Thứ Bảy, 23/11/2024
Giáo dục
Thứ Hai, 20/8/2018 10:1'(GMT+7)

Tránh lợi dụng chủ trương đúng để lạm thu

Ảnh minh họa (Nguồn: Báo Quảng Ninh)

Ảnh minh họa (Nguồn: Báo Quảng Ninh)

Câu chuyện miễn học phí cho học sinh THCS không phải bây giờ mới được đặt ra. Trước đó, vào đầu năm 2018, chính sách miễn học phí đối với các em ở bậc học này đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đưa vào dự án Luật Giáo dục sửa đổi, nhưng ít lâu sau bị đưa ra khỏi dự luật vì chưa nhận được sự ủng hộ. Lý do là bởi ngân sách Nhà nước còn nhiều khó khăn, việc miễn học phí cho học sinh THCS vào thời điểm này là chưa phù hợp.

Quả thực, việc miễn khoản học phí này có thể mỗi năm làm giảm thu ngân sách Nhà nước một khoản đáng kể, nhưng cái được lớn hơn, ý nghĩa hơn là động viên, khuyến khích các em, đặc biệt là con em thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ đồng bào DTTS ở vùng sâu, vùng xa tiếp tục được đến trường, đến lớp.

Chúng ta đã có chính sách miễn học phí đối với bậc tiểu học và đang đẩy mạnh quá trình phổ cập giáo dục trung học. Do vậy, việc miễn học phí đối với học sinh THCS là phù hợp với tinh thần Hiến pháp năm 2013 đã hiến định: “Phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu, Nhà nước ưu tiên đầu tư và thu hút các nguồn đầu tư khác cho giáo dục”. Được biết, trên thế giới hiện nay, nhiều nước đã thực hiện chính sách miễn học phí đối với học sinh bậc phổ thông.

Trung tuần tháng 8 vừa qua, trong buổi làm việc với Sở GD&ĐT Thành phố Hồ Chí Minh, người lãnh đạo cao nhất thành phố cho biết, Thành phố Hồ Chí Minh đã tính toán và cân đối ngân sách để có thể từ tháng 1/2019, học sinh bậc THCS của thành phố sẽ được miễn học phí.

Thành phố Hồ Chí Minh là “đầu tàu” về phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, người dân địa phương này có mức thu nhập cao nhất nhì cả nước, mà vẫn tiên phong bỏ khoản thu phí bậc học THCS. Vậy thì không có lý do gì các địa phương khác, nhất là những địa phương miền núi, địa phương nghèo lại không sớm bỏ khoản thu này để khích lệ, nâng đỡ các em học sinh khó khăn tiếp tục có cơ hội được đến trường học tập.

Việc Chính phủ đồng ý chủ trương miễn học phí cho học sinh THCS là nhân văn, hợp lòng dân.

Khi biết thông tin, nhiều bậc phụ huynh tỏ ra vui mừng, nhưng cũng bày tỏ sự lo ngại về việc nhiều trường lợi dụng chủ trương đúng đắn này để tiếp tục “vẽ ra” các khoản thu không phù hợp. Sự lo ngại này không phải không có cơ sở, vì những năm gần đây, nhiều vụ việc lạm thu ở cơ sở giáo dục khiến phụ huynh học sinh và dư luận rất bức xúc.

Những câu chuyện buồn như phụ huynh đòi quà giáo viên, phụ huynh tố cáo nhà trường đưa ra các khoản thu vô lý, thậm chí một số hiệu trưởng nhà trường đã bị kỷ luật, cách chức, xử lý hình sự cũng bắt nguồn từ việc lạm thu tràn lan, trái quy định, sai nguyên tắc.

Một nghiên cứu cách đây chưa lâu đã chỉ ra rằng, cha mẹ người Việt Nam luôn coi trọng tương lai giáo dục của con em. Nhiều gia đình đã chi tiêu cho giáo dục chiếm hơn 40% tổng chi tiêu của gia đình. Nhiều phụ huynh sẵn sàng hy sinh các ưu tiên cá nhân để tập trung lo việc học hành của con. Nhiều người cha, người mẹ đã không ngại vất vả gian khổ, vừa chịu khó làm lụng vừa chắt chiu từng đồng bạc lẻ để có tiền nuôi con ăn học đến nơi đến chốn.

Nhắc lại điều này để thấy rằng, việc miễn thu học phí, cũng như cắt giảm tối đa các khoản thu trong trường học, không chỉ góp phần giảm gánh nặng cho cha mẹ học sinh vào đầu năm học mới, mà còn góp phần thúc đẩy, chấn hưng sự nghiệp “trồng người” ở nước ta./.

Bảo Như (qdnd.vn)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất