(TCTG) - Hè đã về cùng tiếng ve râm ran, cùng hoa phượng đỏ rực và bằng lăng tím ngát. Đây cũng là thời điểm các đơn vị nghệ thuật và các bảo tàng tất bật chuẩn bị các chương trình để vui cùng bé khi hè về.
Liên hoan sân khấu thiếu nhi quốc tế lần đầu tiên
Những ngày này, tại Nhà hát Lớn, Nhà hát Tuổi Trẻ, Cung Văn hoá - Thể thao Thanh niên, Cung Thiếu nhi đang diễn ra Liên hoan sân khấu thiếu nhi quốc tế lần đầu tiên. Hơn 100 nghệ sĩ trong nước và quốc tế (Nhật Bản, Lào, Thụy Điển) sẽ tham gia liên hoan này. Liên hoan do Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch, cùng Hội Nghệ sĩ Sân khấu VN tổ chức, khai mạc tối 24.5 tại Nhà hát Lớn HN. Đặc biệt, sáng 29/5, các nghệ sĩ biểu diễn sẽ giao lưu với trẻ em Bệnh viện Nhi Trung ương- Hà Nội.
Viêtn Nam có 4 tác phẩm dự liên hoan: Nàng hến (Nhà hát Múa rối Thăng Long); Ngày hội múa rối (Nhà hát Múa rối VN); chương trình ca nhạc kịch tạp kỹ Ngôi nhà của bé (Nhà hát Tuổi Trẻ) và “Hoa hồng đỏ” (Nhà hát Múa rối Hải Phòng). Các nghệ sĩ quốc tế sẽ trình diễn các vở kịch: Mơ, mơ, đừng có mơ (Nhà hát Nakama, Nhật Bản); Ông nội và chiếc đàn Harmonica trong mơ (Nhà hát Kịch câm Pantomimteatern, Thụy Điển) và 2 vở rối Những giấc mơ của ông bà, Hậu quả của sự biến đổi khí hậu (Nhà hát Múa rối Kabông, CHDCND Lào).
Liên hoan sân khấu thiếu nhi quốc tế lần đầu tiên, như NSND Lê Hùng - Giám đốc Nhà hát Tuổi Trẻ, Phó trưởng Ban tổ chức cho biết, sẽ là cơ hội quý cho người làm nghề trong nước có cái nhìn phong phú, rộng mở hơn về các loại hình nghệ thuật dành cho thiếu nhi. Còn ôngg Vương Duy Biên - Phó Cục trưởng Phụ trách Cục Nghệ thuật Biểu diễn - Trưởng ban tổ chức Liên hoan sân khấu thiếu nhi quốc tế thì nhấn mạnh: Tiêu chí lựa chọn tham gia Liên hoan chính là tính hấp dẫn của chương trình. Các chương trình được lựa chọn vào liên hoan đều là các tiết mục đặc sắc của từng đơn vị. Chúng tôi muốn qua các đơn vị nghệ thuật của ta sẽ có dịp được xem và học hỏi kinh nghiệm dàn dựng chương trình nghệ thuật thiếu nhi qua các chương trình tham gia Liên hoan của đồng nghiệp quốc tế và của đồng nghiệp Việt Nam, từ đó tìm ra những hướng đi và phát triển riêng cho sân khấu thiếu nhi. Liên hoan dự kiến sẽ được tổ chức hằng năm tại VN.
Ngoài chương trình tham gia Liên hoan, Nhà hát Múa rối Việt Nam còn dàn dựng chương trình rối cạn Ngôi nhà của búp bê, biểu diễn tại nhà hát ở diễn lưu động từ 11/5 đến nay đã hơn 100 suất. Chương trình dự kiến diễn qua 1/6.
Xiếc tìm khán giả "nhí"
Năm nay, Liên đoàn Xiếc Việt Nam đã xây dựng chương trình Xiếc hè và bắt đầu đưa vào biểu diễn với 2 chương trình để người xem lựa chọn: Chương trình thứ nhất là Cuộc chiến thành Bát đa- Câu chuyện kể về chàng A-li. Đây là câu chuyện về Alibaba và những tên cướp năm ngoái chúng tôi đã xây dựng, nhưng năm nay là phiên bản phần hai và được xây dựng phong phú hơn và chất liệu Xiếc nhiều hơn. Chương trình thứ hai là chương trình Ngũ hổ 2010 là chương trình xiếc truyền thống về hổ vì năm nay là năm Canh Dần. Mỗi chương trình dài khoảng 90 phút.
Ông Vũ Ngoạn Hợp- Giám đốc Liên đoàn Xiếc VN cho biết: Từ ngày 28/5 đến 1/6, tại Rạp Xiếc Trung ương ở Hà Nội, Liên đoàn liên tục có 5 buổi biểu diễn trong ngày, giá vé buổi tối là 60-70 nghìn, ngày là 40 nghìn đồng/ vé cho thiếu nhi (kể cả người lớn). Ngoài ra, bắt đầu từ ngày 20/5, liên đoàn còn đưa chương trình của đoàn Xiếc 2 diễn tất cả các huyện nội, ngoại thành Hà Nội và các tỉnh phía Bắc. Đặc biệt năm nay chúng tôi có một bạt lưu động, tổ chức phục vụ cho Festival Huế. Ngày 1/6, chúng tôi sẽ khai mạc chương trình vừa phục vụ Festival, vừa phục vụ cho hoạt động hè và Tết thiếu nhi cho trẻ em miền Trung và Huế. Vừa rồi chúng tôi có cuộc biểu diễn 2 tháng ở Đà Nẵng và nửa tháng tại Quảng Ngãi rất thành công và hy vọng lần này tại Huế cũng mang lại cho các em nhân dịp hè và Tết thiếu nhi và đặc biệt là khán giả tham dự Festival Huế sự thích thú. Các chương trình biểu diễn ở Hà Nội sau đó sẽ được đưa vào Quảng Bình, Hà Tĩnh, Vinh. Sau đó chúng tôi thay đổi chương trình khác, có thể là Thanh Hóa, Ninh Bình và Nam Định- Ông Vũ Ngoạn Hợp cho biết.
Từ ngày 23/5 đến 20/6, tại Rạp xiếc bạt ở công viên 23/9 (TPCHM), các khán giả "nhí" được thưởng thức vở kịch xiếc Bầy quỷ và viên ngọc thần của tác giả - đạo diễn Hoàng Duẩn. Vở này quy tụ nhiều gương mặt ca sĩ, nghệ sĩ tên tuổi: Ngọc Trinh, Quốc Thuận, Bảo Trí, Mai Dũng, Vũ Thanh, Tiến Luật, Thu Trang, Minh Trọng, Dũng Thịnh… vở diễn còn có sự tham gia của các ca sĩ Bảo Thy, Thanh Ngọc, Lương Bích Hữu, Ngoài ra là dàn diễn viên xiếc của đội xiếc Bầu Trời Xanh, diễn viên múa rối điêu luyện, các vũ đoàn, nhóm ca múa nhạc thiếu nhi. Đây là vở diễn đầu tiên kết hợp các loại hình nhạc – kịch – xiếc – rối, được rạp xiếc TP.HCM phối hợp với công ty truyền thông quốc tế Giờ Vàng dàn dựng công phu, nhằm mang lại một tác phẩm chất lượng dành tặng các em trong dịp hè và ngày Quốc tế thiếu nhi (diễn bốn suất trong ngày 1/6).
Bầy quỷ và viên ngọc thần kể một câu chuyện giàu màu sắc cổ tích: một lũ quỷ bóng đêm hành hạ dân làng, Điền và nhóm bạn chó vàng, cò trắng đi tìm ông Bụt nhờ giúp đỡ. Trên đường đi, cả nhóm đã gặp nhiều khó khăn, trở ngại. Nhóm bạn này đã giúp rắn biển chiến thắng cá sấu hung dữ. Rắn có viên ngọc thần mà không biết giúp đỡ người khác nên chưa thành rồng được. Khi hiểu ra điều này, rắn đã đưa viên ngọc quý cho Điền và các bạn đánh đuổi bọn quỷ bóng đêm. Sau đó, viên ngọc biến thành một cô gái xinh đẹp cất tiếng hát góp vui cho mọi người. Câu chuyện này được kể một cách khéo léo với nhiều chiêu thức mới lạ: diễn viên xiếc diễn kịch, diễn viên kịch trổ tài làm xiếc, những màn ảo thuật ngộ nghĩnh. Đặc biệt, đạo diễn chú trọng yếu tố tương tác với khán giả. Các bé đến xem vở diễn sẽ song hành cùng các nhân vật trên đường đi tìm bụt và góp phần sáng tạo vào câu chuyện.
Dựng vở cho thiếu nhi, yếu tố giáo dục cần đặt lên hàng đầu. Làm sao để các em vui cười thoải mái, nhưng tiếng cười phải có ý nghĩa giáo dục thẩm mỹ và giới tính, giúp các em hình thành nhân cách. Mùa hè này, các sân khấu đua nhau dựng vở phục vụ thiếu nhi. Đó là tín hiệu tốt, vì các em có nhiều chọn lựa để giải trí, giúp hình thành thói quen đi xem kịch khi lớn lên. Chỉ mong là mỗi khi xem xong một vở, các em cảm nhận được sự sảng khoái và có những nụ cười bổ ích - Đạo diễn Hoàng Duẩn nói.
Kết nối bè bạn
Đó là chương trình dành cho trẻ em nhân ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6 tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam trong 2 ngày 29/5 và 30/5/2010. Chương trình Kết nối bè bạn là một cơ hội cho trẻ em Việt Nam và trẻ em quốc tế ở Hà Nội tự giới thiệu về văn hoá của đất nước mình qua các hoạt động trình diễn trang phục, múa, hát, chơi nhạc cụ, hướng dẫn chơi trò chơi và làm đồ chơi. Các hoạt động này sẽ giúp các em thấy được sự đa dạng, tương đồng, khác nhau và hội nhập về văn hoá giữa các nước, giữa phương Đông và phương Tây, giữa truyền thống và hiện đại, đồng thời tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa các bạn trẻ của các quốc gia.
Sự đa dạng về văn hoá được thể hiện qua phần trình diễn trang phục truyền thống của Việt Nam, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Indonesia, Áo, Nga, qua những điệu múa, bài hát của Ấn Độ, Nga, Đức do thiếu nhi quốc tế và Việt Nam biểu diễn. Sự hội nhập giữa văn hoá Việt Nam và văn hoá phương Tây được thể hiện qua phần biểu diễn âm nhạc của đội trắc (bao gồm các nhạc cụ: trắc, mõ, chớp, trống) do các bạn nhỏ đến từ tỉnh Nam Định biểu diễn.
Sự tương đồng và khác biệt giữa các quốc gia được thể hiện qua một loạt các trò chơi dân gian như: Mèo đuổi chuột của Việt Nam và Đức; Thỏ đổi hang của Việt Nam và Những chú thỏ trong rừng của Nga; Bắn bi của Việt Nam và Hy lạp; Đập niêu của Việt Nam và Gõ nồi của Đức; Giấu vật của Việt Nam và Những chiếc khăn peo peo của Ý, Thả túi của Đức; Ô ăn quan của Việt Nam, Sungka của Philipin và §akon của Indonesia; Đi cà kheo của Việt Nam và Đi trên gáo dừa của Thái Lan; Nhảy lò cò của Việt Nam, Anh, Nhật Bản, Indonesia và Jordan, Kianọ của Việt Nam và Đôminô. Ngoài ra các bạn nhỏ sẽ được học chơi các trò chơi Tỏ mạ mằng, Kéo co của Việt Nam, Khỉ ôm cột của Thái Lan, Kho kho của Ấn Độ, Bóng vồ của Anh, Pháp, Bện sợi của Anh, Mặt cười, Chuồn chuồn tre của Nhật Bản, Ném gậy vào lọ của Hàn Quốc.
Đặc biệt các bạn nhỏ sẽ được học làm các đồ chơi dân gian Việt Nam như: tết lá thành hình chong chóng, châu chấu, bông hoa; tô vẽ mặt nạ, chuồn chuồn tre, con giống giấy bồi; cuộn giấy thành hình búp bê và các con vật; nặn tò he, hoa quả bằng bột; được học gấp giấy ôrigami của Nhật Bản.
Bên cạnh đó các bạn nhỏ sẽ được xem những bộ phim truyện cổ tích Việt Nam và thế giới chiếu trên màn ảnh rộng, qua “máy chiếu phim” thô sơ và cách kể chuyện dân gian của ông Nguyễn Văn Long hay cách kể truyện tranh Việt Nam và Nhật Bản. Các bạn nhỏ cũng sẽ được thử mặc những bộ trang phục của Việt Nam, Hàn Quốc, Nhật Bản, Indonesia và làm bookmark hình trang phục các dân tộc ở Việt Nam và các nước trên thế giới./.
- Thiên Hương -