Thứ Bảy, 27/7/2024
Văn hóa
Thứ Sáu, 24/1/2020 9:1'(GMT+7)

Vĩnh Phúc: Triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 33

NHỮNG KẾT QUẢ NỔI BẬT 

Việc chăm lo xây dựng con người Vĩnh Phúc phát triển toàn diện luôn được các cấp cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở chú trọng, quan tâm thực hiện. Đến nay, phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” tiếp tục được các nhà trường hưởng ứng mạnh mẽ, trong đó chú trọng đến các hoạt động đền ơn, đáp nghĩa, tri ân, chăm sóc các di tích lịch sử, văn hoá cách mạng; cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” được thực hiện có hiệu quả.

Bên cạnh đó, phong trào thi đua “Dạy tốt, học tốt” tiếp tục được duy trì và đạt được nhiều kết quả nổi bật: Ngành Giáo dục và Đào tạo tiếp tục sắp xếp quy mô mạng lưới trường, lớp giai đoạn 2016 - 2020 theo hướng hợp lý, hiệu quả, đến nay toàn tỉnh có 516 trường học, có 490/503 trường đạt chuẩn quốc gia (đạt tỷ lệ 97,4%). Mạng lưới trường lớp được giữ ổn định, cơ bản đáp ứng nhu cầu học của con em nhân dân trong tỉnh; tập trung chỉ đạo nâng cao chất lượng dinh dưỡng, chăm sóc sức khoẻ, vệ sinh an toàn thực phẩm trong các trường mầm non; khám sức khoẻ, cân đo trẻ đúng định kỳ, phối hợp chặt chẽ với gia đình, phụ huynh chăm sóc riêng trẻ bị suy dinh dưỡng. Triển khai đến 100% nhóm, lớp chương trình Giáo dục mầm non sau sửa đổi. Đổi mới phương pháp tổ chức hoạt động giáo dục, chú trọng đổi mới tổ chức môi trường giáo dục phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương, tạo cơ hội cho trẻ tích cực khám phá, trải nghiệm và sáng tạo. Chất lượng giáo dục đại trà và mũi nhọn tiếp tục được giữ vững. Chất lượng học sinh giỏi tiếp tục được giữ ổn định ở mức cao. 

Điểm bình quân kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia luôn giữ vững trong top đầu so với cả nước, năm 2017 xếp thứ 6 (5,72); năm 2018 xếp thứ 4 (5,40); năm 2019 xếp thứ 6 (5,81).  

Cùng với việc giáo dục về tư tưởng chính trị, đạo đức, tri thức khoa học, công tác giáo dục, rèn luyện thể chất, phát triển thể lực, nâng cao tầm vóc con người cũng được chú trọng. Nhiều câu lạc bộ (CLB) văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao được hình thành, duy trì và phát triển, thu hút đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân tham gia luyện tập ở các môn như: Quần vợt, Cầu lông, Bóng bàn, Bóng đá, Bóng chuyền hơi..., giúp nâng cao thể lực, tăng cường sức khỏe. Tiếp tục hoàn thiện thiết chế thể dục - thể thao gắn với thiết chế văn hóa, khu vui chơi giải trí, nâng cao sức khỏe cộng đồng, từng bước nâng cao thể lực, tầm vóc con người Vĩnh Phúc, gắn giáo dục thể chất với giáo dục tri thức, đạo đức, kỹ năng sống...

Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, được triển khai sâu rộng; hằng năm, các cấp ủy Đảng xây dựng kế hoạch và tổ chức quán triệt nội dung các chuyên đề, tỷ lệ đảng viên tham gia học tập đạt 95,5%. Sau học tập chuyên đề, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh đã nhận thức sâu sắc về tư tưởng và phong cách của Bác, từ đó tích cực học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách của Người để xây dựng nhân cách, văn hóa con người Vĩnh Phúc trong thời kỳ mới, góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII); qua đó, đã xây dựng được đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức từng bước đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Công tác giáo dục nghệ thuật, nâng cao năng lực cảm thụ thẩm mỹ cho nhân dân được tăng cường; Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với các địa phương dàn dựng các chương trình, vở diễn về đề tài vùng đất và con người Vĩnh Phúc, về truyền thống lịch sử, văn hóa của dân tộc… phục vụ các nhiệm vụ chính trị của tỉnh, chào mừng các ngày lễ lớn và phục vụ Nhân dân. 

Về xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” có sức lan toả sâu rộng được các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân hưởng ứng mạnh mẽ, đạt hiệu quả cao; tỷ lệ làng văn hóa, gia đình văn hóa, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa hàng năm trên địa bàn tỉnh đều đạt cao. 

 Năm 2018, 89,4% tỷ lệ số hộ đạt gia đình văn hóa; 86,9% tỷ lệ làng, thôn, khu phố văn hóa; 88,67% tỷ lệ cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa. 

Nhằm cụ thể hoá Nghị quyết số 33-NQ/TW và Chương trình hành động của Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân tỉnh, hầu hết các đám cưới đã được đơn giản hóa về thủ tục, tổ chức trang trọng, tiết kiệm phù hợp với thuần phong, mỹ tục và điều kiện kinh tế của mỗi gia đình. Các hủ tục lạc hậu trong việc tang cơ bản đã được loại bỏ. Việc thực hiện quy ước sử dụng vòng hoa chung, luân chuyển, từng bước được thực hiện và đạt được kết quả bước đầu. Công tác quy hoạch, quản lý và đầu tư nâng cấp chỉnh trang nghĩa trang được chính quyền ở các địa phương quan tâm. Việc chôn cất tại nghĩa trang nhân dân được thực hiện theo đúng theo quy định của Ủy ban nhân dân tỉnh. Công tác tổ chức và quản lý lễ hội trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực, các lễ hội truyền thống được tổ chức đúng nghi lễ, phát huy được các giá trị văn hóa truyền thống; nhiều trò chơi, trò diễn dân gian truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa được khôi phục như: vật dân tộc, cờ người, kéo co, trình diễn nghề… Một số lễ hội phát huy tốt công tác xã hội hóa, tạo nguồn lực tôn tạo di tích lịch sử - văn hóa và mở rộng, nâng cao quy mô lễ hội, thu hút khách tham quan trong và ngoài nước, điển hình như: Lễ hội Tây Thiên, Lễ hội Đền Thính, Lễ hội Chọi trâu Hải Lựu… 

Về xây dựng văn hoá trong chính trị và kinh tế, công tác xây dựng văn hóa trong các tổ chức Đảng, trong các cơ quan Nhà nước, MTTQ và tổ chức chính trị - xã hội được quan tâm, chú trọng, coi đây là “nhân tố” quan trọng để xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Trong đó, trọng tâm là xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức có phẩm chất đạo đức, có năng lực trình độ, tận tuỵ, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Đồng thời, việc xây dựng văn hóa trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp quan tâm được Ban Thường vụ Tỉnh ủy quan tâm chỉ đạo và đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách chăm lo đến đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, công nhân, người lao động; coi con người thực sự là trung tâm trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh phong trào xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân đã phát triển rộng rãi, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả trong sản xuất và kinh doanh dịch vụ. 

Về nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động văn hoá, trong những năm qua, công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá truyền thống được các cấp uỷ Đảng, chính quyền tích cực chỉ đạo thực hiện. 

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 1.306 di tích lịch sử, văn hóa. Có 455 di tích đã được lập hồ sơ và công nhận xếp hạng, trong đó có 66 di tích xếp hạng cấp quốc gia, 387 di tích xếp hạng cấp tỉnh, có 1 bảo vật quốc gia và 3 di tích quốc gia đặc biệt. Công tác tu bổ, tôn tạo các di tích đã xuống cấp được tỉnh quan tâm chỉ đạo, sử dụng từ nguồn ngân sách hàng năm và đặc biệt huy động từ nguồn xã hội hóa; nhiều di tích được đầu tư tôn tạo lớn, trong đó có các di tích trọng điểm. 

Ngoài các di tích vật thể, Vĩnh Phúc còn có hệ thống văn hóa phi vật thể phong phú và đa dạng. Toàn tỉnh, có 399 lễ hội truyền thống, 24 làng nghề thủ công, 9 hình thức nghệ thuật trình diễn dân gian như chèo, tuồng, ca trù, hát xoan, trống quân, sịnh ca, sọng cô và 33 món ẩm thực đặc sắc.... 

Vĩnh Phúc đã triển khai đồng bộ công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể thông qua việc nghiên cứu, sưu tầm, kiểm kê, xây dựng hồ sơ di sản và tổ chức các hoạt động thực hành di sản; triển khai các giải pháp bảo tồn, phục vụ công tác giáo dục truyền thống, quảng bá phát triển du lịch và góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc. 

Năm 2015, Trò Kéo song ở thị trấn Hương Canh, huyện Bình Xuyên được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại; Tháp Bình Sơn, huyện Sông Lô và Khu di tích danh thắng Tây Thiên được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt. Năm 2018, Tháp gốm chùa Trò, huyện Yên Lạc được công nhận Bảo vật quốc gia và Đình Thổ Tang, huyện Vĩnh Tường được công nhận Di tích quốc gia đặc biệt. Các dự án trọng điểm như: Nhà hát tỉnh Vĩnh Phúc; Khu công viên quảng trường tỉnh Vĩnh Phúc; Văn miếu tỉnh Vĩnh Phúc; khu danh thắng Tây Thiên; Đề án xây dựng Làng văn hóa dân tộc Sán Dìu và phát triển du lịch cộng đồng...). 

 Lĩnh vực văn học nghệ thuật tiếp tục có bước phát triển tích cực, không ngừng đổi mới nội dung, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động văn hóa trên địa bàn tỉnh. Tỉnh ủy, UBND tỉnh luôn tạo điều kiện để khuyến khích đội ngũ văn nghệ sĩ phát huy tài năng, năng lực sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật về vùng đất và con người Vĩnh Phúc. Hằng năm, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh có từ 25-30 tuyển tập được xuất bản; 19-24 tác phẩm đoạt giải thưởng khu vực, trong nước và quốc tế.

Trong những năm qua, Vĩnh Phúc tăng cường công tác quản lý Nhà nước và chú trọng phát triển công nghiệp văn hóa của tỉnh trên các lĩnh vực chủ yếu như: Quảng cáo, mỹ thuật, âm nhạc, nghệ thuật biểu diễn, du lịch... nhằm khai thác những tiềm năng và giá trị đặc sắc của văn hóa Vĩnh Phúc. Đồng thời, tỉnh cũng tích cực tham gia quảng bá, xúc tiến du lịch trong và ngoài nước. Tăng cường và mở rộng giao lưu các hoạt động văn hóa như: Tham gia Liên hoan tuyên truyền lưu động toàn quốc, Liên hoan Nghệ thuật quần chúng “Tiếng hát làng Sen”, Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc khu vực Đông Bắc lần thứ IX năm 2015 tại Bắc Kạn; tham gia cuộc thi ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc tại Bà Rịa - Vũng Tàu; Năm 2017 tỉnh Vĩnh Phúc đăng cai tổ chức thành công Triển lãm Mỹ thuật khu vực III (Tây Bắc - Việt Bắc) lần thứ 22, các kỳ liên hoan, triển lãm, cuộc thi khu vực, toàn quốc, quốc tế... đã góp phần quảng bá hình ảnh, sản phẩm văn hóa đặc sắc của đất và người Vĩnh Phúc với bạn bè trong nước và quốc tế. 

Từ năm 2014 đến nay, tỉnh đã đăng cai nhiều sự kiện văn hóa - nghệ thuật quốc tế lớn như: tổ chức các chương trình giao lưu văn hóa nghệ thuật với các ban nhạc trên thế giới như: Ban nhạc Amigos - sứ giả âm nhạc của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ; Dàn đồng ca nam của Mỹ; Đoàn Múa Odissi Ấn Độ. Tỉnh phối hợp với các cơ quan Trung ương, các tỉnh, thành phố tổ chức nhiều sự kiện văn hóa nghệ thuật quy mô cấp quốc gia và quốc tế. So với giai đoạn trước, quan hệ hợp tác về lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật được tăng cường, đặc biệt trong lĩnh vực giao lưu biểu diễn nghệ thuật. Đồng thời, tỉnh Vĩnh Phúc đã tổ chức nhiều hoạt động nghiên cứu khoa học như hội thảo khoa học, phát hành nhiều đầu sách về các lĩnh vực thuộc văn hoá, di tích, di sản, nghiên cứu lễ hội... phối hợp với các cơ quan, đơn vị nghiên cứu Trung ương tổ chức khảo sát, nghiên cứu về di sản văn hóa, nghệ thuật biểu diễn, thư viện, trưng bày, khai quật di chỉ văn hóa trên địa bàn tỉnh. Hoạt động nghiên cứu bảo tồn và phát huy di sản văn hóa vật thể và di sản văn hóa phi vật thể chiếm tỉ trọng lớn, thu được nhiều kết quả quan trọng. Các đề tài được triển khai nghiên cứu và tổ chức hội thảo khoa học làm rõ các vấn đề, sự kiện về lịch sử, văn hoá nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hoá của tỉnh: Hội thảo về “Văn miếu và truyền thống hiếu học ở Vĩnh Phúc” , Hội thảo “Tam Đảo - Di sản văn hoá và Tiềm năng du lịch”, Hội thảo “Quốc Mẫu Tây Thiên trong đạo Mẫu Việt Nam” , Hội thảo “Chiến thắng Ghềnh Khoan Bộ - Sông Lô thu đông năm 1947”, Hội thảo “Nhà Mạc và Hậu duệ trên đất Vĩnh Phúc”....

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc còn bộc lộ những hạn chế như sau: Một số cấp ủy, chính quyền cơ sở, cơ quan đơn vị chưa thực sự đặt văn hóa ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị chung của cơ quan, đơn vị mình nên dẫn đến hiệu quả thực hiện Nghị quyết còn những hạn chế nhất định. Công tác triển khai giải phóng mặt bằng để dành quỹ đất xây dựng thiết chế văn hoá ở một số địa phương còn chậm. Việc sử dụng các thiết chế văn hoá có nơi còn chưa hiệu quả. Công tác xã hội hóa còn hạn chế, việc thu hút nguồn lực tham gia phát triển công nghiệp văn hóa còn bất cập, thị trường văn hóa quy mô còn nhỏ, lẻ, chưa phát triển. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” đôi lúc còn mang tính hình thức. Việc xây dựng và thực hiện các quy chế, quy ước văn hoá cộng đồng, văn hoá công sở còn hạn chế. Việc đấu tranh chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại, gây hủy hoại đạo đức hiệu quả chưa cao (chủ yếu là trên không gian mạng xã hội).

Các tệ nạn xã hội còn diễn biến phức tạp (ma túy, mại dâm, cờ bạc, các trò chơi điện tử,..) ảnh hưởng không nhỏ đến văn hoá gia đình, việc giáo dục nhân cách, xây dựng con người Việt Nam, nhất là giới trẻ học sinh, sinh viên trước yêu cầu mới. Công tác thanh tra, kiểm tra xử lý các vi phạm trong hoạt động văn hóa chưa thường xuyên. Chất lượng các hoạt động văn hóa, dịch vụ văn hóa chưa cao, chưa thật sự đáp ứng được nhu cầu hưởng thụ của Nhân dân. Các loại hình nghệ thuật mang bản sắc văn hóa truyền thống tuy được khôi phục nhưng chưa nhiều. 

NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU THỜI GIAN TỚI

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 9/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương (khoá XI) “về xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” và Chương trình hành động số 74-CTr/TU, ngày 25/8/2014 của Tỉnh ủy, trong thời gian tới, tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục thực hiện một số nhiệm vụ và giải pháp sau:

Một là, tiếp tục quán triệt, tuyên truyền sâu rộng và triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 33-NQ/TW, Chương trình hành động số 74-CTr/TU, nâng cao nhận thức của hệ thống chính trị về vai trò, vị trí của sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam. Các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể, các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục quán triệt sâu sắc 5 quan điểm chỉ đạo, 6 nhóm nhiệm vụ và 4 giải pháp về xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước đã nêu trong Nghị quyết. 

Hai là, triển khai sâu rộng nhiệm vụ xây dựng Đảng về đạo đức gắn việc thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW với Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp. Chỉ đạo các tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên thực hiện tốt Quy định số 101-QĐ/TW, ngày 07/6/2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI) về “Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt các cấp”, Quy định số 55-QĐ/TW, ngày 19/12/2016 của Bộ Chính trị (khóa XII) và Quy định số 05-QĐ/TU, ngày 20/11/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về “trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên nhất là cán bộ chủ chốt các cấp gắn với thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TW, của Ban Chấp hành Trung ương về một số việc cần làm ngay để thực hiện vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên”. Tăng cường tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với nhân dân, xử lý đúng đắn, kịp thời các kiến nghị, khiếu nại chính đáng của nhân dân.

Ba là, tiếp tục xây dựng kế hoạch học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và cam kết rèn luyện, giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống, không suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" năm 2019 và những năm tiếp theo; rà soát, bổ sung các chuẩn mực đạo đức của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức các ngành, cơ quan, đơn vị, gắn với thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW và trách nhiệm cụ thể của cán bộ, đảng viên, người đứng đầu trong thực hiện nhiệm vụ.

Bốn là, đổi mới, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về văn hóa phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế hiện nay; cụ thể hóa các quan điểm, đường lối của Đảng về văn hóa, ban hành các văn bản phù hợp với điều kiện và thực tiễn của địa phương. Chủ động đấu tranh phòng, chống các biểu hiện suy thoái về tư tưởng, đạo đức, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trên lĩnh vực văn hóa.

Năm là, coi trọng quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí cán bộ lãnh đạo quản lý văn hóa đúng thực chất; xây dựng chiến lược phát triển đội ngũ cán bộ văn hóa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Tăng cường đầu tư nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn để nâng cao khả năng dự báo và định hướng phát triển văn hóa, xây dựng con người tại địa phương. Sử dụng hiệu quả, công khai, minh bạch nguồn đầu tư từ ngân sách nhà nước và có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên bảo tồn văn hóa truyền thống, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Sáu là, đẩy mạnh công tác xã hội hóa nhằm huy động các nguồn lực đầu tư cho phát triển văn hóa và phát triển con người. Nâng cao chất lượng cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” từ tỉnh đến cơ sở. Duy trì hoạt động của các CLB văn hóa, thể dục thể thao; tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao thiết thực, thu hút đông đảo người dân tham gia.

Bảy là, tiếp tục triển khai thực hiện và tạo sự chuyển biến tích cực hơn nữa trong thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, mừng thọ và kỷ niệm các ngày truyền thống theo tinh thần Chỉ thị 27-CT/TW của Bộ Chính trị, Chỉ thị 03-CT/TU và Chỉ thị 11-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy gắn với việc thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và các phong trào thi đua yêu nước khác.

Tám là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW, Chương trình hành động số 74-CTr/TU và Chỉ thị 11-CT/TU của Tỉnh ủy đối với các tổ chức Đảng, đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức. Biểu dương, nhân rộng các tập thể, cá nhân tiêu biểu, điển hình thực hiện tốt Nghị quyết và Chỉ thị của Đảng về văn hóa, tạo sức lan tỏa trong các tầng lớp Nhân dân. Đồng thời, cần nhắc nhở, phê bình những tập thể, cá nhân không thực hiện nghiêm, vi phạm các Nghị quyết, Chỉ thị và các Chương trình hành động của tỉnh./.

Trần Minh Nguyệt
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Vĩnh Phúc 

 
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất