Sáu năm triển khai thực hiện Luật bảo hiểm y tế sửa đổi đã ghi nhận những kết quả nổi bật trong tổ chức thực hiện chính sách bảo hiểm y tế. Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế toàn dân đã đạt gần 90% dân số.
Luật Bảo hiểm y tế ra đời từ năm 2008 và được sửa đổi, bổ sung vào năm 2014, là cơ sở pháp lý thể chế hóa quan điểm, định hướng của Đảng và Nhà nước trong việc thực hiện chính sách tài chính y tế công thông qua bảo hiểm y tế toàn dân theo định hướng công bằng, hiệu quả và phát triển.
Thực tiễn cho thấy chính sách, pháp luật bảo hiểm y tế ngày càng hoàn thiện, con đường tiến tới thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân được chỉ rõ tại các văn kiện của Đảng, quy định trong Luật bảo hiểm y tế và đang dần trở thành hiện thực.
Thời gian qua, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, với trách nhiệm là cơ quan tổ chức thực hiện đã nỗ lực không ngừng để việc thực thi pháp luật bảo hiểm y tế hiệu quả nhất, mọi người dân sớm được hưởng quyền an sinh về bảo hiểm y tế.
NHỮNG KẾT QUẢ ẤN TƯỢNG
Ông Phạm Lương Sơn-Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cho hay sau gần 6 năm triển khai thực hiện Luật bảo hiểm y tế sửa đổi đã có những kết quả nổi bật trong tổ chức thực hiện chính sách bảo hiểm y tế.
Cụ thể, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế toàn dân đã đạt gần 90% dân số; đối tượng tham gia tăng nhanh qua các năm, bình quân mỗi năm tăng 48%, từ năm 2015-2019 tăng hơn 15 triệu người, đến hết năm 2019 đã có 85,6 triệu người tham gia bảo hiểm y tế.
Đáng lưu ý, diện bao phủ bảo hiểm y tế đã tập trung vào các nhóm yếu thế, như: nhóm người lao động đã tham gia đạt hơn 90%; nhóm hưu trí, mất sức lao động, bảo trợ xã hội đạt 100% (khoảng 3,1 triệu người); nhóm được ngân sách nhà nước hỗ trợ như hộ cận nghèo, học sinh, sinh viên đạt gần 100% và trên 17,5 triệu người tham gia theo hình thức hộ gia đình.
“Như vậy, Việt Nam cơ bản đã hoàn thành mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân và về đích trước thời hạn so với mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 22/11/2012 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế giai đoạn 2012-2020,” ông Phạm Lương Sơn nhấn mạnh.
Do đó mục tiêu đến năm 2025 tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt 95% dân số như Nghị quyết 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương khoá XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới đặt ra là hoàn toàn khả thi.
Theo ông Sơn, để đạt được kết quả khả quan như vậy là do sự nỗ lực của ngành bảo hiểm xã hội và sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành liên quan. Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã chủ động đề xuất với Chính phủ giao chỉ tiêu thực hiện bảo hiểm y tế cho từng địa phương; Tích cực phối hợp với Bộ Y tế và các bộ, ngành có liên quan, uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc để người dân tham gia thuận lợi nhất.
Theo thống kê của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, nếu như năm 2014 mới có 2.111 cơ sở khám chữa bệnh ký hợp đồng khám chữa bênh bảo hiểm y tế thì đến tháng 6 năm 2020 số cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế là 2.571 cơ sở, tăng 22% so với năm 2014. Đặc biệt, số cơ sở khám chữa bệnh tư nhân kí hợp đồng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế đã tăng gần gấp đôi từ 424 cơ sở khám chữa bệnh năm 2014 lên 835 cơ sở khám chữa bệnh năm 2020.
Thực tế những năm qua cho thấy cơ hội tiếp cận với dịch vụ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế ngày càng mở rộng, số lượt khám được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán cũng tăng mạnh.
Nếu như năm 2009 mới có 92,1 triệu lượt khám chữa bệnh bảo hiểm y tế thì đến năm 2019 số lượt người đi khám đã tăng gần gấp hai lần với 186 triệu lượt. Số chi khám bệnh, chữa bệnh từ quỹ bảo hiểm y tế cũng ngày càng tăng, từ 15.500 tỷ (tương đương 970 triệu USD) của năm 2009, tăng lên đến hơn 100.000 tỷ đồng (tương đương khoảng 4 tỷ USD) của năm 2019.
CHI TRẢ HƠN 18.000 DỊCH VỤ KỸ THUẬT
Phó Tổng giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam Phạm Lương Sơn phân tích, chính sách bảo hiểm y tế đã góp phần giảm chi trực tiếp từ tiền túi hộ gia đình cho dịch vụ y tế, góp phần tạo nên sự công bằng trong chăm sóc sức khỏe, đặc biệt đối với nhóm người yếu thế trong xã hội như người nghèo, cận nghèo, người khuyết tật, người thuộc đối tượng bảo trợ xã hội, trẻ em dưới 6 tuổi.
Nhiều trường hợp đã được quỹ bảo hiểm y tế chi trả chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế trong năm lên đến hàng tỷ đồng.
Người bệnh tham gia bảo hiểm y tế được chi trả với hơn 18.000 dịch vụ kỹ thuật y tế bao gồm cả những dịch vụ kỹ thuật cao chi phí lớn. Đó là các kỹ thuật như can thiệp tim mạch, phẫu thuật tim mạch, phẫu thuật nội soi, MRI, CT, PET-CT…
Bên cạnh đó, bảo hiểm y tế chi trả hàng ngàn loại vật tư y tế bao gồm cả vật tư y tế thay thế như: máy tạo nhịp tim, stent mạch vành, khớp nhân tạo… Phạm vi quyền lợi về bảo hiểm y tế của Việt Nam được nhiều tổ chức quốc tế đánh giá là rộng so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới.
Năm 2018, số thu từ đối tượng tham gia bảo hiểm y tế là 93.318 tỷ đồng; tổng số thu bảo hiểm y tế do với kế hoạch được giao đạt 105,8%. Tổng số chi khám chữa bênh bảo hiểm y tế là 95.081 tỷ đồng bằng 104,3% so với dự toán Chính phủ giao.
Năm 2019, số thu (ước tính) từ đối tượng tham gia bảo hiểm y tế là 104.807 tỷ đồng; tổng số chi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế ước là 104.443 tỷ đồng, ước tính vẫn đảm bảo cân đối thu-chi trong năm, không phải sử dụng đến nguồn quỹ dự phòng.
Bảo hiểm y tế là chính sách xã hội quan trọng, là một trong các trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, góp phần thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm ổn định và phát triển kinh tế-xã hội. Việc mở rộng và hoàn thiện chế độ, chính sách bảo hiểm y tế cần có bước đi, lộ trình phù hợp với phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, bảo đảm phát triển bền vững.
Ông Sơn cũng cho hay bên cạnh những kết quả đạt được, phát triển bền vững chính sách bảo hiểm y tế cũng đang gặp nhiều vấn đề thách thức trong thời gian tới như: già hóa dân số, mô hình bệnh tật thay đổi... và đặc biệt là chi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế không ngừng gia tăng, từ năm 2017 quỹ bảo hiểm y tế bắt đầu trong tình trạng chi vượt quá thu trong năm.
Do đó, để thực hiện được mục tiêu Nghị quyết 20-NQ/TW đã đề ra là đến năm 2025 tỉ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt 95% dân số và để phát triển bảo hiểm y tế bền vững, Việt Nam cần phải tiếp tục tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển đối tượng tham gia và quản lý, sử dụng quỹ bảo hiểm y tế hiệu quả, an toàn nhưng cũng cần bảo vệ quyền lợi của người tham gia./.
Theo Vietnam+