(TG) - Ngày 4/4/2016, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Tòa án Nhân dân Tối cao tổ chức lễ ra mắt Tòa án Gia đình và người chưa thành niên. Đây là tòa án chuyên trách đầu tiên cho trẻ em của Việt Nam, nhằm hỗ trợ và bảo vệ tốt hơn trẻ em có liên quan đến pháp luật. Tòa án Gia đình và người chưa thành niên được ra mắt đầu tiên Thành phố Hồ Chí Minh và dự kiến sẽ mở rộng ra tất cả các tỉnh thành và quận huyện trong cả nước.
Sự ra đời của Tòa gia đình và người chưa thành niên là một phần của hoạt động đổi mới tư pháp cho trẻ em rộng lớn hơn mới được quy định trong Luật Xử lý vi phạm hành chính, Bộ luật Hình sự, và Bộ luật Tố tụng hình sự. Những đổi mới này bao gồm cơ chế mới để chuyển dẫn trẻ em ra khỏi hệ thống xử lý hành chính và hình sự chính thống, thúc đẩy phục hồi tại cộng đồng thay cho giam giữ, tái hòa nhập cộng đồng đối với trẻ em vi phạm pháp luật, cũng như thủ tục tố tụng thân thiện với trẻ em và nhạy cảm về giới.
Tòa án này sẽ cho phép bổ nhiệm và đào tạo các thẩm phán chuyên trách để giải quyết các vụ việc liên quan đến trẻ em. Các thẩm phán chuyên trách sẽ có thể điều chỉnh các quyết định của mình sao cho phù hợp với nhu cầu của cá nhân trẻ em và bảo đảm rằng lợi ích tốt nhất của trẻ em sẽ được quan tâm hàng đầu. Tòa án này cũng cho phép tạo ra một môi trường xét xử thân thiện để trẻ em và gia đình có thể tham gia đầy đủ vào quá trình tố tụng.
Tòa án gia đình và người chưa thành niên có thẩm quyền tài phán đa lĩnh vực, bao trùm các loại vụ việc liên quan đến trẻ em trong lĩnh vực dân sự, hành chính và hình sự. Với mong muốn Tòa án gia đình và người chưa thành niên sẽ là thành tố trung tâm của hệ thống bảo vệ trẻ em quốc gia, tòa án này đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc kết nối giữa các lĩnh vực xã hội, đặc biệt là phúc lợi xã hội, an ninh, tư pháp, giáo dục, y tế, để hỗ trợ việc phòng ngừa và ứng phó với các nguy cơ liên quan đến bảo vệ trẻ em.
“Có thể nói, việc ra đời của Tòa gia đình và người chưa thành niên trong tổ chức bộ máy của Tòa án nhân dân là dấu ấn quan trọng và là một trong những thành công của tiến trình cải cách tư pháp, chứng tỏ cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc bảo đảm quyền trẻ em, đặc biệt là trẻ em trong hoạt động tư pháp, thông qua việc xây dựng một hệ thống tư pháp trẻ em toàn diện mà Tòa gia đình và người chưa thành niên là trung tâm, với sự tham gia, phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, tổ chức có liên quan”, ông Trương Hòa Bình, Chánh Án Tòa Án Nhân Dân Tối Cao phát biểu tại Lễ ra mắt.
Cán bộ xã hội đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc chẩn đoán nguyên nhân của các vấn đề về bảo vệ trẻ em, hoặc xác định các yếu tố dẫn đến vi phạm pháp luật. Cán bộ xã hội cũng hỗ trợ trẻ em trong các quá trình pháp lý, cung cấp và thúc đẩy các dịch vụ hỗ trợ các em phục hồi và tái hòa nhập cộng đồng. Vai trò của cán bộ xã hội hiện nay chưa được pháp luật ghi nhận và điều đó sẽ tạo ra rào cản đáng kể đối với sự vận hành hiệu quả của tòa án.
Đại diện UNICEF Việt Nam Ông Youssouf Abdel-Jelil phát biểu: “Sự ra đời của tòa án này là cột mốc quan trọng trong việc bảo vệ quyền trẻ em ở Việt Nam, và tiếp tục khẳng định vị trí tiên phong của Việt Nam trong khu vực cũng như trên thế giới, với tư cách là quốc gia đầu tiên ở châu Á, và là quốc gia thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước Quyền trẻ em”.
Ông Youssouf Abdel-Jelil cho rằng: “Bất cứ ai dưới 18 tuổi đều chưa đạt độ tuổi thành niên do vậy đều là trẻ em, và trẻ em sẽ tìm kiếm công lý ở một thế giới nơi mà các quyền của các em thường bị coi là không quan trọng bằng quyền của người lớn, nơi mà ý kiến và quan điểm của các em thường không được coi trọng. Việc hình thành các tòa án chuyên biệt cho trẻ em trên toàn đất nước sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết các vấn đề này trong hệ thống bảo vệ trẻ em rộng lớn hơn”./.
TG