Chủ Nhật, 6/10/2024
Cuộc sống số
Thứ Hai, 18/8/2008 20:17'(GMT+7)

Gia tăng cạnh tranh trên thị trường internet

Sự lựa chọn của đa số khách hàng hiện đã nghiêng về chất lượng dịch vụ, “truy cập nhanh là hàng đầu” như nhận định của nhiều chủ thuê bao internet ở Hà Nội, thay vì chủ yếu chọn nhà cung cấp giá rẻ như trước đây.

Điều này đồng nghĩa với sự phát triển nhanh của thị trường và buộc các nhà cung cấp phải lựa chọn chiến lược cạnh tranh phù hợp, tuỳ vào thời điểm và đối tượng khách hàng.

Trong số 9 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truy nhập internet hiện có trên thị trường, 3 nhà khai thác lớn là Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT), Công ty Điện tử Viễn thông Quân đội (Viettel) và Công ty cổ phần Viễn thông FPT chiếm tới 87% thị phần.

Khi đã xác định được chỗ đứng trên thị trường, các “đại gia” này hiện đang tập trung vào thế mạnh riêng để tiếp tục mở rộng thị phần và đặc biệt là giữ chân khách hàng.

VNPT nhằm vào việc nâng cao chất lượng, cụ thể là nâng độ rộng cung cấp dịch vụ. FPT tận dụng thế mạnh về công nghệ cho mục tiêu đẩy mạnh dịch vụ giá trị gia tăng trên nền internet, đặc biệt là phát triển dịch vụ truyền hình trên giao thức internet. Doanh nghiệp luôn được khách hàng nhắc đến như một “địa chỉ giá rẻ” Viettel vẫn theo đuổi chiến lược cạnh tranh bằng giá dịch vụ.

Kết quả bình chọn sản phẩm công nghệ thông tin - truyền thông được ưa chuộng trong năm 2008 do Tạp chí PC World tiến hành mới đây cho thấy dịch vụ internet băng thông rộng của VNPT được người tiêu dùng ưa chuộng nhất, kế đến là FPT và Viettel.

Trong khi đó, sáu nhà khai thác còn lại bao gồm các thương hiệu EVN, SPT, Netnam, OCI, Tiennet và HPT chỉ chiếm 13% thị phần và đang có sự sụt giảm trong mấy năm gần đây. Các doanh nghiệp cho rằng một trong những trở ngại cạnh tranh của họ là không có hạ tầng mạng.

Các quan chức của Bộ Bưu chính Viễn thông thì nhận định mức độ mở cửa rộng hơn cho các nhà đầu tư nước ngoài tham gia góp vốn vào các doanh nghiệp chưa có hạ tầng mạng, theo cam kết gia nhập WTO, sẽ là cơ hội mới cho sự phát triển của các doanh nghiệp này.

Theo đó, nhà đầu tư nước ngoài được liên doanh không vượt quá 51% vào các doanh nghiệp Việt Nam chưa có hạ tầng mạng và sau ba năm được nâng lên 65%, trong khi tỷ lệ này đối với doanh nghiệp đã có hạ tầng mạng chỉ là 49%.

Được xếp trong nhóm các quốc gia đứng đầu về tốc độ phát triển internet, Việt Nam đang là địa chỉ hấp dẫn đối với các nhà đầu tư kinh doanh viễn thông trong và ngoài nước. Tỷ lệ người sử dụng internet ở Việt Nam hiện chiếm 23,5% dân số và dự báo sẽ tăng lên 35% vào năm 2010./.

(TTXVN)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất