Chủ Nhật, 6/10/2024
Cuộc sống số
Thứ Sáu, 22/8/2008 10:48'(GMT+7)

Vi phạm tràn lan bản quyền trong môi trường số

Hiện nay Việt Nam có 400 doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp số, thu hút 21.000 lao động, doanh thu năm 2006 đạt gần 110 triệu USD, trong đó có 65% là doanh nghiệp tư nhân trong nước, 3% là doanh nghiệp nước ngoài. Các lĩnh vực có doanh số lớn trong ngành công nghiệp kỹ thuật số là: mạng di động, internet, trò chơi và thương mại điện tử.

Vi phạm bản quyền trong môi trường số- chuyện như "cơm bữa"

Đó là việc tiếp cận những bản ghi âm, ghi hình bất hợp pháp, tháo dỡ, huỷ hoại những thông tin quản lý quyền. Nghiêm trọng hơn là tiếp cận những ký mã của tác giả để tiếp cận tác phẩm.

Tại cuộc hội thảo về Các công ước và hiệp ước quốc tế về quyền tác giả, quyền liên quan do Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) và Cục Bản quyền tác giả, Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) tổ chức mới đây, ông Vũ Mạnh Chu, Cục trưởng Cục bản quyền tác giả nêu thông tin: Tính riêng 4 mạng điện thoại di động đang hoạt động tại Việt Nam, có doanh thu khoảng gần 100 tỉ đồng/tháng, dùng tới 10.000 bản nhạc chờ. Hàng trăm website có sử dụng nhạc, phim, từ điển, tác phẩm văn học... nhưng đến nay mới có 11 website ký hợp đồng sử dụng tác phẩm với Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam và 6 website ký với Hiệp hội Ghi âm Việt Nam. Trong khi các website tràn lan, thì chỉ có hơn 200 thanh tra văn hoá từ Trung ương tới địa phương, nên khó mà có thể bao quát và xử lý được.

Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Trần Chiến Thắng cũng nhận định, tình hình thực hiện và tuân thủ các quy định pháp lý liên quan đến vấn đề tác quyền ở nước ta vẫn chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Việc thực thi quyền tác giả đang đi vào đời sống, nhưng so với thực tế thì vẫn là một khoảng cách khá xa. Bộ VH-TT&DL đã chỉ đạo các cơ quan hữu quan tăng cường quản lý, kiểm tra và xây dựng hệ thống luật pháp, kiểm tra việc thực hiện các công ước quốc tế Berne, Rome, Brussels, Geneva, nhưng thực tế, người dân chưa hiểu hết hoặc số đông chưa có ý thức thực hiện các quy định đó. Nhiều người vẫn vi phạm một cách vô tình hoặc cố ý.

TS Jorgen Bomqvist - Trưởng Ban Pháp luật Quyền tác giả WIPO cho rằng, Việt Nam cần tiếp cận nhanh chóng và tích cực với những nền công nghiệp phát triển để có sự bứt phá và việc thực thi bản quyền trong môi trường số cần phải được thực hiện đồng bộ. Thứ trưởng Trần Chiến Thắng mong muốn: "Chúng tôi mong muốn tất cả mọi người cùng chung một nhận thức, từ đó xây dựng phương cách đồng bộ trong cả nước, để đảm bảo bản quyền tác giả được thực thi tốt, từ đó tạo môi trường tốt cho sự phát triển tài năng cho những sáng tạo".

Dùng đĩa quang trắng cũng phải trả tiền bản quyền

Đây là một trong những nội dung của dự thảo nghị định quy định về sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu và lưu hành đĩa quang; sử dụng đĩa quang để định hình, sao chép tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình và các chương trình phát sóng. Hiện tại, Cục Bản quyền tác giả đang lấy ý kiến góp ý cho dự thảo này.

Các loại đĩa quang được nói đến ở đây bao gồm CD, CD-ROM, DVD, VCD, CD-P... Theo khoản 1 điều 18 của dự thảo, thì tất cả các tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu đĩa quang trắng; sản xuất, nhập khẩu thiết bị định hình, thiết bị sao chép đều phải nộp tiền bản quyền. Tiền bản quyền đối với đĩa quang trắng được tính bằng 3% của 50% giá đĩa quang trắng bán ra thị trường. Còn tiền bản quyền đối với thiết bị định hình, thiết bị sao chép tính bằng 2% của 65% giá thiết bị.

Nếu dự thảo này trở thành hiện thực, người mua đĩa trắng phải trả thêm một khoản tiền bản quyền nữa cho dù chiếc đĩa chưa ghi chép bất cứ một dữ liệu trí tuệ nào. Có nghĩa, nếu một chiếc đĩa CD, VCD, DVD trắng có giá 2.000 đồng, người tiêu dùng phải trả 3% cho một nửa giá bán, tức phí bản quyền 30 đồng. Vị chi tổng giá bán đĩa lên 2.030 đồng.

Dự thảo cũng nêu ra phương án Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Việt Nam thu tiền bản quyền đối với đĩa quang trắng, thiết bị định hình, thiết bị sao chép cho một tổ chức thực hiện và phân phối cho các chủ thể quyền liên qua theo thoả thuận. Bộ VH - TT & DL phối hợp với Bộ Tài chính kiểm tra hoạt động thu và phân phối tiền bản quyền đối với đĩa quang trắng, thiết bị định hình, thiết bị sao chép.

Theo ông Vũ Mạnh Chu, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả, lâu nay việc cá nhân tự sao chép các tác phẩm, cuộc biểu diễn, ghi âm, ghi hình và chương trình phát sóng... đều tự do, không có sự kiểm soát, xin phép hay mua lại bản quyền. Đây cũng là hành vi vi phạm quyền tác giả, quyền sở hữu trí tuệ. Hiện nay, việc trả tiền bản quyền cho đĩa quang là hình thức mới trên thế giới, các nước Mỹ, Nhật và cộng đồng châu Âu đang áp dụng. Trên thực tế thì khoản phí này sẽ đưa vào giá bán đĩa đã ghi chép, và người tiêu dùng sẽ phải chịu khoản này. Những quy định trên đều mới đối với Việt Nam. Vì vậy, không chỉ lấy ý kiến các ngành, ban liên quan và các doanh nghiệp, Cục sẽ tổ chức hội thảo với sự có mặt của nhiều chuyên gia nước ngoài để có thêm thông tin góp ý hoàn chỉnh.

Hiện nay, ở Việt Nam có khoảng 5 nhà sản xuất đĩa quang do DN trong nước và cả nước ngoài đầu tư. Năm 2007, sản xuất của 5 DN này khoảng 200 triệu đĩa. Bên cạnh đó còn có 1 DN nhập khẩu với số lượng khoảng 60 triệu đĩa. Theo Cục Bản quyền tác giả, lượng tiêu thụ đĩa quang ở Việt Nam khoảng 170 triệu. Như vậy, phần lớn trong khoảng 90 triệu đĩa dôi dư rất có thể đã sử dụng cho mục đích sao chép băng đĩa lậu.

"Quyền lợi của người tiêu dùng, quyền lợi của nhà sản xuất, quyền lợi của tác giả là hài hòa trong luật pháp. Chúng ta đã tham gia vào cuộc chơi chung thì không thể không thực hiện. Nếu chúng ta muốn bứt phá, thì phải tiếp cận với hướng đi của các nền công nghiệp phát triển" - Vũ Mạnh Chu, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả./.

(VOV)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất