Thứ Hai, 30/9/2024
Tuyên giáo các cấp
Chủ Nhật, 28/8/2011 21:1'(GMT+7)

Vĩnh Linh quyết giữ vững danh hiệu huyện điển hình văn hóa

Sau hơn 7 năm phát động, mọi lĩnh vực đời sống xã hội của huyện đều có chuyển biến mạnh mẽ với nhiều khởi sắc tốt đẹp. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Vĩnh Linh đến năm 2010 đạt 15%, thu nhập đầu người đạt trên 15 triệu đồng (tăng 11 triệu đồng so với năm 2003). Giao thông nông thôn được bê tông hóa và nhựa hóa với hơn 322 km.

Cùng với sự phát triển của nền kinh tế, đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt. Cuộc vận động "Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa cơ sở" được các cấp, các ngành và quần chúng nhân dân tích cực hưởng ứng, trở thành phong trào quần chúng rộng lớn mang tính tự giác cao. Dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự điều hành, phối hợp nhịp nhàng giữa chính quyền với mặt trận và các đoàn thể, người dân đã biết phát huy truyền thống cách mạng hào hùng và những nét đẹp văn hóa để tạo động lực cho phong trào ngày càng phát triển. Đến nay, toàn huyện có 187/195 làng, bản, khóm phố, 100% cơ quan, trường học phát động xây dựng đơn vị văn hóa và 100% đơn vị phát động xây dựng đều đã được công nhận đạt chuẩn văn hóa. Các thiết chế văn hóa được đầu tư xây dựng ngày càng nhiều đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu hưởng thụ về văn hóa và đời sống tinh thần của nhân dân. Toàn huyện đã xây dựng được 95 cổng chào, 5 câu lạc bộ thơ nhạc, 35 câu lạc bộ phòng chống bạo lực gia đình, 180 làng có đội văn nghệ, 50% làng, khóm phố có tủ sách; nhiều mô hình liên kết bảo vệ tài sản, đấu tranh phòng chống tội phạm, phòng chống các tệ nạn xã hội ra đời. nông thôn.

Bên cạnh việc đóng góp kinh phí xây dựng các công trình phục vụ dân sinh và các thiết chế văn hóa, quyền dân chủ của nhân dân cũng được đề cao. Nhân dân được bàn bạc, quyết định những công việc ở cơ sở đúng pháp luật; nền nếp gia phong được củng cố, những tập tục lạc hậu như ma chay, đồng bóng giảm hẳn. Nhiều địa phương thực hiện tốt Chỉ thị 27 của Bộ Chính trị về việc cưới, việc tang, lễ hội. Nhiều làng, xã đã vận động nhân dân không tổ chức tiệc cưới linh đình, đám tang không mời rượu, không để linh cữu người chết trong nhà quá 48 tiếng đồng hồ. Phong trào toàn dân treo ảnh Bác Hồ được phát động khôi phục trở lại ở thị trấn Hồ Xá đã trở thành phong trào tự giác chung của nhân dân toàn huyện nhân các dịp Lễ, Tết và các sự kiện chính trị quan trọng.

Các hoạt động văn hóa văn nghệ, TDTT được đẩy mạnh. Hội diễn nghệ thuật quần chúng, CLB Văn nghệ; hội thi bơi, bóng chuyền, bóng đá, cầu lông; đại hội TDTT với hàng trăm đợt biểu diễn, hàng chục giải thi đấu đã thu hút sự tham gia hưởng ứng của đông đảo nhân dân. Các đội bóng đá, bóng chuyền cùng với sân bãi tập luyện, thi đấu; các đội văn nghệ và hệ thống nhà văn hóa đã phát huy tác dụng trong việc "đưa văn hóa thấm sâu vào từng khu dân cư" như Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX đã đề ra. Toàn huyện hiện có 165 sân bãi hoạt động thể thao, 187 sân bóng đá, bóng chuyền, hàng trăm đội và CLB văn nghệ. Có nhiều đơn vị 100% làng, khóm phố có nhà văn hóa. Nhiều làng đã thành lập được CLB văn nghệ luyện tập thường xuyên nên khi tham gia hội diễn cấp huyện, tỉnh đều đạt thứ hạng cao. 100% xã, thị trấn đã tổ chức hội diễn văn nghệ các làng văn hóa và đại hội TDTT cấp xã. Huyện đã tổ chức ngày hội văn hóa theo định kỳ 2 năm một lần vào dịp kỷ niệm ngày truyền thống của huyện (25/8). Nhiều di sản văn hóa phi vật thể được bảo tồn và phát triển như:“Hò chèo cạn” ở làng Tùng Luật (xã Vĩnh Giang), “Nói chuyện trạng” ở xã Vĩnh Tú, “Lễ hội cồng chiêng” ở xã Vĩnh Hà, “Múa trống” ở xã Vĩnh Nam. Những lễ hội truyền thống của nhiều địa phương được bảo tồn như: “Lễ hội cầu ngư” ở Vĩnh Giang, Vĩnh Thạch, “Hội đua thuyền truyền thống” ở thị trấn Cửa Tùng, Vĩnh Sơn, “Chơi bài chòi” ở thị trấn Hồ Xá, Vĩnh Hòa, “Chơi đu” ở Vĩnh Kim, “Hội rằm tháng Giêng” ở Vĩnh Long…

Hệ thống thư viện, bảo tàng ở huyện được củng cố. Đặc biệt các tủ sách ở cơ sở, tủ sách gia đình, tủ sách ông cháu cùng đọc đã phát huy tác dụng góp phần nâng cao nhận thức cho các tầng lớp nhân dân và đáp ứng nhu cầu thông tin cho người dân nhất là ở vùng sâu, vùng xa. 7 năm qua, nhiều di tích lịch sử được nhân dân huy động công sức, đóng góp tiền của để xây dựng, trùng tu, tôn tạo hoặc gắn bia tưởng niệm như Bến đò A Vĩnh Quang, Bến đò B Vĩnh Giang, Bia chiến thắng Hạ Cờ - Vĩnh Chấp, nơi thành lập 3 chi bộ Đảng đầu tiên ở Vĩnh Tú, Vĩnh Long, Vĩnh Lâm, các nghĩa trang liệt sỹ và nhà bia ghi danh liệt sỹ ở các xã...

Có thể khẳng định rằng cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở huyện Vĩnh Linh đã thu được những kết quả đáng khích lệ trên tất cả các lĩnh vực. Và ngày 19/8/2011, UBND tỉnh Quảng Trị đã ra quyết định công nhận huyện Vĩnh Linh đạt danh hiệu huyện điển hình văn hóa. Với bề dày truyền thống văn hóa và đấu tranh cách mạng của mình, chắc chắn Vĩnh Linh sẽ giữ vững và phát huy danh hiệu huyện điển hình văn hóa, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, trở thành đơn vị Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới.

Trần Thị Thu Hà (CTV)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất