Trong khi Mỹ khẳng định sẵn sàng đàm phán với Iran một cách vô điều kiện, Iran lại đặt điều kiện để hai bên ngồi vào bàn thương lượng. Trong bối cảnh Mỹ và Iran leo thang căng thẳng, có những lúc tưởng như chiến tranh tới nơi, hẳn không ít người vội trách Nhà nước Hồi giáo sao lại thiếu thiện chí trong lúc “nước sôi lửa bỏng” như vậy.
Bởi cái gọi là “vô điều kiện” của Mỹ cũng chưa hẳn là đàm phán sẽ diễn
ra dễ dàng. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo một mặt nói là đàm phán “vô điều
kiện", mặt khác lại cảnh báo Mỹ sẽ tiếp tục gây sức ép để kiềm chế hành
động của Iran.
“Vô điều kiện” mà như thế, khác nào đặt Nhà nước Hồi
giáo trước một tình huống vô cùng khó xử. Bởi Iran đặt điều kiện tiên
quyết cho đàm phán là thỏa thuận hạt nhân lịch sử mà Mỹ đơn phương rời
bỏ năm 2015, phải được thực thi. Theo đó, Mỹ cần chấm dứt các hành động
trừng phạt về kinh tế nhằm vào Tehran.
Đàm phán sao có thể diễn ra nếu cả hai đều “giữ miếng” như vậy! Nhưng
dẫu sao cũng cần ghi nhận, với Iran, còn đặt điều kiện đàm phán có nghĩa
là còn muốn đối thoại thay vì chiến tranh.
Về phần Mỹ, đây là lần đầu
tiên Washington tỏ rõ quan điểm đàm phán với Iran mà không cần điều
kiện, kể từ sau khi đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân lịch sử năm
2015. Còn trước đấy, mọi cánh cửa đàm phán bên phía Mỹ đều gần như đóng
chặt.
Xét ra điều kiện của Iran cũng không có gì là quá, vì không cuộc đàm
phán nào có thể diễn ra nếu một bên còn giữ thái độ thù địch và đe dọa
đối tác. Chưa kể thỏa thuận năm 2015 là một thỏa ước quốc tế rất cần
được các bên tuân thủ. Nếu không, giả dụ hai bên đàm phán và đạt thỏa
thuận nào đó, cũng chẳng có gì bảo đảm thỏa ước chung này không bị đơn
phương phá bỏ một lần nữa.
Nên xem ra “vô điều kiện” cũng chẳng bằng
điều kiện để hai bên tỏ rõ thiện chí, ngồi vào bàn đàm phán trên tinh
thần tôn trọng lẫn nhau cũng như tuân thủ các giao ước chung./.
Hạnh Nguyên (qdnd.vn)