ngũ cốc là giải pháp khả thi, có hiệu quả trong phòng chống SDD thể thấp còi (stunting) ở trẻ em vùng nông thôn nước ta, đây là giải pháp lâu dài quan trọng nhất. Cần thiết phải đẩy mạnh giáo dục tuyên truyền để cho mọi người dân hiểu và lựa chọn các thực phẩm giàu VCDD hoặc đã được bổ sung VCDD cho bữa ăn hàng ngày của gia đình.
VAI TRÒ CỦA VI CHẤT DINH DƯỠNG ĐỐI VỚI SỰ PHÁT TRIỂN CỦA TRẺ EM VÀ SỨC KHỎE CỦA PHỤ NỮ TRONG THỜI KỲ MANG THAI.
Vitamin, khoáng chất và một số axít amin là các chất dinh dưỡng mà cơ thể con người không tự tổng hợp được, cần được cung cấp qua thức ăn. Các VCDD với một hàm lượng rất nhỏ nhưng có vai trò quan trong chuyển hoá và phát triển của cơ thể. Một số chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể con người thường bị thiếu đó là sắt, vitamin A, kẽm và tình trạng thiếu các chất này là rất phổ biến ở các nước đang phát triển (nơi có khẩu phần ăn chủ yếu là các loại ngũ cốc và thiếu protein nguồn gốc động vật).
Vitamin A là một loại vitamin hòa tan trong chất béo (các loại dầu, mỡ) có nguồn gốc tự nhiên trong nhiều loại rau củ quả và thực phẩm nguồn gốc động vật. Vitamin A có vai trò quan trọng đối với cơ thể, giúp cho đôi mắt trong sáng hơn, nhìn rõ hơn, đồng thời giúp cho nâng cao sức đề kháng của cơ thể, tăng cường hệ miễn dịch chống lại các loại bệnh tật, đặc biệt là Sởi, tiêu chảy và viêm phổi ở trẻ em. Đồng thời, vitamin A còn giúp cho làn da, mái tóc mượt, mịn màng hơn và hỗ trợ chức năng sinh sản của con người. Một số nghiên cứu gần đây còn cho thấy vitamin A còn có khả năng giảm thiểu mắc ung thư ở động vật thí nghiệm. Nhu cầu vitamin A ở trẻ dưới 10 tuổi từ 325-400 mg/ngày, trẻ vị thành niên và người trưởng thành từ 500-600 mg/ ngày. Nhu cầu tăng cao ở phụ nữ cho con bú, người mắc bệnh nhiễm trùng, ký sinh trùng và ở các giai đoạn phục hồi bệnh.
Vitamin A tồn tại ở 2 dạng: Dạng thứ nhất, là vitamin A đã chuyển hoá, có nguồn gốc từ động vật, có nhiều trong lòng đỏ trứng, bơ, sữa, phomát, và có nhiều trong gan cá thu, cá mập.... Đặc biệt, trong sữa non của bà mẹ sau sinh chứa rất nhiều vitamin A và các chất kháng thể. Do vậy, việc tuyên truyền các bà mẹ cho bé sơ sinh được bú mẹ sớm ngay trong những giờ đầu sau đẻ là cực kỳ quan trọng. Dạng thứ hai, là tiền vitamin A (beta-carotene) có nguồn gốc từ thực vật, trong rau có mầu xanh đậm hoặc mầu vàng, quả có mầu vàng như: rau muống, rau ngót, rau cải xanh, rau dền, bí đỏ, cà rốt, xoài, gấc.., khi ăn vào nó sẽ hòa tan trong chất béo được hấp thụ trở thành Vitamin A. Loại tiền vitamin A phổ biến nhất được tìm thấy trong thực phẩm và các sản phẩm bổ sung là beta-carotene.
Thiếu VCDD gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế và sức khỏe của trẻ em và phụ nữ.
Các vấn đề thiếu VCDD có ý nghĩa sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là thiếu iốt, vitamin A, sắt và kẽm gây tổn thất nhiều chi phí cho xã hội. Hiện nay, ở Việt Nam, tỷ lệ chết trẻ em dưới 1 tuổi là 30/1000 trẻ đẻ sống, tỷ lệ trẻ em chết dưới 5 tuổi là 39/1000 trẻ đẻ sống, tỷ lệ trẻ sơ sinh chết là 7,5/1000 trẻ sinh sống và tỷ lệ chết mẹ là 95/100.000 trẻ đẻ sống, tỷ số rủi ro tương đối của các trường hợp tử vong do thiếu vitamin A nhẹ ở trẻ trên 6 tháng tuổi là 1,75. Trong số 1.600 trường hợp tử vong mẹ hàng năm có 192 (12%) trường hợp liên quan đến thiếu máu do thiếu sắt.
Thiếu máu không chỉ gây tác hại đối với sức khỏe, năng lực trí tuệ mà còn ảnh hưởng tới phát triển kinh tế của đất nước do năng suất lao động kém và những chi phí do bệnh tật - hậu quả của tình trạng thiếu máu, thiếu sắt. Theo tính toán của các nhà kinh tế, khắc phục tình trạng thiếu Iốt, vitamin A và sắt có thể nâng cao được chỉ số thông minh (IQ) của cộng đồng tới 10-15 điểm, giảm tử vong bà mẹ khoảng 1/3, giảm tỉ lệ tử vong trẻ sơ sinh xuống 40% và tăng khả năng lao động khoảng gấp 1,5 lần.
Thiếu sắt cũng gây ra một hậu quả tương tự: giảm khả năng lao động do giảm khả năng trí tuệ khi còn nhỏ, mất mát khả năng lao động của lực lượng lao động trí óc và của lực lượng lao động chân tay sẽ gây tổn thất là 228 triệu đô la một năm và 2.408 triệu đô la trong 10 năm tới nếu tình hình không được cải thiện. Các chi phí cho điều trị y tế khi bị thiếu hụt, giảm hoặc mất năng suất lao động và các chi phí vô hình khác cho thiếu vitamin A, sắt, kẽm và I ốt có thể mất tới 648 triệu đô la Mỹ một năm trong khi tăng cường các VCDD vào thực phẩm với những lợi ích sức khỏe, y tế và xã hội do nó mang lại chỉ cần chi phí khoảng 3 triệu đô la Mỹ một năm.
Các nhà kinh tế học đã dự tính rằng nếu tình trạng thiếu hụt các VCDD không được cải thiện thì trong 10 năm tới nền kinh tế thế giới sẽ phải tiêu tốn từ 180 đến 250 tỷ đô la Mỹ để giải quyết các hậu quả do sự sa sút về trí tuệ, suy giảm hệ thống miễn dịch, tử vong bà mẹ và trẻ em cũng như sự thiệt hại do suy giảm năng suất lao động gây ra. Nhưng nếu muốn đối phó với những thiếu hụt này thì xã hội chỉ cần đầu tư khoảng 4 đến 5 tỷ đô la Mỹ mà thôi[1].
Vấn đề về thiếu hụt VCDD và hệ lụy đến sức khỏe tại Việt Nam:
Thiếu i-ốt là nguyên nhân chính dẫn đến chứng đần độn và gây tổn thương não ở trẻ em, thai chết lưu và sảy thai ở phụ nữ, gây ra các rối loạn khác ở người trưởng thành như bệnh bướu cổ, đần độn. Tác động nghiêm trọng nhất của việc thiếu i-ốt có thể xảy ra trong thai kỳ và trong những năm đầu đời của trẻ. 30% trẻ trên toàn thế giới sống ở những nơi thiếu i-ốt. Tình trạng thiếu I-ốt: Năm 2014-2015 theo điều tra của Bệnh viện Nội tiết trung ương, tỷ lệ bướu cổ trẻ em 8-12 tuổi là 9,8%, mức trung vị I-ốt niệu là 8,4 mcg/dl. Tỷ lệ này cao gấp gần 2 lần so với khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới (<5%). Tỷ lệ này cũng cao gần cấp 3 lần so với số liệu năm 2005 của Việt Nam (là 3,6%) khi tuyên bố thanh toán tình trạng bướu cổ và các rối loạn do thiếu I-ốt. Do vậy, Việt Nam đang bị mạng lưới toàn cầu về I-ốt đánh giá là một trong 19 quốc gia có tình trạng thiếu I-ốt tồi tệ nhất trên thế giới.
Thiếu vitamin A, làm suy yếu hệ miễn dịch và tăng nguy cơ trẻ bị nhiễm trùng và tử vong bởi các bệnh như sởi, tiêu chảy. Đặc biệt, trẻ bị thiếu Vitamin A ở thể nhẹ thường gây giảm thị lực của trẻ vào lúc chập choạng tối (bệnh quáng gà), nếu ở thể nặng sẽ gây ra bệnh khô mắt do thiếu (Xeropthamia), nếu kèm theo trẻ bị SDD hoặc nhiễm trùng sẽ dẫn tới bệnh loét nhũn giác mạc gây mù lòa. Kết quả điều tra tình trạng thiếu một số VCDD của phụ nữ và trẻ em 6-59 tháng do Viện Dinh dưỡng tiến hành năm 2015 cho thấy tỷ lệ thiếu vitamin A tiền lâm sàng ở trẻ em dưới 5 tuổi là 13,1% và tỷ lệ vitamin A trong sữa mẹ thấp vẫn ở mức 35%. Tổ chức Y tế Thế giới vẫn xếp Việt Nam vào danh sách 19 nước có tình trạng thiếu vitamin A tiền lâm sàng mức độ nặng (trên 10% trẻ dưới 5 tuổi).
Thiếu sắt, là nguyên nhân chính dẫn đến bệnh thiếu máu. Bà mẹ mang thai bị thiếu máu làm tăng nguy cơ sinh non, băng huyết và nhiễm khuẩn khi sinh và nguy cơ tử vong mẹ cao. Trẻ bị thiếu sắt sẽ bị tăng nguy cơ nhiễm khuẩn, gặp khó khăn trong học tập và tiếp thu kiến thức. Ngoài ra thiếu sắt còn có thể gây ra nhiều bệnh lý khác như gây ra tình trạng tim đập nhanh gây căng thẳng, mệt mỏi, rụng tóc, bong móng, suy giảm hệ miễn dịch. suy yếu phát triển nhận thức, suy giảm trí nhớ, giảm trí thông minh ở trẻ em cũng như giảm năng suất lao động ở người lớn. Kết quả điều tra tình trạng thiếu máu của phụ nữ và trẻ em 6-59 tháng tuổi do Viện Dinh dưỡng tiến hành năm 2015 cho thấy tỷ lệ thiếu máu ở phụ nữ có thai là 31,9%, phụ nữ không có thai 24,4% và trẻ em dưới 5 tuổi 27,7%. Thiếu sắt gây thiếu máu dinh dưỡng làm tăng nguy cơ tử vong mẹ, phát triển thai nhi kém.
Thiếu kẽm, làm giảm khả năng phát triển chiều cao ở trẻ em, gây suy yếu chức năng miễn dịch, đồng thời làm tăng nguy cơ nhiễm trùng đường ruột. Thiếu kẽm là một trong các nguyên nhân dẫn đến đến tử vong do tiêu chảy ở trẻ. Thiếu kẽm đặc biệt phổ biến ở các nước có thu nhập thấp do chế độ dinh dưỡng thiếu kẽm và việc hấp thụ kẽm không đầy đủ. Kết quả điều tra tình trạng thiếu một số VCDD của phụ nữ và trẻ em 6-59 tháng tuổi do Viện Dinh dưỡng tiến hành năm 2015 cho thấy tỷ lệ thiếu kẽm ở phụ nữ có thai là 82,5%, phụ nữ không có thai 60,7%, và trẻ em dưới 5 tuổi là 68,3%.
Ngoài ra, một số VCDD khác cũng đang bị thiếu hụt như axit folic, vitamin D, vitamin B1, vitamin K...cũng làm giảm khả năng phát triển chiều cao ở trẻ em và là một vấn đề thực sự cần quan tâm trong thai kỳ vì nó có thể dẫn đến nhiều biến chứng về sức khỏe cho cả mẹ và thai nhi. Đặc biệt gây dị tật thai nhi (bệnh hở ống thần kinh do thiếu axit folic) và các dị tật khác như sứt môi, chẻ vòm, dị tật ở tim và chân tay. Tuy nhiên, 4 loại VCDD: I-ốt, sắt, kẽm, vitamin A đang bị thiếu hụt một cách đáng báo động tới mức có ý nghĩa sức khỏe cộng đồng, cần phải có can thiệp để giải quyết vấn đề này.
Chiến lược phòng chống thiếu VCDD hiện nay là kết hợp đồng thời các giải pháp. Tuy nhiên, với điều kiện kinh tế xã hội và mức thu nhập bình quân đầu người của người dân Việt Nam, việc bổ sung đủ VCDD trong khẩu phần thông qua giải pháp đa dạng hóa bữa ăn vẫn khó đạt tới trong thời gian ngắn. Bổ sung vi chất bằng đường uống cần nguồn kinh phí lớn từ nhà nước cho ngành y tế và không thuận tiện cho tất cả mọi người dân. Chính vì vậy, Nghị định 09/2016/NĐ-CP của Thủ tướng chính phủ về tăng cường vi chất vào thực phẩm được ban hành dựa trên các bằng chứng về tăng cường VCDD, ngoài ưu điểm chi phí thấp, sử dụng thuận tiện còn có ưu điểm có sự hợp tác công tư, trong đó nhà nước phê duyệt chính sách phù hợp, cá nhân và cơ sở sản xuất thực phẩm sản xuất và phân phối các thực phẩm tăng cường VCDD và người tiêu dùng tự chi trả cho các sản phẩm có giá trị dinh dưỡng cao, có lợi ích cho sức khỏe.
Mong muốn mọi người dân, các nhà sản xuất, doanh nghiệp nhận thức đúng về vấn đề thiếu VCDD ở người Việt Nam. Cần thiết hỗ trợ và thúc đẩy thực hiện Nghị định số 09/2016/NĐ-CP và những giải pháp phòng ngừa thiếu hụt vi chất dinh dưỡng, thay đổi nhận thức và hành vi cho người tiêu dùng về VCDD và sản phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng, kêu gọi Chính phủ thắt chặt thực thi chính sách về tăng cường vi chất vào thực phẩm, từ đó đảm bảo các mục tiêu phát triển nhân lực quốc gia, nâng cao tầm vóc người Việt Nam, phát triển kinh tế - xã hội bền vững./.
BS. Nguyễn Trọng An,
Chuyên gia dinh dưỡng Bà mẹ-Trẻ em. Điều phối viên Liên minh Phòng, chống các bệnh không lây nhiễm Việt Nam (NCDs-VN)
[1] Báo cáo Viện dinh dưỡng quốc gia 2015