Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu Ðoàn đại biểu Việt Nam rời Thủ đô Băng-cốc (Thái-lan), kết thúc tốt đẹp chuyến tham dự Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới về Ðông Á 2012 (WEF Ðông Á 2012). Nhân dịp này, Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Vinh đã trả lời phóng viên đi theo Ðoàn về ý nghĩa và đóng góp của Việt Nam tại hội nghị lần này.
Phóng viên (PV): Xin Thứ trưởng cho biết ý nghĩa của việc Việt Nam tham dự Hội nghị WEF Ðông Á 2012?
Thứ trưởng Phạm Quang Vinh: WEF là một trong những diễn đàn quốc tế có uy tín, đề xuất các sáng kiến, ý tưởng quan trọng về những giải pháp và các vấn đề kinh tế-phát triển của thế giới và khu vực. Hội nghị WEF Ðông Á được tổ chức hằng năm đã tạo diễn đàn đối thoại giữa các nước Ðông Á và các đại biểu quốc tế về cách thức thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường hợp tác và liên kết khu vực và đối phó những thách thức phát triển đang nổi lên. Thông qua Hội nghị WEF Ðông Á, các nước Ðông Á có cơ hội để quảng bá hình ảnh, tiềm năng phát triển tới cộng đồng quốc tế, nhất là tới hơn 1.000 doanh nghiệp, tập đoàn hàng đầu thế giới là thành viên WEF. Hội nghị WEF Ðông Á 2012 có chủ đề "Ðịnh hình tương lai khu vực thông qua kết nối", được đánh giá là phù hợp, vì trong bối cảnh khu vực Ðông Á hiện nay, các nước đều đặt ưu tiên cao cho hợp tác, kết nối khu vực, coi đó là phương tiện hỗ trợ mạnh mẽ cho tăng trưởng và phát triển năng động của khu vực và mỗi nước. Hội nghị thu hút sự tham gia của lãnh đạo nhiều nước trong khu vực như Thủ tướng Thái-lan, Thủ tướng Lào, Tổng thống In-đô-nê-xi-a, lãnh đạo nhiều tổ chức quốc tế như Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại thế giới, Tổng Giám đốc Hội nghị LHQ về Thương mại và Phát triển và hơn 600 đại biểu là các chính khách, lãnh đạo các tập đoàn hàng đầu và các học giả quốc tế đến từ 50 quốc gia trên thế giới.
Việt Nam tham dự Hội nghị nhằm thực hiện chủ trương chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, tích cực đóng góp thảo luận về thúc đẩy hợp tác, kết nối khu vực Ðông Á, nhất là trong những lĩnh vực chúng ta quan tâm như kết nối kinh tế-thương mại, hợp tác nhằm duy trì và củng cố môi trường hòa bình trong khu vực... Tại Hội nghi, chúng ta có cơ hội giới thiệu với cộng đồng quốc tế về chính sách, tiềm năng phát triển và cơ hội đầu tư ở Việt Nam. Bên cạnh đó, một số nội dung thảo luận tại Hội nghị lần này cũng có ý nghĩa rất thiết thực với Việt Nam, như những phiên thảo luận về các mô hình phát triển tại Ðông Á sau khủng hoảng tài chính toàn cầu, thực hiện các mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ, ứng phó các thách thức và rủi ro toàn cầu...
PV: Xin Thứ trưởng cho biết kết quả tham dự Hội nghị WEF Ðông Á 2012 của Ðoàn Việt Nam ?
Thứ trưởng Phạm Quang Vinh: Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu Ðoàn Việt Nam tham dự Hội nghị và có phát biểu ý kiến quan trọng đóng góp vào chủ đề trọng tâm của Hội nghị là "Cơ hội và thách thức trong định hình tương lai khu vực thông qua kết nối", có các cuộc tiếp xúc lãnh đạo một số nước, tổ chức, trong đó có Thủ tướng Thái-lan Dinh-lắc Xin-na-vắt và Chủ tịch WEF Clau-xơ Xoáp. Phát biểu ý kiến tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thông báo tới các đại biểu tình hình phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, thông điệp về hội nhập quốc tế, thể hiện qua thực tiễn tham gia tích cực, chủ động của Việt Nam vào tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN và nhiều khuôn khổ, cơ chế hợp tác khu vực tại Ðông Á và trên thế giới...
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chia sẻ nhiều ý kiến đánh giá và đề xuất quan trọng đối với hợp tác khu vực, khẳng định tầm quan trọng của hợp tác, kết nối khu vực như một nhân tố thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các nước Ðông Á, góp phần tạo nên sự năng động của khu vực; các nước cần bảo đảm "tính đồng bộ" trong hợp tác khu vực, từ việc tham gia hợp tác tới hài hòa các chính sách, luật lệ, thủ tục trong những dự án kết nối kinh tế; cần phát huy hơn nữa các khuôn khổ hợp tác kết nối, với ASEAN giữ vai trò trung tâm, trong đó có các khuôn khổ ASEAN+1, ASEAN+3, Hội nghị cấp cao Ðông Á...; khẳng định tầm quan trọng của tăng cường kết nối tiểu vùng, nhất là tiểu vùng Mê Công; cần tăng cường "tính thích ứng" của hợp tác, kết nối khu vực Ðông Á thông qua tăng cường hợp tác giữa các nước nhằm ngăn ngừa nguy cơ khủng hoảng kinh tế, tài chính - tiền tệ, thúc đẩy thương mại và chống chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch và ứng phó hiệu quả các thách thức phát triển như biến đổi khí hậu, thiên tai, an ninh nguồn nước, an ninh năng lượng và lương thực...
Thủ tướng nhấn mạnh, cần bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực, trong đó có hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải trên Biển Ðông; giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, tôn trọng luật pháp quốc tế, Công ước Luật biển của LHQ 1982 và thực hiện đầy đủ DOC, sớm tiến tới COC. Sự tham gia của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Ðoàn đại biểu Việt Nam đã góp phần tạo nên thành công của Hội nghị, đóng góp vào hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực được các nước đánh giá cao.
PV: Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng.