Gần 60 năm qua, tổng tỷ suất sinh (TFR) của Việt Nam liên tục giảm từ 6,39 con năm 1960 xuống còn 2,09 con năm 2006 (các nhà khoa học tính toán số con đủ thay thế cho người mẹ trong suốt cuộc đời họ là 2,1 con). Liên tục từ đó đến nay, 13 năm qua, Việt Nam luôn ở mức sinh thay thế.
Trong hơn 26 năm qua (từ Nghị quyết TW 4 khóa VII), Việt Nam đã hạn chế việc tăng thêm gần 27 triệu người (tương đương với dân số của 27 tỉnh có quy mô dân số trung bình ở nước ta hiện nay) nếu không thực hiện kế hoạch hóa gia đình (theo dự báo của Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc năm 1990, dân số Việt Nam sẽ đạt mức 121 triệu người vào năm 2017 nếu không có tiến bộ trong công tác DS-KHHGĐ). Điều đó có ý nghĩa hết sức to lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung, nâng cao mức thu nhập bình quân đầu người, nâng cao các chỉ số sức khỏe, chất lượng cuộc sống của người dân Việt Nam.
Hiện tại, tỷ lệ tăng dân số bình quân trong giai đoạn 2009 – 2019 là 1,44%/năm. Nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, với mức độ sinh ổn định, bền vững như vậy, Việt Nam không cần tiếp tục kiểm soát tỷ lệ sinh. Tuy nhiên, trên thực tế, con số này chưa phản ánh đúng bản chất mức sinh ở nước ta không đồng đều theo từng vùng. Trong "bức tranh" chung về mức sinh còn rất nhiều "mảng màu" khác biệt.
Theo thống kê, vùng Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long có mức sinh thấp hơn nhiều so với mức sinh thay thế (dưới 1,6 con), một số tỉnh cũng đang trong tình trạng mức sinh rất thấp như TPHCM (1,36 con). Đồng Tháp (1,34 con), Bà Rịa - Vũng Tàu (1,37 con), Hậu Giang (1,53 con)... Tổng tỷ suất sinh như các tỉnh này hiện tương đương với Hàn Quốc, Singapore - những nước đang có các chính sách nỗ lực khuyến khích phụ nữ sinh con do thiếu nguồn nhân lực và dân số già hóa nhanh chóng.
Nếu Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Cửu Long đang đối mặt với mức sinh thấp (thậm chí rất thấp) thì những tỉnh miền núi phía Bắc, mức sinh khá cao. Nhiều tỉnh như: Hà Giang, Lai Châu, Hà Tĩnh, Đắk Lắk… có tỷ suất sinh ở mức trên dưới 3 con. Thậm chí có những nơi, người dân sinh tới 6 – 7 người con. Do đó, ở những tỉnh này, muốn TFR giảm được từ 3 con xuống 2,1 con là con đường dài, gian nan và vất vả. Chính vì vậy, việc duy trì mức sinh hợp lý là giải pháp hữu hiệu nhất trong giai đoạn hiện nay, giúp chúng ta có được quy mô và cơ cấu dân số hài hòa nhất, vì sự phát triển bền vững của đất nước.
Nhiệm vụ đặt ra là cần duy trì vững chắc mức sinh thay thế, giữ mức sinh đồng đều giữa các vùng, khu vực và không để mức sinh "tụt" quá thấp, nhất là ở các tỉnh, thành đang có mức sinh thấp và có xu hướng tiếp tục giảm sinh. Đây cũng là mục tiêu quan trọng được nêu trong Nghị quyết 21 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về Công tác dân số trong tình hình mới.
Việt Nam đang trong thời kỳ cơ cấu dân số "vàng", với trên 62 triệu người trong độ tuổi lao động nhưng đồng thời cũng bắt đầu bước vào thời kỳ già hóa dân số với số người từ 60 tuổi trở lên chiếm 10,5% dân số. Tuy đã đạt mức sinh thay thế, tốc độ gia tăng dân số đã được kiểm soát nhưng Liên Hợp Quốc dự báo, trong thời gian tới, mức sinh của nước ta còn biến động khó lường: Hoặc là tăng trở lại hoặc là tiếp tục giảm xuống mức rất thấp như một số nước đã gặp phải. Cả hai giả định trên đều gây hệ lụy không tốt đến nhân khẩu học và tác động xấu đến sự phát triển kinh tế - xã hội cho hiện tại và tương lai. Mặt khác, thực trạng và xu hướng tiếp tục chênh lệch mức sinh giữa các địa phương sẽ gây ra sự bất lợi về nhân khẩu học trong tương lai và càng làm gia tăng khoảng cách giàu nghèo giữa các địa phương trong cả nước.
Theo dự báo của Liên Hợp Quốc, nếu để mức sinh tăng trở lại, tổng tỷ suất sinh của Việt Nam có thể lên tới 2,3-2,5 con/phụ nữ, đến năm 2050 quy mô dân số nước ta sẽ ở mức quá cao khoảng 130-140 triệu người. Điều này sẽ gây ra các bất lợi đối với sự phát triển kinh tế, xã hội và cơ cấu nhân khẩu học của đất nước. Ngược lại, nếu để mức sinh giảm xuống quá thấp, tổng tỷ suất sinh chỉ khoảng 1,35 con/phụ nữ, đến năm 2050 quy mô dân số nước ta sẽ vào khoảng 95-100 triệu người. Điều này dẫn đến suy giảm, thiếu nguồn lao động, giai đoạn cơ cấu dân số vàng ngắn lại, già hóa dân số diễn ra nhanh, bất lợi đối với sự phát triển của đất nước. Kinh nghiệm các nước cho thấy khi TFR rơi xuống khoảng 1,3 - 1,4 con sẽ không có cách gì nâng lên được. Các nước trên thế giới có một quy luật chung là đã, đang và sẽ thành công trong giảm sinh nhưng hầu như chưa có nước nào thành công trong việc nâng mức sinh lên một khi đã "rơi" xuống quá thấp.
Việc chủ động duy trì mức sinh hợp lý là để trong tương lai, Việt Nam sẽ có được một quy mô dân số phù hợp với diện tích lãnh thổ, đảm bảo sự cân đối, hài hòa giữa các độ tuổi; duy trì tương đối ổn định tỷ lệ dân số trong tuổi lao động, kéo dài giai đoạn cơ cấu "dân số vàng"; làm chậm lại thời gian chuyển đổi từ giai đoạn "già hóa dân số" sang "dân số già", có cơ hội phát triển các dịch vụ an sinh xã hội và phát huy, chăm sóc người cao tuổi tốt hơn; tạo điều kiện thuận lợi để khống chế sự gia tăng tỷ số giới tính khi sinh, sớm đưa trở lại mức cân bằng tự nhiên.
Để tiếp tục giữ vững được thành quả của công tác dân số với sự phát triển của đất nước, Nghị quyết số 21-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII yêu cầu duy trì vững chắc mức sinh thay thế (bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có 2,1 con), đến năm 2030 quy mô dân số đạt 104 triệu người; giảm 50% chênh lệch mức sinh giữa nông thôn và thành thị, miền núi và đồng bằng; 50% số tỉnh đạt mức sinh thay thế.
Để duy trì được mức sinh thay thế, đòi hỏi phải có bài toán đặc thù cho sự phát triển bền vững của từng vùng miền cũng như sự phát triển chung của cả nước. Trong đó cần tiếp tục cuộc vận động sinh đủ 2 con. Trong những năm qua, ngành Dân số có giải pháp vận động người dân: Đối với những nơi mức sinh đang xuống thấp thì cần vận động người dân "sinh đủ 2 con"; đối với những nơi điều kiện KT-XH còn nhiều khó khăn có mức sinh cao, thậm chí rất cao, vẫn phải tiếp tục vận động giảm sinh để đưa về mức sinh thay thế. Giải pháp này đã và đang được ngành Dân số vận dụng linh hoạt trong thời gian qua, đặc biệt tiếp tục thực hiện trong thời gian tới.
Trong Nghị quyết 21-NQ/TW nhấn mạnh tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về công tác dân số. Thống nhất nhận thức của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, tạo sự đồng thuận cao trong toàn xã hội về tiếp tục chuyển trọng tâm chính sách từ tập trung vào kế hoạch hóa gia đình sang giải quyết toàn diện các vấn đề quy mô, cơ cấu, chất lượng, phân bố dân số trong mối quan hệ với phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Nghị quyết đề cao tính tiên phong, gương mẫu của mỗi cán bộ, đảng viên trong việc thực hiện chủ trương, chính sách về công tác dân số, nhất là sinh đủ 2 con, chú trọng nuôi dạy con tốt, gia đình hạnh phúc, tạo sức lan tỏa sâu rộng trong toàn xã hội. Ban Chấp hành Trung ương yêu cầu tiếp tục thực hiện cuộc vận động mỗi cặp vợ chồng nên có 2 con, bảo đảm quyền và trách nhiệm trong việc sinh con và nuôi dạy con tốt. Tập trung vận động sinh ít con hơn ở vùng, đối tượng có mức sinh cao; duy trì kết quả ở những nơi đã đạt mức sinh thay thế; sinh đủ 2 con ở những nơi có mức sinh thấp.
Nghị quyết 21-NQ/TW cũng yêu cầu rà soát, điều chỉnh hoặc bãi bỏ một số quy định về xử lý vi phạm trong công tác dân số; đồng thời đề cao tính gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong việc thực hiện chính sách dân số, xây dựng gia đình văn hoá, hạnh phúc. Rà soát, bổ sung các quy định của pháp luật về nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi. Ngăn ngừa có hiệu quả việc lạm dụng khoa học - công nghệ để lựa chọn giới tính thai nhi. Đẩy mạnh công tác bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ.
Các nhà nhân khẩu học đều nhận định, chính sách kiểm soát mức sinh là một phần không thể tách rời trong công tác DS-KHHGĐ của Việt Nam. Trải qua gần 60 năm thực hiện chính sách kiểm soát mức sinh với chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước là hướng tới mục tiêu giảm sinh, Việt Nam đã thành công, đạt mức sinh thay thế vào năm 2005 (2,1 con/phụ nữ) và duy trì cho đến hiện nay.
Vì vậy, muốn ban hành chính sách kiểm soát mức sinh khả thi, phù hợp với bối cảnh thực tiễn của từng vùng, các nhà hoạch định chính sách cần thiết phải nhận biết được số con mong muốn theo tâm nguyện và số con mong muốn theo thực tế trong thực tiễn./.
Theo số liệu từ Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam, trong thời gian qua, công tác dân số tại Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Năm 2018, dân số Việt Nam đạt khoảng 95 triệu người. Tốc độ gia tăng dân số được khống chế thành công. Tốc độ tăng dân số bình quân hàng năm 1,7% giai đoạn 1989-1999 đã giảm xuống dưới 1,2% giai đoạn 1999-2009 và khoảng 1% giai đoạn từ 2010 đến nay. Số con trung bình mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ đã giảm mạnh từ 6,39 con năm 1960 xuống 2,33 con năm 1999, đạt mức sinh thay thế 2,09 con năm 2006, sớm hơn 10 năm so với mục tiêu của Nghị quyết Trung ương 4 (khóa VII) và tiếp tục được duy trì cho đến nay. Cơ cấu dân số thay đổi tích cực, số lượng và tỷ trọng dân số phụ thuộc giảm, dân số trong độ tuổi lao động tăng mạnh. Từ năm 1989 đến nay, dân số dưới 15 tuổi giảm mạnh từ 39,2% xuống 24,0%; dân số trong độ tuổi lao động tăng từ 56,1% lên 68,4%; dân số trên 65 tuổi tăng từ 4,7% lên 7,6%.
Cơ cấu lao động dịch chuyển theo hướng tích cực. Tỷ lệ lao động trong lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ tăng từ trên 27% năm 1993 lên 56% năm 2016; lao động nông nghiệp giảm từ trên 72% xuống còn 44,0%. Từ năm 2007, Việt Nam bắt đầu bước vào thời kỳ dân số vàng và dự kiến đạt đỉnh vào năm 2020, với dân số trong độ tuổi lao động chiếm khoảng 70% dân số.
|
TH