Hội nghị Bộ trưởng ASEM (Diễn đàn hợp tác Á-Âu) về lao động, việc làm lần thứ tư đang diễn ra tại Hà Nội bàn thảo nhiều vấn đề, trong đó có việc các nước ASEM đang đối mặt với một loạt thách thức chung, bao gồm tạo thêm việc làm bền vững và giải quyết tình trạng thất nghiệp hiện nay, và việc làm cho thanh niên là một thách thức đặc thù đối với nhiều nước ASEM.
Hiện nay, mặc dù kinh tế các nước đang dần phục hồi nhưng khủng hoảng việc làm vẫn kéo dài và lan rộng ra nhiều khu vực. Vấn đề việc làm, an sinh xã hội, an toàn vệ sinh lao động nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn diện và bền vững đang đặt ra nhiều thách thức đối với các quốc gia trên thế giới. Kể từ khủng hoảng kinh tế thế giới năm 2008 đến nay, hơn 40 triệu lao động bị mất việc làm. Dự báo, số người thất nghiệp trong năm 2013 sẽ tiếp tục tăng thêm.
Theo ông Yoshiteru Uramoto, Giám đốc Tổ chức lao động quốc tế (ILO) Khu vực châu Á-Thái Bình Dương, triển vọng thị trường lao động cho thanh niên trên khắp khu vực này vẫn chưa sáng sủa, tỷ lệ thanh niên thất nghiệp tương đối cao ở một số nền kinh tế công nghiệp phát triển và các nền kinh tế mới nổi.
Theo dự báo, tỷ lệ thanh niên thất nghiệp sẽ tăng lên 13,5% trong năm 2013 tại khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương, 9,7% ở cả hai khu vực Nam Á và Đông Á.
Hơn nữa thách thức tạo việc làm cho thanh niên thường đồng nghĩa với thách thức về khả năng đánh mất tiềm năng của cả một thế hệ trẻ. Một nhóm điển hình cho những mối lo ngại này là những thanh niên không có việc làm, không đi học và không qua đào tạo.
Tình trạng phổ biến ở một số nơi hiện nay là nhiều thanh niên thiếu kiến thức và không qua đào tạo, có cả những thanh niên thoái chí, không còn tìm kiếm việc làm đang tách rời khỏi thị trường lao động và đứng trước nguy cơ bị loại ra khỏi thị trường lao động và xã hội. Ở các nước châu Á đang phát triển, tỷ lệ thanh niên thuộc nhóm này vẫn còn cao. Điển hình như ở Bangladesh và Philippines có hơn 25% lao động thanh niên không đi học và không có việc làm.
Để giải quyết thách thức này, Giám đốc ILO Khu vực châu Á-Thái Bình Dương cho rằng, thanh niên bị mất định hướng và không được sử dụng đúng tiềm năng là một sự lãng phí nguồn nhân lực, điều đó sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực tới xã hội, nền kinh tế và cả hệ thống chính trị. Do đó các nhà hoạch định chính sách phải theo đuổi một hướng tiếp cận đa chiều, áp dụng các chính sách vĩ mô xoay quanh mục tiêu tạo việc làm nhằm tăng khả năng tiếp cận tài chính cho các đối tượng thanh niên.
Bên cạnh đó, những biện pháp khác như phát triển giáo dục, hệ thống đào tạo nhằm tạo điều kiện dễ dàng cho việc chuyển tiếp từ trường học sang thị trường lao động, đầu tư nhằm xây dựng các chính sách thị trường lao động toàn diện và mạnh mẽ, thúc đẩy khả năng kinh doanh của thanh niên và đảm bảo quyền lợi cho họ... cũng là những việc làm cần thiết.
Khuyến nghị về tăng cường cơ hội việc làm và đảm bảo an sinh xã hội, Thứ trưởng Bộ Lao động và An sinh xã hội Síp, Chủ tịch Liên minh châu Âu (EU), ông George Papageorgiou cho rằng các quốc gia cần xây dựng chính sách theo xu hướng góp phần tăng trưởng tạo nhiều việc làm và phòng ngừa thất nghiệp dài hạn cũng như mất việc làm trong trung hạn.
Những cải cách thị trường lao động đang đặt ra yêu cầu bức thiết thiết nhằm thích nghi tốt hơn với những thách thức về cấu trúc của nền kinh tế, thúc đẩy đầu tư xã hội, xây dựng chiến lược tổng thể nhằm giải quyết tình trạng đói nghèo, cải thiện chính sách về việc làm, tạo kỹ năng cho người lao động đặc biệt là thanh niên và nhóm người dễ bị tổn thương. Bên cạnh đó cũng cần sự hợp tác đa phương để làm hài hòa chính sách xã hội và tạo việc làm.
Ông George Papageorgiou khẳng định: "Bởi vì tăng trưởng bền vững chỉ có thể đạt được thông qua đối thoại chính sách và gắn kết chặt chẽ đối với các chính sách đầu tư thương mại, tài chính và lao động ở cấp quốc gia và quốc tế."
Để tăng cường sự hợp tác giữa các thành viên ASEM trong việc ứng phó với các thách thức về việc làm bền vững, an sinh xã hội, ông Muhammad Ahsan Raja, Thứ trưởng Bộ Phát triển Nguồn nhân lực Pakistan cho rằng các nước nên tạo các diễn đàn, chia sẻ kinh nghiệm về giải quyết việc làm và đảm bảo an toàn nơi làm việc.
Chính phủ các quốc gia nên đặt ra mục tiêu tạo việc làm thông qua phát triển nguồn nhân lực, gắn kết các chương trình tạo việc làm cho thanh niên, đặc biệt là chú trọng công tác dạy nghề cho người nghèo để họ có cơ hội việc làm tốt hơn, có nguồn thu nhập, từ đó ổn định cuộc sống./.
Theo TTXVN