Thứ Tư, 27/11/2024
Khoa học, công nghệ
Thứ Hai, 10/10/2011 15:26'(GMT+7)

Việt Nam cần tăng cường trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm với các nước có điện hạt nhân

Giáo sư Yukiya Amano

Giáo sư Yukiya Amano

 - Với vai trò là người đứng đầu của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế IAEA, xin ông cho biết đánh giá của mình về sự hợp tác của Việt Nam đối với IAEA trong các vấn đề về năng lượng nguyên tử và điện hạt nhân thời gian qua?

GS Yukiya Amano: Trong những năm qua, mối quan hệ hợp tác giữa Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế IAEA và Việt Nam rất tốt đẹp. Cụ thể, Việt Nam đã phê chuẩn một số công ước hiệp ước liên quan đến năng lượng nguyên tử và đang tiến hành nghiên cứu tham gia các công ước, hiệp ước khác; Hai bên đã cùng ký kết và triển khai Dự án hợp tác kỹ thuật về phát triển cơ sở hạ tầng điện hạt nhân tại Việt Nam; Việt Nam cũng đang xây dựng một khung pháp lý và thực hiện các biện pháp an toàn năng lượng nguyên tử và an toàn điện hạt nhân… Hiện tại, tôi có thể nói rằng, Việt Nam là một phần rất quan trọng của IAEA; hai bên đã cùng phối hợp chia sẻ các thông tin liên quan một cách có hiệu quả.

- Hiện tại, Việt Nam đang trong quá trình xây dựng nguồn nhân lực cho nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của mình. Ông có gợi ý gì về công tác đào tạo đội ngũ chuyên gia của Việt Nam để có thể làm chủ công nghệ điện hạt nhân, thưa ông?

GS Yukiya Amano: Việt Nam thời gian qua đã nỗ lực phát triển nguồn nhân lực, tăng cường năng lực kỹ thuật của nước mình để phục vụ cho quá trình phát triển nhà máy điện hạt nhân đầu tiên. Kinh nghiệm cho thấy, khi mà cân nhắc và phát triển điện hạt nhân ở một quốc gia, cần có một nguồn nhân lực được xây dựng theo đúng hướng, có đủ năng lực và làm chủ kỹ thuật chuyên môn. Hiện nay, nhiều quốc gia có nền điện hạt nhân phát triển như Nhật Bản, Nga, Hàn Quốc… sẵn sàng giúp đỡ các quốc gia đang cân nhắc phát triển điện hạt nhân và các nước mới bắt đầu phát triển điện hạt nhân như Việt Nam. Bên cạnh đó, các quốc gia hợp tác và các thành viên của IAEA cũng sẵn sàng giúp đỡ các nước thành viên thông qua các mạng lưới liên kết, mà qua đó có rất nhiều hình thức đào tạo được thực hiện. Đội ngũ chuyên gia, cán bộ ở các nước bắt đầu phát triển điện hạt nhân, như Việt Nam, có thể thông qua các khóa đào tạo này để sở hữu và làm chủ các tri thức về công nghệ điện hạt nhân. Việt Nam đã chọn Nga và Nhật Bản làm đối tác để cung cấp công nghệ và xây dựng nhà máy điện hạt nhân, các bạn có thể tận dụng cơ hội chuyển giao công nghệ và kỹ thuật, cũng như kinh nghiệm từ các chuyên gia của các nước này.

- Ông có thể cho biết rõ hơn về việc trao đổi thông tin giữa các quốc gia phát triển điện hạt nhân, đặc biệt là sau sự cố tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima tại Nhật Bản vào tháng 3.2011 vừa qua?

GS Yukiya Amano: Sau khi xảy ra sự cố khủng hoảng nhà máy điện hạt nhân Fukushima, IAEA chúng tôi có nhiều hoạt động như cử chuyên gia đến Nhật Bản theo dõi nồng độ các chất phóng xạ; tổng hợp báo cáo của các nước thành viên, các nước láng giềng với Nhật Bản sau sự cố; cùng chia sẻ thông tin và kinh nghiệm tẩy xạ sau sự cố này. Chúng tôi đặc biệt quan tâm đến việc chia sẻ thông tin, rút ra những kinh nghiệm phát triển điện hạt nhân an toàn ở mức cao nhất cho các nước thành viên. Việt nam cũng đang tiến hành xây dựng nhà máy điện hạt nhân nguyên tử đầu tiên, một số nước khác cũng đang cân nhắc và tiến hành các hoạt động nhằm phát triển điện hạt nhân. Vì vậy, chúng ta đều rất cần chia sẻ các thông tin để xây dựng hệ thống các nhà máy điện hạt nhân an toàn cho cuộc sống của toàn nhân loại. Ngoài ra, theo tôi biết, Việt Nam các bạn không chỉ phát triển điện hạt nhân mà còn ứng dụng năng lượng nguyên tử vào các lĩnh vực khác, ví dụ như kiểm soát, điều trị ung thư trong lĩnh vực y tế. Như vậy, tôi cho rằng sự hợp tác và chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, hợp tác đào tạo cán bộ giữa Việt Nam và các nước khác sẽ rất hữu ích.

- Theo ông, Việt Nam cần làm gì để tránh khỏi nguy cơ xảy ra một cuộc khủng hoảng hạt nhân tương tự như Fukushima?

GS Yukiya Amano: Theo tôi biết, Việt Nam đã có Luật năng lượng nguyên tử từ năm 2008, và các bạn đang có kế hoạch sửa Luật năng lượng nguyên tử trong đó mục đích chính để nâng cao năng lực của cơ quan quản lý nhà nước, tăng cường tính độc lập của cơ quan quản lý năng lượng nguyên tử và điện hạt nhân. Tôi rất mừng vì điều này, bởi kinh nghiệm cho thấy, cơ quan quản lý độc lập là nền tảng quan trọng và cần thiết để đảm bảo an toàn cho nhà máy điện hạt nhân.

Ngoài ra, sau sự cố của nhà máy điện hạt nhân Fukushima thì vấn đề đảm bảo an toàn được đặt ra hàng đầu trong quá trình phát triển điện hạt nhân cũng như trong các hoạt động của IAEA. Việt Nam hiện là một phần quan trọng của IAEA, trong Hội nghị thượng đỉnh về an toàn và an ninh hạt nhân được diễn ra tại Hoa Kỳ năm 2010 Việt Nam đã tham gia tích cực. Tôi mong rằng, Việt Nam sẽ tiếp tục tham gia Hội nghị thượng đỉnh về an toàn và an ninh hạt nhân diễn ra tại Seoul, Hàn Quốc vào đầu 2012 tới.

Đến đầu tháng 11 năm nay, chúng tôi cùng với Việt Nam sẽ hội thảo về lựa chọn địa điểm xây dựng nhà máy điện hạt nhân của Việt Nam. Tại hội thảo, các chuyên gia sẽ cùng thảo luận các vấn đề liên quan đến địa điểm, địa chất xây dựng nhà máy điện hạt nhân để cùng tìm ra lựa chọn tốt nhất. Ngoài ra, chuyên gia các bên cũng sẽ bàn bạc đến việc ứng phó với các sự cố động đất, sóng thần có thể xảy ra. Cũng tại hội thảo này, sẽ có một báo cáo về kinh nghiệm khắc phục sự cố của nhà máy điện hạt nhân Fukushima từ phía Nhật Bản. Điều này sẽ vô cùng hữu ích đối với các bạn để có thể xây dựng các nhà máy điện hạt nhân an toàn hơn.
Bên cạnh đó, việc sử dụng công nghệ lò phản ứng điện hạt nhân hiện đại cùng với khả năng làm chủ công nghệ, kỹ thuật của các chuyên gia vận hành sẽ đảm bảo an toàn khi nhà máy điện hạt nhân đi vào hoạt động.

- Xin ông cho biết kế hoạch hợp tác giữa IAEA và Việt Nam trong năng lượng nguyên tử, điện hạt nhân thời gian tới?

GS Yukiya Amano: Bên cạnh sự hợp tác kỹ thuật trong các dự án đang và sẽ được triển khai, chúng tôi sẽ tổ chức các hội thảo trao đổi kinh nghiệm, thông tin liên quan đến an toàn điện hạt nhân. Hiện IAEA đã thông qua 5/8 dự án mà Việt Nam đề xuất cho giai đoạn 2012-213, trong đó có 3 dự án liên quan đến dự án điện hạt nhân mà các bạn đang triển khai. Chúng tôi cũng sẽ tiếp tục nghiên cứu các đề xuất còn lại từ phía các bạn. Đáng chú ý, như tôi đã nói, vào tháng 11 tới đây, IAEA sẽ phối hợp cùng với phía Việt Nam tổ chức hội thảo xung quanh việc lựa chọn địa điểm xây dựng nhà máy điện hạt nhân của Việt Nam.

Thời gian tới, Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế sẽ tiếp tục hợp tác, hỗ trợ Việt Nam phát triển điện hạt nhân vì mục đích hòa bình.

- Xin cám ơn ông!


(Theo: Tự Cường/ĐBND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất