Thứ Ba, 26/11/2024
Thế giới
Thứ Bảy, 28/11/2015 8:37'(GMT+7)

Vì sao Thổ Nhĩ Kỳ cố tình bắn rơi chiến đấu cơ Su-24 của Nga?

Su 24 bị bắn rơi (Ảnh: Aviationist)

Su 24 bị bắn rơi (Ảnh: Aviationist)

Hôm 24/11, tiêm kích cơ của Thổ Nhĩ Kỳ bất thình lình phóng tên lửa hạ gục một máy bay cường kích của Nga đang trên đường trở về căn cứ ở Syria. Sự việc bất ngờ này đã khiến hai nước ngay lập tức lời qua tiếng lại. Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng máy bay Nga xâm phạm không phận của mình, còn Nga thì một mực phủ nhận điều đó.
vi sao tho nhi ky co tinh ban roi chien dau co su-24 cua nga? hinh 0
Tổng thống Nga Putin (giữa) tiếp đón Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan (trái) và Tổng thống Palestine Abbas đến dự một sự kiện khai trương thánh đường Hồi giáo ở Moscow vào tháng 9/2015. Ảnh: RIA.

Mỗi bên đều trưng ra bằng chứng của riêng mình. Riêng báo chí Nga rất chủ động lập luận để bác bỏ thông tin của Thổ Nhĩ Kỳ. Nga không chỉ phủ nhận mà còn cho rằng chính phi cơ Thổ Nhĩ Kỳ xâm nhập không phận Syria để bắn hạ phi cơ Nga.

Không những vậy, hai nhà lãnh đạo cao nhất của Nga hiện nay là Putin và Medvedev đều đã lên tiếng chỉ trích trực diện Thổ Nhĩ Kỳ. Tổng thống Putin phát ngôn một cách chính thức rằng Thổ Nhĩ Kỳ là đồng lõa của khủng bố, còn Thủ tướng Medvedev nói rằng có nhiều quan chức Thổ Nhĩ Kỳ thu lợi từ việc buôn bán dầu với tổ chức khủng bố IS.

Lập luận của Nga nghe có vẻ thuyết phục hơn. Máy bay Nga tỏ ra bị động, không có ý đồ xấu, và không nghĩ sẽ bị tiêm kích Thổ Nhĩ Kỳ tấn công như vậy. Chính Mỹ - bên thứ 3, cũng đã xác nhận máy bay Nga bị bắn trong không phận Syria.

Nhìn từ bên ngoài thì cũng thấy vào thời điểm nhạy cảm hiện nay, Nga chắc không dại gì cố tình đưa máy bay vào không phận Thổ Nhĩ Kỳ để gây sự và chuốc lấy rắc rối.

Từ trước đó chính Thổ Nhĩ Kỳ đã nhiều lần hằm hè Nga mỗi lần phi cơ Nga bay lướt qua bầu trời biên giới giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Syria. Lần này như bao lần trước, Thổ Nhĩ Kỳ chủ động làm to chuyện.

Một câu hỏi được đặt ra là vì sao Thổ Nhĩ Kỳ muốn làm găng với Nga?

Trước đây Thổ Nhĩ Kỳ đã nổi tiếng với thái độ không rõ ràng trước IS. Và đến bây giờ, có nhiều dấu hiệu cho thấy nước này vẫn chưa quyết tâm chống IS. Trong khi đó Nga lại đang rất tích cực không kích IS và điều này có thể khiến Thổ Nhĩ Kỳ không vui.

Thổ Nhĩ Kỳ mới đây đã tham gia liên minh chống IS nhưng là với thái độ khá miễn cưỡng (sau khi chịu áp lực nhất định từ phía Mỹ). Trên thực tế, thay vì ném bom IS, không quân Thổ Nhĩ Kỳ chủ yếu nhăm nhăm tấn công các mục tiêu của người Kurd, coi đó là các mục tiêu khủng bố cần phải tiêu diệt. Bằng các hành động thực tế của mình, dường như Ankara muốn dung dưỡng IS để chống lại chế độ của Tổng thống Syria al-Assad mà họ vốn không ưa.

Sự dung dưỡng đó còn thể hiện ở việc Thổ Nhĩ Kỳ chưa thực sự nỗ lực hết sức để chặn dòng chiến binh nước ngoài qua Thổ Nhĩ Kỳ rồi sang Syria và Iraq tham gia thánh chiến. Ở một chừng mực nào đó, Thổ Nhĩ Kỳ trở thành điểm trung chuyển của các chiến binh ngoại muốn gia nhập IS.

 
vi sao tho nhi ky co tinh ban roi chien dau co su-24 cua nga? hinh 1
Cho đến nay, Tổng thống Putin - một người say mê Judo, vẫn làm chủ tình hình trong cuộc đối đầu với Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Vice.

Và đặc biệt, từ lâu đã xuất hiện cáo buộc cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ tiêu thụ dầu do IS bán rẻ (với mức giá bằng một nửa giá thị trường). Dĩ nhiên chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ không chính thức thừa nhận điều này.

Nhưng sau sự cố bắn máy bay Nga, báo chí Nga đã thẳng thừng nêu ra cáo buộc trên. Truyền thông phương Tây cũng vậy. Thậm chí họ còn dẫn lời các chuyên gia cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ mua dầu giá rẻ từ IS rồi bán lại với giá gấp đôi.

Tất nhiên ở đây Thổ Nhĩ Kỳ được hiểu trước hết là những người mua bán tư nhân, những thương gia. Nhưng ngay cả trong trường hợp đó, việc buôn bán có lẽ ít nhiều cũng phải nhận được tín hiệu đèn xanh từ phía chính giới Thổ Nhĩ Kỳ.

Là một nền kinh tế lớn, Thổ Nhĩ Kỳ cần nhập nhiều năng lượng do nguồn cung trong nước khan hiếm.

Đã vậy, vùng biên giới phía nam của Thổ Nhĩ Kỳ (giáp Syria và Iraq) gặp nhiều khó khăn do các cuộc giao tranh giữa chính phủ và lực lượng PKK (của người Kurd) khiến hoạt động buôn lậu dầu trở thành một phần quan trọng trong kinh tế của vùng này.

Trong hơn một năm qua, Mỹ không kích IS không hiệu quả là vì nhiều lý do.

Đến khi Nga vào cuộc, câu chuyện chống IS sang một trang mới. Người Nga không chỉ “nện thẳng” vào các mục tiêu quân sự, mà còn cả trụ cột tài chính của IS, đó là các cơ sở lọc dầu, kho dầu, và các đoàn xe téc chở dầu “hướng về biên giới Thổ Nhĩ Kỳ”. Xe téc ở đây có thể là của IS hoặc các thương nhân làm ăn với IS và kiếm lời từ IS.

Trong bối cảnh này, những đòn không kích trúng đích và không nương tay của Nga có thể đã khiến Thổ Nhĩ Kỳ không yên. Không loại trừ khả năng Thổ Nhĩ Kỳ ra đòn với máy bay Nga là nhằm lôi kéo NATO can thiệp sâu hơn nữa vào tình hình Syria.

Thế nhưng việc Thổ Nhĩ Kỳ quyết định bắn hạ máy bay Nga nhiều khả năng sẽ trở thành một sai lầm nghiêm trọng của họ. Xét về mặt chính trị, việc cố rình để bắn hạ phi cơ Nga là nước cờ thiếu khôn ngoan, lợi bất cập hại đối với Thổ Nhĩ Kỳ vào lúc này.

Có lẽ lãnh đạo Nga đã rất chính xác khi nói động thái của Thổ Nhĩ Kỳ là “không thể hiểu nổi”. Động thái kỳ lạ đó quả thực rất khó đoán định, không chỉ với Nga mà còn cả các đồng minh của Thổ Nhĩ Kỳ trong NATO.

Chỉ mới hồi tháng 9 vừa qua, đích thân Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan còn cùng với Tổng thống Nga Putin và lãnh đạo Palestine Abbas đến dự một lễ khai trương thánh đường Hồi giáo lớn được phục dựng lại ở Moscow.

Trong khi đó công chúng Pháp vẫn chưa hoàn toàn nguôi ngoai nỗi đau từ vụ thảm sát do khủng bố IS tiến hành ở Paris vào ngày 13/11. Họ khó cảm thông được với hành động của Thổ Nhĩ Kỳ mà ông Putin coi là tiếp tay cho IS.

Chưa thấy Thổ Nhĩ Kỳ được lợi gì đáng kể từ pha “làm găng” này. Ngược lại, sau vụ bắn hạ máy bay, giá dầu thế giới tăng lên và có lợi cho Nga.

Lấy nhu khắc cương

Nga đã phản ứng lại Thổ Nhĩ Kỳ một cách rất kín kẽ.

Trước mức độ khiêu khích cao của hành vi bắn hạ máy bay (lần đầu tiên một máy bay của khối NATO bắn hạ một máy bay Nga trong nhiều năm qua), nhìn chung Nga không có những tuyên bố quá khích và hành động phiêu lưu quân sự theo kiểu ăn miếng trả miếng.

Trong lòng có thể phẫn nộ nhưng bề ngoài, Tổng thống Putin tỏ ra tiết chế cao, giữ được sự chừng mực cần thiết.

Là người say mê luyện Judo (nhu đạo), ông Putin chắc hẳn đang vận dụng nguyên tắc của môn võ này để né đòn và khai thác chính lực tấn công của đối phương để quật lại đối phương.

Về cơ bản chính quyền của Tổng thống Putin đang tranh thủ tối đa sự kiện này để tuyên truyền cho cuộc chiến chống IS và nêu cao chính nghĩa của người Nga. Đây là dịp tốt để Nga nói thẳng với thế giới về Thổ Nhĩ Kỳ.

Thủ tướng Nga Medvedev thì nhắc đến các biện pháp trả đũa kinh tế nhằm vào quốc gia nằm giữa châu Á và châu Âu này.

Còn phía quân đội Nga cũng phản ứng hoàn toàn hợp lý ở mức phòng vệ đơn thuần bằng việc tuyên bố tăng cường sức mạnh phòng không và điều phi cơ tiêm kích bảo vệ máy bay cường kích và oanh tạc cơ trên chiến trường Syria. Yếu tố bất ngờ “bị đâm sau lưng” sẽ giảm đi với động thái này nhưng ít khả năng họ sẽ “âm mưu” gài bẫy máy bay Thổ Nhĩ Kỳ để trả thù. Nga cố gắng nhẫn nhịn trước Thổ Nhĩ Kỳ để giữ vững đại cục của mình trong ván bài Syria.

Sau sự kiện rúng động hôm 24/11 vừa rồi, chính Thổ Nhĩ Kỳ mới là người chịu thiệt nhiều nhất, trước hết là về danh tiếng trên trường quốc tế./.

Trung Hiếu/VOV.VN
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất