Công điện của Bộ trưởng Bộ Công Thương gửi: Sở Công Thương các tỉnh,
thành phố Quảng Ninh, Bắc Ninh, Hà Nam, Hà Nội, Hải Dương, Hưng Yên, Hải
Phòng, Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình, Vĩnh Phúc, Thanh Hoá, Nghệ An,
Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam,
Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hoà, Ninh Thuận, Bình Thuận; các
tập đoàn, tổng công ty và doanh nghiệp ngành công thương; các chủ đập
thủy điện trên địa bàn các tỉnh, thành phố khu vực từ Quảng Ninh đến
Bình Thuận; các đơn vị thuộc bộ.
Công điện nêu, theo bản tin của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, hồi 4 giờ
ngày 18/11, vị trí tâm bão số 9 ở vào khoảng 18 độ Vĩ Bắc, 118,9 độ
Kinh Đông, trên vùng biển phía Đông của khu vực Bắc Biển Đông. Sức gió
mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11-12 (103-133 km/h), giật cấp 15.
Di chuyển theo hướng Tây Bắc, tốc độ khoảng 25 km/h. Dự báo trong 24 -
72h tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, tốc độ khoảng 15 km/h,
cường độ cấp 8, giật cấp 10.
Tiếp theo Công điện số 8712/CĐ-BNN-ĐĐ ngày 17/11 của Bộ Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn, để ngành công thương chủ động ứng phó với diễn
biến của bão Man-yi, Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu các đơn vị tăng
cường công tác trực ban phòng chống thiên tai, theo dõi chặt chẽ thông
tin diễn biến của bão Man-yi từ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc
gia để kịp thời triển khai các biện pháp ứng phó với các tình huống
thiên tai do bão Man-yi và hoàn lưu bão gây ra. Bên cạnh đó, rà soát,
kiểm tra các công trình, các khu vực trọng điểm, xung yếu, chuẩn bị đầy
đủ phương tiện, vật tư sẵn sàng ứng phó với diễn biến của bão Man-yi,
đảm bảo mức cao nhất an toàn về người và tài sản.
Theo đó, Bộ trưởng Bộ Công thương yêu cầu:
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thông báo cho các tàu
thuyền, công trình dầu khí trên biển (thuộc phạm vi quản lý) trong vùng
bị ảnh hưởng của bão Man-yi để triển khai biện pháp đảm bảo an toàn cho
người, tài sản và công trình. Chỉ đạo các đơn vị thuộc phạm vi quản lý
chuẩn bị sẵn sàng nguồn lực, phương tiện, vật tư để kịp thời xử lý các
tình huống do bão Man-yi gây ra.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam chỉ đạo các nhà máy thủy điện thuộc phạm vi
quản lý tuân thủ đúng quy trình vận hành liên hồ chứa, quy trình vận
hành hồ chứa thủy điện đã được cấp thẩm quyền phê duyệt và nghiêm túc
thực hiện các nhiệm vụ được giao tại công điện này. Chỉ đạo các đơn vị
chuẩn bị sẵn sàng nguồn lực, phương tiện, vật tư để kịp thời xử lý các
tình huống thiên tai.
Các chủ đập thủy điện tổ chức trực ban nghiêm túc,
theo dõi chặt chẽ thông tin thời tiết, tình hình mưa lũ, tăng cường việc
thông báo, cảnh báo để bảo đảm an toàn cho người dân và các hoạt động
có liên quan trên sông suối ở khu vực hạ lưu đập, nhà máy trước khi vận
hành điều tiết, bắt đầu xả nước phát điện hoặc các trường hợp gia tăng
đột ngột lưu lượng xả xuống hạ du.
Đối với các hồ chứa có tràn xả lũ tự do, tổ chức theo dõi chặt chẽ,
thông báo dự kiến thời gian mực nước qua tràn đến các địa phương, nhân
dân vùng hạ du, các dơn vị có liên quan để chủ động ứng phó. Phối hợp
với các cơ quan chức năng, các huyện, thị xã, thành phố liên quan tổ
chức tuyên truyền cho nhân dân về công tác vận hành, điều tiết các hồ
chứa thủy điện, kỹ năng phòng tránh tai nạn đuối nước khi sản xuất, đi
lại tại các khu vực sông, suối hạ du các nhà máy thủy điện.
Bên cạnh đó, tổ chức quan trắc các yếu tố khí tượng thủy văn trên lưu
vực hồ đảm bảo dự báo dược lưu lượng lũ về hồ, xác định thời gian xuất
hiện đỉnh lũ. Chủ động cung cấp thông tin, báo cáo, đề xuất đảm bảo quy
định tại quy trình vận hành hồ chứa, liên hồ chứa. Đồng thời chủ động
vận hành hồ chứa đảm bảo dung tích đón lũ theo quy định, việc tổ chức
vận hành phải bảo đảm không gây dòng chảy đột biến, bất thường đe dọa
trực tiếp đến tính mạng và tài sản của người dân ở khu vực ven sông ở hạ
du hồ chứa. Tổ chức thực hiện việc thông tin, thông báo đến chính
quyền, nhân dân vùng hạ du về công tác vận hành, điều tiết hồ.
Giao Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp tổ
chức tốt trực ban phòng chống thiên tai; tăng cường kiểm tra, giám sát
việc ứng phó với bão Man-yi tại các khu vực chịu ảnh hưởng của bão, nhất
là các đơn vị thủy điện khu vực miền Trung.
Các đơn vị khác thuộc bộ theo chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước và
nhiệm vụ được phân công chủ động chỉ đạo, phối hợp với chính quyền các
địa phương liên quan ứng phó với diễn biến của bão và hoàn lưu sau bão.
Ngoài ra, các đơn vị ngành công thương thực hiện nghiêm túc công điện
này, chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, trang thiết bị, phương tiện, vật tư để
ứng phó kịp thời với các tình huống thiên tai: phối hợp chặt chẽ với
chính quyền các cấp trong công tác ứng phó thiên tai và tham gia cứu
nạn, cứu hộ khi có yêu cầu. Tổ chức trực ban 24/24h, thường xuyên báo
cáo thông tin về Văn phòng Thường trực phòng, chống thiên tai và tìm
kiếm cứu nạn Bộ Công Thương./.
VĂN QUÂN