Thứ Bảy, 12/10/2024
Kinh tế
Thứ Bảy, 5/6/2010 21:29'(GMT+7)

Việt Nam - điểm lý tưởng để tổ chức WEF Đông Á lần thứ 19

 

Hội nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới về Đông Á (WEF Đông Á) lần thứ 19 do Việt Nam và WEF đồng tổ chức sẽ khai mạc vào ngày 6/6/2010 tại TPHCM. Hội nghị quy tụ 450 đại biểu, gồm các nhà lãnh đạo chính phủ cấp cao trong khu vực, lãnh đạo doanh nghiệp hàng đầu thế giới, các học giả và báo giới quốc tế… Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Đoàn Xuân Hưng trả lời phỏng vấn báo chí nhân sự kiện này.

** Phóng viên (PV): Thưa Thứ trưởng, công tác chuẩn bị của nước chủ nhà Việt Nam cho Diễn đàn này được tiến hành như thế nào?

Thứ trưởng Đoàn Xuân Hưng: WEF Đông Á chủ trì tổ chức chính là WEF. Việt Nam chỉ là nước địa điểm để các nhà lãnh đạo, các doanh nghiệp đến trao đổi các vấn đề khu vực và quốc tế. WEF có sự khác biệt rất cơ bản giữa những hội nghị mà chúng ta đã chủ trì như ASEAN, APEC…Toàn bộ nội dung, chủ đề chủ yếu do WEF, còn chúng ta chỉ là nơi tổ chức. Tuy vậy có thể khẳng định rằng, Chính phủ Việt Nam chuẩn bị chu đáo và tham gia tích cực để sự kiện này được tổ chức thành công. Việt Nam đã thành lập một Uỷ ban chỉ đạo quốc gia do Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải làm Trưởng ban. Mục đích chính của Ban chỉ đạo là tạo mọi điều kiện thuận lợi để WEF tổ chức sự kiện thành công.

** PV: Thưa Thứ trưởng, tại sao Diễn đàn Kinh tế Thế giới lại chọn Việt Nam để tổ chức Diễn đàn Kinh tế Thế giới về Đông Á 2010 mà không phải là nước nào khác?

Thứ trưởng Đoàn Xuân Hưng: Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) là một trong những diễn đàn toàn cầu uy tín và hoạt động hiệu quả, thu hút sự quan tâm và tham dự của hầu hết lãnh đạo các nước lớn, các tổ chức quốc tế cũng như các tập đoàn, công ty hàng đầu thế giới.

Diễn đàn quan trọng nhất của WEF là Hội nghị thường niên được tổ chức vào tháng 1 hoặc 2 hàng năm tại Davos, Thuỵ Sĩ.

Bên cạnh Hội nghị Davos, hàng năm WEF cũng tổ chức các Diễn đàn khu vực, tiêu biểu là Hội nghị WEF về Đông Á, Ấn Độ, Mỹ La tinh và Trung Đông. Các diễn đàn khu vực này là nơi trao đổi và phân tích đánh giá các vấn đề phát triển của khu vực. Đã là Đông Á thì thường tổ chức ở một nước Châu Á nhưng không phải luân phiên ở tất cả các nước, mà chỉ chọn những nước điển hình, có những vấn đề đặc biệt với những chủ đề của Châu Á để bàn.

WEF đã từng tổ chức ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Malaysia, chứ không phải tất cả các nước Châu Á...

Lý do chọn Việt Nam để tổ chức Diễn đàn, theo Giám đốc WEF khu vực châu Á – Thái Bình Dương, ông Sushant Palakurthi Rao, những năm gần đây, Việt Nam được các nước đánh giá rất cao, đạt nhiều thành tích trong đổi mới. Mức tăng trưởng của Việt Nam đạt 5%, rất ấn tượng với các nước và giữ được ổn định chính trị xã hội, ổn định vĩ mô về kinh tế trong khi nhiều nước đang bị ảnh hưởng do khủng hoảng kinh tế.

Hiện nay, Châu Á đang được coi là khu vực dẫn dắt phục hồi kinh tế thế giới, trong đó Việt Nam- nền kinh tế nhỏ nhưng cũng rất điển hình của nhiều nước đang phát triển, bởi có những giải pháp thành công và phục hồi được. Vì vậy, Việt Nam có thể địa điểm lý tưởng cho các nhà lãnh đạo khu vực và quốc tế, các doanh nghiệp đến để trao đổi, chia sẻ những ý tưởng về một Châu Á sắp tới, một Đông Á tăng trưởng và từ đó tìm những giải pháp cho kinh tế khu vực nói riêng và quốc tế nói chung.

Là người tham gia nhiều hội nghị quốc tế, tôi thấy đi đến đâu, người ta cũng dành sự ưu ái cho Việt Nam, rất nhiều người ngưỡng mộ và muốn đến Việt Nam. Tôi thấy rất hạnh phúc và tự hào vì điều đó.

Việt Nam đã thực sự quyết tâm, tham gia một cách tích cực, xây dựng vào các quá trình của khu vực và quốc tế. Việt Nam đã từng tổ chức thành công các hội nghị như APEC, ASEAN 16 và tham gia vào Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc với trách nhiệm, bản lĩnh và đóng góp xứng đáng vào các quá trình toàn cầu và quốc tế. Việt Nam đã gia nhập WTO.

Hiện nay, thế giới coi Việt Nam là một trong những mẫu hình thành công về 1 nước nghèo đang phát triển nhưng đã hội nhập và tạo được những lợi ích cho sự phát triển của đất nước mình. Đặc biệt, hiện nay Việt Nam đang là Chủ tịch của tổ chức khu vực đầy uy tín đó là ASEAN. WEF coi Việt Nam là địa điểm rất lý tưởng cho tổ chức bàn về những vấn đề của khu vực.

Điểm nữa tôi muốn nêu ở đây là, dù Việt Nam là một nước nghèo nhưng vẫn có 12 doanh nghiệp, tập đoàn là thành viên của WEF, lớn hơn nhiều so với các nước trong khu vực. Chính họ là những tác nhân để cho các doanh nghiệp quốc tế theo dõi đến sự phát triển của chúng ta.

Ngoài ra, các nhà lãnh đạo của Việt Nam cũng tham gia rất tích cực trong khu vực và toàn cầu, trong đó có Diễn đàn Kinh tế Thế giới. Chính các nhà lãnh đạo của Việt Nam cũng mong muốn thế giới đến với Việt Nam để tổ chức hội nghị ở đây và tạo cơ hội, tìm kiếm hợp tác với chúng ta. Năm nay, trở thành năm bản lề của Việt Nam trước sự kiện tổ chức có ý nghĩa đặc biệt đối với chúng ta, tăng thêm quyết tâm, tự tin để phát triển kinh tế, xã hội trong nước, khu vực và thế giới.

** PV: Thưa Thứ trưởng, vai trò của Việt Nam trong việc tổ chức Hội nghị WEF Đông Á lần thứ 19 này là gì?

Thứ trưởng Đoàn Xuân Hưng
: Hội nghị Đông Á là diễn đàn của WEF để trao đổi ý tưởng đề cập về mọi vấn đề trong đó có phát triển xã hội, chống tham nhũng, doanh nghiệp trẻ trong vòng 10 hoặc 20 năm tới...

Khác với các hội nghị trước đây mà Việt Nam đã chủ trì, tại WEF 19, Việt Nam sắp đặt chương trình, đưa ra chương trình nghị sự, đưa ra những chủ đề mà chúng ta quan tâm.

Với tư cách là nước chủ nhà, Việt Nam tham gia một cách tích cực tất cả các khâu, đảm bảo cho hội nghị diễn ra tốt đẹp. Việt Nam cũng nêu ra những ý tưởng của mình là hội nghị nên tập trung vào chủ đề gì. Rất nhiều ý kiến của Việt Nam trên diễn đàn kinh tế thế giới được ghi nhận.

Các nhà lãnh đạo, doanh nghiệp của Việt Nam tham gia sâu rộng vào các phiên của diễn đàn để bàn thảo những công việc chung, đưa ra vấn đề... cho nên Việt Nam đóng vai trò rất quan trọng trong hội nghị này.

Diễn đàn là nơi chúng ta trao đổi về các vấn đề kinh tế của thế giới và khu vực. Chính nơi đó, chúng ta cọ xát, định hình được sắp tới Châu Á đi về đâu? Kinh tế thế giới đang gặp khó khăn gì? Và chúng ta sẽ xử lý như thế nào?... Điều đó rất quan trọng đối với chúng ta.

Việt Nam được thế giới biết nhiều, nhưng cũng có nhiều người chưa có điều kiện tới Việt Nam. Đây là dịp để họ đến và tận mắt chứng kiến sự phát triển và thay đổi của Việt Nam. Từ đó, họ sẽ hiểu hơn về đất nước chúng ta và tham gia tích cực hơn vào quá trình hợp tác. Uy tín, vị trí và vai trò của Việt Nam sẽ được nâng lên và biết nhiều hơn. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp đến tìm cơ hội làm ăn, đầu tư vào Việt Nam, tiếp xúc với Việt Nam, họ sẽ nắm được những ý tưởng và từ đó họ có thể quyết định ngay hoặc trong tương lại sẽ đến làm ăn với chúng ta. Chúng ta đang kêu gọi đầu tư nước ngoài. Các doanh nghiệp của chúng ta cũng có điều kiện giao lưu học hỏi với các nước bạn khắp 5 châu. Lợi ích từ những hội nghị lớn mà Việt Nam tổ chức thì không thể cân đong đo đếm được.

Trong năm bản lề này, Việt Nam đang chuẩn bị cho Đại hội Đảng toàn quốc, định hướng phát triển mới cho đất nước cho những năm tới và đất nước tự tin bước vào giai đoạn phát triển mới. Tôi tin tưởng rằng hội nghị này rất có ý nghĩa và mang lại nhiều lợi ích cho đất nước.

** PV: Xin cảm ơn Thứ trưởng và chúc hội nghị thành công tốt đẹp! 

Việt Nam tăng 18 bậc trong bảng xếp hạng môi trường kinh doanh của WEF

Việt Nam đã tăng 18 bậc, từ vị trí 89 lên vị trí 71, trong bảng xếp hạng năm 2010 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) về môi trường kinh doanh tốt nhất. Đứng đầu bảng xếp hạng là Singapore.

Theo WEF, sở dĩ Việt Nam đạt được thứ hạng trên là nhờ những thành tựu đạt được kể từ khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Tuy nhiên, 5 thành viên ASEAN khác bị xuống hạng gồm Malaysia, Thái Lan, Indonesia, Philippines và Campuchia.

Diễn đàn Kinh tế Thế giới đánh giá chỉ số xếp hạng đối với 125 quốc gia dựa trên 4 lĩnh vực chính gồm: tiếp cận thị trường, quản lý đường biên, hạ tầng cơ sở về vận tải và thông tin, môi trường kinh doanh tổng quát./.


VOVNews
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất