Trong lực lượng Al-Qaeda và Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Xy-ri và I-rắc, thành phần chiến binh hăng say cuồng tín nhất đến từ châu Âu là thanh niên Bỉ theo đạo Hồi. Hiện tượng này được thấy rõ hơn sau cái chết của hai nghi can trong chiến dịch chống khủng bố ngày 15/1 vừa qua tại Bỉ.
Theo giới phân tích, sự hòa nhập khó khăn của người nhập cư, sự chia rẽ sắc tộc và ảo tưởng của một bộ phận thanh niên Bỉ đối với các tổ chức khủng bố là những lý do khiến Bỉ trở thành trung tâm tuyển mộ phần tử thánh chiến của châu Âu...
Vào lúc nước Pháp và cả thế giới bị chấn động vì vụ Tòa soạn Báo Charlie Hebdo bị khủng bố mà thủ phạm nhân danh Thượng đế A-la, thì tại Vương quốc Bỉ, cảnh sát phát hiện một âm mưu tấn công với quy mô lớn. Đối tượng bị theo dõi và nghe lén là ba chiến binh Hồi giáo vừa từ Xy-ri trở về. Nhóm khủng bố trên đặt “bản doanh” trong một lò bánh mì cũ, được trang bị súng lục và tiểu liên AK47. Theo nhiều nhân chứng, khi thấy cảnh sát tiến gần, các chiến binh này đã khai hỏa trước và chiến đấu tới cùng, nhưng không chống lại được với lực lượng chống khủng bố tinh nhuệ của Bỉ. Kết quả là hai nghi can bị bắn chết, người thứ ba bị bắt giữ.
Theo nhận định của hãng tin Roi-tơ, nếu vụ tấn công tại Pa-ri xác nhận mối lo ngại từ nhiều năm nay là nước Pháp bị Hồi giáo cực đoan xem như đối tượng phải trả thù, thì ngược lại, nước Bỉ lại là quốc gia cung cấp nhân sự cho lực lượng thánh chiến đông nhất châu Âu, tính theo tỷ lệ dân số. Theo thống kê của Trung tâm Nghiên cứu về xu hướng cực đoan hóa (ICSR) tại Luân Đôn (Anh), mặc dù chỉ có hơn 11 triệu dân nhưng Bỉ đứng hàng thứ ba, sau Pháp và Anh, về số công dân tham gia hàng ngũ thánh chiến tại Xy-ri và I-rắc. Từ cuối năm 2011 đến hết 2013, khoảng 300 công dân Bỉ đã sang Xy-ri và I-rắc. Ngoại trưởng Bỉ Đi-đi-ê Rên-đơ (Didier Reynders) cho biết thêm, trong số những chiến binh trở về nước có 101 người đang bị theo dõi chặt chẽ.
Hiện nay, Bỉ đang theo đuổi một vụ án lớn chống các thành viên của tổ chức tên là Sharia4Belgium trong một phiên tòa chống khủng bố lớn nhất từ trước đến nay của nước này. Các công tố viên đã cáo buộc 46 người thuộc tổ chức khủng bố này đưa người đến Xy-ri chiến đấu và dự kiến sẽ đưa ra phán quyết vào tháng 2 tới. Sharia4Belgium là nhân tố quan trọng khiến Bỉ nổi lên như một nguồn cung các tay súng cực đoan cho Trung Đông, khi chiêu dụ các chiến binh thánh chiến tiềm năng từ các vùng quê của Bỉ rồi đưa đến Xy-ri. Mới đây nhất, ngày 16-1, cảnh sát Bỉ đã bắt giữ một thiếu niên người Bỉ sau khi phát hiện cậu bé này có ý định tham gia thánh chiến ở Xy-ri. Đây là ví dụ mới nhất của tình trạng thanh, thiếu niên có tư tưởng cực đoan đáng báo động ở Bỉ, đặt quốc gia này vào tuyến đầu trong cuộc chiến chống khủng bố của châu Âu trước nguy cơ khủng bố từ trong nước và bị ảnh hưởng bởi các chiến binh Hồi giáo phương xa.
Câu hỏi đặt ra là, tại sao nước Bỉ trở thành trung tâm tuyển mộ chiến binh Hồi giáo? Theo Báo Bưu điện Oa-sinh-tơn của Mỹ, giống như các nước châu Âu khác, Bỉ đang gánh chịu hậu quả từ việc thực hiện kém hiệu quả chính sách hòa nhập của người nhập cư. “Nhiều thành viên trong cộng đồng Hồi giáo ở Bỉ nói rằng, sự bảo vệ lâu dài tốt nhất cho các quốc gia sẽ chỉ đến từ những nỗ lực cải thiện chính sách hòa nhập dành cho người nhập cư, chứ không phải từ các biện pháp tăng cường an ninh. Họ nêu ví dụ là lệnh cấm dùng khăn che mặt hồi năm 2012 rốt cuộc khiến người Hồi giáo càng thêm bất mãn. Theo ước tính, người Hồi giáo chiếm 6% dân số Bỉ và một số người, kể cả những người có gia đình đã sống ở đây nhiều thế hệ, nói rằng họ phải đối mặt với những thách thức lâu dài tại đất nước có đông người Công giáo”, tờ báo trên cho hay.
Ngoài ra, tỷ lệ thất nghiệp ở nhóm người Bỉ xuất thân là dân nhập cư luôn cao hơn so với các đối tượng khác. Nhà nghiên cứu về các đường dây Hồi giáo khủng bố, ông Mát-thiu Lê-vít (Matthew Levitt), giải thích Brúc-xen được cả thế giới biết đến là nơi đặt trụ sở của Liên minh châu Âu (EU) nhưng tỷ lệ thất nghiệp ở vùng ngoại ô có nơi lên tới 50%. Bên cạnh đó, sự phân hóa giữa người Bỉ nói tiếng Hà Lan và người Bỉ nói tiếng Pháp cũng dẫn đến sự chắp vá trong các chính sách về giáo dục, phúc lợi xã hội và thậm chí là an ninh. Những yếu tố trên đã khiến giới trẻ nhập cư thất vọng và khi “người ta cảm thấy mất hết hy vọng ở tương lai thì họ sẽ dễ dàng trở thành con mồi ngon cho những giáo sĩ tuyên truyền tâm lý hận thù”, cựu Bộ trưởng Bộ Tư pháp Bỉ Lau-rét Ôn-kê-lin (Laurette Onkelinx) nhận định.
BÌNH NGUYÊN