Chủ Nhật, 6/10/2024
Cuộc sống số
Thứ Tư, 1/10/2008 6:59'(GMT+7)

Website cho người khuyết tật

Bà Võ Thị Hoàng Yến.

Bà Võ Thị Hoàng Yến.

Bà Võ Thị Hoàng Yến, người sáng lập và là giám đốc chương trình Khuyết Tật và Phát Triển (DRD) thuộc ĐH Mở TP.HCM nói: “Tôi đã vui biết bao khi website dành cho người khuyết tật (NKT) ra đời. Vậy mà website mới chỉ hoạt động được 2 tháng thì toàn bộ dữ liệu bị mất. Tôi lo lắng đến mất ăn mất ngủ. Tôi chỉ muốn làm một điều gì đó cho NKT...". "Bây giờ, website đã hoạt động trở lại, tôi mừng lắm!", bà Yến nói.

Bà Yến tâm sự: "Tôi rất buồn vì không tìm được nguyên nhân. Trong website bị mất có bao nhiêu công sức của những tình nguyện viên dành cho NKT và cả công sức của chính NKT... Nhiều NKT đã rất vui khi biết có một website dành cho họ làm chỗ dựa tinh thần và nơi trao đổi thông tin, tìm kiếm các cơ hội. Khi website ngừng hoạt động, họ đã gọi điện về cho DRD để hỏi. Họ bị hụt hẫng... Tôi quyết định phải sớm đưa website www.drdvietnam.com hoạt động trở lại: xây dựng lại từ đầu".

Nhu cầu thông tin của NKT

Bà Yến cho biết: "Bản thân tôi cũng là NKT, từng sống trong cảnh thiếu thốn thông tin. Khi cần tìm kiếm tài liệu để nghiên cứu và ngay cả sau này cho công việc cũng đều gặp khó khăn và vất vả, bởi việc đi lại của NKT không dễ dàng. "Tốt nghiệp ĐH, tôi giành được một suất học bổng toàn phần, ngành “Phát triển con người”, tại ĐH Kansas của Mỹ do quỹ Ford tổ chức. Ở Mỹ, tôi học được nhiều điều thú vị từ chính những người đồng cảnh ngộ. Tôi thấy, NKT ở Mỹ được học tập và phát triển dễ dàng do nguồn tài liệu rất phong phú. Tại sao mình không làm điều đó cho NKT ở quê hương mình?! Và, ý tưởng về một website cho NKT Việt Nam đã thôi thúc tôi”, bà Yến kể.

Mặc dù cũng có các lời mời làm việc tại Mỹ, bà Yến đã về nước và bắt tay vào công việc, đầu tiên là viết dự án để DRD ra đời (cuối năm 2005) cùng với website về NKT. Lúc này website chưa có nhiều thông tin. Trang web của DRD chỉ là một trang web chuyên về NKT nhưng chưa tạo được sự tiếp cận cho NKT các dạng như: khiếm thính, nhìn kém, khiếm thị hoàn toàn, người bị loạn sắc... Người khiếm thính là đối tượng phục vụ khó nhất, vì hầu hết họ không biết chữ nên không thể tiếp cận được với thông tin. Người bị loạn sắc và người khiếm thị hoàn toàn nếu không có công cụ hỗ trợ cũng không thể vào website cập nhật thông tin. Trang web đầu tiên này được thực hiện bởi một nhóm tình nguyện viên Việt Nam. Bà Yến muốn có thêm một mạng xã hội dưới dạng từng đề mục như một thư viện, được tích hợp những tính năng hỗ trợ nhằm giúp người khuyết tật dễ dàng tiếp cận.

Phục vụ mọi dạng khuyết tật

Qua Internet, bà Yến liên lạc với chương trình Đại Sứ Trẻ Úc (Australia Youth Ambassador Program), một chương trình gửi các tình nguyện viên chuyên nghiệp đến giúp các địa phương thực hiện các hoạt động phục vụ cộng đồng, nhờ họ giúp thực hiện website thư viện điện tử. Lúc đó, DRD đã hoạt động được hơn 1 năm, đã chứng tỏ có ích cho cộng đồng NKT. Do đó, khi bà liên lạc với người phụ trách chương trình Đại Sứ Trẻ Úc thì được họ đồng ý ngay. Song, dù là người đang cần sự giúp đỡ nhưng bà vẫn đặt ra các yêu cầu cao như: tình nguyện viên phải chuyên nghiệp và giỏi về web, có nhiều năm kinh nghiệm, đã từng làm việc với NKT để hiểu được những khó khăn của NKT. Chấp nhận yêu cầu của bà,  chương trình Đại Sứ Trẻ Úc đã giới thiệu anh Peter Gammie.

Sang Việt Nam, Peter Gammie mất 1 năm làm quen với hoạt động của DRD và tiếp cận với NKT để nắm bắt những nhu cầu của họ và những gì cần hỗ trợ. Sau đó, Peter Gammie đề nghị được phối hợp với 1 tình nguyện viên của Việt Nam để sau khi xây dựng xong thư viện, tình nguyện viên này sẽ tiếp tục công việc. Website có tên miền: www.drdvietnam.com đã ra đời.

Nhân viên DRD đang làm việc với website.

Đến với thư viện này, NKT, người thân của NKT, sinh viên các ngành khoa học xã hội, các nhà nghiên cứu, các tổ chức xã hội... đều có thể truy cập và tìm kiếm thông tin. Thông tin ở đây liên quan đến lĩnh vực của người khuyết tật: luật, chính sách xã hội, nghiên cứu, tiến bộ khoa học, gương người khuyết tật, học bổng, việc làm, diễn đàn, hoạt động của DRD và các tổ chức khuyết tật khác ...

Người khiếm thị hoàn toàn, người nhìn kém, người loạn sắc, người có góc nhìn hẹp... đều tiếp cận được trang web này. Người khiếm thính, có phần mềm JAWS hỗ trợ đọc. Người kém mắt, loạn sắc khi đọc có thể phóng to màn hình, co chữ, nhiều màu sắc. Người câm điếc là đối tượng phục vụ khó nhất, họ biết lướt web nhưng không biết chữ! Họ có thể xem các đoạn video... Thư viện đã có phiên bản tiếng Anh nhưng còn ít thông tin. Thông tin tiếng Việt trên website phong phú, có đến 1.000 đầu sách, tài liệu, đề tài nghiên cứu...

Cần sự chung tay của cộng đồng

Bà Yến cho biết, khi mới ra mắt website, số lượng truy cập vào bình quân trên 800 lượt/ngày. Tuy nhiên, số lượt truy cập này chủ yếu là ở những thành phố lớn. Ở những thành phố nhỏ, số lượt truy cập rất ít. Đặc biệt là những vùng sâu vùng xa...thì hầu như không có.

Một thực tế là, số người NKT biết chữ không nhiều và số người biết Internet lại càng ít hơn. Do đó, việc tiếp cận với NKT để hỗ trợ họ là rất khó khăn. Bà Yến mong rằng, các tổ chức, cá nhân sẽ chung tay cùng DRD để hỗ trợ NKT về: thông tin, vật chất cũng như tinh thần... Mong rằng, website: www.drdvietnam.com sẽ được vận hành trôi chảy, sống mãi với NKT, làm cầu nối tốt cho các nhà hảo tâm với NKT, cho NKT với NKT và cho NKT với xã hội... Thông qua website này, NKT cũng có thể cùng nhau vượt lên số phận, rũ bỏ mặc cảm và chia sẻ...
(Theo The Gioi Vi Tinh)

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất