Câu hỏi 1 : Vì sao phải phát động Cuộc vận động “3 tự” trong cộng đồng những người nhiễm HIV/AIDS?
Trả lời :
- Hiện nay ở nước ta những người sống chung với HIV đã trở thành một cộng đồng tồn tại tất yếu trong xã hội.
- Phần lớn người nhiễm HIV/AIDS là những người trẻ tuổi, khi chưa chuyển qua giai đoạn AIDS đều có đủ sức khoẻ để lao động nuôi sống bản thân mình và làm ra của cải vật chất cho gia đình và xã hội (nếu biết phòng bệnh và được điều trị tốt thì giai đoạn từ khi bị nhiễm HIV đến lúc chuyển sang AIDS sẽ được kéo dài, người nhiễm HIV có thể sống hàng chục năm)
- Những người đã chuyển qua giai đoạn AIDS nếu được điều trị bằng thuốc ARV còn có thể sống và làm việc trong nhiều năm nữa.
- Do vậy, cộng đồng này đang thực sự là một nguồn nhân lực không những tạo ra của cải vật chất cho bản thân mình, gia đình và xã hội, mà còn có thể tham gia tích cực và có hiệu quả trong các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS nếu các nhà lãnh đạo cộng đồng và xã hội biết khơi dậy và phát huy những tiềm năng và kinh nghiệm của họ.
- Tuy nhiên, sự kỳ thị, phân biệt đối xử làm cho nhiều người nhiễm HIV/AIDS bị khủng hoảng lòng tin, nhiều người đã sống buông trôi, thiếu trách nhiệm với chính bản thân mình, với gia đình và xã hội. Thất nghiệp, thiếu việc làm là yếu tố làm cho nhiều người nhiễm HIV túng quẫn và không dám tự khẳng định bản thân mình.
- Vì vậy phát động Cuộc vận động “3 tự” là nhằm tạo điều kiện cho người nhiễm HIV/AIDS thực hiện các quyền lợi và nghĩa vụ của mình và tham gia tích cực vào công tác phòng, chống HIV/AIDS
Câu hỏi 2: Ý nghĩa và nội dung của việc xây dựng lòng tự tin trong cộng đồng người nhiễm HIV/AIDS ?
Trả lời :
Tự tin:
- Tự tin là tin vào khả năng của bản thân mình, tự hiểu mình:
+ Những người nhiễm HIV thường tự mặc cảm với bản thân mình về những việc làm trước đây để dẫn đến nhiễm HIV, nên họ thường thiếu niềm tin vào cuộc sống, dễ tự cô lập và xa lánh cộng đồng.
+ Họ bị kỳ thị, phân biệt đối xử nên bi quan, chán nản, buồn day dứt. Họ tự cảm thấy không còn có ích cho xã hội và là gánh nặng cho xã hội cho gia đình nên mất lòng tự tin vào chính bản thân mình.
+ Khôi phục lòng tự tin của người nhiễm HIV/AIDS là để họ tự vượt qua mặc cảm, vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống để sống có nghị lực hơn và hòa nhập với cộng đồng hơn.
- Tự tin còn có nghĩa là xây dựng niềm tin tưởng vào các biện pháp phòng bệnh và điều trị, những lời khuyên và sự hỗ trợ của cộng đồng. Nếu tuân thủ theo các biện pháp này thì cuộc sống có thể được kéo dài.
Câu hỏi 3: Ý nghĩa và nội dung của việc xây dựng tinh thần tự giác của người nhiễm HIV/AIDS?
Trả lời :
Tự giác:
- Tự giác là tự mình hiểu mà làm việc gì đó không cần đến sự nhắc nhở, đốc thúc của người khác.
- Đối với những người nhiễm HIV/AIDS tự giác là tự tìm hiểu về bệnh tật của mình, để từ đó có thể tự ý thức được quyền và nghĩa vụ của mình trong việc phòng, chống HIV/AIDS.
- Tự giác là hiểu và tự mình tham gia vào việc điều trị, dự phòng, phục hồi chức năng và nâng cao sức khỏe cho chính bản thân mình và cho cộng đồng.
- Tự giác tham gia vào việc tư vấn và xét nghiệm tự nguyện để biết tình trạng nhiễm HIV và bệnh tật của mình và bảo vệ cho chính mình và cộng đồng.
- Để người nhiễm HIV/AIDS có thể tự giác, cần tạo mọi điều kiện để những người nhiễm bệnh và gia đình họ thấy rõ trách nhiệm, tự giác tham gia và động viên thuyết phục những người cùng cảnh ngộ thực hiện các biện pháp phòng ngừa lây truyền bệnh trong cộng đồng và tích cực tham gia các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS.
- Tự giác còn được thể hiện trong việc chấp hành nghiêm chỉnh luật pháp của Nhà nước, nhất là các bộ luật có liên quan trực tiếp đến quyền lợi và nghĩa vụ của người nhiễm HIV/AIDS.
- Tự giác là khi có đầy đủ những điều kiện thì tự giác công khai danh tính, tự giác hoạt động trong những tổ chức của người nhiễm như câu lạc bộ và nhóm “tự lực”, “vì ngày mai tươi sáng”... để được tham gia vào điều trị và nhận những nhiệm vụ góp phần vào phòng, chống HIV/AIDS. Tự công khai danh tính đi từ mức thấp đến mức cao. Ví dụ: ban đầu là tự công khai danh tính với thầy thuốc khi khám chữa bệnh, với gia đình; sau đó dần dần tiến đến tự công khai danh tính với cộng đồng từ hẹp ra rộng.
Câu hỏi 4 : Ý nghĩa và nội dung của việc xây dựng ý thức tự lập của người nhiễm HIV/AIDS?
Trả lời :
Tự lập:
- Tự lập là tự xây dựng lấy cuộc sống cho mình, không ỷ lại, trông chờ vào người khác.
- Một khi đã tự tin, người nhiễm HIV vươn lên sống có nghị lực hơn và tự giác hơn trong điều trị, tự phòng bệnh tật và như thế sức khỏe cũng ổn định hơn.
- Mặc dù còn muôn vàn khó khăn, nhưng người nhiễm HIV có thể và có khả năng tìm kiếm cho mình một công việc để tự nuôi sống bản thân mình, không ỷ lại vào gia đình và xã hội.
- Tự lập còn thể hiện bằng việc xây dựng hoài bão và ý chí góp phần để cống hiến cho xã hội.
- Xã hội cần hỗ trợ người nhiễm HIV để họ có thể sống tự lập, cần có những chính sách khuyến khích các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhận người nhiễm HIV và người thân của họ làm những công việc phù hợp. Xã hội cũng cần khuyến khích và tôn trọng những sáng kiến, sáng tạo của những người nhiễm HIV và giúp đỡ họ biến thành hiện thực.
Câu hỏi 5: Vì sao phải xoá bỏ kỳ thị - phân biệt đối xử liên quan đến HIV/AIDS để xây dựng và thực hiện Cuộc vận động “3 tự”?
Trả lời :
- Trước hết, người nhiễm HIV là những người bệnh cũng như những người bệnh khác, họ cần được chăm sóc và điều trị như mọi bệnh nhân. Việc chăm sóc, điều trị cho họ chẳng những là một việc làm nhân đạo mà còn là một giải pháp thiết thực để hạn chế sự lây lan HIV ra cộng đồng.
- Sự kỳ thị và phân biệt đối xử sẽ làm cho mọi người sợ hãi khi làm xét nghiệm về tình trạng nhiễm HIV và không dám tự nguyện làm xét nghiệm HIV. Vì vậy những người đã nhiễm HIV cũng không biết tình trạng bệnh tật của họ, từ đó làm cho HIV âm thầm lan nhanh ra cộng đồng.
- Sự kỳ thị và phân biệt đối xử làm cho người nhiễm HIV càng mất tự tin, càng tự mặc cảm và xa lánh cộng đồng. Đặc biệt là làm cho họ không dám tự công khai danh tính. Bởi vậy trong qua trình thực hiện Cuộc vận động “3 tự”, xã hội cần kịp thời phát hiện và lên án những hành động kỳ thị và phân biết đối xử với những người nhiễm HIV, đồng thời biểu dương, khích lệ và ủng hộ một khi họ đã dám xét nghiệm tự nguyện hay tự công khai danh tính.
- Sự kỳ thị và phân biệt đối xử làm cho người nhiễm HIV/AIDS không có điều kiện để tìm kiếm việc làm, vì vậy càng làm cho họ thêm khó khăn trong cuộc sồng thường ngày, hạn chế việc thực hiện các quyền lợi và nghĩa vụ của họ trong phòng, chống HIV/AIDS.
- Chính vì vậy việc xóa bỏ sự kỳ thị và phân biệt đối xử sẽ tạo điều kiện để người nhiễm HIV/AIDS có thể tự tin hơn, tự giác và tự lập hơn trong việc tham gia phòng, chống HIV/AIDS.
Câu hỏi 6: Vai trò lãnh đạo của các cấp uỷ đảng trong Cuộc vận động “3 tự”?
Trả lời:
Các cấp uỷ đảng có vai trò quan trọng trong Cuộc vận động “3 tự” và được thể hiện ở các điểm sau:
- Lãnh đạo, chỉ đạo và kiểm tra các cấp, các ngành, các đoàn thể trong việc xây dựng và thực hiện các chương trình, kế hoạch hoạt động của Cuộc vận động “3 tự”, đặc biệt là các giải pháp huy động, tập họp và hỗ trợ những người nhiễm để họ trực tiếp tham gia vào Cuộc vận động “3 tự”...
- Lãnh đạo, chỉ đạo và kiểm tra các cấp, các ngành kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm những biểu hiện kỳ thị và phân biệt đối xử với những người nhiễm HIV/AIDS, đặc biệt đối với những người nhiễm HIV đã và đang tham gia tích cực vào Cuộc vận động “3 tự”.
- Phát hiện và chấn chỉnh kịp thời những biểu hiện lệch lạc trong Cuộc vận động như có hành vi thúc ép bộc lộ danh tính trái với luật pháp.
- Lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành động viên, khen thưởng kịp thời những người tham gia tích cực trong Cuộc vận động. Chỉ đạo việc xây dựng đơn vị điểm và nhân rộng các điển hình tốt, sơ kết và tổng kết Cuộc vận động “3 tự”.
Câu hỏi 7: Ban Tuyên giáo các cấp cần làm gì để tham mưu cho cấp uỷ đảng trong việc chỉ đạo Cuộc vận động “3 tự”?
Trả lời:
- Tham mưu cho cấp uỷ đảng xây dựng các văn bản cụ thể hoá việc phát động và thực hiện Cuộc vận động này tại địa phương.
- Hướng dẫn các cấp, các ngành, các đoàn thể xã hội và người nhiễm tổ chức thực hiện Cuộc vận động cho phù hợp với các điều kiện cụ thể của từng đối tượng và của địa phương.
Hỗ trợ người nhiễm trong việc làm các thủ tục thành lập và xây dựng quy chế, điều lệ hoạt động của các tổ, nhóm, câu lạc bộ của những người nhiễm HIV/AIDS tại địa phương.
- Hướng dẫn các tổ, nhóm, câu lạc bộ của những người nhiễm HIV/AIDS tại địa phương hoạt động theo đúng quy định của pháp luật và các nội dung của Cuộc vận động “3 tự”.
Câu hỏi 8: Các ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể xã hội cần làm gì để thực hiện Cuộc vận động “3 tự”?
Trả lời:
Các ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể xã hội căn cứ vào chức năng nhiệm vụ của mình để tham gia vào Cuộc vận động này, cụ thể:
- Hướng dẫn, vận động những người nhiễm HIV/AIDS củng cố và thành lập các tổ, nhóm hay câu lạc bộ.
- Tạo điều kiện để các tập thể người nhiễm HIV/AIDS có nơi học tập, tập huấn, sinh hoạt.
- Quan tâm, hỗ trợ các nguồn lực tài chính để các nhóm và câu lạc bộ người nhiễm HIV/AIDS phát triển Cuộc vận động “3 tự”.
- Chia sẻ thông tin, tư vấn, nâng cao kiến thức về pháp luật, về phòng, chống HIV/AIDS, về năng lực tổ chức của những người nhiễm trong các hoạt động.
- Các cơ quan báo chí, truyền thông đại chúng tập trung tuyên truyền về sự cần thiết phải vận động những người nhiễm và gia đình của họ tham gia vào phòng, chống HIV/AIDS.
- Ngành Y tế xây dựng kế hoạch và tiến hành việc điều trị cho những người nhiễm HIV/AIDS.
- Ngành Lao động, Thương binh-Xã hội và các đoàn thể tổ chức dạy nghề và tạo điều kiện cho những người nhiễm HIV/AIDS có việc làm phù hợp.
- Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và ngành Giáo dục-Đào tạo tiến hành việc tuyên truyền, giáo dục thanh niên, học sinh, sinh viên nội dung của Cuộc vận động “3 tự”.
Câu hỏi 9: Cộng đồng cần làm gì để hỗ trợ người nhiễm HIV/AIDS thực hiện Cuộc vận động “3 tự”?
Trả lời:
- Hỗ trợ về mặt tinh thần để người nhiễm tự tin hơn thực hiện Cuộc vận động “3 tự”.
- Giảm và tiến tới xóa bỏ kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS. Khích lệ và bảo vệ những người nhiễm HIV dám tự công khai danh tính và tích cực tham gia phòng, chống HIV/AIDS.
- Tạo điều kiện tốt nhất và khuyến khích người nhiễm tham gia vào mọi hoạt động của cộng đồng.
Câu hỏi 10: Người nhiễm HIV/AIDS cần làm gì để thực hiện Cuộc vận động “3 tự”.
Trả lời:
- Thành viên của những tổ, nhóm, câu lạc bộ của những người nhiễm HIV/AIDS tại các địa phương đã có các tổ chức này, tích cực tìm hiểu về mục đích, ý nghĩa và nội dung của Cuộc vận động “3 tự” và đưa vào hoạt động để ngày càng có nhiều biểu hiện cụ thể của “3 tự” trong tổ chức tập thể của mình; tiếp tục phát triển các thành viên mới.
- Tích cực vận động thành lập các tổ, nhóm, câu lạc bộ tại các địa phương chưa có. Sau đó hướng dẫn các tổ chức mới này tích cực tìm hiểu về mục đích, ý nghĩa và nội dung của Cuộc vận động “3 tự” và đưa vào hoạt động cụ thể .
- Thường xuyên phản ánh với các cấp uỷ đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, Ban Chỉ đạo phòng, chống AIDS và phòng chống tệ nạn ma tuý, mại dâm tại địa phương về những thuận lợi, khó khăn và kết quả của việc thực hiện Cuộc vận động này.
Câu hỏi 11: Người nhiễm HIV/AIDS có quyền và nghĩa vụ gì?
Trả lời:
Người nhiễm HIV có đầy đủ mọi quyền công dân như mọi người khác. Tại Điều 4, khoản 1 của Luật phòng, chống HIV/AIDS quy định cụ thể các quyền đó như sau:
- Sống hòa nhập với cộng đồng và xã hội;
- Được điều trị và chăm sóc sức khoẻ;
- Học văn hoá, học nghề, làm việc;
- Được giữ bí mật riêng tư liên quan đến HIV/AIDS;
- Được từ chối khám chữa bệnh khi ở giai đoạn cuối của bệnh AIDS.
Ngoài các nghĩa vụ chung mà người nhiễm cũng như mọi công dân phải thực hiện theo quy định của pháp luật, tại Điều 4, khoản 2 của Luật nêu trên đã quy định nghĩa vụ của người nhiễm HIV như sau:
- Thực hiện các biện pháp để phòng lây nhiễm HIV sang người khác;
- Thông báo kết quả xét nghiệm HIV (+) của mình cho vợ, chồng hoặc người chuẩn bị kết hôn với mình biết;
- Thực hiện các quy định về điều trị bằng thuốc kháng HIV./.