Việc
tiến hành các thủ tục, quy trình tố tụng của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an
tỉnh Nghệ An đều dựa trên quy định của pháp luật tố tụng hình sự, đảm bảo đúng
người, đúng tội, đúng pháp luật.
Then cửa buồng tạm giam rít lên một tiếng, cánh cửa lịch xịch hé mở, Ngô Văn
Khởi, Nguyễn Văn Hải - hai bị can trong vụ án gây rối trật tự công cộng tại Giáo
họ Trại Gáo, Giáo xứ Mỹ Yên thuộc xã Nghi Phương, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An,
vồn vã theo chân người sỹ quan cảnh sát tới phòng lấy cung, bắt đầu cuộc gặp gỡ
các nhà báo.
Hành vi phạm tội
Trước ống kính máy quay, kể lại chi tiết những hành vi của mình trong buổi tối
23/5/2013, tích cực tham gia cùng một số giáo dân khống chế, đánh đập gây thương
tích, giam giữ trái pháp luật 3 cán bộ công an; bao vây, hủy hoại tài sản nhà
anh Đậu Văn Sơn, xã đội trưởng xã Nghi Phương, Khởi và Hải thẳng thắn bày tỏ sự
ăn năn hối lỗi và nhận thức một cách rõ ràng hành vi phạm tội của mình.
Tài liệu điều tra, nhân chứng tại hiện trường và bản tự khai của bị can đã chứng
minh một cách cụ thể và hết sức thuyết phục những hành vi kích động, gây rối của
Ngô Văn Khởi và Nguyễn Văn Hải.
Tại cơ quan điều tra, Hải khai: “Nghe tiếng ồn ào ngoài đường 534, tôi cầm cái
xuổng theo đường 534 chạy ngược lên cửa nhà anh Phương Cầm (một người dân trong
vùng - PV), trong khi đó người ở đó cũng đã đông rồi. Tôi cũng không hỏi chuyện
gì, tôi đã nói với họ: ‘Bắt được thì đập chết đi." Đầu đuôi câu chuyện như thế
nào tôi cũng không biết được cho nên khi đó tôi đã hô như vậy và đứng ở chỗ cửa
nhà anh Phương Cầm một tí khoảng chừng 4 đến 5 phút rồi cùng với đoàn người đó
đi ngược lên đường để đi vào hộ dân.”
Lần thứ 2, Nguyễn Văn Hải hô ở gần cổng nhà anh Sơn hai lần với nội dung: “Bắt
được thì đập chết đi”!.
Hậu quả để lại của vụ việc: 3 chiến sỹ công an bị nhóm người bắt giữ, đánh đập
đa chấn thương, được đưa đi cấp cứu điều trị tại Bệnh viện đa khoa huyện Nghi
Lộc. Tài sản trong nhà anh Đậu Văn Sơn, xã đội trưởng, hầu như bị hủy hoại hoàn
toàn, giá trị thiệt hại lên tới gần trăm triệu đồng.
Trò chuyện với phóng viên cũng như trong bản tường trình, Hải khai nhận: “Tôi đã
thấy hành vi hô hào ‘Đập chết cha hắn đi’ là sai. Vì tôi là người hô hào, kích
động nhân dân. Trước đây tôi suy nghĩ chưa chín chắn nhưng bây giờ, tôi thấy
việc tôi bị khởi tố và bị bắt tạm giam về tội gây rối trật tự công cộng là hoàn
toàn đúng. Tôi mong được pháp luật giảm nhẹ hình phạt và khoan hồng cho tôi.”
Nguyễn Văn Hải cũng nhắn nhủ đến vợ con ở nhà chăm lo làm ăn, học hành, không
được tham gia gây rối, vi phạm pháp luật, ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình.
Bị can Ngô Văn Khởi khai: “Tôi thấy một nhóm người, chừng trên mười người chi đó
ở đường 534. Tôi thấy đông như vậy thì có chuyện chi xảy ra. Tôi có chạy xe đi
ra. Vừa lúc đó, có một nhóm đang đập một người. Họ hỏi người đó: ‘Ông là ai?’
Người đó bảo: ‘Tôi là người đi lễ’. Họ nói không phải. Sau đó họ đập ông ta. Tôi
có hô là ‘Đập đi, đập đi! Đập đi, đập đi’. Sau họ đập ông ta.”
Thừa nhận câu nói “Đập đi, đập đi” đã kích động người dân hành hung cán bộ,
chiến sỹ công an, Ngô Văn Khởi viết trong bản tự khai: “Qua việc làm của tôi là
sai pháp luật. Nếu được cơ quan pháp luật và cơ quan điều tra cho phép tại
ngoại. Tôi xin tuân thủ theo luật pháp…”
Ngô Văn Khởi nói: “Tôi xin nhắn nhủ
với vợ con đừng có gây rối. Đừng gây áp lực với chính quyền, không nghe lời xúi
giục.”
Theo Cơ quan điều tra, kết quả giám định thương tật đối với 3 chiến sỹ công an
trong buổi tối 23/5 là 20% sức khỏe. Mặc dù đã giới thiệu là công an, quen mặt
nhiều người trong số đó nhưng cả 3 chiến sỹ công an vẫn bị hành hung bị thương.
Tổng giá trị thiệt hại về tài sản của riêng gia đình xã đội trưởng Đậu Văn Sơn
đã lên đến hơn 94 triệu đồng. Hành vi của họ mang tính dã man đến mức đốt cháy
cả gà đang sống; phá nát tài sản, đồ vật trong gia đình, thiêu hủy toàn bộ một
xe máy, đập hỏng 1 xe máy khác, đạp đổ tivi, đập phá bàn ghế, đồ đạc…
Nặng nề hơn, ngoài những thiệt hại về tài sản, sau vụ việc, vợ và con gái nhỏ 4
tuổi của anh Đậu Văn Sơn bị chấn thương tâm lý nặng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến
sức khỏe và tinh thần.
Có thể nhìn nhận rõ ràng, sự việc diễn ra tối 22/5 có dấu hiệu 4 tội danh được
quy định trong Bộ luật Hình sự gồm "Gây rối trật tự công cộng”; "Bắt giữ người
trái pháp luật”, "Cố ý gây thương tích” và "Cố ý hủy hoại tài sản công dân.”
Việc cơ quan Cảnh sát điều tra khởi tố bị can đối với Khởi và Hải về tội "Gây
rối trật tự công cộng” theo quy định tại Điều 245 Bộ luật Hình sự là hoàn toàn
có căn cứ pháp lý. Trên thực tế, quá trình điều tra và bản thân hai bị can cũng
đã nhận tội, xin hưởng lượng khoan hồng của pháp luật.
Với đầy đủ chứng cứ, tường trình của nạn nhân, biên bản khám nghiệm hiện trường,
xác nhận của người làm chứng, lời khai nhận tội của bị can, các quyết định phê
chuẩn của Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp, phải khẳng định rằng, toàn bộ tiến
trình tố tụng từ khởi tố, điều tra, bắt tạm giam Khởi và Hải của Cơ quan Cánh
sát điều tra Công an tỉnh Nghệ An là hoàn toàn tuân thủ quy định của pháp luật
tố tụng hình sự. Các trường hợp bắt tạm giam này đều được Viện Kiểm sát nhân dân
tỉnh Nghệ An phê chuẩn trong các Quyết định số 24 và 25/QĐ-VKS-P1A ngày
6/6/2013.
Khoan hồng cho những người ăn năn, hối cải
Căn cứ vào kết quả điều tra, chiều 7/9/2013, Cơ quan cảnh sát điều tra Công
an tỉnh Nghệ An đã công bố các quyết định khởi tố vụ án hình sự về các sự việc
xảy ra tại Nghi Phương, huyện Nghi Lộc trong các ngày 30/8/2013, 3 và 4/9/2013
vừa qua với các tội danh gây rối trật tự công cộng, giữ người trái pháp luật và
chống người thi hành công vụ.
Với tinh thần thượng tôn pháp luật, thời gian tới, Cơ quan điều tra sẽ tiếp tục
điều tra, làm rõ và về cơ bản đã tập trung đủ chứng cứ, sàng lọc, định danh được
các đối tượng tích cực thực hiện hành vi phạm tội để xử lý theo quy định của
pháp luật.
Nhưng, với mục đích giáo dục, thực hiện chính sách nhân đạo của Đảng, Nhà nước
nhằm sớm ổn định đời sống, sản xuất, lao động của bà con nhân dân trên địa bàn
Nghi Phương, Cơ quan điều tra sẽ tổ chức các đợt vận động, thuyết phục ngay tại
trụ sở Ủy ban Nhân dân xã Nghi Phương để các đối tượng khác tự giác lên đầu thú,
khai báo để được hưởng lượng khoan hồng của pháp luật.
“Tất cả những người lên đầu thú, thành khẩn nhận thức hành vi vi phạm pháp luật
sẽ được cho về. Đối với những đối tượng tích cực thực hiện hành vi vi phạm pháp
luật, ngoan cố không ra đầu thú, Cơ quan Công an sẽ kiên quyết điều tra, làm rõ
và khởi tố, bắt tạm giam để xử lý theo quy định của pháp luật," Đại tá Nguyễn
Hữu Cầu cho biết.
Cần thấy rõ rằng, toàn bộ những hành vi vi phạm pháp luật trong các ngày 22/5,
30/8, mùng 3 và mùng 4/9 vừa qua tại xã Nghi Phương đều đã được cơ quan điều tra
xác minh, làm rõ và đang tiến hành các thủ tục theo quy định của pháp luật. Việc
tiến hành các thủ tục, quy trình tố tụng của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an
tỉnh Nghệ An đều dựa trên quy định của pháp luật tố tụng hình sự, đảm bảo đúng
người, đúng tội, đúng pháp luật.
Hành vi vi phạm pháp luật tại xã Nghi Phương là đặc biệt nghiêm trọng, bởi số
đối tượng quá khích nhiều lần bao vây trụ sở chính quyền xã; bắt giữ, khống chế
cán bộ; tấn công lực lượng bảo vệ; cản trở và làm ảnh hưởng đến hoạt động bình
thường của bộ máy chính quyền nhân dân địa phương, gây phức tạp an ninh trật tự,
đi ngược lại chủ trương xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc của Nhà nước và chủ
trương, truyền thống sống tốt đời, đẹp đạo của Giáo hội Công giáo. Hậu quả của
những vụ việc đáng tiếc này là sức khỏe bị giảm sút, tài sản bị thiệt hại, trật
tự, an toàn xã hội bị xáo trộn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc triển khai các
kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của địa phương nhằm nâng cao đời sống người
dân.
Bài học rút ra từ sự kiện Nghi Phương, từ Nguyễn Văn Hải và Ngô Văn Khởi là mỗi
người dân cần tự trang bị cho mình kiến thức pháp luật, tin tưởng vào chủ trương
của Đảng, chính sách của Nhà nước, gìn giữ và không ngừng phát huy khối đại đoàn
kết toàn dân tộc; kiên quyết không nghe theo những kẻ kích động, lôi kéo để
tránh gây ra những hậu quả không đáng có, để không phải chịu trách nhiệm về
những hành vi vi phạm pháp luật do mình gây nên./.
Nhóm phóng viên (TTXVN)