Thứ Hai, 7/10/2024
Giáo dục
Thứ Hai, 30/3/2009 6:57'(GMT+7)

Vì sự học: Bà con giáo dân hiến đất xây trường

Ngôi trường khang trang đang được hoàn thiện.

Ngôi trường khang trang đang được hoàn thiện.

Với 90% số dân là giáo dân, nhiều người trong số họ đời sống còn vô cùng khó khăn, nhưng vẫn hiến đất với một tinh thần tự nguyện mà không mảy may đòi hỏi gì. Trong thời buổi “đất quý như vàng” này, câu chuyện của bà con xứ đạo sẽ thật khó tin. Nhưng đấy là sự thật.

“Bà con mình tốt thật”

Con đường đê dẫn vào xã vòng vèo, ở nơi bờ dâu bãi mía này, đất đai màu mỡ nhưng ít ỏi. Đa số giáo dân sống bằng nghề nông, vào những lúc nông nhàn, đàn ông trong xã hầu hết toả đi tứ xứ làm nghề xẻ gỗ, xẻ đá để kiếm sống. Làng chỉ còn lại người già và trẻ nhỏ. Xuân Huy có tới phân nửa người dân theo đạo Công giáo, từ nhiều năm nay, dân số tăng khá nhanh nên trường mầm non của xã không còn đủ chỗ đáp ứng nhu cầu cho các cháu. Xuân Huy gồm 11 khu và có tới 9 điểm dạy mầm non nhưng cũng vẫn không đủ chỗ cho gần 200 cháu đang trong độ tuổi mẫu giáo. Thiếu trường nên xã đành phải đi nhờ địa điểm, lâu nay các cháu vẫn phải dúm dít đi học nhờ nhà dân, nhà văn hoá, rồi khuôn viên nhà thờ. Trường lớp tạm bợ, thiếu thốn, khi chỗ học bị trưng dụng là lại phải nghỉ, vì thế việc dạy và học của cả cô và trò đều không đảm bảo.

Nhắc đến chuyện xây trường, ông Bùi Đình Chiển, Chủ tịch UBND xã cho biết:  Ban đầu chúng tôi định đặt vị trí trường mầm non trên khu đất cạnh trạm y tế của xã, tuy nhiên mảnh đất đó nhỏ quá nên đành thôi. Suy đi tính lại mọi người đều thấy mảnh ruộng bên cạnh UBND xã là phù hợp nhất, đó là mảnh ruộng cao, ở trung tâm xã, cạnh trường tiểu học, nên rất phù hợp cho việc xây dựng trường học. Xã định đề nghị người dân nhượng lại mảnh đất đó rồi chuyển ruộng bà con sang một mảnh khác, tuy nhiên quỹ đất của xã quá hạn hẹp, không còn mảnh đất nào phù hợp, xã lại nghèo không có tiền đền bù nên kế hoạch xây trường phải dừng lại. Nhưng nhận thấy việc xây trường là yêu cầu cấp bách. Cần sự giúp đỡ của bà con, sau khi họp bàn tìm phương hướng, xã đã quyết định làm việc với cha xứ, nhận được sự ủng hộ của cha, xã tiếp tục gặp mặt với ban hành giáo, trưởng khu, bí thư chi bộ tuyên truyền chủ trương xây trường. Chủ trương hợp lòng dân, chính quyền xã đã hoàn toàn nhận được sự nhất trí, giúp đỡ của các vị “đầu tàu” này.

Hiện tại trường mẫu giáo xã khang trang, có kinh phí đầu tư hơn 2 tỷ đồng đang được khẩn trương hoàn thiện, với những tiêu chí đạt chuẩn quốc gia. Ngôi trường này áp dụng mô hình bán trú và đủ chỗ cho khoảng 200 em theo học. Dự kiến đến tháng 5.2009 trường có thể đi vào hoạt động.

Ngay sau đó, chọn ngày lễ trọng, đúng dịp lễ phục sinh, bà con có mặt ở nhà đầy đủ, Chủ tịch xã họp trực tiếp với hơn 70 hộ tại khu dân cư. Kết quả lớn hơn cả mong đợi, ngay khi vấn đề xây trường nhưng chưa đủ đất, xã cần thêm sự giúp đỡ của bà con giáo dân được đưa ra, đã có 21 hộ dân tự nguyện hiến hơn 3.500m2 đất. Chỉ có một cặp vợ chồng, lúc đầu vợ còn tiếc của nên cứ chần chừ, ông chồng đành lén mang mấy triệu lên đưa cho xã bảo các anh cứ cầm lấy rồi đưa cho vợ tôi, cho bà ấy thoải mái. Cuối cùng mọi việc cũng xuôi chèo mát mái. Quan hệ “đạo-đời”, quan hệ giữa chính quyền-bà con giáo dân được vun đắp, xử lý chính bằng sự chia sẻ, hiểu biết lẫn nhau một cách thật giản dị.

Trò chuyện với chúng tôi, ông Chiển không nén nổi nỗi xúc động khi kể về sự bất ngờ của bản thân mình: “Bà con mình tốt thật, chúng tôi không ngờ việc lớn như vậy mà bà con đồng tâm, đồng lòng gật một cái xong ngay. Phong trào sống tốt đời đẹp đạo đã được thể hiện bằng những việc thật cụ thể như thế đấy”. Có tận mắt chứng kiến khu đất hơn 3.500m2 ấy mới hiểu nguồn cơn nỗi xúc động của ông Chủ tịch xã. Khu đất màu mỡ, vuông vắn lại nằm sát trục đường lớn, vừa đẹp vừa thuận tiện. Bà con đa số kinh tế còn nhiều khó khăn, đất canh tác ít ỏi nên với họ miếng đất thực sự là “tấc vàng”. Nếu tính về mặt kinh tế, nếu tính tiền đền bù thì bỏ rẻ 100m2 đất cũng có giá 30-40 triệu đồng. Với những người làm nông nghiệp thì đây là số tài sản không dễ gì có được.

Được biết với tinh thần “Kính Chúa yêu nước, đồng hành cùng dân tộc”, những năm qua các vị có chức sắc và bà con giáo dân ở đây đã đoàn kết một lòng, chấp hành nghiêm chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, góp phần xây dựng quê hương giàu mạnh.

Bà Chị bộc bạch: “Tôi hiến mảnh đất bé tẹo xây trường có gì đáng nói đâu. Nhìn bọn trẻ đi học thấy tội thật, mà toàn con cháu mình cả chứ ai đâu”. Đến bên bàn thờ Chúa, bà cầu xin sự an bình, xin cho được tỉnh thức để có thể chứng kiến nhiều sự đổi thay hơn nữa của quê hương mình.

“Cho con cháu mình chứ cho ai”

Người đầu tiên mà chúng tôi tìm đến là bà Nguyễn Thị Chị. Năm nay đã 80 tuổi, bà nghèo nhất nhì làng này, nhà nghèo quá nên các con bà chẳng được học hành gì nhiều. Vì thế bà tuy già, ít học nhưng cũng biết có được cái chữ là quý lắm. Bà hiểu các con đã không được học hành đàng hoàng thì con cháu chúng cần phải được đi học cho tử tế. Trong căn nhà nhỏ tuềnh toàng bà cùng cô con gái hơn 30 tuổi bị tật nguyền sống nhờ vào một sào ruộng, tất cả mọi sinh hoạt chi tiêu của 2 mẹ con trông cả vào đó cộng với số tiền ít ỏi thêm thắt từ đàn gà đàn vịt. Mặc dù vậy nhưng khi thấy xã và khu dân cư có chủ trương xây trường bà quyết tâm hiến gần 200m2 đất ruộng của mình cho xã. Thêm vào đó, nhờ sự thuyết phục của bà mà 4 người con ruột cũng đồng ý hiến nốt hơn 200m2 đất của mình cho xã. Tổng cộng gia đình bà góp vào cho xã nhiều đất nhất, hơn 400m2.

Men theo triền đê, cách nhà bà Chị không xa, chúng tôi tìm đến nhà ông Nguyễn Văn Dấu, người đã tình nguyện hiến 240m2 đất cho xã xây trường. Ông Dấu đi làm vắng, chúng tôi gặp bà Minh vợ ông, bà nói chậm rãi: “Các cô chú tính, nhà tôi mấy miệng ăn mà chỉ có hơn hai sào ruộng, nên ruộng đất quý hóa vô cùng. Nhưng vợ chồng tôi nghĩ, nếu mình tiếc một tý đất, vì cái lợi của mình thì khổ bọn trẻ, chúng nó thiệt thòi, nghĩ đến thế nên tôi mới đồng ý đấy”. Theo gương bà Minh, anh Nguyễn Xuân Sinh cháu họ bà cũng nhất trí hiến cho xã 200m2 đất để xây trường. Anh nói chắc nịch: “Nhiều người khó khăn già yếu thế mà còn hiến đất, tôi còn trẻ thế này, lo gì. Có trường cho bọn trẻ học hành, người lớn đi làm mới yên tâm”.

Người nọ theo gương người kia, đến cả người dân trong xã cũng không khỏi bất ngờ khi ngay sau đó đài phát thanh của xã công bố danh sách 21 hộ tình nguyện hiến đất xây trường mầm non: Hộ ông Xứng 180m2, hộ ông Khanh 60m2, hộ bà Nhung 76m2... Ở cái thôn mỗi khẩu có chưa đầy một sào đất ấy, đây là một sự kiện lạ. Ngay ngày hôm sau, hưởng ứng và bắt nhịp mạnh mẽ, người dân đồng loạt bảo nhau đi thu dọn hoa màu chuẩn bị mặt bằng cho xã xây trường. Cả xã xôn xao, háo hức chờ đợi sự hiện diện của ngôi trường mầm non mới. Tưởng xã chỉ làm trường tạm cho trẻ tập trung về đó học, ai ngờ xã làm ngôi trường to đẹp quá. Nhìn ngôi trường đang dần hoàn thiện trên mảnh đất do bà con góp lại, niềm vui đã hiện lên lấp lánh trong ánh mắt của người già, con trẻ. Không phân biệt lương, giáo, không chỉ trẻ em khu 3 mà hàng trăm trẻ em các khu khác sẽ được đến trường. Bắt nguồn từ ước vọng về một ngôi trường khang trang của người dân cho con trẻ, trong phong trào hiến đất, có rất nhiều hộ gia đình, anh em cùng một nhà, một họ đã tham gia hiến đất mà không đòi hỏi gì. Nhiều người già còn tham gia vận động anh em, con cháu hưởng ứng tích cực cho thấy ý nguyện và trách nhiệm của người dân khu 3 với sự nghiệp “trồng người”.

Gần đây ở nhiều địa phương thuộc đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên, nơi đất đai rộng rãi, có những người dân đã hiến cả ngàn m2 đất xây trường, đó không còn là chuyện lạ. Nhưng ở vùng trung du Bắc Bộ này, nơi đất đai hạn hẹp như ở Xuân  Huy việc hiến đất thật đáng quý. Không đặt mục tiêu to tát ồn ào, ngôi trường đã hình thành từ tâm nguyện của nhân dân. Quên đi quyền lợi của cá nhân mình, việc làm của chính quyền và bà con xã Xuân Huy thật đáng để nhiều địa phương khác học tập. Tôi muốn gọi họ là những người “nhóm lửa” phong trào hiến đất xây trường. Việc làm của họ đã cho thấy: có những chuyện thật khó rạch ròi, vì đơn giản tinh thần cộng đồng đã được nêu cao bởi những tấm lòng trong trẻo, thiện tâm và nhân hậu.


(Theo: Hạnh Trang/Văn hoá)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất