Nhiều người cho rằng, trong thời đại ngày nay, nền tảng gia đình đang bị "lung lay", gia đình đang mất đi những giá trị tốt đẹp của mình; con người quá coi trọng đồng tiền và đề cao vai trò cá nhân nên mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình trở nên hình thức, lỏng lẻo, thậm chí bị xem nhẹ... Phải chăng các giá trị gia đình truyền thống đang dần phai nhạt?
Yêu thương - giá trị cốt lõi của gia đình
Có một câu châm ngôn, đại ý, càng ngày chúng ta càng có những ngôi nhà lớn hơn nhưng gia đình lại mỗi ngày một nhỏ đi. Thực tế cũng cho thấy, cuộc sống của con người ngày càng nhiều tiện dụng hơn nhưng thời gian dành cho gia đình lại ít đi. Dường như tác động của quá trình hội nhập, của cuộc sống công nghiệp hóa, hiện đại hóa là nguyên nhân khiến nhiều giá trị truyền thống bị mai một. Cơ hội học tập, có việc làm, thu nhập của các thành viên trong xã hội tăng lên đã làm thời gian của các thành viên trong gia đình dành cho nhau trở nên eo hẹp, mối quan hệ trong gia đình lỏng lẻo…
Theo một khảo sát của Viện nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE) thực hiện vào tháng 5 và đầu tháng 6 vừa qua, trong các áp lực liên quan đến gia đình, khó khăn của việc kiếm tiền nuôi con và cân bằng giữa cuộc sống gia đình và công việc là hai khó khăn chủ yếu, chiếm đến gần 80% những áp lực lên cuộc sống gia đình người Việt. Trong các vấn đề tiêu cực của gia đình thì xung đột, bất hòa giữa các thành viên trong gia đình là 27,5%; ngoại tình chiếm 16%, ngoài ra còn có những vấn đề khác như gia đình có người nợ quá khả năng chi trả, có người thất nghiệp…
Tuy nhiên, vẫn có gần 60% số người được hỏi tìm thấy cảm giác bình yên khi sống cùng gia đình và 74,5% mong muốn các thành viên trong gia đình yêu thương nhau dựa trên sự thấu hiểu và sẻ chia. Dường như, sự yêu thương và sẻ chia là giá trị cốt lõi và bất biến cần phải có trong các gia đình, cùng với các giá trị khác như: Kính trên nhường dưới, tình nghĩa thủy chung, sống có trách nhiệm, anh em hòa thuận...
Ông Vương Duy Biên, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cho rằng: “Gia đình hiện nay chịu nhiều áp lực. Gia đình truyền thống đang bị phai nhạt đi nhưng giá trị gia đình không mất đi. Văn hóa gia đình vẫn là gốc của xã hội. Giáo dục đầu tiên là giáo dục từ gia đình, giáo dục trong gia đình. Các hoạt động tôn vinh gia đình mà chúng ta đang tiến hành chính là một cách góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa của Việt Nam”.
Với tư cách là một người nghiên cứu và làm công tác gia đình lâu năm, ông Hoa Hữu Vân, Phó vụ trưởng Vụ Gia đình (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) nhận định: “Trải qua trường kỳ về thời gian, gia đình Việt Nam vẫn là thiết chế bền vững. Giá trị cốt lõi của gia đình Việt Nam vẫn được trân trọng, thực hành và phát huy trong nhiều gia đình Việt”. Đồng tình với quan điểm này, giảng viên Nguyễn Hồng Mai (Trường Đại học Văn hóa Hà Nội) cho rằng: Thực tế ở nhiều quốc gia cũng cho thấy, ý nghĩa thực tiễn của gia đình đang dần giảm. Có những chức năng không còn là bắt buộc trong mỗi gia đình như kinh tế, sinh sản, chăm sóc, nuôi dưỡng… Nhưng ở bất cứ nơi đâu, bất cứ gia đình nào, chức năng thỏa mãn nhu cầu tâm lý, tình cảm là chức năng mà không một thiết chế nào có thể gánh bớt được. Rõ ràng sự yêu thương, san sẻ là cứu cánh, chất kết dính để gia đình Việt tồn tại và bền vững trong cả trước đây, hiện nay và mai sau.
Đề cao giáo dục trong gia đình
Giáo dục trong gia đình là vấn đề quan trọng trong nỗ lực xây dựng gia đình bền vững. Tuy nhiên, hiện nay việc giáo dục đạo đức trong gia đình bị xem nhẹ. Thực trạng nhiều trẻ em ngày nay có lối sống thực dụng, ích kỷ cá nhân, giả dối, sính ngoại, thích hưởng thụ, coi thường tình cảm gia đình, xem nhẹ các giá trị truyền thống… đã rung những hồi chuông báo động tới toàn xã hội.
Chị Lưu Thị Lịch (Viện Nghiên cứu con người, Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) chia sẻ một thực trạng: Hiện nay ở cả thành thị và nông thôn, có nhiều gia đình nhìn bề ngoài có vẻ là những gia đình truyền thống đa chức năng. Nhưng bên trong thực chất chỉ có những đứa con ở nhà. Cha mẹ các em vì mưu sinh, vì cuộc sống gần như thường xuyên vắng mặt trong ngôi nhà của mình. Với trẻ em mà cha mẹ không có điều kiện đã đành, nhiều gia đình khá giả nhưng cha mẹ vì mải mê kiếm tiền, tranh đấu địa vị nên phần lớn thời gian ở nhà của các em là với người giúp việc. Trách nhiệm giáo dục trẻ em được cha mẹ đẩy hết cho xã hội và nhà trường.
Giảng viên Nguyễn Hồng Mai cũng băn khoăn về mối tương quan giữa cha mẹ và con thay đổi so với gia đình truyền thống. Ngày xưa, quyền uy thuộc về bố mẹ, trách nhiệm là của con. Bố mẹ dạy bảo con phải nghe, bố mẹ có quyền đánh, mắng nếu con không nghe lời… Nhưng ngày nay, số con trong mỗi gia đình rất ít, điều kiện kinh tế gia đình khá hơn nên dường như có sự hoán đổi. Thậm chí, nhiều người khi đẻ con ra đã nghĩ con mình là thiên thần, giỏi giang, nổi trội nên lại càng cưng chiều con. Trước kia, cha mẹ giáo dục con chi tiết, tỉ mỉ, từ “học ăn, học nói, học gói, học mở” đến cư xử, trách nhiệm với cha mẹ, anh em, họ hàng, làng xóm… Vậy mà, có nhiều gia đình bây giờ, con chỉ cần đem những “điểm 10” về là đã coi như mãn nguyện với con rồi. Một vấn đề khác mà nhiều người quan tâm nữa là, việc dạy dỗ của cha mẹ với con thời nay rất khó khăn. Chẳng hạn, trong thực hiện quyền trẻ em theo quy định của Hiến chương Liên hợp quốc. Bấy lâu nay, chúng ta tập trung nói nhiều đến quyền mà ít nhắc tới bổn phận của trẻ em, vô hình trung tạo ra những nhìn nhận thiếu đầy đủ trong cách cư xử, dạy dỗ trẻ. Bên cạnh những chuẩn mực đã thay đổi, nhiều cảnh huống thực tế trong xã hội như lợi dụng, lừa đảo… cũng là trở ngại trong việc giáo dục của cha mẹ với con cái.
Trước những thực tế đó, việc giáo dục nhân cách, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình trở nên quan trọng và khẩn thiết bên cạnh truyền dạy kiến thức cho trẻ em. Ông Hoa Hữu Vân cho rằng: “Chính sách trong tương lai là tập trung cho giáo dục gia đình. Điều này được thể hiện đặc biệt trong Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Chủ đề Xây dựng nhân cách người Việt Nam từ giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình sẽ là chủ đề xuyên suốt của Ngày Gia đình Việt Nam ít nhất là đến năm 2020. Dự kiến, trong quý IV-2015, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ trình Chính phủ ban hành đề án quốc gia giáo dục đời sống gia đình. Trong đó, tập trung xây dựng đạo đức làm người, sống trung thực, tôn trọng, yêu thương được đề cao”. Bên cạnh các chính sách của Nhà nước, hình thức thể hiện các giá trị truyền thống không hoàn toàn giống với trước kia. Vì thế, ông Phó vụ trưởng Vụ Gia đình cũng như nhiều chuyên gia trong lĩnh vực này đều đồng tình cho rằng, “các bậc cha mẹ ngày nay không thể quan tâm, dạy dỗ con theo kiểu dập khuôn mà cần linh hoạt thay đổi và có trang bị những kỹ năng, phương pháp theo hướng tích cực, phù hợp”.
Theo TTXVN