Theo Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC), tính đến ngày 26/11, số lượng tên miền quốc gia ".vn" đạt 229.120 tên miền, tăng 51% so với cùng kì năm ngoái và dự kiến hết năm 2012 sẽ đạt tỷ lệ tăng trưởng 117,43% và tiếp tục giữ ngôi vị số 1 Đồng Nam Á về số lượng tên miền quốc gia.
Tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2012 và chương trình công tác năm 2013 của VNNIC diễn ra hôm nay, 18/12/2012, ông Trần Minh Tân, Phó Giám đốc VNNIC cho biết, số lượng tên miền ".vn" phát triển mới tính đến ngày 26/11 đạt 87.736 tên miền, tăng 39% so với cùng kì năm ngoái, trong đó PA Việt Nam, Mắt bão và FPT là 3 nhà đăng ký có số lượng tên miền phát triển mới nhiều nhất với thị phần lần lượt 28,84%, 24,69% và 23,34%.
Ngoài ra, đối với tên miền tiếng Việt, ông Tân cho rằng, năm 2012 được đặt mục tiêu đưa tên miền tiếng Việt phát triển về chất thay vì phát triển về lượng như năm 2011 nên VNNIC đã phối hợp với các đơn vị và đối tác Hitek để cung cấp cho cộng đồng các dịch vụ mới như công cụ tạo web miễn phí (Web Template) và hệ thống quản lý tên miền (DNS Hosting) nhằm thu hút người sử dụng đưa tên miền tiếng Việt vào sử dụng nhiều hơn trên thực tế. Kết quả cho thấy, tính đến ngày 20/11, số lượng tên miền tiếng Việt đã đăng ký đạt 864.120 tên miền, trong đó số lượng tên miền được đưa vào sử dụng thực tế trên các loại dịch vụ chiếm hơn 10% tổng số tên đăng ký.
Trong năm 2012, số lượng địa chỉ IPv4 được cấp mới chủ yếu là cấp nhỏ giọt cho các thành viên từ khối địa chỉ cuối cùng của khu vực Châu Á –Thái Bình Dương nên tổng lượng địa chỉ IPv4 của Việt Nam không tăng lên đáng kể. Tuy nhiên, với số lượng địa chỉ IPv4 hiện tại là 15.551.232 địa chỉ, Việt Nam đang là quốc gia đứng thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á và đứng thứ 25 trong tổng số các quốc gia giữ nhiều địa chỉ IPv4 nhất toàn cầu. Về IPv6, năm 2012, Việt Nam có 3 khối địa chỉ được cấp mới, nâng tổng số địa chỉ IPv6 lên 36 khối địa chỉ. Trong công tác thúc đẩy phát triển địa chỉ IPv6, VNNIC đã xây dựng tài liệu hướng dẫn chuyển đổi sang IPv6, đôn đốc thúc đẩy các doanh nghiệp thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia về IPv6 cũng như tổ chức khảo sát tình hình triển khai IPv6 tại các doanh nghiệp Internet để phục vụ đánh giá hiện trạng triển khai IPv6 trong giai đoạn 1 Kế hoạch hành động quốc gia về IPv6.
Năm 2012, VNNIC đã phối hợp cùng các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet (ISP) đưa vào khai thác, vận hành thêm một điểm hệ thống trạm trung chuyển lưu lượng Internet quốc gia VNIX ở Đà Nẵng. Hiện có đến 17 doanh nghiệp ISP đang kết nối VNIX tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh với cổng kết nối tối thiểu 1Gbps, trong đó có 3 doanh nghiệp VTN, VTC và Viettel đã đầu tư nâng cấp sử dụng cổng 10 Gbps.
Cũng theo ông Tân, trong năm 2013, VNNIC sẽ tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh việc quản lý, sử dụng tài nguyên Internet và tổ chức sự kiện ra mắt ngày IPv6 (6/5/2013). "VNNIC còn triển khai các dự án hỗ trợ thúc đẩy IPv6 cho khối doanh nghiệp vừa và nhỏ trong khuôn khổ hợp tác về lĩnh vực viễn thông, CNTT khu vực ASEAN", ông Tân cho biết thêm.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng đánh giá cao VNNIC trong việc quản lý hệ thống cơ sở hạ tầng bao gồm 7 cụm máy chủ DNS một cách an toàn, tin cậy và liên tục cũng như quản lý tài nguyên Internet (như tên miền tiếng Việt, địa chỉ IPv4, tên miền quốc gia ".vn"...) giúp Internet Việt Nam đã có bước phát triển rất tốt trong thời gian qua.
Thứ trưởng Lê Nam Thắng cũng đề nghị trong năm 2013, VNNIC tiếp tục quản lý tốt hệ thống DNS quốc gia, nhất là việc đảm bảo an toàn thông tin và xây dựng quy định kết nối mới giữa các ISP cũng như vai trò của hệ thống VNIX trong thời gian tới. "Đối với công tác thúc đẩy phát triển IPv6, VNNIC sẽ cần quan tâm hơn đến các nhà doanh nghiệp sản xuất nội dung và sản xuất thiết bị để đảm bảo quá trình phát triển IPv6 trong thời gian tới", Thứ trưởng Lê Nam Thắng khẳng định./.
Theo ICTnews