Thứ Hai, 7/10/2024
Kinh tế
Thứ Sáu, 25/2/2011 20:59'(GMT+7)

Việt Nam có đủ nguồn lực để kiểm soát tỷ giá

Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng cho chúng tôi biết, hiện có tới 21 tỉ USD trong hệ thống ngân hàng thương mại

Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng cho chúng tôi biết, hiện có tới 21 tỉ USD trong hệ thống ngân hàng thương mại

Tại hội nghị trực tuyến với lãnh đạo các tỉnh, thành trong cả nước tổ chức hôm qua, Thủ tướng nói: “Giá cả tăng ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân. Nếu không tập trung kiềm chế lạm phát sẽ đe doạ ổn định kinh tế vĩ mô và gây ra những hậu quả tiêu cực… Việc kiềm chế lạm phát, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo an sinh xã hội là nhiệm vụ chính trị trọng tâm cấp bách đối với cả nước”.

Hội nghị này diễn ra trong bối cảnh chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng cao gần 3,8% chỉ trong hai tháng đầu năm nay song Chính phủ vẫn phải cho tăng giá các mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, điện, than cũng như giảm giá tiền đồng.

Tập trung ngoại tệ từ mọi nguồn cho ngân hàng Nhà nước

Trao đổi với lãnh đạo các địa phương, Thủ tướng trình bày một số giải pháp trong nghị quyết “Về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội” mà ông vừa ký duyệt chỉ vài tiếng trước khi chủ trì hội nghị; trong đó, nhấn mạnh đặc biệt đến những thay đổi trong chính sách tiền tệ: chuyển sang điều hành một cách “chặt chẽ, thận trọng”.

Ông nói rõ tốc độ tăng trưởng tín dụng và tổng phương tiện thanh toán sẽ được siết chặt ở các mức tương ứng là dưới 20% và 16% trong năm nay, thấp hơn hẳn so với mức 31% và 26% của năm 2010.

Thủ tướng còn đặc biệt nhấn mạnh đến quyết tâm kiểm soát bằng được tỷ giá theo quy định. Ông nói: “Chính phủ sẽ sử dụng các nguồn lực để kiểm soát bằng được tỷ giá, dứt khoát không thả nổi tỷ giá hay để thị trường ngoại hối chợ đen chi phối”.

Ông khẳng định, Việt Nam có đủ nguồn lực để kiểm soát tỷ giá (trước đó, phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng cho chúng tôi biết, hiện có tới 21 tỉ USD trong hệ thống ngân hàng thương mại) và nói rõ yêu cầu của mình: “Tất cả các tập đoàn kinh tế, các tổng công ty nhà nước, doanh nghiệp nhà nước và các ngân hàng thương mại nhà nước phải bán tất cả ngoại tệ có được cho ngân hàng Nhà nước”.

Đổi lại, Thủ tướng cam kết khi các doanh nghiệp này có nhu cầu ngoại tệ sẽ được ngân hàng Nhà nước bán theo đúng giá quy định.

Thủ tướng cho rằng trong lúc này, việc găm giữ ngoại tệ, gây khó khăn cho đất nước là dứt khoát không thể chấp nhận. Ông cho biết việc này phải được chấp hành thật nghiêm và sẽ xem xét ra một nghị định riêng về vấn đề này ngay sau hội nghị.

Ông cũng yêu cầu lãnh đạo các địa phương, bộ Công an và các cơ quan chức năng tăng cường kiểm soát việc quản lý ngoại hối. “Không thể có chuyện mua hàng hoá trên thị trường là tính bằng USD. Đến thịt cũng tính bằng USD là sao? Không có đất nước nào có độc lập chủ quyền mà thế này cả!”, Thủ tướng nói.

Ghi nhận việc lãi suất cao “chưa thể giảm xuống ngay được” đang gây khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết sẽ yêu cầu ngành ngân hàng giảm dần lãi suất một cách hợp lý khi “kiềm chế được lạm phát”.

Nhiều giải pháp hạn chế đầu tư công

Về chính sách tài khoá, Thủ tướng nói rõ sẽ thắt chặt chi tiêu công trong khi vẫn phấn đấu tăng thu ngân sách 7 - 8% theo kế hoạch ban đầu. Ông cho biết Chính phủ sẽ giảm bội chi xuống dưới 5% GDP so với mức 5,3% trình Quốc hội, cắt giảm 10% chi thường xuyên và cắt giảm 10% dư nợ tín dụng của ngân hàng Phát triển Việt Nam, không ứng vốn ngân sách nhà nước và trái phiếu chính phủ năm 2012 cho các dự án công.

Bên cạnh đó, Chính phủ sẽ thu hồi các khoản này về ngân sách trung ương để bổ sung cho các dự án sẽ được hoàn thành ngay trong năm 2011 thay vì cấp cho các dự án kéo dài sang các năm sau. Để thực hiện điều này, ông yêu cầu chính quyền địa phương phải sắp xếp lại kế hoạch đầu tư của mình.

Để thực hiện yêu cầu cấp bách của Thủ tướng, bộ trưởng Kế hoạch và đầu tư Võ Hồng Phúc cho biết, bộ này sẽ lập chín đoàn kiểm tra đến địa phương và khu vực doanh nghiệp nhà nước nhằm xem xét cắt giảm các dự án đầu tư công. Theo dự kiến của bộ trưởng Võ Hồng Phúc, kết quả này sẽ có trước cuối tháng 3 tới.

Các địa phương kêu khó

Để góp phần đảm bảo an sinh xã hội, theo bộ trưởng bộ Lao động, thương binh và xã hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Chính phủ sẽ hỗ trợ giá điện cho 3,1 triệu hộ nghèo theo chuẩn mới với mức 30.000đ/tháng/hộ. Tổng số tiền này lên đến 1.120 tỉ đồng trong năm 2011 được lấy ngay từ tiền bán điện của tổng công ty điện lực Việt Nam (EVN). Bà Ngân cho biết, sau khi nhận được tiền từ EVN, hàng tháng bộ sẽ phân bổ cho từng địa phương số tiền tương ứng để địa phương cấp đến các hộ nghèo trên nguyên tắc “đảm bảo có tiền để trả tiền điện hàng tháng”.

Tuy nhiên, hầu hết lãnh đạo các tỉnh và thành phố đề nghị cách làm khác. Ông chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân đề nghị EVN trừ ngay tiền vào đồng hồ điện cho các hộ nghèo”. Chứ chờ trên cấp cho tiền rồi mới cấp cho dân thì lâu lắm”, ông Quân nói.

Tại buổi giao ban, tất cả lãnh đạo các địa phương có cơ hội phát biểu đều bày tỏ sự ủng hộ các giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô của Chính phủ; song họ cũng nêu ra nhiều khó khăn khi thực hiện chính sách tài khoá thắt chặt, lãi suất tăng cao và giá nhiên liệu đã vọt lên mức kỷ lục.

Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân cho biết, thành phố đang thiếu các khoản vốn đối ứng trong các dự án đầu tư công và đề nghị Chính phủ tiếp tục hỗ trợ khoản ngân sách đã được duyệt để đáp ứng các công tình trọng điểm mà thành phố đang triển khai.

Đề nghị này được hầu hết lãnh đạo các địa phương ủng hộ. Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng Dương Anh Điền đề nghị Chính phủ tiếp tục cho vay để nâng cấp cảng Hải Phòng “để cảng này trở thành “điểm thông”, chứ không phải “điểm nghẽn” của miền Bắc” theo chủ trương đối với các dự án trọng điểm quốc gia. Theo ông Điền, hiện nay, những con đường vào cảng đang xuống cấp nghiêm trọng.

Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Trần Văn Minh đề nghị Chính phủ chuyển tiền trái phiếu chính phủ để địa phương này thanh toán cho các đơn vị xây dựng các dự án công trong năm 2010. Ông Minh đề nghị thêm rằng, khoản tiết kiệm 10% chi thường xuyên được để lại địa phương thay vì chuyển về ngân sách trung ương. Đối với đoàn kiểm tra của bộ Kế hoạch và đầu tư, ông đề nghị chỉ rà soát các dự án của trung ương trên địa phương và cam kết sẽ tự làm với các dự án sử dụng ngân sách địa phương.

Trong khi đó, chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Trần Thanh Mẫn đề nghị Thủ tướng tiếp tục bổ sung nguồn trái phiếu chính phủ cho các dự án công trình có tính chất lan toả trong vùng đồng bằng sông Cửu Long. Ông than phiền rằng dự án sân bay Trà Nóc mới chỉ nhận được 830 tỉ đồng trên tổng số dự toán 1.800 tỉ đồng nên phải “mắc nợ nhà thầu”. Ông cũng thiết tha yêu cầu Chính phủ hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu hải sản của tỉnh đang gặp khó khăn.

Bày tỏ sự lo ngại về việc thực hiện các nghị quyết ổn định kinh tế vĩ mô của Chính phủ, chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hoà Nguyễn Chiến nói: “Năm ngoái cũng có một nghị quyết ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát. Năm nay chúng ta lại kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Chúng ta có nghị quyết, nhưng rõ ràng có điều gì đó còn chưa thông trong triển khai nên kết quả chưa như mong muốn”.

Tổng rà soát các dự án đầu tư công tại các địa phương

Tại buổi phổ biến các chính sách điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ với các quan chức, cán bộ cấp vụ của bộ vào chiều 24.2, bộ trưởng bộ Kế hoạch và đầu tư Võ Hồng Phúc cho biết từ 8 - 20.3, bộ này sẽ tổ chức chín đoàn công tác về các địa phương, trong đó có hai đoàn đến các tập đoàn, tổng công ty nhà nước để rà soát tình hình sử dụng vốn ngân sách và trái phiếu chính phủ. Cụ thể, sẽ có các đoàn đi các địa phương thuộc các vùng: đồng bằng sông Hồng, các tỉnh miền núi phía Bắc, vùng Nam Trung bộ, Tây Nguyên, Đông Nam bộ, Tây Nam bộ...

Các đoàn công tác của bộ sẽ rà soát các dự án đầu tư công tại các địa phương, xem xét cắt giảm đối với các dự án chưa thật sự cần thiết hoặc chưa thể hoàn thành trong năm 2011, chưa hoàn thành các thủ tục đầu tư... nhằm thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về cắt giảm đầu tư từ ngân sách; chuyển một phần vốn để hoàn thành các công trình, dự án quan trọng cấp bách như các công trình phòng, chống thiên tai... Các dự án sử dụng vốn ngân sách, trái phiếu nhưng triển khai quá chậm cũng sẽ bị đình lại. Các đoàn công tác còn có nhiệm vụ kiểm tra tiến độ giải ngân các dự án sử dụng vốn ODA để báo cáo với Chính phủ trước kỳ họp cuối của Quốc hội khoá XI dự kiến khai mạc ngày 21.3.2011.

 


Mạnh Quân - tintuconline
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất