Khi nghĩ tới Việt Nam, một bộ phận người nước ngoài vẫn liên tưởng đến một đất nước bị tàn phá bởi chiến tranh. Tuy nhiên, kể từ khi giành được độc lập, trải qua hai cuộc kháng chiến ác liệt, với chính sách Đổi mới đúng đắn vào năm 1986, từ một nước nghèo và lạc hậu, Việt Nam đã vươn lên thành một trong những nền kinh tế năng động tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Chính vì thế mà trong những năm gần đây, bài học thành công về phát triển kinh tế của Việt Nam đã trở thành tâm điểm chú ý của truyền thông quốc tế và năm 2014 cũng không phải ngoại lệ.
Trong một chuyên đề dài kỳ mang tên "Thay đổi cuộc sống", nhật báo kinh tế tài chính hàng đầu I-ta-li-a Mặt trời 24 giờ đánh giá Việt Nam như là một trong những nơi đáng sống nhất cho người dân và các nhà đầu tư nước này. Theo tờ báo, bất chấp ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế, trong năm 2013, tăng trưởng GDP của Việt Nam vẫn đạt 5,2% và nền kinh tế Việt Nam vẫn đang tiếp tục phát triển. Nhận xét về thị trường nhà đất, tờ báo này khẳng định rằng, giá cả xuống thấp có thể thu hút nhà đầu tư nước ngoài, trong thời điểm chính phủ đang dự thảo chính sách cho phép người nước ngoài mua nhà ở Việt Nam. Về cuộc sống ở Việt Nam, tờ Mặt trời 24 giờ cho rằng, có thể yên tâm gửi con cái ở các trường quốc tế đang mọc lên rất nhiều tại những thành phố lớn. Theo Mặt trời 24 giờ, giá cả cuộc sống ở Việt Nam thấp và với thu nhập của mình, người I-ta-li-a làm việc cho các cơ quan chính phủ hoặc công ty của nước này có thể sống sung túc ở Việt Nam.
Dưới đầu đề “Một người bạn ở phía bên kia trái đất”, nữ nhà báo M. Gôn-da-lết (Karina Marron Gonzalez) của tờ Granma, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Cu-ba, mới đây nhận xét ấn tượng nổi bật đầu tiên đối với tác giả là bước tiến mà Việt Nam đạt được sau những tàn phá của chiến tranh trước đây và tiếp đó là những biểu hiện tình cảm thân thiết của nhân dân Việt Nam đối với Cu-ba. “Đến Việt Nam, chúng tôi nhận thấy một đất nước đang trên đà phát triển mạnh mẽ, với những khu nhà mới hiện đại được xây dựng ở khắp nơi, những con đường lớn đang được mở rộng nối liền sân bay với thành phố. Dọc hai bên đường là những cánh đồng lúa, khoai, cây trái và hoa”, nữ nhà báo M. Gôn-da-lết viết. Tác giả bài báo ghi nhận rằng, từ thủ đô Hà Nội đến Đà Nẵng ở miền Trung và TP Hồ Chí Minh… khắp nơi xe máy vẫn đang ngự trị, nhưng người ta cũng dễ dàng quan sát thấy nhiều loại ô tô của các hãng nổi tiếng thế giới được lắp ráp ở Việt Nam đang lưu thông trên các nẻo đường. “Điều đó một phần là do kết quả của công cuộc Đổi mới bắt đầu từ năm 1986 đã đưa đến nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa mà Việt Nam coi là mô hình phát triển hiện nay của đất nước”, bài báo giải thích.
Ca ngợi Việt Nam đã tạo một môi trường thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài, nhật báo Tấm gương (Đức) cho biết, các nhà đầu tư Đức nói chung và đại diện Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức (AHK) tại Việt Nam nói riêng đều đánh giá cao chính sách đầu tư và thuế quan thông thoáng cho doanh nghiệp nước ngoài của Việt Nam. Ông E. Hem (Evert Helms), Tổng giám đốc Công ty Pepperl & Fuchs (P&F), chuyên về lĩnh vực cảm biến công nghiệp và công nghệ xử lý, bày tỏ rất hạnh phúc khi được làm việc ở Việt Nam bởi công ty của ông được tạo những điều kiện tuyệt vời nhất cho sản xuất. Theo ông, Việt Nam có chính phủ ổn định, người dân có trình độ cao và luôn có tinh thần cầu tiến.
Trong khi đó, hãng tin AP dẫn lời Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) Jim Yong Kim nhân chuyến thăm trung tuần tháng 7 vừa qua nhấn mạnh những thành quả đáng khâm phục của Việt Nam. “Những bài học của Việt Nam rất hữu ích cho các quốc gia khác và rất hữu ích với chúng tôi, giúp chúng tôi tài trợ để thực hiện mục tiêu chung là chấm dứt tình trạng nghèo cùng cực và xây dựng nền thịnh vượng chung. Việt Nam là một điển hình thành công trong phát triển và câu chuyện của Việt Nam cần phải được chia sẻ với toàn thế giới”, Chủ tịch WB Jim Yong Kim phát biểu./.
Hoàng Vũ (QĐND)