Thứ Hai, 25/11/2024
Nhịp cầu Công Thương
Thứ Bảy, 23/11/2024 10:18'(GMT+7)

Việt Nam - Malaysia tăng cường hợp tác trong lĩnh vực năng lượng và Halal

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên (Giữa) trao đổi về hợp tác năng lượng giữa Malaysia và Việt Nam tại cuộc làm việc. (Ảnh: TTXVN)

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên (Giữa) trao đổi về hợp tác năng lượng giữa Malaysia và Việt Nam tại cuộc làm việc. (Ảnh: TTXVN)

Nhân dịp Tổng Bí thư Tô Lâm và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam có chuyến thăm chính thức Malaysia từ ngày 21 - 23/11, đoàn Bộ Công Thương do Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên dẫn đầu đã có buổi làm việc với Công ty Năng lượng tái tạo TNB Renewables Sdn Bhd tại khách sạn Shangri-La vào ngày 22/11.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên bày tỏ hoan nghênh sự quan tâm, hợp tác của công ty TNB cũng như các doanh nghiệp Malaysia với Việt Nam, đồng thời khẳng định Việt Nam có tiềm năng phát triển điện gió vô cùng lớn, với đường bờ biển hơn 3.260km.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng lưới điện kết nối từ Việt Nam sang Malaysia và Singapore sẽ là một phần của lưới điện xanh giữa các quốc gia Đông Nam Á, đồng thời khẳng định Việt Nam luôn tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư tiến hành nghiên cứu, khảo sát các địa điểm phát triển dự án nguồn điện năng lượng tái tạo phục vụ cho đề án xuất khẩu điện xanh.

TNB Renewables là công ty con của Tập đoàn Điện lực Malaysia (TNB). TNB là doanh nghiệp năng lượng chiếm 50% thị phần công suất điện của Malaysia. Hiện Malaysia đã xây dựng lộ trình chuyển dịch năng lượng, hướng đến phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Để thực hiện được mục tiêu đó, TNB đang tập trung vào 4 mảng chính trong quá trình chuyển dịch năng lượng, bao gồm: mở rộng đầu tư năng lượng tái tạo trong và ngoài nước, đẩy mạnh công nghệ khử carbon, hiện đại hóa lưới điện và tăng cường hiệu quả lưới điện.

Đại diện của TNB - ông Datuk Ir. Ts. Shamsul Ahmad, Giám đốc phụ trách về pháp lý - khẳng định công ty đang đặt mục tiêu đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng bền vững tại Malaysia nói riêng và khu vực Đông Nam Á nói chung.

Trong thời gian qua, công ty rất quan tâm tới việc hợp tác đầu tư với Việt Nam trong lĩnh vực điện gió trên bờ và ngoài khơi.

Ông Shamsul Ahmad cũng bày tỏ mong muốn hai bên không chỉ hỗ trợ và tạo điều kiện phát triển các dự án chung hiện có mà còn mở rộng sang các dự án hợp tác đầu tư tại nước thứ ba.

Về hợp tác Halal, đây là lĩnh vực hợp tác đã được lãnh đạo cấp cao hai nước rất quan tâm, có vai trò hết sức quan trọng, không chỉ giúp tăng cường kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Malaysia mà còn giúp doanh nghiệp hai bên khai thác cơ hội kinh doanh tại các thị trường khác.

Trên tinh thần đó, ngày 22/11, Vụ Thị trường châu Á - châu Phi đã cùng với Tập đoàn Phát triển Halal (HDC) ký kết Ý định thư về hợp tác Halal.

Đại diện Vụ Thị trường châu Á-châu Phi và Tập đoàn Phát triển Halal (HDC) ký Ý định thư về hợp tác Halal. (Ảnh: TTXVN)

Đại diện Vụ Thị trường châu Á-châu Phi và Tập đoàn Phát triển Halal (HDC) ký Ý định thư về hợp tác Halal. (Ảnh: TTXVN)

Tham tán Thương mại Việt Nam tại Malaysia Lê Phú Cường cho biết, Ý định thư vừa ký kết có ý nghĩa quan trọng, qua đó hỗ trợ việc công nhận mục tiêu chung của cả hai bên trong việc đào tạo, tổ chức các cuộc triển lãm, hội thảo và hội nghị chuyên đề về sản phẩm Halal tại Việt Nam và Malaysia. Hoạt động này không chỉ giúp nâng cao sự hiểu biết của các doanh nghiệp về xuất khẩu Halal sang thị trường Malaysia mà còn cả thị trường các nước Hồi giáo nói chung.

Hiện nay, tiềm năng hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai nước, trong đó có lĩnh vực năng lượng và sản phẩm Halal còn rất lớn, song để sự hợp tác này trở nên thực chất và hiệu quả hơn, hai bên cần đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối doanh nghiệp để quảng bá sản phẩm của nhau, đồng thời đẩy mạnh tìm kiếm, hợp tác trong các lĩnh vực mà hai bên có thế mạnh./.

 

Halal là thuật ngữ dùng để chỉ những thứ được phép, hợp pháp và không vi phạm các quy định trong luật Hồi giáo (Shariah). Những thực phẩm, đồ uống, hành động, sản phẩm, dịch vụ hoặc quy trình nào đáp ứng các yêu cầu của Shariah thì được coi là Halal.

Cho đến nay, mới chỉ có khoảng 1.000 doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường Malaysia có chứng chỉ Halal cho khoảng 3.000 sản phẩm. Thỏa thuận này sẽ giúp giải quyết một trong những khó khăn lớn của doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Malaysia là về chứng chỉ Halal.

 

MINH HOÀNG

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất