Thứ Ba, 26/11/2024
Dân số, gia đình, trẻ em
Thứ Sáu, 12/2/2010 17:16'(GMT+7)

Công tác tuyên truyền DS/KHHGĐ trong tình hình mới ở Quảng Trị

Ảnh minh hoạ

Ảnh minh hoạ

Tính đến cuối năm 2008, tỷ suất sinh của tỉnh giảm còn dưới 15%o.( con số tương đương của cả nước là 17,2%0)(1). Tỷ lệ tăng dân số là 1,12% (cả nước là 1,21%)(2). Tỷ lệ các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại đạt trên 75%. (cả nước là 67,2%)(3). Theo kết quả sơ bộ của cuộc Tổng điều tra Dân số và Nhà ở năm 2009, quy mô dân số của Quảng Trị hiện có gần 60 vạn người, thấp hơn rất nhiều so với mục tiêu đề ra. Tỷ lệ người sinh con thứ 3 trở lên còn 23% (cả nước là 16,7%)(4). Toàn tỉnh đã có trên 350 làng đăng ký xây dựng "Làng không có người sinh con thứ ba trở lên". Chất lượng dân số ngày càng được cải thiện. Phân bổ dân cư ngày càng hợp lý hơn. Có được những kết quả đó, có nhiều nguyên nhân nhưng tăng cường công tác truyền thông nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi được các cấp, các ngành coi là quan trọng nhất.

Sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết, cùng với việc ban hành các văn bản thực hiện và Kế hoạch triển khai Nghị quyết, từ quan điểm "chỉ có nhận thức đúng mới có hành động đúng", tỉnh coi việc tuyên truyền, giới thiệu các văn bản của Đảng, Nhà nước về công tác DS/KHHGĐ là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu. Báo Quảng Trị, Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh và một số tờ tin của các sở, đoàn thể...đều đặn mở chuyên trang DS/KHHGĐ, chuyên mục Dân số và Phát triển tạo ra diễn đàn thu hút sự quan tâm, tham gia của xã hội. Cùng với công tác truyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng tỉnh đã đẩy mạnh công tác truyền thông về công tác DS/KHHGĐ trực tiếp đến các đối tượng. Theo đó, Chi cục DS/KHHGĐ, các địa phương đã phối hợp với Bộ đội Biên phòng tỉnh tuyên truyền cho nhân dân trên hai tuyến miền núi, biên giới và miền biển. Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh đã chỉ đạo các cấp hội tuyên truyền trong giới của mình; Liên đoàn Lao động tỉnh tuyên truyền trong cán bộ, công chức; Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh truyền thông nhanh trong đối tượng thanh, thiếu niên... Các Ban điều hành "Làng Văn hoá", "Làng không có người sinh con thứ ba trở lên" tuyên truyền đến các hộ gia đình; huy động các già làng, trưởng bản, tộc trưởng tuyên truyền chính sách DS/KHHGĐ cho dân bản và con cháu của mình...

Với các kênh thông tin đa dạng, phong phú và rộng khắp như thế đã góp phần nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi hướng tới mục tiêu "Mỗi gia đình chỉ có hai con".

Tuy nhiên từ thực tiễn địa phương, chúng tôi thấy trong công tác truyền thông DS/KHHGĐ có một số vấn đề cần quan tâm sau:

Thứ nhất, mặc dù đã có nhiều cố gắng, song việc truyền thông các quan điểm định hướng, các NQ của Đảng, Nhà nước và văn bản hướng dẫn của các ngành chức năng về công tác DS/KHHGĐ chưa đầy đủ đến các đối tượng cần tác động. Những năm qua, công tác truyền thông DS/KHHGĐ đã triển khai rất tốt đối với đối tượng trong độ tuổi sinh đẻ. Số đông những đối tượng này đã nhận thức rất rõ ý nghĩa sâu xa của "quy mô gia đình nhỏ". Không ít cặp vợ chồng chỉ sinh một con, dù đó là trai, hay gái, để có điều kiện nuôi dạy con cái tốt hơn.

Tuy nhiên, tình trạng sinh con thứ ba chỉ giảm rất chậm, cá biệt có vùng còn có chiều hướng tăng lên. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, nguyên nhân chính là do một số ông, bà, cha, mẹ, kể cả người có uy tín như tộc trưởng...còn mang nặng tư tưởng lạc hậu "trọng nam khinh nữ", quan niệm phải có con trai để "nối dõi tông đường"...đã thôi thúc, thậm chí gây sức ép đối với các cặp vợ chồng trẻ phải sinh cho đến khi có con trai. Ngoài ra, có một số cặp vợ chồng tuy đã gần hết tuổi sinh đẻ, con cái đã trưởng thành, có điều kiện kinh tế lại muốn sinh thêm một đứa để "vui cửa, vui nhà". Và một đối tượng rất cần truyền thông nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi sinh đẻ mà chúng ta chưa chú trọng đúng mức, đó là là người dân sống ở các vùng điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn, ngư dân các xã miền biển cần lao động nam giới để mưu sinh, giúp thêm cha mẹ trong phát triển kinh tế gia đình.

Thứ hai, nội dung truyền thông DS/KHHGĐ chưa sâu sát, thiết thực cụ thể với đối tượng cần truyền thông. Lâu nay, chương trình truyền thông DS/KHHGĐ hầu như chỉ làm một nội dung để tuyên truyền cho tất cả đối tượng. Trong lúc đó, các đối tượng trong xã hội có nhận thức, trình độ học vấn khác nhau, tập quán, thói quen, văn hóa, dân tộc khác nhau, trình độ tiếp nhận thông tin khác nhau do vậy hiệu quả tác động cũng khác nhau. Mặt khác, có một bộ phận người dân nhất là người dân ở vùng sâu, vùng xa rất ít có điều kiện để tiếp cận các phương tiện thông tin đại chúng như báo, đài...

Thứ ba, chế độ thù lao cho người làm công tác truyền thông: Ngoài cán bộ chuyên trách dân số cấp huyện, cấp tỉnh thì đối tượng làm công tác truyền thông trực tiếp chủ yếu dựa vào cán bộ chuyên trách DS/KHHGĐ ở xã và đội ngũ cộng tác viên thôn, bản, khu phố. Tuy nhiên, trong thực tế chế độ thù lao cho đối tượng này còn quá bất cập, có nơi không có điều kiện kinh phí để vận dụng khoản thù lao thì cũng chịu. Theo đó, chế độ cho cộng tác viên một tháng vào khoảng 50.000 đồng. Trong lúc đó, thì tiền xe thồ cho họ từ bản ra huyện để trực báo đã là 60.000 đồng (có vùng còn cao hơn thế). Đó là chưa kể đội ngũ chuyên trách DS/KHHGĐ luôn biến động, nhập, tách… dẫn đến tâm lý thiếu yên tâm và việc tích luỹ kinh nghiệm vì thế cũng mai một theo.

Từ thực tế đó, xin đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác truyền thông DS/KHHGĐ sau:

* Thời gian tới, công tác truyền thông với diện rộng cần tập trung mạnh mẽ vào các đối tượng "khó" tác động. Đó có thể là bố, mẹ, tộc trưởng và bản thân những đôi vợ chồng có con một bề, nhất là bề gái; những cặp vợ chồng đã gần hết tuổi sinh đẻ khi con cái đã trưởng thành, kinh tế khá giả muốn sinh thêm con. Những đối tượng ở các vùng có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn và vùng dân cư rất cần lao động nam. Với những đối tượng đó thì nội dung truyền thông cũng phải phù hợp, hướng trực tiếp vào tâm lý đối tượng. Đặc biệt, trước các năm "tốt" có nguy cơ sinh cao như Quý Mùi, Đinh Hợi và năm Nhâm Thìn sắp tới cần có chiến dịch truyền thông rầm rộ. Mặt khác, cần phải có chương trình truyền thông riêng cho đồng bào các dân tộc thiểu số bằng ngôn ngữ của họ, để họ hiểu thấu đáo lý và tình và hướng họ vào mục đích cần truyền thông.

Kết hợp chặt chẽ công tác truyền thông, dịch vụ KHHGĐ với các biện pháp về tổ chức. Những người không chấp hành chính sách DS/KHHGĐ phải được xử lý bằng biện pháp tổ chức theo Quy định 94-QĐ-TW của Bộ Chính trị và Hướng dẫn số 11-HD/UBKT TW của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm và các quy chế, hương ước trong các làng, xã, cụm dân cư, tổ dân phố… Và cuối cùng là phải có chính sách thoả đáng cho người làm công tác truyền thông.

Thực tế làm công tác DS/KHHGĐ đã cho chúng ta bài học: Công tác DS-KHHGĐ chỉ thành công và thật sự vững chắc khi mỗi cá nhân, gia đình chủ động tự nguyện, đặt lợi ích cá nhân, gia đình trong lợi ích của toàn xã hội bằng việc thực hiện gia đình ít con, ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc. Điều này, đồng nghĩa với việc phải làm thật tốt công tác tuyên truyền các vấn đề DS/KHHGĐ./.

Nguyễn Trí Ánh, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Quiảng Trị
----------------------
(1) (2) (3) (4) Các chỉ số so sánh dựa vào Tài liệu của Ban chỉ đạo TW sơ kết NQ 47- BCT và nguồn Báo cáo 164-BC/BTGTW, ngày 11-3-2009 của Ban Tuyên giáo Trung ương. Số liệu trích dẫn là của năm 2007.

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất