Chủ Nhật, 15/12/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Tư, 7/4/2010 10:52'(GMT+7)

Việt Nam luôn gây ngạc nhiên trong ASEAN

Các Ngoại trưởng ASEAN đi đường bộ từ Thái Lan qua Lào tới Việt Nam tháng 1.2010 nhằm quảng bá mục tiêu kết nối kinh tế. Ảnh: TTXVN

Các Ngoại trưởng ASEAN đi đường bộ từ Thái Lan qua Lào tới Việt Nam tháng 1.2010 nhằm quảng bá mục tiêu kết nối kinh tế. Ảnh: TTXVN

Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 16 sẽ chính thức khai mạc tại Hà Nội từ 8.4. Đây là lần thứ hai, Việt Nam tổ chức hội nghị cấp nguyên thủ của ASEAN. Lần thứ nhất là vào năm 1998, chỉ 3 năm sau khi Việt Nam chính thức trở thành thành viên của ASEAN.

Vai trò điều hành của Việt Nam khi đó đã được các thành viên ASEAN và dư luận quốc tế đánh giá cao. Việt Nam đã luôn khiến các nước ngạc nhiên với những cách tiếp cận độc đáo của mình.

Giữ vai trò Chủ tịch ASEAN lần này, sau 15 năm trở thành thành viên chính thức, Việt Nam muốn chuyển tới bạn bè quốc tế thông điệp về một đất nước chủ động, tích cực và có trách nhiệm, đang nỗ lực hết mình cùng các nước thành viên ASEAN xây dựng thành công Cộng đồng ASEAN vào năm 2015. 

Kavi Chongkittavorn, phóng viên thường trú tại Hà Nội của tờ The Nation Thái Lan, giai đoạn 1988-1990 đã có bài viết riêng cho Lao Động.
                                                                               ***

Ngay khi trở thành thành viên ASEAN, Việt Nam đã luôn khiến cho các đồng nghiệp trong khối ngạc nhiên với những cách tiếp cận độc đáo, ngoài thông lệ.

Vào một ngày cuối tuần tháng 7.1995 ở Brunei Darusalam, các quan chức cấp cao của ASEAN đã mệt mỏi sau một ngày thảo luận về tên gọi tắt của hội nghị cấp cao Á-Âu. Họ không thể đi đến thống nhất, mặc dù lịch trình cuộc họp sẽ kết thúc vào cuối ngày.

Thứ trưởng  Ngoại giao VN lúc đó - ông Vũ Khoan - bất ngờ gợi ý rằng, nên sử dụng từ ASEM. Ở VN, nhiều khi người ta sử dụng hai chữ cái đầu tiên làm tên viết tắt. Đó là hành động thông thường, nhưng không ai nghĩ ra. Các quan chức ASEAN thở phào và hoàn toàn tâm phục khẩu phục.

VN luôn luôn gây ngạc nhiên cho các đồng nghiệp ASEAN với những cách tiếp cận độc đáo và nhiều khi không theo bất cứ thông lệ nào. Với phong cách đó, không ai nghĩ rằng chỉ vài năm trước, VN vẫn hoàn toàn xa lạ với ASEAN.

Không lâu sau khi Hiệp định Paris về Campuchia được ký kết (tháng 10 năm 1991), VN đã trở thành quan sát viên của ASEAN năm 1992 và bắt đầu tham gia Hiệp ước Thân thiện và hợp tác (TAC). Kể từ đó, VN không bao giờ tự để mình vào trạng thái nhàn rỗi (Idle) khi tham gia các hoạt động của ASEAN.

Việt Nam chủ trì phiên họp của các quan chức cấp cao ASEAN hôm 6.4 tại Hà Nội.


Tôi vẫn nhớ như in những gì mà Bộ trưởng Ngoại giao (lúc bấy giờ) Nguyễn Cơ Thạch nói riêng với tôi khi tôi phỏng vấn ông ở TPHCM trong chuyến đối thoại bàn tròn với các nhà báo Châu Á - Thái Bình Dương tháng 4.1986.  Mặc dù lúc đó tình hình Campuchia đang phức tạp, nhưng ông Nguyễn Cơ Thạch nói chắc như đinh đóng cột rằng VN sớm muộn sẽ vào ASEAN. Đây là lần đầu tiên VN mời một nhóm phóng viên đối ngoại tới để đối thoại thẳng thắn và trình bày quan điểm của họ về vấn đề Campuchia, cũng như tình hình chính trị khu vực.

Chắc chắn rằng, vào thời điểm mà ông Nguyễn Cơ Thạch phát ngôn, không ai trong đó có tôi, tin tưởng nghiêm túc vào những dự đoán của bộ trưởng. Vậy mà gần 10 năm sau, VN thực sự gia nhập ASEAN. Trước khi ra quyết định về vấn đề này, một nhóm các quan chức VN đã thăm trụ sở Ban Thư ký ASEAN ở Jakarta để nghiên cứu những mặt phải và trái của việc là thành viên ASEAN. Hàng trăm câu hỏi đã được đặt ra cho thấy mối quan tâm sâu sắc của VN đối với các vấn đề của ASEAN.

Hai  năm sau khi ký TAC, VN trở thành sáng lập viên của Diễn đàn an ninh khu vực, gọi tắt là ARF. Trong lễ khai trương ARF, VN đã trao đổi quan điểm rất tích cực về tình hình khu vực và thế giới. 12 tháng sau đó, tại Brunei, VN trở thành thành viên thứ bảy của ASEAN.

Hội nghị thượng đỉnh đầu tiên của ASEAN được tổ chức ở Đông Dương do VN làm chủ nhà diễn ra ngay sau khi Châu Á bị nhấn chìm bởi cuộc khủng hoảng kinh tế, xuất phát từ Thái Lan, mà người ta gọi cái tên “thân mật” là đại dịch canh tôm chua. Tại hội nghị, những thảo luận về khủng hoảng kinh tế và tình hình khu vực đã đưa lại kết quả là việc ra đời Kế hoạch hành động Hà Nội. Văn bản này liệt kê các hành động chính mà ASEAN cần làm để thúc đẩy việc đoàn kết và hợp tác trong khối.

Qua 15 năm trở thành thành viên, VN đã có nhiều đóng góp trực tiếp và gián tiếp vào tiến trình hợp tác ASEAN. Chẳng hạn, VN đã năng động cùng với các nước ASEAN khác soạn thảo Tuyên bố chung ASEAN - Trung Quốc về cách ứng xử của các bên ở biển Đông. Là nước Chủ tịch đương nhiệm, VN muốn thúc đẩy các biện pháp cụ thể để thực hiện tuyên bố này, trên cơ sở từng bước, bắt đầu từ những biện pháp khả thi và ít nhạy cảm. Ngày 17-18.4 tới, sẽ có một nhóm làm việc thảo luận về kế hoạch phối hợp giữa ASEAN và Trung Quốc. ASEAN có 4 nước tuyên bố chủ quyền ở biển Đông gồm: VN, Brunei, Malaysia và Philippines. Duy trì đoàn kết trong ASEAN đối với vấn đề  biển Đông là ưu tiên của VN.

Ba tháng sau khi ký Hiến chương ASEAN, VN là một trong số những nước đầu tiên thông qua Hiến chương vào ngày 6.3.2008. Trong 15 năm qua, VN đã giành được nhiều kinh nghiệm quý báu, với chính sách ngoại giao đa phương ở cấp độ khu vực và quốc tế. Là Chủ tịch ASEAN, VN biết rõ phải làm gì để đóng góp vào sự phát triển của ASEAN, tạo sự đoàn kết và thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các nước thành viên.

Hoàn tất danh mục văn kiện của ASEAN 16

Trong 2 ngày 5-6.4, tại Hà Nội diễn ra các cuộc họp của quan chức cao cấp ASEAN (SOM) và cuộc họp của các quan chức cao cấp phụ trách 2 trụ cột Cộng đồng Kinh tế (SEOM) và trụ cột Cộng đồng Văn hóa-Xã hội (SOCA), nhằm chuẩn bị cho Hội nghị Cấp cao ASEAN 16 và các Hội nghị Bộ trưởng liên quan.

Tại các cuộc họp, các quan chức cao cấp ASEAN đã hoàn tất các công việc chuẩn bị về chương trình hoạt động, chương trình nghị sự, danh mục các văn kiện của Hội nghị Cấp cao 16 cũng như các Hội nghị Bộ trưởng liên quan. Nhìn chung, công tác chuẩn bị đã cơ bản hoàn tất.

Về văn kiện, tới nay, việc soạn thảo 2 Tuyên bố về Phục hồi và phát triển bền vững, và Ứng phó chung với Biến đổi khí hậu đã cơ bản hoàn tất để báo cáo các Bộ trưởng và trình các Lãnh đạo ASEAN xem xét và thông qua. Theo chương trình dự kiến, hôm nay 7.4 sẽ diễn ra các Hội nghị Bộ trưởng liên quan và Lễ ra mắt Ủy ban ASEAN về Thúc đẩy các Quyền của Phụ nữ và Trẻ em (ACWC).
TR.M

Khai mạc Hội nghị Cộng đồng văn hoá - xã hội ASEAN lần thứ ba

Hôm nay (7.4), Hội nghị Cộng đồng văn hoá - xã hội ASEAN (ASCC) lần thứ ba khai mạc tại Hà Nội, trước thềm Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 16. Hội nghị có sự tham gia của Bộ trưởng phụ trách Cộng đồng văn hoá - xã hội của các nước ASEAN. Bộ trưởng Bộ LĐTBXH VN Nguyễn Thị Kim Ngân- Chủ tịch Hội đồng Cộng đồng Văn hoá xã hội- sẽ chủ trì và điều hành hội nghị.

ASCC lần thứ 3 sẽ tập trung đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch tổng thể ASCC, phương hướng triển khai kế hoạch cộng đồng thời gian tới. Kế hoạch tổng thể ASCC gồm 6 lĩnh vực trọng tâm: Phát triển con người; phúc lợi và bảo trợ xã hội; công bằng xã hội và các quyền; đảm bảo tính bền vững của môi trường; xây dựng bản sắc ASEAN- được triển khai trong giai đoạn 2009-2015.

Với vai trò chủ tịch ASCC năm 2010, VN cùng các nước đưa ra các sáng kiến nhằm thúc đẩy hơn nữa việc thực hiện kế hoạch tổng thể. Theo đó, sẽ ưu tiên thực hiện: Đối phó với thách thức toàn cầu; phát triển nguồn nhân lực cho phục hồi kinh tế và phát triển; thúc đẩy phát triển và phúc lợi xã hội cho phụ nữ và trẻ em ASEAN. Cũng tại ASCC lần thứ ba, với sáng kiến của VN, Uỷ ban Thúc đẩy và Bảo vệ quyền phụ nữ và trẻ em ASEAN (ACWC) sẽ ra mắt và  họp phiên đầu tiên. 

Ngọc Yến

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất