Thứ Bảy, 5/10/2024
Kinh tế
Thứ Ba, 3/5/2011 21:58'(GMT+7)

Việt Nam chủ động hội nhập sâu rộng hơn vào nền kinh tế khu vực và thế giới

 Hội nghị Cấp cao về kinh doanh tại Việt Nam ( Việt Nam Business Summit ) đã khai mạc sáng nay (3/5) tại Hà Nội mở đầu cho chuỗi hoạt động của Hội nghị.

Báo cáo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải khẳng định: Việt Nam vừa hoàn thành Chiến lược phát triển KT-XH giai đoạn 2001-2010 với những kết quả quan trọng.

10 năm qua, kinh tế Việt Nam đạt tăng trưởng bình quân 7,26%/năm; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực; thể chế kinh tế thị trường tiếp tục hoàn thiện; quy mô nền kinh tế tăng gấp 3,3 lần so với năm 2000. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội cũng có những tiến bộ đáng kể với việc thực hiện thành công hầu hết các mục tiêu Thiên niên kỷ, đặc biệt là trong lĩnh vực xóa đói, giảm nghèo…

Cộng đồng quốc tế đánh giá cao tiềm năng phát triển của Việt Nam trong trung và dài hạn khi tiếp tục dành cho Việt Nam nguồn vốn ODA kỷ lục, đạt gần 8 tỷ USD trong năm 2010.

Tuy vậy, Việt Nam vẫn còn phải đối mặt với nhiều thách thức, bất cập trong phát triển kinh tế như chất lượng tăng trưởng, năng suất, hiệu quả, các cân đối vĩ mô chưa vững chắc; chất lượng nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng vẫn còn là những điểm nghẽn cản trở sự phát triển.

Bên cạnh đó là thách thức thu hẹp về khoảng cách phát triển, vượt qua “bẫy” thu nhập trung bình, đặc biệt trong bối cảnh của dư chấn khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Do vậy, trong Chiến lược phát triển KT-XH 2011-2020, mục tiêu của Việt Nam là đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững và đến năm 2020 cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Thay mặt Chính phủ Việt Nam, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải khẳng định Việt Nam đang tiếp tục kiên trì thực hiện đường lối đổi mới, cải cách kinh tế theo hướng thị trường và chủ động hội nhập sâu rộng hơn vào nền kinh tế khu vực và thế giới, xây dựng quan hệ thương mại, đầu tư ổn định với các đối tác, các quốc gia, vùng lãnh thổ trên nguyên tắc tôn trọng lợi ích của nhau và cùng phát triển.

Trao đổi các vấn đề liên quan đến đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam, Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) Haruhiko Kuroda đánh giá trong 20 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được nhiều thành công quan trọng, trong đó đáng chú ý là tỷ lệ nghèo đói từ 58%  hiện đã giảm xuống còn 10%.

Ông Kuroda tin tưởng mặc dù còn nhiều thách thức, nhưng với dân số 87 triệu người, với độ tuổi trẻ và truyền thống lao động cần cù, lạc quan, Việt Nam còn nhiều tiềm năng phát triển trong trung và dài hạn.

Ông Kuroda cũng khuyến nghị khu vực tư nhân đóng góp tới 47% GDP  và tạo ra nhiều việc làm mỗi năm, do đó “ cần tiếp tục hỗ trợ phát triển khu vực này”

Trước mắt, Việt Nam phát triển các ngành nghề sử dụng nhiều lao động, đảm bảo hiệu quả đầu tư. Đồng thời, Chính phủ Việt Nam vẫn đang chú trọng  đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để dần chuyển dịch sang những ngành có công nghệ cao và có giá trị gia tăng lớn trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Theo Minh Duy/GD&TĐ

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất