Với tốc độ tăng trưởng cao và khả năng phục hồi mạnh mẽ hậu đại dịch
COVID-19, Việt Nam nói riêng và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN)
nói chung được coi là một điểm sáng kinh tế trong bối cảnh phần còn lại
của thế giới đang đối mặt với nhiều biến động và rủi ro.
Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Jakarta, Phó Tổng Thư ký ASEAN phụ trách Cộng đồng Kinh tế Satvinder Singh khẳng định: "Rõ ràng Việt Nam là một trong những nước đóng góp mạnh mẽ
nhất cho một ASEAN năng động, kiên cường, định vị về kinh tế như hiện
nay".
Phó Tổng Thư ký ASEAN cho rằng, bất chấp những thách thức kinh tế mà cả thế giới
đang phải đối mặt, ASEAN đang cho thấy cách quản lý khả năng phục hồi và tăng trưởng mạnh mẽ. Một trong những nước đóng góp lớn cho
sự tăng trưởng đáng kể nói trên là Việt Nam - quốc gia dẫn đầu trong
việc thể hiện cách thức phục hồi hậu đại dịch, đồng thời tiến hành những
chuyển đổi kinh tế quan trọng và giúp người dân ứng phó với những thách
thức đang phải đối mặt.
Nhìn lại quá trình phát triển của Việt Nam, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đã tăng mạnh từ mức 155,8 tỷ USD vào năm 2012 lên 362 tỷ USD vào năm 2021.Tỷ trọng của Việt Nam trong GDP khu vực ASEAN cũng tăng mạnh, từ mức khoảng 6,5% trong thập kỷ trước lên 10,8%.
Có thể thấy rõ rằng Việt Nam là một trong những nền kinh tế thực sự
đóng góp rất quan trọng vào sự ổn định của ASEAN, đồng thời mang đến con
đường tiến tới tự do hóa kinh tế, cho thấy cách thức thu hút đầu tư
trực tiếp nước ngoài (FDI) có chất lượng tốt. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng nắm bắt những cơ hội mới từ sự tổ chức lại
chuỗi cung ứng toàn cầu, có thể thu hút rất nhiều nguồn vốn FDI chất
lượng cao.
Tất cả thành tích này thuộc về người dân và chính phủ Việt Nam với khả năng điều chỉnh và tận dụng các cơ hội đang tới.
Ông Satvinder nhấn mạnh: "Việt Nam hiện là một đối tác rất quan trọng
trong hội nhập ASEAN. Tất cả các lĩnh vực của Việt Nam đang thực sự
hoạt động rất tốt", đồng thời cho rằng hiện trọng tâm của các doanh
nghiệp và lĩnh vực của Việt Nam không phải là trong nước, mà là làm thế
nào để phát triển ra khu vực và quốc tế.
Phó Tổng thư ký ASEAN đánh giá: "Ngày nay, Việt Nam không thể chỉ
phát triển dựa trên nền tảng nội địa, mà cần bắt đầu suy nghĩ về việc
làm thế nào để các doanh nghiệp vươn ra ngoài và trở thành những công ty
tầm cỡ khu vực và toàn cầu. Việt Nam có tiềm năng tạo ra thế hệ tiếp
theo của một số công ty kỳ lân lớn nhất từng thấy ở ASEAN".
Ông Satvinder cho rằng người dân, cộng đồng, cơ quan quản lý, chính phủ phải có tầm nhìn chung. Để trở thành quốc gia quan trọng trong khu vực, điều quan trọng là
Việt Nam tăng cường hội nhập khu vực và coi ASEAN như "ngôi nhà của
mình". Việt Nam có tiềm năng rất lớn để nhận được những lợi ích tích cực từ hội nhập ASEAN và mở rộng hơn nữa thị trường nội địa.
Theo ông Satvinder, trên thực tế, Việt Nam không chỉ tích cực thúc
đẩy hội nhập ASEAN mà còn đang hội nhập vào các nền tảng toàn cầu và
đang đàm phán các hiệp định tự do thương mại (FTA) song phương rất hiệu
quả với các đối tác kinh tế quan trọng. Việt Nam đang đi đúng đường và đang cho phần
còn lại của ASEAN thấy những gì cần thiết để chuyển đổi nền kinh tế và
làm thế nào để trở nên phù hợp với khu vực và toàn cầu. Việt Nam cũng
đang ở vị thế để khai thác tốt nhất từ hội nhập ASEAN.
Chia sẻ khuyến nghị để Việt Nam và các nước trong khu vực giữ được đà
tăng trưởng ổn định, ông Satvinder cho rằng các nhà lãnh đạo cần nhận
ra rằng “điều quan trọng hơn bao giờ hết” là hội nhập ASEAN và làm việc
cùng nhau.
Ông Satvinder nói: "Một quốc gia riêng lẻ rất khó đối phó với các
siêu cường và các vấn đề địa chính trị. Là một khu vực, ASEAN có tiếng
nói rất quan trọng trên thế giới và quyết định được cách thức muốn làm
việc với mỗi siêu cường. Về mặt địa chính trị và chính trị, điều quan
trọng là cần giữ được tinh thần đó của đại gia đình ASEAN và việc cùng
nhau hợp tác sẽ còn quan trọng hơn nữa với ASEAN trong những năm tới".
Bên cạnh đó, các ưu tiên kinh tế cần phải rõ
ràng. ASEAN cần hỗ trợ người dân chuyển đổi, không chỉ là sự chuyển đổi
kỹ thuật số, mà còn chuyển đổi để ứng phó với các thách thức toàn cầu từ
phát triển bền vững đến các vấn đề biến đổi khí hậu.
Theo đó, cần chuyển đổi mô hình kinh doanh của doanh nghiệp, giúp các
doanh nghiệp vừa và nhỏ không chỉ học cách chuyển đổi kỹ thuật số, mà
còn hướng tới tương lai carbon thấp.
Ngoài ra, ASEAN cũng cần hỗ trợ các nước thành viên trong đó có Việt
Nam không chỉ phát triển, mà còn có thể thực hiện các cam kết đối với
Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.
Mặt khác, điều quan trọng thứ ba là làm thế nào để khai thác tốt
nguồn nhân lực. ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng có dân số rất trẻ.
Con người là tài sản lớn nhất, chứ không phải tài nguyên thiên nhiên.
Do vậy, cần đầu tư và nâng cao năng lực cho người dân, cũng như mang
lại cho họ các cơ hội bình đẳng. Những nước quan tâm đến điều này một
cách nghiêm túc sẽ gặt hái được những lợi ích lớn nhất.
Ông Satvinder cho biết: "Trong 2 năm qua, bất chấp đại dịch, ASEAN đã
đạt mức tăng trưởng người dùng Internet cao nhất từ trước đến nay và
trở thành nền kinh tế Internet năng động nhất trên thế giới", đồng thời
nhắn nhủ rằng "thách thức cũng đi kèm với cơ hội" và ASEAN "có tiềm năng
tạo ra khác biệt và phù hợp với toàn cầu"./.
TTXVN