Thứ Ba, 24/9/2024
Cuộc sống số
Thứ Hai, 13/2/2012 22:7'(GMT+7)

Việt Nam khó dùng “biện pháp mạnh” để áp dụng CNTT Xanh

Về lâu dài, việc áp dụng CNTT Xanh sẽ giúp các doanh nghiệp sản xuất máy tính, điện thoại... giảm chi phí. Ảnh: Phan Minh

Về lâu dài, việc áp dụng CNTT Xanh sẽ giúp các doanh nghiệp sản xuất máy tính, điện thoại... giảm chi phí. Ảnh: Phan Minh

Tại Hội thảo CNTT Xanh Châu Á (Green IT) diễn ra sáng nay (13/2) tại Hà Nội, ông Hasegawa Hidekazu – Phó Giám đốc Văn phòng Hợp tác xúc tiến CNTT Xanh Nhật Bản nhận định, xu hướng CNTT Xanh đang phát triển tại nhiều nước công nghiệp có nền CNTT, điện tử tiên tiến trên thế giới. Trong đó, CNTT Xanh đang được hiểu là sự tiết kiệm năng lượng trong thiết kế, chế tạo các sản phẩm CNTT và tiết kiệm năng lượng của xã hội thông qua việc sử dụng thiết bị CNTT.

Trao đổi về kinh nghiệm đưa CNTT Xanh vào các doanh nghiệp sản xuất thiết bị CNTT, ông Sekine Hisashi – Cục Chính sách Thông tin Thương mại – Ban Thiết bị Thông tin viễn thông (Bộ Kinh tế Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản) chia sẻ: Sau giai đoạn tuyền truyền, phổ biến, Nhật Bản đã ban hành được luật tiết kiệm năng lượng, trong đó quy định cụ thể về tiêu chuẩn tiết kiệm năng lượng của thiết bị gia dụng, xe ô tô… và nhà sản xuất bắt buộc phải tuân theo quy định này. Nếu không thực thi sẽ bị cảnh cáo, nêu tên trên các phương tiện truyền thông và thậm chí bị xử phạt bằng tiền mặt…

“Ban đầu, chúng tôi cũng vấp phải sự phản kháng của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, cùng với việc Chính phủ Nhật Bản đưa ra các biện pháp ưu đãi về tài chính, chính sách đối với doanh nghiệp áp dụng CNTT Xanh thì chỉ sau một thời gian ngắn, khi nhận thức được vấn đề, các doanh nghiệp đã hào hứng nhập cuộc, thúc đẩy sản xuất ra nhiều hơn các sản phẩm CNTT tiết kiệm năng lượng. Sau thảm họa kép sóng thần và động đất hồi tháng 3/2011, CNTT Xanh càng được đẩy mạnh tại Nhật Bản và trở thành một trong những yếu tố giúp chúng tôi có đủ năng lượng để sử dụng, khôi phục đất nước”, ông Sekine Hisashi nói.

Và đứng trước thực tế CNTT Xanh còn là khái niệm mới mẻ tại Việt Nam, ông Sekine Hisashi cho rằng Việt Nam nên đẩy mạnh phổ biến kiến thức về CNTT Xanh trong đối tượng doanh nghiệp, xã hội thông qua hình thức tổ chức hội thảo, tuyên truyền…

“Nếu không nhận thức được lợi ích từ CNTT Xanh, chỉ nhìn về giá thành, mua những sản phẩm không tiết kiệm năng lượng thì cuối cùng phải chịu chi phí cao hơn nhiều”, ông ông Sekine Hisashi nhấn mạnh, đồng thời cũng đặt ra vấn đề trong câu chuyện sử dụng các sản phẩm CNTT Xanh, Nhà nước cần xem xét đưa ra hỗ trợ để giảm bớt chi phí đầu tư đắt đỏ ban đầu. Ngoài ra, ở giai đoạn tiếp theo Việt Nam cũng cần xác lập, xây dựng chính sách tiết kiệm năng lượng mang tính bắt buộc bao gồm cả hình thức xử phạt với doanh nghiệp sản xuất thiết bị CNTT.

Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với ICTnews, ông Lê Ngọc Sơn - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam nhận định, chính vấn đề chi phí đầu tư ban đầu lớn đang là một trong những rào cản khiến cho việc sử dụng CNTT Xanh tại Việt Nam gặp khó.

“Ví dụ việc sử dụng đèn LED tiết kiệm điện hơn nhiều đèn sợi đốt, nhưng chi phí đầu tư ban đầu lớn khiến việc sử dụng rộng rãi trong các doanh nghiệp, trong xã hội không đơn giản”, ông Sơn nhấn mạnh.

Còn liên quan đến vấn đề hướng cho các doanh nghiệp sản xuất thiết bị CNTT như máy tính, điện thoại, đồ điện tử gia dụng… ứng dụng mạnh CNTT Xanh, trao đổi với ICTnews, ông Lê Ngọc Sơn cho hay Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam cũng đang từng bước phối hợp với Bộ TT&TT để thực hiện tuyên truyền, khuyến khích đưa CNTT Xanh vào các doanh nghiệp. Tuy nhiên, vấn đề này cũng cần phải có một thời gian dài do doanh nghiệp Việt Nam còn nhiều hạn chế về kinh phí, công nghệ, sẽ phải làm từng bước chứ chưa thể áp dụng biện pháp mạnh như câu chuyện Nhật Bản./.

Phan Minh - ICTnews

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất