Câu hỏi 1: Phó Bí thư phụ trách xây dựng tổ chức cơ sở đảng ở cấp tỉnh, thành ủy; huyện ủy, quận ủy, thành ủy trực thuộc tỉnh có những nhiệm vụ gì?
Trả lời:
Theo Hướng dẫn số 28-HD/BTCTW, ngày 27/5/2009 của Ban Tổ chức Trung ương, phó bí thư tỉnh ủy, thành uỷ; phó bí thư huyện ủy, thị uỷ, quận uỷ, thành uỷ thuộc tỉnh phụ trách xây dựng tổ chức cơ sở đảng là thành viên thường trực cấp ủy, cùng bí thư và các phó bí thư chịu trách nhiệm về toàn bộ công việc và hoạt động của tập thể thường trực cấp ủy theo quy định; đồng thời chịu trách nhiệm chính và trực tiếp về việc chỉ đạo xây dựng tổ chức cơ sở đảng; phối hợp chỉ đạo xây dựng chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội ở cơ sở.
Phó Bí thư phụ trách xây dựng tổ chức cơ sở đảng có những nhiệm vụ cụ thể sau:
(1) Nhiệm vụ chung cùng với thường trực cấp ủy: Tham gia và chịu trách nhiệm về các hoạt động chỉ đạo chung của tập thể thường trực cấp ủy theo Điều 2, Quy định số 51-QĐ/TW ngày 19/4/2007 của Ban Bí thư về nhiệm vụ và quan hệ công tác của thường trực tỉnh ủy, thành ủy (đối với cấp huyện được vận dụng thực hiện theo Quy định của Ban Bí thư).
(2) Nhiệm vụ chỉ đạo xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh:
- Chủ trì chỉ đạo việc chuẩn bị nội dung, chương trình, kế hoạch công tác của ban chấp hành, ban thường vụ và thường trực cấp ủy về xây dựng tổ chức cơ sở đảng, các nhiệm vụ được cấp ủy phân công phụ trách.
- Chịu trách nhiệm chính chỉ đạo sự phối hợp hoạt động giữa các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc, cơ quan nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội, cơ quan tham mưu của cấp ủy để nghiên cứu, quán triệt, cụ thể hoá, tổ chức thực hiện, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện nghị quyết, chỉ thị của cấp ủy cấp trên và cấp ủy cấp mình về công tác xây dựng tổ chức cơ sở đảng và công tác đảng viên.
- Chỉ đạo xây dựng tổ chức cơ sở đảng, chi bộ trực thuộc đảng uỷ cơ sở trong sạch, vững mạnh, thực hiện các nhiệm vụ theo Điều lệ Đảng và các quy định của Ban Bí thư về chức năng, nhiệm vụ của chi bộ, đảng bộ cơ sở. Tập trung củng cố, kiện toàn, phát triển tổ chức cơ sở đảng; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ cho đội ngũ cấp ủy viên, bí thư chi bộ và cán bộ chủ chốt ở cơ sở; thực hiện nghiêm chế độ tự phê bình và phê bình, cải tiến, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, sinh hoạt cấp ủy cơ sở.
- Chỉ đạo việc đánh giá chất lượng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên. Chỉ đạo các cơ quan của cấp uỷ tham mưu, đề xuất về công tác thi đua, khen thưởng, kỷ luật tổ chức cơ sở đảng, đảng viên theo quy định của Điều lệ Đảng và các quy định, hướng dẫn của Trung ương.
- Chỉ đạo nghiên cứu, sơ kết, tổng kết, nhân rộng những điển hình tiên tiến về xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh.
(3) Nhiệm vụ phối hợp chỉ đạo xây dựng chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội ở cơ sở vững mạnh:
- Phối hợp với đồng chí phó bí thư thường trực cấp ủy trong công tác chỉ đạo hoạt động xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở. Phối hợp tham mưu, đề xuất với cấp ủy bảo đảm các điều kiện để phục vụ công tác chỉ đạo xây dựng tổ chức cơ sở đảng, xây dựng Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội ở cơ sở; phối hợp chuẩn bị chương trình, nội dung hội nghị của ban chấp hành, ban thường vụ và các cuộc họp thường trực cấp ủy liên quan đến nhiệm vụ được phân công.
- Phối hợp với đồng chí chủ tịch hội đồng nhân dân và đồng chí chủ tịch ủy ban nhân dân cùng cấp trong công tác chỉ đạo củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân ở cơ sở; phối hợp chỉ đạo giải quyết các vấn đề khó khăn, bức xúc về kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng, xóa đói giảm nghèo, quản lý đất đai, tài chính v.v... ở cơ sở.
(4) Thực hiện một số nhiệm vụ khác: Ban chấp hành, ban thường vụ, thường trực cấp ủy và đồng chí bí thư cấp ủy có thể phân công thêm một số nhiệm vụ khác phù hợp với vị trí thành viên thường trực cấp ủy và năng lực, sở trường, kinh nghiệm công tác của đồng chí phó bí thư phụ trách xây dựng tổ chức cơ sở đảng.
Câu hỏi 2: Phó Bí thư phụ trách xây dựng tổ chức cơ sở đảng có những quyền hạn gì?
Trả lời:
Theo Hướng dẫn số 28-HD/BTCTW, ngày 27/5/2009 của Ban Tổ chức Trung ương, thì các đồng chí phó bí thư tỉnh ủy, thành uỷ; phó bí thư huyện ủy, thị uỷ, quận uỷ, thành uỷ thuộc tỉnh phụ trách xây dựng tổ chức cơ sở đảng có những quyền hạn sau:
(1) Chủ trì hội nghị, phê duyệt các đề án, chương trình, kế hoạch của cấp ủy về xây dựng tổ chức cơ sở đảng; trực tiếp chỉ đạo giải quyết những công việc liên quan đến chức trách, nhiệm vụ được phân công. Những vấn đề phức tạp và vượt quá thẩm quyền thì báo cáo đồng chí bí thư cấp ủy hoặc tập thể ban chấp hành, ban thường vụ, thường trực cấp ủy xem xét, quyết định.
(2) Được yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội trong phạm vi phụ trách báo cáo, cung cấp thông tin có liên quan để chỉ đạo xây dựng tổ chức cơ sở đảng và bảo đảm để thực hiện các nhiệm vụ được phân công.
(3) Thay mặt ban thường vụ ký các văn bản theo quy chế làm việc của cấp ủy và theo sự phân công của đồng chí bí thư./.
PV (Nguồn: Hướng dẫn số 28-HD/BTCTW, ngày 27/5/2009 của Ban Tổ chức Trung ương)