Thành phố Móng Cái của Việt Nam và thành phố Đông Kinh thuộc vùng tự trị Choang tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc, vừa phê chuẩn một thoả thuận khung thiết lập khu vực kinh tế qua biên giới
Đây là nỗ lực chung của hai bên nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế thương mại giữa Trung Quốc với Việt Nam, tăng cường mối quan hệ giữa nền kinh tế lớn thứ ba thế giới với ASEAN sau việc thiết lập khu vực thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc đầu năm nay.
Theo kế hoạch ban đầu, khu vực thương mại xuyên biên giới rộng chừng 4km2 ở Móng Cái và 5,8km2 ở Đông Kinh. Phía Trung Quốc hy vọng mở rộng phần bên Đông Kinh lên chừng 13km2 trong tương lai.
Đông Kinh là thành phố duy nhất của Trung Quốc có cả biên giới đất liền và biên giới biển với ASEAN, diện tích 540,7km2, dân số 110.000 người. Móng Cái - một thành phố mở ra với thế giới bên ngoài nhờ các chính sách ưu đãi của Chính phủ, có tổng diện tích khoảng 520km2, dân số chừng 100.000 người.
Theo kế hoạch, khu vực kinh tế mới được thiết kế thay cho khu vực kinh tế xuyên biên giới rộng 4km2 hiện giờ mà nội các Trung Quốc đã thông qua năm 1992. Ông Mạc Cung Minh - quan chức Đông Kinh - cho biết, khu vực kinh tế mới sẽ tách biệt với các khu dân cư, đó là điểm khác với khu kinh tế hiện nay. Hai bên đã thiết lập một nhóm làm việc chung để thúc đẩy hợp tác kinh tế Đông Kinh - Móng Cái.
Cũng theo quan chức Trung Quốc, hai bên sẽ xây dựng qua sông Bắc Luân ở biên giới cây cầu thứ hai, tạo điều kiện về cơ sở hạ tầng cho thương mại song phương. Cây cầu hiện nay được xây từ năm 1958 khó mà đáp ứng nhu cầu hành khách và vận chuyển hàng hoá gia tăng đáng kể.
Năm 2009, gần 4,9 triệu lượt khách đã qua biên giới Đông Kinh, tăng so với 4,6 triệu người của năm 2008. Khối lượng thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc thông qua cửa khẩu Đông Kinh - Móng Cái đạt tới 2,4 tỉ USD năm 2007; 4,1 tỉ USD năm 2008 - cao nhất trong số các cửa khẩu giữa hai nước.
Ông Liu Quanyue - Thị trưởng Đông Kinh - phát biểu: “Chúng tôi hy vọng việc thiết lập khu kinh tế Đông Kinh - Móng Cái sẽ tạo điều kiện luân chuyển tự do hơn cho dòng vốn, hàng hoá và con người, sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy thương mại giữa hai thành phố, thúc đẩy quan hệ kinh tế Trung Quốc - Việt Nam và tăng cường hợp tác Trung Quốc - ASEAN”./.
(Theo Lao Động điện tử)