Thứ Hai, 7/10/2024
Giáo dục
Thứ Tư, 25/3/2009 17:52'(GMT+7)

Tuyển sinh ĐH-CĐ 2009: “Mổ xẻ” tỷ lệ chọi

Tâm lý thí sinh thấy tỷ lệ chọi cao thì cho là khó trúng tuyển và tỷ lệ chọi thấp là dễ trúng tuyển là một suy nghĩ hết sức sai lầm.

Có hai loại tỷ lệ chọi:  Tỷ lệ chọi ảo = Số hồ sơ đăng ký dự thi/số chỉ tiêu; Tỷ lệ chọi thật = hệ số k = Số thí sinh đến dự thi/số chỉ tiêu. Tỷ lệ chọi thật còn được Ban chỉ đạo tuyển sinh gọi là hệ số k chính thức từ năm 2004. Phân tích thống kê của 5 năm vừa qua và số liệu những năm 2000 và 2001 trước đây để thí sinh thấy vai trò của tỷ lệ chọi. Bảng mẫu thống kê dưới đây cho trường ĐH Bách khoa Hà Nội được đưa ra như là một thí dụ minh họa:

 

Với ĐH Bách khoa Hà Nội, chúng ta thấy chỉ tiêu tương đối ổn định. Song số thí sinh đăng ký và số đến dự thi giảm đi rất lớn. Trước phương án “3 chung”, các con số này rất lớn so với chỉ tiêu nên hệ số k là 7.7 và 7.9. Tuy nhiên với phương án “3 chung” và đặc biệt trong năm 2006, hệ số k “rớt kinh khủng”: 7.7, 7.9, rồi 6.0, 4.1 và năm 2006 chỉ còn có 1.9.

Việc hệ số k rớt như vậy cho thấy: Thi tuyển sinh “3 chung” đã làm giảm áp lực cho xã hội qua việc các trường này giảm đáng kể số lượng thí sinh đến dự thi; đã làm thay đổi nhận thức của thí sinh và gia đình, xã hội trong việc tự lượng sức mình để chọn trường đi thi và trong việc có nên đi thi hay không. Nghĩa là đã có sự phân hóa tự nhiên trong xã hội, phân luồng thí sinh đi các trường khác nhau. Ngoài ra các thí sinh có học lực sát điểm tuyển (song điểm vẫn còn cao vì điểm trúng tuyển của ĐH Bách khoa Hà Nội trong hai năm qua là 22,5 và 23 điểm) sẽ tự lượng sức mình để chọn trường khác dự thi, làm cho chất lượng điểm tuyển của chính các trường này tăng lên. Đặc biệt ấn tượng của năm 2006 là hệ số k đã đạt đến mức thấp nhất trong lịch sử tuyển sinh. Khi hệ số k chỉ còn hơn 1.0 đến 2.0 ở nhiều trường cũng là tín hiệu cho thấy: Các thí sinh đã suy nghĩ rất kỹ để chọn trường.

Dưới đây là hình ảnh phổ điểm thi vào ĐH Bách khoa Hà Nội trong năm 2002, năm đầu tiên thi “3 chung” và năm 2008:

 

 Ảnh 1

Nhìn vào năm 2002 (ảnh 1): Thí sinh thi vào ĐH Bách khoa Hà Nội rất đông, đông cả về số lượng và đông cả về những thí sinh kém và quá kém. Vạch sậm là điểm chuẩn vào ĐH Bách khoa Hà Nội. Diện tích bên phải tương ứng với số thí sinh trúng tuyển, rất ít, so với diện tích bên trái vạch sậm, tương ứng với số trượt, là rất lớn.

 

 Ảnh 2

Năm 2008 (ảnh 2), phổ điểm thể hiện rõ đại đa số các thí sinh thi vào ĐH Bách khoa Hà Nội đều có điểm khá trở lên (ảnh 3). Số thí sinh kém đã biết “thân” đi trường khác nhiều, chỉ còn lại một ít “liều mình như chẳng có”.

 

 Ảnh 3

Phổ điểm của ĐH Công nghiệp Hà Nội cho thấy tuy tỷ lệ chọi có cao (9.0), song do có nhiều thí sinh điểm thấp, thể hiện là phổ điểm lệch trái nhiều, nên khả năng trúng tuyển cao hơn đối với thí sinh trung bình khá trở lên. Điều này cũng minh chứng cho thấy không phải tỷ lệ chọi cao mà sợ không trúng tuyển, hay ngược lại tỷ lệ chọi thấp mà dễ trúng tuyển như ĐH Bách khoa Hà Nội.

Lời khuyên của chúng tôi là thí sinh hãy quên tỷ lệ chọi khi chọn trường, ngành để đi dự thi (thật). Thí sinh hãy tự đánh giá sức học của mình qua việc lấy các đề thi năm trước, tự nghiêm túc làm bài như thi thật rồi dùng bản hướng dẫn để tự chấm bài. Hãy so sánh điểm tự chấm đó với điểm tuyển những năm qua của trường, ngành mà mình muốn dự thi. Thấy xấp xỉ và lớn hơn thì yên tâm đi thi. Thấy mình kém quá so với điểm tuyển thì mình chọn trường khác, hoặc thậm chí, phải chuyển hướng ngay sang chọn trường trung cấp, dạy nghề, thay vì tốn kém tiền của đi thi ĐH.

Các trường THPT có thể nên tổ chức thi thử dưới hình thức nào đó để giúp các em tự đánh giá sức học. Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay nếu được coi thi thật nghiêm túc thì cũng là dịp để các em có thông số tham khảo sức học thật của mình để làm căn cứ chọn trường, ngành thi ĐH-CĐ./.


Quách Tuấn Ngọc
(Cục trưởng Cục CNTT, Bộ GD-ĐT)

  (Theo Thanh niên online)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất