Thứ Bảy, 28/9/2024
Văn hóa
Thứ Năm, 14/1/2016 21:55'(GMT+7)

Vở cải lương "Hừng Đông": Dấu ấn thành công từ sự tâm huyết và sáng tạo

Một cảnh trong vở diễn Hừng Đông

Một cảnh trong vở diễn Hừng Đông

 Có lẽ không ít khán giả khi cầm trên tay tấm vé “Hừng Đông” cùng tâm trạng như chúng tôi, lo lắng bởi với đề tài lịch sử cách mạng, khắc họa hình tượng nhân vật Phan Đăng Lưu – một trong những lãnh tụ tiền bối của Đảng, nếu không khéo léo trong dàn dựng, biểu diễn, rất dễ dẫn tới khô cứng, hoặc bị “chính trị hóa”, khó lôi cuốn người xem.

Nhưng rồi, thật lạ, bởi đông đảo khán giả, trong đó có chúng tôi bị “cuốn” vào với “Hừng Đông”  trong gần 150 phút, với 7 lần chuyển cảnh, “cuốn” một cách thực sự, từ cách cách dàn dựng, biểu diễn, từ việc khắc họa nhân vật chính đến sự kết nối với các tuyến nhân vật lịch sử khác, rồi cả sự pha trộn khéo léo giữa nghệ thuật cải lương và nghệ thuật đường phố. “Cuốn” và “cảm” với Hừng Đông một cách tự nhiên và dung dị…

 
Cảnh Phan Đăng Lưu tìm gặp cụ Phan Bội Châu tại Huế

 

Kịch bản văn học “Hừng Đông” có tên gọi ban đầu là “Ngọn đèn trước hừng đông” được PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ  ấp ủ cách đây khá lâu, nhưng nếu chính thức đặt bút thì khoảng chừng hai năm. Ông chia sẻ với chúng tôi, ông viết Hừng Đông không chỉ bởi niềm tự hào của người con đất Yên Thành, Nghệ An thôi thúc (Phan Đăng Lưu sinh ra ở thôn Đông, xã Tràng Thành, nay là xã Hoa Thành), huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An, là quê gốc của PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ), mà ông còn bị cuốn hút bởi cuộc đời hoạt động cách mạng đầy gian truân và rất đỗi bi hùng của Phan Đăng Lưu. Phan Đăng Lưu là người chiến sĩ cộng sản, nhà lãnh kiên trung, xuất sắc, mẫu mực, có tầm nhìn xa trông rộng, mưu lược, khôn khéo, bản lĩnh, nhân văn, xả thân vì nghĩa lớn; ông còn là nhà báo, nhà văn, một nhà lý luận tiên phong xuất sắc, tiêu biểu của Đảng và cách mạng nước ta. Trí tuệ, bản lĩnh, tài năng, đạo đức và nhân cách lớn của ông đã góp phần xuất sắc cho Đảng, cho cách mạng, cho nhân dân ở một giai đoạn đầy vẻ vang, đầy bão táp, tạo tiền đề quan trọng tiến tới Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công. Trong những giai đoạn khó khăn nhất của đất nước, trong khi những người cộng sản khác đấu tranh bằng nhiều cách khác nhau, Phan Đăng Lưu đã chọn báo chí, văn hóa, văn nghệ làm vũ khí đấu tranh hiệu quả.  


 
 Cảnh Phan Đăng Lưu đấu tranh trong nhà đày Buôn Mê Thuột



Từ nhà sách Phan Hải Tùng Thư (do ông cùng Đào Duy Anh và lãnh đạo Đảng Tân Việt ở Huế thành lập), Thường vụ Tổng bộ phụ trách tuyên truyền Phan Đăng Lưu với kiến thức Hán học và tiếng Pháp đã dịch và biên soạn nhiều tư liệu quý như: A.B.C Chủ  nghĩa Mác, “Dân chủ mới”; dịch các cuốn “Xã hội luận”, “Lược sử các học thuyết kinh tế”…; đến Doãn Đê Tù báo ra đời trong những năm tháng Phan Đăng Lưu bị lưu đày ở nhà tù Buôn Mê Thuột (tiếng Ê Đê, Doãn là từ chỉ người Kinh, người miền xuôi; rồi Sông Hương tục bản – với dấu ấn tác giả Nghị Toét (bút danh của Phan Đăng Lưu) trong mục “Chiếu điện” vạch mặt, chỉ tên bọn tay sai bán dân hại nước; tờ Dân của Xứ ủy Trung Kỳ đã kết hợp chặt chẽ với các đại biểu tiến bộ trong Viện Dân biểu và phong trào cách mạng của quần chúng, tạo nên sức mạnh to lớn chống sưu cao, thuế nặng, chống áp bức, bất công, đòi tự do ngôn luận, đặc biệt là đánh bại dự án Thuế thân và dự án Thuế điền thổ do khâm sứ Trung Kỳ đưa ra, làm rung chuyển bộ máy cai trị ở chính nơi đầu não của chúng;  tờ Dân Tiến với tuyên ngôn “Dân là dân, tiến là tiến tới. Dân tiến là dân tiến tới, dân cứ đi mãi. Dân có bị giết chết, bị tù, bị phạt, bị đói… dân vẫn cứ sống, vẫn cứ tới”; hay tờ Dân muốn giai đoạn sau này…đều mang những dấu ấn đậm nét của người chiến sỹ, nhà báo cách mạng Phan Đăng Lưu. Là người rất gần gũi với Phan Bội Châu, được coi là Thư ký của cụ Phan, Phan Đăng Lưu còn động viên, giúp việc để cụ Phan hoàn thành cuốn sách “Phan Bội Châu niên biểu”. Phan Đăng Lưu cũng là người có ảnh hưởng sâu sắc đến những người hoạt động cách mạng ở Nghệ Tĩnh và Huế lúc đó như: Trịnh Xuân An, Tôn Quang Phiệt, Trịnh Quang Xuân, Hà Thế Hanh hay lớp thanh niên yêu nước như: Tố Hữu, Trần Tống, Trần Quỳnh, Nguyễn Chí Thanh…

Những nét phác họa cùng nhiều dấu ấn đậm nét về nhà lãnh đạo tiền bối Phan Đăng Lưu đã được PGS.TS. Nguyễn Thế Kỷ chắt lọc đưa vào hơn 100 trang kịch bản, trong đó, chi tiết hóa đầy đủ những gợi ý từ những yếu tố nhỏ nhất như: âm thanh, ánh sáng, thiết kế sân khấu…Theo NSƯT, đạo diễn Triệu Trung Kiên, đây thực sự là kịch bản đặc biệt tâm huyết của PGS. TS. Nguyễn Thế Kỷ. Sự tâm huyết đó thể hiện trong mỗi trang viết, mỗi chỉ định trong kịch bản, rồi những lời dặn dò tỉ mỉ và cẩn trọng tới những chi tiết, lời thoại mang tính lịch sử. Điều đó đã góp phần hỗ trợ đạo diễn rất nhiều trong quá trình sáng tạo nghệ thuật. Chưa kể việc “Hừng Đông” là vở diễn thứ ba có sự kết hợp giữa PGS.TS. Nguyễn Thế Kỷ và đạo diễn, NSƯT Triệu Trung Kiên. Trước đó, “Chuyện tình Khâu Vai” và “Mai Hắc Đế” đã tạo được những dấu ấn khó phai mờ trong lòng công chúng mộ điệu, cũng như được giới sân khấu đánh giá cao. Và thực tế, lần gặp gỡ thứ ba này, những tâm huyết, gửi gắm của tác giả trong kịch bản đã được đạo diễn trẻ “có nghề” Triệu Trung Kiên thẩm thấu, sáng tạo một tác phẩm sân khấu thực sự lôi cuốn từ phút đầu đến khi tấm màn nhung khép lại.



              Cảnh bà con Nam Bộ ngụy trang
biểu diễn đàn ca tài tử để tập hợp lực lượng
 




Người xem được dẫn dắt đi từ cảnh diễn đầu tiên đến cảnh diễn cuối cùng, khóc, cười cùng các tuyến nhân vật. Đặc biệt xúc động là cảnh diễn tại Nhà tù Buôn Mê Thuột khi Phan Đăng Lưu cùng đồng đội đối diện những đòn tra tấn dã man của kẻ thù, cảnh bà con Nam Bộ ngụy trang diễn đờn ca tài tử để che mắt giặc, cảnh cuối khi Phan Đăng Lưu bị giặc áp giải trên đường phố Nam Kỳ, chứng kiến khởi nghĩa Nam Kỳ bị dìm trong bể máu… Nhiều chi tiết đắt giá được NSƯT, đạo diễn Triệu Trung Kiên dàn dựng khéo léo, lấy được cảm xúc lắng đọng của người xem, từ điệu Dạ cổ hoài lang ngân lên trong nước mắt cô gái chứng kiến người yêu của mình hy sinh, đến khúc dân ca Bắc Bộ Bèo dạt mây trôi được những người tù nhà đày Buôn Mê Thuột hát trong đêm đưa người chiến sỹ cách mạng dân tộc Ê đê về với đất mẹ …Nhân vật vợ Phan Đăng Lưu với những tình tiết rất đời thường, rất …tự dưng…tạo thành nét chấm phá nhẹ nhàng, tươi mát cho vở diễn.

 
 Cảnh Phan Đăng Lưu cùng các chiến sỹ cách mạng bị giặc tra tấn dã man
trong Nhà tù Buôn Ma Thuột

 
 
 
 
 


Không thể không kể đến một chi tiết có thực trong lịch sử được tả chân trong cảnh Hội nghị Trung ương ở Đình Bảng.  Khi được đề cử vào vị trí Tổng Bí thư của Đảng, Phan Đăng Lưu đã khiêm nhường từ chối bởi đồng bào miền Nam đang cần ông - một người am hiểu tình hình ở đó và ông đã tiến cử đồng chí Đặng Xuân Khu (tức Trường Chinh) làm quyền Tổng Bí thư. Dù dự báo khởi nghĩa Nam Kỳ khó khăn, ông có thể bị bắt và tử hình, nhưng Phan Đăng Lưu vẫn một mực xung phong nhận nhiệm vụ đó.

 
  Cảnh Hội nghị Trung ương ở Đình Bảng.

 

Xem “Hừng Đông”, nhiều khán giả cũng tỏ ra ngạc nhiên khi sự kết hợp giữa nghệ thuật cải lương và nghệ thuật đường phố khá nhuần nhuyễn. Nói về điều này, NSƯT, đạo diễn Triệu Trung Kiên cho biết: Mỗi vở diễn luôn cần có một kiểu sáng tạo độc đáo khác nhau và đó là điều người đạo diễn hướng tới. Tôi muốn mang đến “Hừng Đông” một một hơi thở mới, diện mạo mới. Chính vì vậy, tôi chọn cách đưa nghệ thuật của giới trẻ, đưa âm nhạc đường phố lồng vào khéo léo và kỹ lưỡng qua từng cảnh diễn. Sâu xa hơn, tôi mong muốn giới trẻ được tham gia vào việc thực hiện những tác phẩm, những vở diễn lịch sử ý nghĩa như thế này, để chính các bạn sẽ xích lại gần hơn với nghệ thuật dân tộc. Chắc chắn, điều đó sẽ không chỉ xuất hiện ở “Hừng Đông”, mà sẽ còn có những cách xuất hiện khác nhau trong những vở diễn tới đây của Nhà hát Cải lương Trung ương”. Cũng theo đạo diễn Triệu Trung Kiên, các thành viên ban nhạc đường phố HUB thời điểm ban đầu còn nhiều e ngại khi tham gia, nhưng trải qua một tháng tham gia tập với lịch dày đặc, sáng, chiều và tối, thậm chí thâu đêm, các bạn đã thực sự bị cuốn theo với một phong cách làm nghệ thuật chuyên nghiệp, nghiêm túc. Việc sử dụng chất liệu âm nhạc War Music, và kết hợp làm mới âm nhạc dân gian, âm nhạc truyền thống của các vùng miền để từ đó, phát triển cho phù hợp với vở cải lương đã được HUB thể hiện khá hiệu quả, góp phần vào sự thành công của “Hừng Đông”.

 Ban nhạc đường phố HUB trong vở Hừng Đông

Nhắc đến dấu ấn của “Hừng Đông”, không thể không nhắc tới tập thể diễn viên Đoàn 1, Nhà hát cải lương Trung ương, đặc biệt là sự xuất sắc của nghệ sỹ Quang Khải với vai diễn Phan Đăng Lưu.

Trở về sau Cuộc thi Nghệ thuật sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc năm 2015 với tấm Huy chương vàng trong vai diễn Mai Hắc Đế, nghệ sỹ Quang Khải lại bắt tay ngay vào tập luyện với vai diễn Phan Đăng Lưu chỉ trong thời gian rất ngắn. Lên kế hoạch giảm gần 10 kg để vào vai; tìm kiếm tư liệu lịch sử liên quan đến nhân vật để “thấm thấu” vai cho thật sắc; tìm đến nhà, thắp hương tưởng nhớ cụ Phan Đăng Lưu và gặp gỡ gia đình con, cháu của cụ để được lắng nghe những chia sẻ chân tình cũng như hiểu hơn những ký ức về nhà lãnh đạo tiền bối của Đảng…là những gì Quang Khải đã làm để chuẩn bị tâm thế cho một vai diễn được đánh giá là khá nặng. Với bản lĩnh và kinh nghiệm sân khấu, nghệ sỹ Quang Khải đã chọn một lối diễn mộc mạc, dung dị, không khô cứng, lên gân trong “Hừng Đông”. Anh chia sẻ, có những cảnh diễn, nghệ sỹ chỉ cần “cảm” cũng đủ để khán giả lặng đi vì xúc động, như cảnh diễn trong ngục tù Buôn Mê Thuột, cảnh chia tay các đồng chí Trung ương sau Hội nghị Trung ương ở Đình Bảng, cảnh ghé ngang nhà trước khi vào Nam… Một trong những thử thách mà các nghệ sỹ cũng như Quang Khải gặp phải khi nhập vai, đó là nếu như ở các vở diễn khác, đa phần thoại viết theo lối văn biền ngẫu, âm vần dễ thuộc, thì ở “Hừng Đông”, lời thoại của nhân vật viết theo ngôn ngữ chính trị, tuyên truyền, gắn với các sự kiện, tên gọi lịch sử. Cảnh trong Nhà tù Buôn Ma Thuột, nhân vật Phan Đăng Lưu phải nói tiếng Ê đê. Quang Khải đã phải nghiền ngẫm, nghe tiếng Ê đê, nói lại nhiều lần và chỉnh âm vực cho chuẩn để có thể nói đúng ngôn ngữ dân tộc. 

 
 Phan Đăng Lưu cùng các chiến sỹ cách mạng khác
 đã hy sinh anh dũng trước hừng đông của độc lập, tự do

 

Ba đêm công diễn không còn chỗ trống trong hàng ghế khán giả, những tràng pháo tay không ngớt, những ánh mắt ngấn lệ trong những trường đoạn cao trào, những lời động viên, khen ngợi sau đêm diễn, đã góp phần khẳng định vở diễn đã thành công và đi được vào lòng công chúng. Đó là món quà vô giá dành cho tác giả kịch bản, đạo diễn, e kip thực hiện cũng  như anh em nghệ sỹ trong đoàn, ban nhạc đường phố HUB …Đó cũng là minh chứng khẳng định, các đề tài cách mạng, lịch sử khi được chuyển thể thành tác phẩm nghệ thuật, với sự tâm huyết, sáng tạo của những người thực hiện, chắc chắn sẽ luôn có sức lan tỏa rộng rãi trong nhân dân./.

Song Minh - Nam Hải



 

 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất