Thứ Hai, 7/10/2024
Giáo dục
Thứ Sáu, 20/3/2009 15:35'(GMT+7)

Vì sao học sinh bỏ học?

Phóng viên (PV): Thưa Thứ trưởng, đồng chí có nhận xét gì về con số 86 nghìn học sinh bỏ học trong văn bản báo cáo Chính phủ mới đây?

Ðồng chí Nguyễn Vinh Hiển (N.V.H): Nếu tính về tỷ lệ, thì số học sinh bỏ học cùng kỳ năm nay giảm hơn năm trước. Ðiều đó có sự cố gắng của cả xã hội, không riêng gì ngành giáo dục. Trách nhiệm của ngành trước hiện tượng này là rất lớn. Nhưng thực tế, học sinh bỏ học không riêng gì ở Việt Nam. Nhiều nước cũng vậy. Khắc phục hiện tượng học sinh bỏ học lại rất khó.

PV: Tỷ lệ có thể giảm, nhưng tính theo số lượng, hơn 86 nghìn em vẫn là con số lớn. Vậy giải pháp của ngành từ năm trước ngăn chặn học sinh bỏ học đã đạt hiệu quả chưa, thưa đồng chí?

Ðồng chí N.V.H: Ðánh giá hiệu quả của giải pháp là rất khó vì hiện tượng học sinh bỏ học là hệ lụy của nhiều nguyên nhân mà phân tích ra có thể thấy nguyên nhân nào cũng có thể dẫn đến chuyện học sinh bỏ học. Gia đình kinh tế khó khăn không quan tâm đến việc học của con em, rồi đường đến trường xa xôi, trường học thiếu thốn, học sinh học yếu... đều có thể là nguyên nhân học sinh chán học, dẫn đến bỏ học. Tuy nhiên, có khía cạnh thuộc về nhiệm vụ của ngành. Với một chương trình, một bộ SGK quả thật khó phù hợp cho tất cả các vùng, miền, nhất là học sinh vùng dân tộc thiểu số miền núi khó khăn, tiếng phổ thông lại không thông thạo. Phương pháp giảng dạy vẫn còn rất nặng nề, khô cứng, thuyết giảng một chiều. "Chuẩn hóa" của đội ngũ giáo viên thì chắp vá, có vùng giáo viên 5+, 7+ vẫn dạy học. Nhưng phải khẳng định, bên trong sự yếu kém của học sinh dẫn đến chán học, bỏ học, có nguyên nhân rất lớn của hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn. Chính cái vòng luẩn quẩn đó khiến học sinh càng dễ bỏ học. Vùng miền núi, vùng sâu, khó khăn là "vùng trũng" của giáo dục. Mọi cái yếu kém, bất cập đều dồn vào đó cả. Mặt khác, phải công nhận rằng ngành GD và ÐT triển khai không ít chương trình mục tiêu đầu tư cho giáo dục vùng khó khăn, nhưng còn rất chắp vá, manh mún. Dự án này xây vài phòng học, dự án kia xây nhà vệ sinh... Trong khi thực chất rất cần đầu tư tập trung, tránh manh mún, thành ra không hiệu quả.

PV: Hiện tượng học sinh bỏ học, nhất là học sinh trung học phổ thông, trung học cơ sở chiếm tỷ lệ khá cao (1,29% và 0,7%). Hiện tượng này chắc chắn còn tiếp tục tiếp diễn. Từ thực tế đó, ngành đã nghĩ tới việc phân luồng, hoặc điều chỉnh cơ cấu các ngành nghề đào tạo để tránh sự lãng phí, thưa đồng chí?

Ðồng chí N.V.H: Về cơ cấu ngành nghề đào tạo, vẫn phụ thuộc vào sự phát triển kinh tế - xã hội. Chúng ta chủ trương 70% số học sinh học THPT, 30% số học sinh vào học nghề. Nhưng quan trọng là học nghề xong, các em có việc làm không? Vùng đang phát triển còn khó, huống hồ vùng khó khăn, học nghề xong sẽ làm gì. Gốc rễ là trình độ phát triển kinh tế - xã hội.

PV: Lâu dài, ngành dự kiến những giải pháp gì để khắc phục hiện tượng học sinh bỏ học cũng như những bất cập của giáo dục vùng khó khăn, thưa đồng chí?

Ðồng chí N.V.H: Ngoài việc tổ chức gia đình vận động học sinh trở lại lớp, ngành giáo dục cơ sở chủ trương "Ðưa lớp học đến gần học sinh hơn nữa" (có nhiều điểm lẻ), kể cả bậc học mầm non. Thậm chí nơi nào không đủ điều kiện sẽ tổ chức có lớp mầm non đặt trong trường phổ thông. Về lâu dài, ngành đang xây dựng chiến lược phát triển giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Hy vọng có một đầu mối chung chăm lo cho vấn đề này, với những vấn đề cụ thể như giải quyết đủ phòng học, sân chơi, bài tập, chuẩn hóa đội ngũ, đặc biệt coi trọng việc dạy tiếng phổ thông cho học sinh dân tộc thiểu số.

Tiến tới một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa

PV: Thưa đồng chí, mới đây ngành có một cuộc tổng rà soát về chương trình, sách giáo khoa mới, tiếp thụ ý kiến góp ý để chỉnh sửa, bổ sung, đính chính SGK, vậy vì sao sang học kỳ II, lại phát hiện nhiều sai sót của bộ SGK Lịch sử?

Ðồng chí N.V.H: Việc đánh giá, sửa chữa, chỉnh sửa SGK năm trước, ngành xác định còn phải tiếp tục sang năm nay; cho nên vấn đề góp ý SGK vẫn tiếp diễn cũng là chuyện bình thường. Tuy nhiên, trong những góp ý về SGK, nhiều ý kiến của các nhà giáo, nhà nghiên cứu khoa học... có khi nhìn ở góc độ này thì được, nhưng nhìn góc độ khác lại không ổn. Nếu như các môn khoa học tự nhiên thông thường dễ thống nhất hơn, thì các môn khoa học xã hội lại có nhiều quan niệm khác nhau. Các tác giả viết SGK phải "cân đối" về các quan niệm, nhưng nhiều khi không thể đáp ứng được hết. Tuy nhiên, quan điểm của ngành là tất cả các góp ý đúng, chuẩn xác và khoa học, các tác giả cần cố gắng chỉnh sửa. Có sai sót cần sửa ngay. Có sai sót phải đợi viết lại chương trình, SGK mới có thể sửa được.

PV: Ngành GD và ÐT chỉ đạo các trường xử lý như thế nào nếu như vẫn tiếp tục còn các ý kiến tranh cãi về những sai sót mang "chất giáo khoa", thưa đồng chí?

Ðồng chí N.V.H: Trong hệ thống bao gồm chương trình, sách giáo khoa, sách giáo viên, nếu SGV có nhiều tranh cãi, phải dựa vào SGK; nếu SGK vẫn có tranh cãi, phải dựa vào chương trình để làm căn cứ giảng dạy, tránh sai sót (nghĩa là, phải dựa vào "cái cao hơn"). Còn những đính chính của SGK, khi đã được in ra, giáo viên phải căn cứ vào đó để dạy học.

PV: Xin đồng chí cho biết, về lâu dài, ngành GD và ÐT có chủ trương gì chung quanh vấn đề CT, SGK, một điều kiện để bảo đảm và đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo?

Ðồng chí N.V.H: Ngành GD và ÐT sẽ tiếp tục tổ chức đánh giá SGK hằng năm, thu thập các ý kiến góp ý để chuẩn bị cho sự chỉnh sửa lớn hơn về CT, SGK. Lâu dài, ngành hướng tới giải pháp một CT, nhưng có nhiều bộ SGK để đáp ứng yêu cầu trình độ học sinh các vùng, miền kinh tế - xã hội khác nhau trong cả nước.

PV: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí.


(Theo Nhân Dân)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất